Bảo tàng Tôn Đức Thắng được xây mới – Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam
Sáng 12/10, bảo tàng Tôn Đức Thắng được khởi công xây mới. Công trình gồm 5 tầng, diện tích trưng bày lớn gấp 5 lần bảo tàng hiện hữu.
Khoác áo mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Bảo tàng Tôn Đức Thắng hiện có khoảng 16.000 tư liệu, hiện vật được lưu trữ, trong đó hơn 1.170 hiện vật gốc. Tuy nhiên, trải qua 32 năm hoạt động, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất: diện tích các phòng trưng bày nhỏ, hẹp, thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn trưng bày của bảo tàng, các khối công trình không liên hoàn, bị chia cắt bởi những dãy hành lang rộng…
Do đó, tích cực hưởng ứng năm 2020 – Năm đẩy mạnh các hoạt động thực hiện chủ đề về văn hóa, Thành ủy và UBND TP. HCM đã chỉ đạo khẩn trương xúc tiến đầu tư công trình trọng điểm Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, tôn vinh hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm chia sẻ: “Việc xây dựng bảo tàng là cần thiết và cấp bách để đảm bảo an toàn cho hiện vật, tư liệu“.
Phối cảnh bảo tàng Tôn Đức Thắng mới
Công trình mới đáp ứng trưng bày 5 chủ đề thường xuyên, các trưng bày ngắn hạn, các hoạt động trải nghiệm. Bảo tàng gồm một tầng hầm, 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn 8.500 m2, khi hoàn thành sẽ có đầy đủ các khu chức năng, không gian trưng bày, kho hiện vật, phòng xử lý kỹ thuật phim ảnh, không gian làm việc… Trong đó, diện tích trưng bày rộng 2.000 m2.
Việc xây mới bảo tàng với số tiền lớn: Có cần thiết hay không?
Với tổng kinh phí xây dựng gần 276 tỷ đồng, dư luận hiện phân thành hai luồng ý kiến chính: ủng hộ và không đồng tình quyết định xây mới Bảo tàng. Luồng ý kiến trái chiều cho rằng việc xây dựng bảo tàng trong bối cảnh hiện nay là không thực sự cần thiết.
Độc giả Pham Hung của Vnexpress bày tỏ: “Có nhất thiết phải to vậy không, bảo tàng bây giờ có thể dùng phòng trình chiếu sẽ tiết kiệm không gian, hiện vật. Nên kết hợp nhiều danh nhân, nhân vật vào cùng một bảo tàng thì vừa tiết kiệm mà vừa thu hút khách tham quan hơn“.
Một số ý kiến khác đồng quan điểm, cho rằng việc xây bảo tàng nên để sau này khi quy hoạch thành phố đã chuẩn và kinh tế đất nước đã sẵn sàng; Còn thời điểm vàng như bây giờ, việc cần làm là nắm bắt để thúc đẩy kinh tế. Nhiều người cũng bày tỏ quan ngại về bản phối Bảo tàng mới, cho rằng chưa có sự đột phá và chưa thật sự phù hợp.
Phát triển kinh tế cần song hành cùng việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Tuy nhiên, cũng có đa số người ủng hộ đã lên tiếng, chia sẻ về sự cần thiết của việc xây dựng bảo tàng hay chính là sự phát triển song hành cả về kinh tế và văn hóa của Sài Gòn. Độc giả với tài khoản Linh Linh Linh bày tỏ quan điểm: “Trong bối cảnh hiện nay, tại TP. HCM có quá nhiều công trình thương mại, giải trí được xây dựng, trong khi các công trình mang tính giáo dục thì chưa được đầu tư và quan tâm; hoặc có thì ở xa thành phố như địa đạo Củ Chi. Đồng thời nhu cầu của khách du lịch là việc tìm hiểu công trình kiến trúc và các nhân vật lịch sử tại TP. HCM. Do đó, tôn tạo công trình di tích, chỉnh trang tu sửa bảo tàng là việc hết sức cần thiết“.
Về ý kiến dùng phòng trình chiếu thay thế bảo tàng, Bạn Linh Linh Linh cho rằng: “Phòng trình chiếu là một phần trong bảo tàng chứ không thể thay thế các khu trưng bày. Người xưa nói: nói có sách, mách có chứng. Bảo tàng là một nơi mang tính giáo dục cao và hiệu quả, nên cần thiết phải chỉnh trang, tu sửa”.
Sau khi công trình hoàn thành, Sở Văn hóa – Thể thao sẽ tổ chức trưng bày chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sức hấp dẫn cho khách tham quan. Về kiến trúc tổng thể, công trình hài hòa, giản dị, phù hợp với triết lý nội dung của Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tạo được hình ảnh của bảo tàng trong TP. HCM về cả quy mô cũng như xu hướng phát triển, hội nhập trong tương lai.
Các ý kiến đồng quan điểm ủng hộ đều lên tiếng, hi vọng rằng Bảo tàng sẽ là nơi nhắc nhở con cháu đời đời về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của bậc tiền nhân để lại.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng thành lập năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Bảo tàng có nhiệm vụ trưng bày và lưu giữ những kỷ vật cũng như nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Qua đó nhằm mục đích là nơi giáo dục, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và là nơi tiến hành các nghi thức cúng bái với những dịp kỷ niệm, lễ về Tôn Đức Thắng.
Tổng hợp | Ban biên tập
XEM THÊM: