Bảo hiểm xã hội thành phố: Tiếp tục nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về một số kết quả BHXH thành phố Đà Nẵng đã được trong quá trình chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Hùng Anh: BHXH thành phố được đánh giá cao trong công các cải cách hành chính và ứng dụng CNTT, thường xuyên thuộc các đơn vị dẫn đầu các bộ chỉ số, 2 năm liền gần đây (2019, 2020) được UBND thành phố xếp hạng Nhất về ứng dụng CNTT, CCHC. Đến thời điểm hiện tại, BHXH thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, trong đó có thể kể đến như: Toàn thành phố đã có gần 500.000 người đăng ký sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số; Triển khai 25/25 thủ tục hành chính công, trong đó 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4  trên Cổng Dịch vụ công Ngành và Cổng Dịch vụ công Quốc gia với 13 đơn vị (IVAN) đang cung cấp, hỗ trợ dịch vụ giao dịch điện tử; Tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử của đơn vị tham gia BHXH thành phố đang quản lý đạt 100%, tương ứng với 1.201.915 hồ sơ phát sinh; 100% cơ sở KCB đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.

Ngoài ra, việc ứng dụng chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử đã góp phần giảm thời gian triển khai văn bản, công việc; tăng cường tính pháp lý của văn bản điện tử, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật thông tin trong các giao dịch chuyển nhận văn bản điện tử, tiến đến mục tiêu thực hiện văn phòng không giấy. Tỷ lệ CCVCLĐ thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử, chữ ký số trong công việc đạt 100%, 100% văn bản điện tử do cơ quan phát hành có đầy đủ chứng thư số và chữ ký số.

BHXH thành phố cũng thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ quan Thuế để chia sẻ các thông tin về doanh nghiệp; với ngành Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh để sử dụng bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT; với ngành Tư pháp trong việc cung cấp thông tin đăng ký kê khai và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; thông tin về khai tử khi đối tượng hưởng chế độ tuất.

Bên cạnh các phần mềm quản lý nghiệp vụ của Ngành BHXH Việt Nam, BHXH thành phố cũng thường xuyên xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm hỗ trợ chuyên môn tại các phòng nghiệp vụ, BHXH quận huyện đạt hiệu quả, tiêu biểu như các phần mềm: Quản lý đấu thầu thuốc; Quản lý nhân sự; Quản lý chi trả trợ cấp BHTN; Hệ thống quản lý khách hàng; Sử dụng API lấy dữ liệu từ phần mềm; Quản lý hồ sơ hành chính nghiệp vụ; Quản lý chấm công và xếp loại thi đua CCVCLĐ hằng quý; Hỗ trợ tính thu nhập và thuế thu nhập cá nhân,…

PV: Để thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đã và đang triển khai những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Hùng Anh: Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường việc ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ của ngành và đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực cho cả người dân, tổ chức, doanh nghiệp và ngay chính cơ quan BHXH. Bằng việc tích hợp các phần mềm nghiệp vụ, cũng như công bố các dịch vụ công trực tuyến cấp độ ba, cấp độ bốn; cũng như phối hợp ngân hàng để tạo nên một hệ thống thanh toán điện tử hóa quá trình thu – chi, cung cấp những tiện ích để đa phương tiện cũng như đa kênh thanh toán cho người bệnh BHYT, hướng tới việc giúp cho người dân có thể kiểm soát được tốt hơn… Ðiều đó, đã mang lại hiệu quả trên cả ba mục đích, mục tiêu ngành BHXH đặt ra là công khai, minh bạch hoạt động nghiệp vụ; nâng cao năng lực phục vụ người dân và tổ chức; hướng tới xây dựng một hình ảnh ngành BHXH Việt Nam hiện đại, thân thiện, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp….

Hiện nay, ngành BHXH đang tập trung vào 6 nhóm nội dung để ngày càng hoàn thiện hơn việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi. Thứ nhất, bảo đảm sự ổn định và hiệu quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, được Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam xây dựng, quản lý, vận hành; đồng thời, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho việc ứng dụng CNTT được thông suốt trên phạm vi cả nước. Thứ hai, bảo đảm việc cập nhật, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng quản lý với các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm việc kết nối liên thông sẽ chia sẻ cơ sở dữ liệu giúp ngành BHXH cũng như các bộ, ngành, địa phương thuận lợi hơn trong quá trình phục vụ người dân, bảo đảm an sinh xã hội… Thứ ba, hoàn thiện và vận hành hệ thống phần mềm nghiệp vụ để bảo đảm nâng cao hơn nữa năng lực quản lý điều hành cũng như phục vụ người dân tốt hơn.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hệ sinh thái 4.0 Ngành BHXH, trong đó việc triển khai ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số trên hệ thống điện thoại minh được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang lại tiện ích nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công ngành BHXH Việt Nam cũng như trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,  nhằm tạo điều kiện tốt nhất, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan BHXH. BHXH Việt Nam luôn liên kết và đồng hành cùng các bộ, ngành, các đơn vị xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng VssID từ cuối năm 2020 là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng tới thay thế sổ BHXH và thẻ BHYT bằng giấy, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên ứng dụng; góp phần thực hiện những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Thông qua ứng dụng VssID, chỉ với tài khoản duy nhất cho mỗi cá nhân (chính là mã số BHXH), người tham gia và hưởng BHXH, BHYT có thể sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB; cập nhật các thông tin về thẻ BHYT, quyền lợi được hưởng khi đi KCB; biết rõ lịch sử KCB BHYT của mình. Đồng thời, dễ dàng theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT; lịch sử hưởng các chế độ BHXH; hỗ trợ tra cứu mã số BHXH, địa chỉ cơ quan BHXH, cơ sở KCB cấp Giấy nghỉ hưởng BHXH, cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT, đơn vị tham gia BHXH, điểm thu hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân liên quan BHXH, BHYT…

