Bảo tồn và quản lý đất ngập nước – Bài 1: Chức năng và giá trị của đất ngập nước

Nhiều vùng đất ngập nước bị thu hẹp, suy thoái, ô nhiễm, không bền vững và khai thác không hiệu quả, đòi hỏi phải bảo tồn hiệu quả và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước theo hướng lồng ghép các vấn đề về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước vào các chính sách phát triển ngành, lĩnh vực và các địa phương.

TTXVN giới thiệu chùm 4 bài về chủ đề này. 

Chú thích ảnh
Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp sở hữu một khu rừng đặc dụng với các cảnh quan tiêu biểu, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Những chức năng quan trọng

Với tổng diện tích khoảng gần 12 triệu ha, chiếm 37% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có hơn 7,3 triệu ha canh tác nông nghiệp, do vậy các vùng đất ngập nước của Việt Nam là đối tượng phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế và các địa phương. Nhiều vùng đất ngập nước từ bao đời nay là nơi cư trú, tạo dựng nền văn minh cho người Việt, đặc biệt là nền văn minh “lúa nước”. Các hệ sinh thái đất ngập nước có 4 giá trị cơ bản, đó là cung cấp tài nguyên, điều hòa môi trường, hỗ trợ chống lại các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, dịch vụ văn hóa.

Theo Luật Đa dạng sinh học năm 2008: “Đất ngập nước tự nhiên là vùng đầm lầy, than bùn hoặc vùng đất thường xuyên hay tạm thời, kể cả vùng biển có độ sâu không quá 6m khi ngấn nước thủy triều thấp nhất”. Như vậy, vùng đất ngập nước phải có mặt của nước, bất kể nguồn nước có từ đâu như nước mưa, nước do tuyết tan, trong ao hồ, đầm lầy, sông suối, kênh mương, cửa biển, vùng biển cạn hoặc nước ngầm, nước đọng trong đất, nước trong các thổ nhưỡng. Sự có mặt của nước có thể thường xuyên hay thay đổi theo mùa, thay đổi bất thường do tác động của thiên nhiên và con người.

Giáo sư Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Các vùng đất ngập nước của Việt Nam có nhiều chức năng quan trọng như nạp và tiết nước ngầm, cung cấp nước ngọt, điều hòa sinh thái và khí hậu, sản xuất sinh khối, hạn chế lũ lụt, chắn sóng và gió bão, chống xói lở và ổn định bờ biển. Đồng thời là nơi du lịch giải trí, duy trì hệ sinh thái. Tạo môi trường hoạt động cho nhiều ngành kinh tế như thủy sản, lâm nghiệp, giao thông vận tải, sản xuất năng lượng, du lịch, khai khoáng…

Riêng về chức năng ổn định bờ biển, chống xói lở và hạn chế sóng thần. Có thể nhận rõ nhờ có thảm thực vật, nhất là thảm thực vật rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô mà các vùng đất ngập nước ven bờ có chức năng bảo vệ bờ biển khỏi sự tác động của sóng, thủy triều, xói lở, sóng thần và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn tạo môi trường thuận lợi cho việc lắng đọng phù sa, góp phần ổn định và mở rộng bãi bồi. Các rạn san hô ngầm rộng lớn ven bờ giúp giảm cường độ sóng tác động đến bờ biển, các vùng ven đảo trong thời kỳ dông bão, sóng thần.

Tuy vậy, những năm gần đây diện tích các vùng đất ngập nước tự nhiên (rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển…) đang bị suy giảm nghiêm trọng, do các hoạt động khai hoang để làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy – hải sản. Do đó đường bờ biển liên tục bị biến động, chiều dài xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ không ngừng gia tăng tới mức báo động.

Các giá trị to lớn

Có thể khẳng định rằng, các vùng đất ngập nước luôn là nguồn sống của một bộ phận khá lớn của người dân Việt Nam, mang lại lợi ích và giá trị to lớn về kinh tế – xã hội – văn hóa – lịch sử – môi trường; đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Minh chứng sống động là trong những năm qua, những thành quả mà các vùng đất ngập nước mang lại có giá trị kinh tế lớn lao. Tiêu biểu là trong nông nghiệp, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới; kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD đứng vị trí tốp 10 ngành cả nước có kim ngạch xuất khẩu cao.