Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn – Cổng thông tin Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong rất ít bảo tàng còn “sống” thật sự với các hoạt động diễn ra thường xuyên. Từ lâu, đây là điểm đến hấp dẫn của người dân cả nước và đông đảo du khách quốc tế.   Bảo tàng dân tộc học Việt Nam – […]

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong rất ít bảo tàng còn “sống” thật sự với các hoạt động diễn ra thường xuyên. Từ lâu, đây là điểm đến hấp dẫn của người dân cả nước và đông đảo du khách quốc tế.

 1

Bảo tàng dân tộc học Việt Nam – Điểm đến hấp dẫn

 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/1997, với khuôn viên rộng 4ha, nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (dân tộc Tày) và nữ kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus, gồm ba khu vực trưng bày chính: Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á.

Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng có diện tích 2.500m² gồm 2 tầng, được chia làm chín chủ đề: Giới thiệu chung; nhóm ngôn ngữ Việt – Mường; nhóm Thái – Kadai; nhóm Mông – Dao; nhóm Hán – Tạng; nhóm Môn – Khmer; nhóm Nam Đảo; các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer và giao lưu, hội nhập giữa các dân tộc.

Khu trưng bày ngoài trời giới thiệu những phong cách kiến trúc nhà ở đặc trưng của các dân tộc Việt Nam (nhà dài Ê-Đê, nhà sàn Tày, nhà mái lợp gỗ pơ-mu của người Mông, nhà lợp ngói của người Kinh, nhà mồ Gia-Rai, nhà rông của người Ba-Na, nhà đất trình tường của người Hà Nhì…).

Khu trưng bày Đông Nam Á được dành để giới thiệu khái quát bức tranh văn hóa phong phú của các dân tộc Đông Nam Á theo 5 chủ đề: đồ vải, đời sống hàng ngày, đời sống xã hội, nghệ thuật trình diễn và tôn giáo – tín ngưỡng.

Với 15.000 hiện vật, 42.000 phim và ảnh màu, 2190 phim dương bản, 273 băng ghi âm, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CD-Rom, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới để tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn nghề thủ công và các loại hình văn hóa dân gian khác nhau của các dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới.

2

Nhà Rông của dân tộc Bana được trưng bày trong khôn viên bảo tàng

 Đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, du khách được hòa mình vào một không gian hoàn toàn khác với không gian náo nhiệt của phố phường Hà Nội. Mọi người truyền tai nhau rằng, nếu không có điều kiện đi miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, thì chỉ có tới Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mới thỏa ước muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa, cuộc sống của người dân tộc thiểu số.

Thông qua các hoạt động, công chúng được tận mắt chứng kiến những bàn tay khéo léo và tài hoa của nghệ nhân, thợ thủ công qua thao tác dệt thổ cẩm, dệt chiếu, đan lát mây tre, khoan nòng súng, làm gốm, làm giấy dó, in tranh Đông Hồ, làm đồ chơi dân gian… Ngoài trình diễn nghề thủ công, khách tham quan còn được thưởng thức những làn điệu dân ca của nhiều vùng miền như dân ca Tày, Nùng, Dao, Bố Y, Pà Thẻn, Lô Lô, Thái, hát xoan Phú Thọ…

20 năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đón tiếp gần 4 triệu rưỡi lượt khách trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế thuộc 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều khiến cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có sức hút với những ai yêu thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc Việt Nam là những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm ở đây luôn tâm niệm một nguyên tắc: Tôn trọng, đề cao chủ thể văn hóa, và có cách tiếp cận các giá trị văn hóa một cách hiện đại.

Năm 2014, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã được Trang web du lịch uy tín thế giới TripAdvisor  bình chọn là một trong các  bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.

 Thanh Lâm