Bảo tàng cách mạng Việt Nam – Nơi ghi dấu những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc | Học viện Phụ nữ Việt Nam
Trân trọng và tự hào, xúc động đến ngỡ ngàng trước từng bức ảnh, từng hiện vật ghi dấu bước đường đấu tranh gian khổ mà anh hùng của dân tộc, đó là cảm xúc của đảng viên và quần chúng Chi bộ 4 – Học viện Phụ nữ Việt Nam khi tham quan Bảo tàng cách mạng Việt Nam tọa lạc tại 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 4/3/2016.
Đất nước Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, những sự kiện mang tính bước ngoặt đánh dấu quá trình dựng nước, sự đổi thay và trưởng thành của đất nước hay những cuộc chiến tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc… đều được ghi dấu nhờ những hiện vật còn lưu giữ tại các bảo tàng. Đặc biệt, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đoàn tham quan đã được ngắm nhìn, nghe thuyết minh về những hiện vật giới thiệu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ (từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1975) và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Được thành lập tháng 1/1959, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sử dụng trên 2.100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong 29 phòng với tổng diện tích 1.500 m². Nội dung trưng bày gồm ba phần: Phần thứ nhất: Thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ 1858 đến 1945; Phần thứ hai: Cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập, thống nhất tổ quốc từ 1945 đến 1975; Phần thứ ba: Việt Nam trên con đường xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh từ 1975 đến nay.
Ngoài ra, Bảo tàng còn trưng bày Bộ sưu tập “Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam” với gần 300 hiện vật nguyên gốc. Điều này thể hiện sự biết ơn sâu sắc của toàn thể nhân dân Việt Nam và sự trân trọng của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã làm nên những trang sử vàng chói lọi cho Cách mạng Việt Nam.
Đoàn đã lần lượt tham quan các phòng trưng bày của Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Vẫn còn đó hình ảnh nhà tù cùng các hiện vật máy chém, xiềng xích, gông cùm vv… Đó là bằng chứng cụ thể của một chế độ thực dân phong kiến đen tối, dã man, tàn khốc, nó đã gây ra bao nhiêu cảnh đói rét lầm than, tù đày, chém giết, đầu rơi máu chảy, tang tóc đau thương…Càng nghe thuyết minh, nhìn hiện vật, mỗi người càng thêm căm hận những vết tay nhơ nhuốc của các tên trùm thực dân mật thám; những bộ mặt bỉ ổi đê hèn của phong kiến địa chủ phản động, bán nước cầu vinh làm tay sai cho đế quốc. Đau đớn và xa xót bao nhiêu thì chúng ta càng khâm phục tự hào bấy nhiêu về những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Những chiếc áo trấn thủ sờn rách, bạc màu, lá cờ vẽ bằng máu, khẩu súng làm bằng tre, chiếc xe thồ mòn lốp… làm bừng sáng lên ý chí bất khuất của các chiến sĩ cộng sản trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Đặc biệt, 1/3 chiếc khăn bịt mắt nữ anh hùng Võ Thị Sáu cùng bức tượng chị với vẻ đẹp bất tử cùng thời gian đã khiến cả đoàn vô cùng xúc động. Văng vẳng đâu đây lời chị hát những bài ca cách mạng: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hùng binh… suốt đêm 22/1/1952 trước ngày bị địch xử bắn. Chính chiếc khăn này đã trở thành vật chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của người con gái Đất Đỏ yêu hoa lê ki ma.
Sau khi tham quan dọc hành trình đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ đoàn còn được xem những tư liệu rất quý như: Bộ sưu tập về những nǎm hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch và các vị lãnh tụ khác; sách báo của Đảng xuất bản vào thời kỳ 1920 – 1945; Những hiện vật quý và hiếm như: cờ Đảng nǎm 1930, cờ đỏ sao vàng nǎm 1941; bộ sưu tập vũ khí có lưỡi mác của đội xích vệ ở Nghệ An nǎm 1930, súng khai hậu của du kích Bắc Sơn (1941), nỏ của nhân dân Trà Bồng (Quảng Ngãi) khởi nghĩa nǎm 1958, bệ phóng tên lửa bắn tan xác máy bay B52 của Mỹ.
Những hiện vật ấy chính là bằng chứng sống giúp thế hệ hôm nay trân trọng và tự hào biết bao về công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc của ông cha.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phòng trưng bày tái hiện sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945
Trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn nguy nan của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, những người dân Việt Nam cần cù lao động với tinh thần hy sinh không bờ bến, ý chí đấu tranh dũng cảm, trí óc sáng tạo đã làm nên chiến thắng thần kỳ vang dội khắp năm châu, bốn bể. Bằng nỗ lực tái hiện lịch sử đấu tranh hàng trăm năm của nhân dân Việt Nam chống chọi với các thế lực thù địch, Bảo tàng Cách Mạng đã làm nóng lại bầu nhiệt huyết hôm qua cho thế hệ trẻ hôm nay vững tin vào tương lai tươi sáng. Trên mỗi hành trình bước tới, chúng ta sẽ luôn khắc ghi trong tim hình ảnh “những trái tim như ngọc sáng ngời” đã nguyện hi sinh máu xương để vun trồng cây độc lập cho thế hệ hôm nay hái quả tự do.