Bão Linda 20 năm ám ảnh và lời cảnh báo của thiên nhiên

NHÓM PHÓNG VIÊN

  –  

Thứ tư, 01/11/2017 09:15 (GMT+7)

Linda – “một cơn bão hiếm thấy trong vòng 100 năm trở lại đây ở Việt Nam”, đổ bộ vào đất liền các tỉnh phía Nam với tốc độ và sức gió kinh hoàng, chỉ trong một đêm 2.11.1997 đã cướp đi sinh mạng trên 3.000 người dân vùng đất Nam Bộ vốn “ngàn năm không có bão”.

Bão Linda 20 năm ám ảnh và lời cảnh báo của thiên nhiên
Thiệt hại sau bão Linda tại Cà Mau. Ảnh Tư liệu Báo Ảnh Đất Mũi.

Hai mươi năm qua đi, nhưng nỗi đau bão Linda để lại vẫn như hôm qua, cho những người ở lại và những người làm công tác dự báo, phòng chống bão bài học xương máu…

20 năm chưa nguôi nỗi đau

Cà Mau những ngày này đang chuẩn bị lễ tưởng niệm 20 năm bão Linda đi qua tỉnh này trong bối cảnh áp thấp nhiệt đới đang tiến dần vào biển phía Nam.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau Châu Thành Tôn không sao quên được ngày bão Linda vào Cà Mau cách đây 20 năm: “Đời tôi chứng kiến hai cơn bão kinh hoàng, một cơn đi qua Nghệ Tĩnh năm 1981, lúc tôi đang đi công tác ngoài ấy và cơn bão Linda. Chiều 1.11.1997, Cà Mau bắt đầu có mưa và gió giật. Cảm nhận của tôi là bão sẽ tới. Nhưng lúc đó không ai tin, cả chính quyền và người dân Cà Mau chưa từng thấy bão, chưa có kinh nghiệm trong việc tránh, trốn bão…”.

Bão đi qua, ông Tôn cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau đến những cửa biển để khắc phục sau bão. “Tàu thuyền chìm hết, ở Khánh Hội, U Minh gần như nhà sập hết. Tàu nào còn điều động ra khơi tìm xác. Tàu đi còn nổi, khi về khẳm đừ do chở xác chết. Đến ngày thứ ba, thứ tư, xác không còn nhận dạng được. Có gia đình mất đến 3-5 người thân. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy cảnh tang thương như thế” – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau nhớ lại.

Bà Phạm Ngọc Ánh (SN 1944, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh) có đến 4 người con nằm lại sau cơn bão Linda, ngậm ngùi: “3 ngày nữa là đến ngày giỗ của tụi nó rồi. Tôi làm giỗ chung cho cả 4 đứa. Tội nghiệp, khi chết, chưa đứa nào có gia đình”.

Bà Trần Thị Lăng (xã Khánh Hội, huyện U Minh) vẫn còn nhớ như in cái ngày chồng bà là ông Trần Văn Oanh đi mãi không về. Những người lân cận nhà bà cho biết: “Khoảng 10 năm nay bà ấy mới bỏ thói quen chiều chiều ra mé biển nhìn những đoàn tàu trở về với niềm hy vọng biết đâu…”. Năm người con của bà Lăng đã lớn dần theo thời gian, niềm vui từ gia đình, từ những sẻ chia của chính quyền địa phương phần nào vơi đi nỗi đau của bà.

“Sự chủ quan đã phải trả một cái giá cực kỳ đắt”

Tại hội thảo đánh giá và rút bài học từ cơn bão Linda cách đây 20 năm, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT – nguyên Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ trầm ngâm: Bão Linda bất ngờ và dị thường đến mức, chỉ trong 12 giờ, từ một vùng áp thấp đã mạnh lên thành bão và đổ bộ trực tiếp vào Cà Mau – vùng đất hàng trăm năm không có bão.

Ông Lê Huy Ngọ nhớ lại: “Bão Linda là cơn bão hiếm thấy được hình thành ở vĩ độ thấp lại gần bờ biển các tỉnh Nam Bộ, từ áp thấp nhiệt đới đã nhanh chóng mạnh lên thành bão chỉ trong vòng 12 giờ, trong quá trình vào bờ vẫn tiếp tục mạnh lên, khi ở xa chỉ cấp 8, nhưng vào gần bờ đã lên cấp 9, 10. Bão di chuyển nhanh theo hướng khá ổn định, đổ bộ vào ban đêm, thời gian có gió mạnh trên biển kéo dài đến 18 giờ nên đã gây ra thiệt hại rất lớn”.

Cùng đoàn công tác của BCĐ bay đến Côn Đảo để kiểm tra tình hình, ông Ngọ bàng hoàng trước cảnh tượng, trên 2.300 người bị bão đánh dạt trên bờ, hàng trăm tàu thuyền bị đánh chìm. Ngày hôm sau, khi lực lượng chi viện tiếp cận, giải cứu được 700 người đang kẹt lại Côn Đảo.

Bài học kinh nghiệm xương máu

Được nhận định bão Linda rất mạnh, ông Lê Huy Ngọ đã chỉ đạo thành viên BCĐ Trung ương PCTT gọi điện đến tất cả các lãnh đạo địa phương khu vực bị ảnh hưởng của bão để cảnh báo, nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng với bão”.

Thậm chí, khi BCĐ Trung ương PCTT yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão triển khai ứng phó, họ vẫn hết sức chủ quan. Đến trưa 2.11, khi những đợt mưa lớn, những vùng gió xoáy vào đến đất liền, nhiều người dân còn tò mò chạy ra “xem bão như thế nào”! Không ai chằng buộc nhà cửa, chỉ một số ít mua mì tôm về tích trữ trong nhà, trong bụng vẫn không tin là bão sẽ xảy ra trên vùng đất “trăm năm không có bão”.

