Báo in trước thách thức công nghệ

BPO – So với báo điện tử, báo nói và báo hình thì báo in là hình thức xuất bản lâu đời và truyền thống nhất của báo chí. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nỗi lo ngại về sự “hết thời” của báo giấy đã được đặt ra. Ngay cả “thành trì” của một số tờ báo “đại gia” ở Mỹ như: New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, New York World Journal Tribune… cũng đã phải cắt giảm một số lượng lớn. Ngay từ những năm 2013, 2014, nhiều dự báo về loại hình báo chí này đã được đặt ra. Có những dự báo còn cho rằng, có thể đến năm 2020, báo in sẽ “chết”. Nhưng sự thật, báo in vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Tuy nhiên, trong tín hiệu vui này vẫn còn chứa đựng nhiều trăn trở.

Báo in hiện vẫn song hành với các loại hình báo chí sinh sau là báo nói, báo hình, báo điện tử nhưng phải thừa nhận một điều chắc chắn rằng, thời hoàng kim của báo in đã qua. Không thoát khỏi xu thế chung của thế giới, báo chí Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức bởi sự tác động của mạng xã hội. 

Khi báo in có lối đi riêng, phục vụ được nhu cầu tiếp cận thông tin của số đông công chúng thì sẽ tồn tại

Kể từ khi tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là Gia Định báo ra mắt ngày 15-4-1865 cho đến nay, báo chí Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ như vũ bão. Tuy cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí vào năm 2020 (năm 2019 giảm 18 cơ quan báo chí) thì đến nay, cả nước vẫn có 779 cơ quan báo chí với 142 báo in (112 báo có hoạt động báo điện tử). Ngoài ra còn có 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử).

Công nghệ số ra đời không chỉ xuất hiện nhiều loại hình báo chí mới, nhất báo điện tử mà còn với phương thức đưa tin, truyền tin kiểu mới đã làm cho các loại hình báo chí cạnh tranh nội tại để đổi mới mạnh mẽ. Và vì vậy, báo in không còn giữ được vị thế như trước. Nhiều tờ báo in vốn rất hấp dẫn bạn đọc như Thanh niên, Tuổi trẻ, Phụ nữ Việt Nam… nay phải giảm số lượng phát hành đáng kể. Và trên thực tế, để tồn tại, các báo đã phải tích hợp tòa soạn hội tụ với nhiều loại hình báo chí để tìm sự thích nghi mới…

Những năm trở lại đây, kinh tế khủng hoảng, công nghệ tiến những bước vũ bão, bên cạnh loại hình phát thanh, truyền hình thì báo mạng, báo trực tuyến, truyền thông đa phương tiện ảnh hưởng trực tiếp tới số lượng doanh thu cũng như thị hiếu độc giả báo in. Sống trong một nền báo chí đa phương tiện, không thể phủ nhận thế mạnh của công nghệ đang lấn át sức hấp dẫn từ báo giấy. Vì thế, báo in phải thay đổi để khẳng định chân giá trị của báo chí.

Hiện nay, báo in đang chịu sức ép cạnh tranh rất mạnh của loại hình “đàn em” là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, liệu báo in có bị báo mạng “đánh bại” đến mức phải “xóa sổ” thì lại là điều không ai dám khẳng định. Thực tế ở nước ta, những tờ báo có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, xác định rõ đối tượng bạn đọc mặc dù có suy giảm số lượng nhưng không thể thiếu. Tốc độ phát triển của báo mạng đang rất nhanh, nhưng thực tế tại Việt Nam chỉ có 4 cơ quan thuần túy là báo điện tử, gồm: Báo điện tử Đảng Cộng sản, Vietnamnet, VnExpress và VnMedia, còn lại phần lớn báo điện tử và trang tin điện tử là do các tờ báo in phát triển rộng ra. Chi phí cho hoạt động của hầu hết các báo mạng “ăn theo” này đều phải có sự hỗ trợ từ báo in. Nhất là ở địa phương như Bình Phước, khu vực vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số với công nghệ số còn “lõm”, báo in dùng để tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn vô cùng quan trọng, cần thiết. Còn ở thành thị, thói quen tạo thành văn hóa đọc, thích nghiền ngẫm các vấn đề chuyên sâu thì báo in vẫn được ưu tiên lựa chọn… Đó chính là “đẳng cấp” giúp báo in tiếp tục tồn tại, chiếm được sự tin tưởng gắn liền với lượng độc giả “ruột” nhất định.

Trước nền công nghiệp 4.0, báo chí nói chung và báo in nói riêng phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc, nhưng không phải không vượt qua được khi công chúng vẫn muốn đọc tin và vẫn cần thông tin khác biệt ở báo in. Không kể những vùng thiếu hoặc yếu về công nghệ số thì với tâm lý mỗi người, khi không muốn mỏi mắt vì thiết bị công nghệ, muốn có nơi yên tĩnh để nghiền ngẫm những vấn đề mang tính chuyên sâu thì báo in chính là lựa chọn phù hợp. 

Dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau, song đa phần đều khẳng định báo in vẫn tồn tại cùng các loại hình khác. Thậm chí với đặc điểm riêng của Việt Nam, báo in còn “rộng cửa” để sống. Đó là một nhận định nghiêm túc, có cơ sở, đứng trên lập trường ưu thế báo in. Song để đáp ứng nhu cầu ấy, báo in cũng cần đổi mới chính mình chứ không thể mãi là cái bóng của báo in truyền thống. Đặc biệt, cần tỉnh táo để tránh những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà coi nhẹ hiệu quả xã hội. Bởi ở Việt Nam, làm báo là làm chính trị. Hiệu quả xã hội, lợi ích cộng đồng và lợi ích công chúng phải được đặt lên hàng đầu. 

Về mặt lý luận, mỗi loại hình báo chí có một vai trò, chức năng riêng, tồn tại độc lập không thể thay thế được cho nhau. Không chỉ Việt Nam mà báo in thế giới cũng đã đi trước chúng ta nhiều năm trong nghiên cứu về vấn đề này. Có thể khẳng định, báo in sẽ sống nhưng bắt buộc phải đổi mới để tồn tại chứ không phải là “suy sụp” rồi “biến mất”. Bởi sự chuyên sâu vốn có của báo in, phục vụ một lượng độc giả “ruột” đã khẳng định được chỗ đứng riêng, đáp ứng tốt nhu cầu, thói quen của văn hóa đọc tốt đẹp của người Việt. Điều này đồng nghĩa báo in vẫn có đất diễn để tồn tại và phát triển.