Bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu ngư Phan Thiết trước nguy cơ mai một
Lễ hội độc đáo trước nguy cơ mai một
Tín ngưỡng thờ cúng Cá Voi (Cá Ông) và lễ hội Cầu ngư là nét văn hóa đặc trưng từ lâu đời của cư dân vùng biển các tỉnh miền Trung và miền Nam. Ở Bình Thuận, tín ngưỡng này có lịch sử hình thành, tồn tại từ lâu đời. Trong số gần 30 ngôi lăng, vạn thờ Cá Voi ở Bình Thuận hiện nay, Thủy Tú là ngôi vạn được tạo lập sớm nhất (năm Nhâm Ngọ 1762), được coi là nơi thờ Thủy Tổ nghề biển của ngư dân Phan Thiết – Bình Thuận.
Từ khi tạo lập đến nay, vạn Thủy Tú là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp truyền thống của ngư dân Phan Thiết, hội tụ các yếu tố văn hóa dân gian đặc trưng vùng biển. Trong đó, lễ hội Cầu ngư thể hiện niềm tin, khát vọng của ngư dân về mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, sự bình an và may mắn khi đánh bắt hải sản trên biển. Theo tập tục có từ lâu đời, hàng năm tại vạn Thủy Tú diễn ra 4 kỳ tế lễ là: Lễ Tế Xuân – cầu ngư đầu mùa, Lễ Hạ nghệ – xuống vụ cá Nam, Lễ Tế Thu – cầu ngư chính mùa, Lễ Mãn mùa vụ cá Nam. Trong đó, Lễ Tế Thu là lễ hội chính của vạn Thủy Tú diễn ra hàng năm và định kỳ 3 năm đáo lệ tổ chức đại lễ một lần.
Tín ngưỡng thờ cúng Cá Voi và lễ hội Cầu ngư là nét văn hóa đặc trưng từ lâu đời tại Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vũ
Lễ hội Cầu ngư chính mùa tại vạn Thủy Tú được coi là sự kiện điểm nhấn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia. Đây là dịp để ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính với thần Nam Hải và cầu mong sự phù hộ để việc đánh bắt hải sản trên biển luôn bình an, may mắn và bội thu; cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, thắt chặt mối đoàn kết tương thân, tương ái trong lao động và cuộc sống.
Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, lễ hội Cầu ngư chính mùa ở vạn Thủy Tú đứng trước nguy cơ mai một dần, số lượng nhân dân và du khách đến tham gia, bái tế ngày càng suy giảm. Một số nghi lễ truyền thống quan trọng bị biến thể như: việc tổ chức đoàn thuyền ra khơi làm Lễ Nghinh rước Ông Sanh về vạn hưởng lễ không còn được duy trì như trước; Lễ Khai đàn chẩn tế còn diễn ra tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy, tranh giành lễ lộc hết sức nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng và mất đi những giá trị, nét đẹp văn hóa của lễ hội.
Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để tổ chức lễ hội Cầu ngư hàng năm còn hạn hẹp, chủ yếu vận động đóng góp trong nhân dân và các nhà hảo tâm nên việc tổ chức gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, lễ hội Cầu ngư chính mùa ở vạn Thủy Tú chỉ chú trọng tổ chức phần lễ. Phần hội với các làn điệu diễn xướng dân gian (chèo bả trạo, hô bài chòi, hát bội…), các trò chơi dân gian (thi gánh cá, đan lưới, bơi lội, kéo co, đua thuyền, lắc thúng…) gắn với tập tục truyền thống của ngư dân và dòng sông Cà Ty ít được quan tâm tổ chức, có xu hướng ngày càng mai một.
Những năm gần đây, lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú đứng trước nguy cơ mai một. Ảnh: Nguyên Vũ
Bảo tồn thông qua hoạt động du lịch
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết phục vụ phát triển du lịch”, nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của ngư dân vùng biển phục vụ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Theo đó, Bình Thuận tiếp tục duy trì các kỳ tế lễ diễn ra hàng năm tại vạn Thủy Tú theo tập tục truyền thống, đưa lễ hội Cầu ngư trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức thu hút du khách trong và ngoài nước. Lễ hội Cầu ngư chính mùa diễn ra trong tháng 6 Âm lịch sẽ gồm cả phần lễ và phần hội, với đầy đủ các nghi thức hành lễ theo tập tục truyền thống và phục hồi lại các làn điệu diễn xướng dân gian như chèo bả trạo, hát bội…; tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao truyền thống gắn với sông Cà Ty, cửa biển Cồn Chà để phục vụ phát triển du lịch.
Bên cạnh lễ hội Cầu ngư, di tích vạn Thủy Tú cũng là một công trình độc đáo, hấp dẫn khách tham quan. Quần thể kiến trúc vạn Thủy Tú được tạo dựng khá công phu bằng các vật liệu dân gian bấy giờ như: gỗ, gạch, đá, ống ghè và chất vữa được pha chế từ vôi, vỏ sò, cát, mật đường và nhựa thực vật để tạo nên chất kết dính. Trải qua hơn 250 năm tồn tại, vạn Thủy Tú vẫn bảo lưu được kiểu dáng, kết cấu kiến trúc và nét trang nghiêm, cổ kính. Vạn Thủy Tú còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có niên đại cổ xưa, 24 sắc phong của các đời vua Triều Nguyễn, lưu giữ và thờ phụng khoảng 100 bộ xương cá voi. Trong đó, bộ xương Cá Ông lớn nhất dài 22 m (lụy và trôi dạt vào vạn từ cuối thế kỷ 18) đã được phục chế hoàn chỉnh, trưng bày tại vạn Thủy Tú.
Bộ xương cá voi trưng bày tại vạn Thủy Tú (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Nguyên Vũ
Từ năm 2022 trở đi, thành phố Phan Thiết sẽ tổ chức lễ hội Cầu ngư chính mùa từ ngày 19 – 22 tháng 6 Âm lịch (đại lễ) hoặc từ ngày 19 – 21 tháng 6 Âm lịch (thông thường) với không gian lễ hội tại vạn Thủy Tú, các tuyến đường xung quanh vạn, cảng cá Phan Thiết, cửa Cồn Chà, Hòn Lao, sông Cà Ty. Trong đó, duy trì Lễ Nghinh Ông Sanh ngoài biển Hòn Lao về vạn Thủy Tú theo nghi thức truyền thống. Đoàn thuyền lễ gồm 2 thuyền của vạn Thủy Tú và thuyền của các làng chài, tiến ra vùng biển Hòn Lao thực hiện nghi lễ này. Đây sẽ là hoạt động chính mang tính điểm nhấn của lễ hội để hấp dẫn du khách.
Lễ hội Cầu ngư sẽ được thành phố Phan Thiết tổ chức trang trọng, độc đáo, hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, giao thông cho người dân và du khách đến tham quan, bái tế. Thành phố Phan Thiết sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đa dạng hóa nội dung hoạt động của phần hội; kết hợp với doanh nghiệp lữ hành đưa vào các chương trình du lịch để mời gọi du khách đến tham quan, trải nghiệm lễ hội Cầu ngư – một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của miền biển Bình Thuận./.