Bảo hiểm y tế là gì và có những hình thức BHYT nào?

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội (ASXH) quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK), góp phần đảm bảo ASXH cho mọi người dân. Công tác tuyên truyền về BHYT có một tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình thực hiện chính sách này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục đích của tuyên truyền là làm cho “dân biết, dân hiểu, dân tin và dân làm theo”. Thực tế những năm qua trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, bên cạnh những thành tựu còn không ít những hạn chế và yếu kém. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế và yếu kém chính là chưa làm tốt công tác tuyên truyền về BHYT. Vậy trong công tác tuyên truyền BHYT, chúng ta cần làm tốt những vấn đề sau:

BHYT là gì và có những hình thức BHYT nào?

Trên thế giới có nhiều khái niệm khác nhau về BHYT, nhưng mục đích chung của BHYT đều giống nhau, đó là huy động  nguồn tài chính để chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho người tham gia khi bị ốm đau, bệnh tật. Nước Đức có bộ Luật BHYT lâu đời nhất trên thế giới, trong đó khái niệm: “ BHYT trước hết là một tổ chức cộng đồng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, có nhiệm vụ gìn giữ sức khỏe, khôi phục lại sức khỏe hoặc cải thiện tình trạng sức khỏe của người tham gia BHYT”.

Tại Việt Nam, chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992. Ngày 14-11-2008 Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua. Khái niệm BHYT được hiểu là: “BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực CSSK, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm phải tham gia theo quy định của Luật BHYT”. Nói cụ thể hơn, đó là một cách dành dụm một khoản tiền trong số tiền thu nhập hàng tháng của mỗi cá nhân hay mỗi hộ gia đình để đóng vào Quỹ do Nhà nước đứng ra quản lý nhằm mục đích giúp mọi thành viên tham gia Quỹ có ngay một khoản tiền trả trước cho các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSK khi người tham gia không may ốm đau phải sử dụng các dịch vụ đó, mà không phải trực tiếp trả chi phí khám chữa bệnh (KCB), cơ quan BHXH thanh toán khoản chi phí này theo quy định của Luật BHYT.

Có những hình thức BHYT sau:

(1)  BHYT bắt buộc: ở các quốc gia trên thế giới khi mới thực hiện BHYT đều có hình thức BHYT bắt buộc, trong đó đối tượng bắt buộc là những người có thu nhập ổn định tại khu vực lao động chính thức, có trách nhiệm phải tham gia BHYT theo Luật. Ở Việt Nam BHYT bắt buộc gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng có xác định thời hạn có từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (việc bắt buộc với mức đóng theo phần trăm của thu nhập, hoặc theo mức lương tối thiểu, do đó số tiền đóng của người có thu nhập cao sẽ nhiều hơn so với người thu nhập thấp, số đông sẽ bù được rủi ro của số ít).

(2)  BHYT tự nguyện: ai thích tham gia thì tham gia, không bắt buộc. Mức đóng theo quy định của Quỹ BHYT. Ở Việt Nam, mức đóng là 1 tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung. Trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng. Quyền lợi được hưởng như đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khi thẻ BHYT đã được phát hành sau 30 ngày và được hưởng chi phí dịch vụ kỹ thuật cao sau khi có thời gian liên tục tham gia BHYT 180 ngày trở lên.

(3)  BHYT bắt buộc toàn dân: là dạng BHYT bắt buộc (đóng theo thu nhập hoặc theo mức lương tối thiểu) và áp dụng với mọi người dân, ở Việt Nam đang từng bước thực hiện hình thức này. 

Vì sao lại phải có chính sách BHYT

Thứ nhất, BHYT là một giải pháp tạo ra công bằng trong CSSK, góp phần giảm nghèo đói. Sinh, lão, bệnh, tử là một quy luật tất yếu, không một ai thoát khỏi quy luật này.

Thứ hai, BHYT là một nguồn quan trọng trong kinh phí dành cho CSSK của quốc gia.

Bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ có hai nguồn kinh phí dành cho CSSK:

(1)  Ngân sách Nhà nước (bao gồm thuế, các khoản viện trợ, vốn vay)

(2)  Nguồn do dân đóng, được chia  thành nguồn dân trả trước dưới dạng BHYT và nguồn dân trả sau còn gọi là nguồn do dân tự trả trực tiếp (hay nguồn từ túi của người bệnh).

Điều quan trọng trong nhận thức là mỗi nguồn có một ý nghĩa khác nhau và vai trò khác nhau đối với tính chất công bằng trong CSSK.

Ngân sách Nhà nước là nguồn quan trọng do nằm trong sự quản lý của Nhà nước nên Nhà nước có thể chủ động điều phối và phân bổ cho các vùng, các đối tượng cần ưu tiên trong CSSK. Tuy vậy, như trên đã trình bày, hiện nay không có một quốc gia nào có thể dành ngân sách Nhà nước để bao cấp toàn bộ cho CSSK.

BHYT là nguồn do dân đóng, nhưng mang tính chia sẻ cộng đồng rất cao (chia sẻ giữa người giàu với người nghèo, giữa người đang tuổi lao động với trẻ em và người già, với mỗi cá nhân thì đó là sự dành dụm và tích lũy lúc khỏe, lúc trẻ cho sự rủi ro vì bệnh tật và già nua).

Trái với BHYT, cách chi trả trực tiếp từ túi người bệnh là cách chi trả mang tính cá nhân và không thể hiện sự chia sẻ cộng đồng; hơn thế nó là “cạm bẫy của sự đói nghèo” làm cho người bệnh và gia đình họ bị nghèo đi. Chính vì ý nghĩa của mỗi nguồn kinh phí mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá một hệ thống y tế  của một quốc gia có thể bảo vệ người dân khỏi nghèo đói và giữ vững công bằng hay không thông qua tỷ lệ giữa nguồn do người bệnh tự chi trả trực tiếp với tổng các nguồn kinh phí dành cho y tế. Nếu tỷ lệ ấy bằng hay trên 50% thì hệ thống y tế sẽ không có khả năng bảo vệ người dân khỏi đói nghèo và không thể giữ được công bằng.

Chính với lý do đó, BHYT là một nguồn tài chính rất quan trọng dành cho CSSK để làm cho hệ thống y tế theo đúng định hướng công bằng. Hiện nay trong tài chính y tế Việt Nam, số người tham gia BHYT mới là 64%. Còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHYT; tỷ lệ giữa nguồn do người bệnh tự chi trả trực tiếp trên tổng các nguồn kinh phí dành cho y tế là khoảng 49%, vì vậy nước ta chưa có một nền tài chính y tế đảm bảo cho người dân không bị nghèo hóa khi sử dụng các dịch vụ CSSK.

Con người vừa là một thực thể tự nhiên, đồng thời cũng là thực thể xã hội. Chính mặt xã hội đã nâng con người lên khỏi tầm của con vật. Trong mặt xã hội đa dạng và phong phú ấy của con người, sự cưu mang và tương trợ lẫn nhau để cứu chữa bệnh tật, bảo toàn tính mạng trước bệnh tật, trong đó có việc chia sẻ với nhau về tài chính để KCB, tức là chính sách BHYT, là một hoạt động đặc trưng. Nhưng hoạt động nhân đạo của con người chỉ chuyển từ tự phát sang tự giác khi người ta được giác ngộ bằng tuyên truyền, giáo dục. Do vậy cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thực hành chính sách BHYT, để tiến đến BHYT bắt buộc toàn dân./.