Cùng với đó, ứng dụng này cũng cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích khác, như: Cập nhật thông tin về Phiếu điều chỉnh lương hưu và các loại giấy được cấp theo quy định của Bộ Y tế khi đi KCB; Bản xác nhận thời gian tham gia BHXH, BHTN cho người lao động; chuyển các nội dung trước đây gửi qua tin nhắn SMS vào số điện thoại của người tham gia BHXH, BHYT sang gửi thông báo trên ứng dụng đối với người tham gia đã đăng ký tài khoản, cài đặt và sử dụng ứng dụng (thông báo khi người tham gia BHXH tự nguyện đến thời gian đóng tiếp, người tham gia BHYT theo hộ gia đình đến kỳ gia hạn; thông báo ghi nhận quá trình tham gia đối với trường hợp đóng tiếp BHXH tự nguyện và thời hạn thẻ BHYT đối với trường hợp gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình…).

Ngoài ra, VssID còn hỗ trợ trực tuyến 24/7: Chatbot-trả lời tự động, tổng đài hỗ trợ 19009068, email, câu hỏi thường gặp, gửi phản ánh, kiến nghị đến cơ quan BHXH; theo dõi tin tức hoạt động ngành BHXH Việt Nam; các thông tin về chế độ, chính sách BHXH, BHYT; hướng dẫn sử dụng ứng dụng; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc, tham gia BHXH, BHYT tại Việt Nam có thể sử dụng ứng dụng VssID một cách dễ dàng, BHXH Việt Nam đã triển khai, tích hợp đa ngôn ngữ trên ứng dụng VssID. Đến nay, ứng dụng VssID đã triển khai 5 ngôn ngữ, gồm: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản.

Có thể nói, với ứng dụng VssID, ngành BHXH đã tạo ra sự thuận lợi nhất – đơn giản nhất – tiện ích nhất và cũng bảo mật nhất cho người sử dụng. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và triển khai tích hợp các dịch vụ công, tiện ích thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID để ứng dụng này thật sự trở thành công cụ hữu hiệu gắn bó với người dân, bảo đảm cho người dân có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân.

Một trong những hiệu quả rõ nét nhất trong thời gian qua là việc triển khai sử dụng rộng rãi ứng dụng VssID đã góp phần giải quyết hồ sơ trợ cấp theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ được kịp thời, nhanh chóng, tiện lợi, giảm tối đa chi phí.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 38 (Hội nghị ASSA 38) diễn ra tháng 11 vừa qua, ứng dụng VssID vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục CNTT cho ứng dụng trên điện thoại thông minh, do ASSA trao tặng. App Store cũng vừa công bố danh sách Top các ứng dụng được yêu thích nhất (App Store Awards) 2021. Theo đó, ứng dụng VssID của ngành BHXH Việt Nam đứng thứ 7 trong Top 10 các ứng dụng miễn phí được yêu thích nhất trên kho ứng dụng năm 2021, cùng với những ứng dụng “đình đám” mạng xã hội như: Facebook, Messenger, Zalo, TikTok, YouTube…

PV: Thời gian đến, để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng đến thành phố chuyển đổi số, đảm bảo an sinh cho người dân, BHXH thành phố tập trung những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Hùng Anh: Với mục tiêu chuyển sang nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, công tác CCHC trong thời gian đến càng có nhiều áp lực hơn, cùng với đó, cũng sẽ có nhiều cơ hội cải biến, cống hiến và thành công hơn. Để đạt được mục tiêu, BHXH thành phố sẽ bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam cũng như của UBND thành phố, tập trung khắc phục một số tồn tại và triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau. 

Trước hết, chúng tôi tập trung nâng cao nhận thức về quan điểm chỉ đạo, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước đối với công tác CCHC nói chung, CCTTHC và ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nói riêng trong điều kiện Cách mạng Công nghiệp 4.0, xây dựng Thành phố thông minh; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ đối với từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu từ BHXH thành phố đến BHXH quận, huyện.

Chủ động bổ sung, hoàn thiện, kết nối, liên thông CSDL chung trong toàn Ngành BHXH Việt Nam và với các sở, ngành của Thành phố; thống nhất CSDL từ đầu vào cho đến đầu ra, tạo thành 1 dòng chảy thông suốt, kịp thời và chính xác. Tiếp tục liên thông các phần mềm, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng Hệ sinh thái BHXH 4.0, phục vụ người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích hiện đại: Ứng dụng dịch vụ tin nhắn tra cứu; ứng dụng BHXH số trên thiết bị di động.

Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả lộ trình dịch vụ công trực tuyến, tăng cường chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, gắn với công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách; thực hiện văn phòng không giấy thông qua ứng dụng triệt để Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số, số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử; triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC…

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

ANH HÙNG