Đến 7 giờ tối, khi bão chính thức đổ bộ vào Cà Mau, những người dân ở đây mới thực sự kinh hoàng. Hàng nghìn tàu thuyền không kịp vào bờ; nhà cửa không được gia cố; tài sản và con người không được sơ tán, thảm họa đã xảy ra ngay trước mắt. Chỉ trong vòng 1 đêm, gần 3.000 người đã thiệt mạng hoặc bị vùi chôn đâu đó dưới đáy biển với hai từ “mất tích”!

Đánh giá về nguyên nhân thiệt hại thảm khốc bởi cơn bão Linda, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng, cơn bão di chuyển và tốc độ gió mạnh lên quá nhanh, lại đổ bộ vào vùng ngư trường rộng lớn tập trung hàng nghìn tàu thuyền đang đánh bắt hải sản. Thời điểm đó, các con tàu đều có sức chống chịu hạn chế, lại hầu như không được trang bị các phương tiện đảm bảo an toàn nên khi gặp nạn đều bất lực. Thậm chí, nhiều tàu đã vào được khu neo đậu nhưng vẫn bị sóng đánh, va đập làm vỡ và chìm.

Năng lực phòng chống thiên tai còn hạn chế

Thiệt hại nặng nề của cơn bão Linda đến các tỉnh phía Nam đã thật sự làm thay đổi nhận thức của người dân ven biển phía Nam rằng miền Tây không có bão. Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu – cho biết: “Lúc đó, Bạc Liêu mới vừa tái lập, điều kiện thông tin liên lạc còn khó khăn; hệ thống liên lạc từ đất liền đến các tàu đánh cá còn hạn chế, phương tiên đánh bắt cũng nhỏ… Và điều đáng chú ý là khi kêu gọi người dân vào tránh bão họ lại không tin. Chính điều này gây nên thiệt hại lớn”.

Tại Cà Mau, ông Tô Quốc Nam – Phó GĐ Sở NNPTNT – cho biết: “Thiệt hại do cơn bão Linda đã được tổng kết, đánh giá. Hằng năm chúng tôi đều tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, nhưng 3 năm gần đây chúng tôi chuyển từ diễn tập sang tập huấn. Những người được tập huấn là những người trực tiếp phòng tránh bão nên hiệu quả cao hơn. Chúng tôi cũng đã xây dựng hệ thống thông tin liên lạc xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải đội… liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền ra khơi; xây dựng, hướng dẫn địa điểm cho các tàu thuyền trú ẩn an toàn mỗi khi có bão”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Đức Cường – GĐ Trung tâm DBKTTV T.Ư – cho biết: Trong những năm qua, các bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa, lũ, ngập lụt đã có sự cập nhật nhanh hơn và sát với thực tế diễn biến và từng bước cụ thể hơn trước một số yếu tố của thời tiết khí hậu. Trung tâm KTTV quốc gia đã nâng thời gian dự báo bão từ 12-24h sau đã nâng lên 48h. Nhiều cơn bão có hướng ổn định đã dự báo trước 72h. Trước đây chỉ ra bản tin cảnh báo khi đã hình thành ATNĐ hoặc bão, hiện nay cơ quan dự báo đã theo dõi chặt chẽ từ khi là dải hội tụ nhiệt đới, đến vùng ATNĐ và lên đến bão. Chính điều này đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người trên biển, ven biển, quần đảo, huyện đảo, xã đảo đến mức thấp nhất.

Nói về khả năng của thảm họa thiên tai, ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh: Những diễn biến phức tạp của thời tiết thủy văn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã làm tăng tính dị thường và cực đoan của các hiện tượng KTTV nguy hiểm như bão, siêu bão, mưa lớn diện rộng, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại, mực nước biển dâng, triều cường… gây khó khăn cho công tác dự báo và PCTT.

“Dự báo trong những năm tới tần suất các cơn bão hình thành ở vùng biển ngoài khơi Philippines đạt cấp siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra nhiều hơn; nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng. Do vậy công tác dự báo KTTV tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhận định, cảnh báo, dự báo kịp thời phục vụ chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai” – TS Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai: Trong những năm gần đây, gần như không có thiệt hại về người do bão ở trên biển, dù vậy, năng lực phòng chống thiên tai hiện nay còn hạn chế, chúng ta chưa có cơ quan chuyên trách, cán bộ chuyên nghiệp thực hiện công tác PCTT, sự vào cuộc của cộng đồng trong các hoạt động này còn hạn chế.

Chỉ trong 1 đêm (từ 19 giờ ngày 2.11 đến sáng sớm 3.11.1997), bão Linda (bão số 5) năm 1997 đã gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; làm sập 107.892 ngôi nhà, 204.564 ngôi nhà bị hư hại; đánh chìm 2.897 tàu thuyền, làm hư hỏng 1.856 tàu thuyền, 316 tàu bị mất tích; 136.334ha nuôi trồng thủy sản bị vỡ, ngập… Thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỉ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.

Cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Có thể giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra nếu chuẩn bị tốt. Việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng được cho là yếu tố cốt lõi giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai. Quan trọng nhất là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, dự báo tình hình mưa lũ, để người dân nắm được và biết cách phòng tránh; đồng thời các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị mình, địa phương mình, đặc biệt là phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy – lực lượng – hậu cần – phương tiện tại chỗ).