Bảo hiểm phi nhân thọ là gì và gồm những loại nào? Tiêu chí phân biệt bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ?
“Tôi muốn hỏi bảo hiểm phi nhân thọ là gì và gồm những loại nào? Tiêu chí phân biệt bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ?” Câu hỏi của bạn Yên Nhi đến từ Bình Định.
Bảo hiểm phi nhân thọ là gì?
Sắp tới, khoản 14 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho những thiệt hại về tài sản và những tổn thất khác hoặc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.
Bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:
– Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người: Là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật, tử vong thì doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
– Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh: Là sản phẩm bảo hiểm cho những rủi ro về tài sản trong quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
– Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: Là sản phẩm bảo hiểm cho tài sản gồm vật có thực, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản
– Bảo hiểm hàng không: Là bảo hiểm dành cho hoạt động của máy bay và những rủi ro trong khi vận chuyển bằng đường hàng không (bao gồm hàng hóa và con người).
– Bảo hiểm xe cơ giới: Là bảo hiểm dành cho xe cơ giới bồi thường cho chủ xe khi không may xảy ra rủi ro về con người, chiếc xe hoặc hàng hóa trên xe.
– Bảo hiểm cháy, nổ: Là sản phẩm bồi thường cho các thiệt hại xảy ra về tài sản của người tham gia bảo hiểm khi không may xảy ra cháy, nổ.
Bảo hiểm phi nhân thọ là gì và gồm những loại nào? Tiêu chí phân biệt bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ? (Hình từ internet)
– Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không: Là sản phẩm bảo hiểm bồi thường cho rủi ro của các loại hàng hóa trong quá trình được vận chuyển.
– Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu: Là bảo hiểm bồi thường cho các thiệt hại đối với thân tàu và các rủi ro mà chủ tàu phải chi trả với thiệt hại của người thứ ba do quá trình hoạt động của tàu, thuyền gây ra.
– Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính: Là bảo hiểm đảm bảo cho những khoản vay tại ngân hàng khi không may gặp rủi ro bất ngờ mà không trả được nợ.
Bảo hiểm nhân thọ là gì?
Sắp tới, căn cứ khoản 13 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.
Các loại hình bảo hiểm nhân thọ hiện nay:
– Bảo hiểm trọn đời: Bảo hiểm trọn đời là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó;
– Bảo hiểm sinh kỳ: Bảo hiểm sinh kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
– Bảo hiểm tử kỳ: Bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
– Bảo hiểm hỗn hợp: Bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ;
– Bảo hiểm trả tiền định kỳ: Bảo hiểm trả tiền định kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định; sau thời hạn đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho người thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
– Bảo hiểm liên kết đầu tư;
– Bảo hiểm hưu trí: Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực 01/01/2023
Phân biệt bảo hiểm phi nhân thọ với bảo hiểm nhân thọ?
Tiêu chí
Bảo hiểm phi nhân thọ
Bảo hiểm nhân thọ
Hình thức
Đóng một lần sau khi ký hợp đồng.
Định kỳ đóng phí là tháng, quý, 6 tháng, năm.
Thời hạn
Thường từ 01 – 02 năm hoặc ngắn hơn.
Thường từ 10 – 20 năm hoặc trọn đời.
Phạm vi
Bảo vệ đối với con người, tài sản và trách nhiệm dân sự.
Bảo vệ con người liên quan đến bệnh; khám ngoại trú theo hóa đơn, theo định mức; bảo lãnh viện phí; tử vong (chi trả thường ít hơn bảo hiểm nhân thọ).
Bảo vệ đối với con người gồm:
– Trợ cấp nằm viện, phẫu thuật, cấp cứu.
– Chi trả bệnh hiểm nghèo, bênh lý nghiêm trọng.
– Thương tật.
– Tử vong do bệnh tật, tai nạn.
Thay đổi phí bảo hiểm
– Xác suất rủi ro.
– Số tiền bảo hiểm.
– Giá trị đối tượng được bảo hiểm.
– Tuổi tác và sức khỏe.
– Định kỳ đóng phí.
– Số tiền bảo hiểm.
Nguyên tắc bồi thường
Số tiền chi thường thường theo định mức, khi tử vong chi trả ít.
Số tiền chi trả bảo hiểm rất lớn khi xảy ra rủi ro tử vong, tai nạn.
Tích lũy
– Không mang tính tích lũy.
– Đáo hạn hợp đồng không được hoàn lại phí đã đóng.
– Có tính tích lũy.
– Được trả tiền đáo hạn hợp đồng.
– Hưởng lãi suất hoặc lãi chia.
Ý nghĩa
Bảo vệ trước các rủi ro bất ngờ cho con người, tài sản và trách nhiệm dân sự.
Bảo vệ trước các rủi ro bất ngờ cho con người.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023.