Bảo hiểm liên kết đơn vị, sau những phút thăng hoa…
Thị trường chứng khoán giảm điểm khiến hiệu suất sinh lời của các quỹ đầu tư giảm mạnh.
(ĐTCK) Bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ có những khó khăn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống và các quy định về bán sản phẩm này cũng nhiều ràng buộc hơn theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2023.
Bảo hiểm liên kết đơn vị tăng nhanh…
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 127.511 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,5%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,7%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 20,0%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,3%.
Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,58%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,6%;,sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,05%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,53%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0006%.
Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,5%) và sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (20%). Đây là 2 dòng sản phẩm đều có cơ cấu phí gồm bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư, được coi là có ưu thế hơn so với các loại bảo hiểm thuần túy chỉ bảo hiểm rủi ro.
Nếu tính về số lượng hợp đồng thì số lượng hợp đồng khai thác mới 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2.385.235 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng áp đảo 61,21% và giảm 0,15% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chỉ còn chiếm tỷ trọng 38,6% và giảm 22,08% so với cùng kỳ; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 22,6% và tăng 91,8% so với cùng kỳ. Sự khác biệt về yếu tố đầu tư là nguyên nhân tạo ra sự tăng – giảm này.
Trên thực tế thì cả 2 loại bảo hiểm liên kết chung (Universal Life – UL) và bảo hiểm liên kết đơn vị (Unit Linked Insurance Plan – ULIP) đều thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư. Đây là những sản phẩm bảo hiểm vừa được bảo vệ, vừa được đầu tư với cơ chế hoạt động linh hoạt, được hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam triển khai.
Trong đó, các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung có mặt từ cách đây hơn 10 năm, riêng bảo hiểm liên kết đơn vị được triển khai muộn hơn vì là sản phẩm bảo hiểm phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường tài chính, tình hình kinh tế và quan trọng là chiến lược của mỗi công ty bảo hiểm. Sản phẩm này cũng không phải là sản phẩm bảo hiểm được bán đại trà, mà có những lựa chọn phân khúc khách hàng nhất định.
Bảo hiểm liên kết đơn vị hiện được triển khai chủ yếu ở các thành phố lớn và được bán bởi đội ngũ đại lý có kinh nghiệm (yêu cầu có chứng chỉ đào tạo riêng cho sản phẩm này). Dòng bảo hiểm này cho phép khách hàng tùy chọn quỹ đầu tư với phần quyền lợi đầu tư được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư, nhưng phải chịu mọi rủi ro đầu tư từ quỹ đã lựa chọn.
Đây là điểm khác biệt so với các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, khách hàng không được chọn quỹ đầu tư mà sẽ do công ty bảo hiểm chọn và được hưởng kết quả đầu tư từ quỹ với mức không thấp hơn lãi suất cam kết.
“Rủi ro cao thì lợi nhuận cao”, bảo hiểm liên kết đơn vị hấp dẫn khá nhiều khách hàng bảo hiểm, đặc biệt trong giai đoạn 2020 – 2021, khi các quỹ đầu tư chứng khoán đều ghi nhận mức độ sinh lời tốt do thị trường sôi động trong 2 năm đại dịch.
… Nhưng có mất đà?
Dù đang ở đà tăng trưởng mạnh, nhưng bảo hiểm liên kết đầu tư, đặc biệt là bảo hiểm liên kết đơn vị, được nhìn nhận có thể mất đi đà tăng trưởng cao. Nguyên nhân là từ quý II/2022, thị trường chứng khoán lao dốc, hiệu suất đầu tư của các quỹ không còn tốt như trước.
“Tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ giảm, độ trễ có thể là sau tháng 6/2023 vì cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.
Theo vị này, cùng với việc thị trường chứng khoán giảm tốc, năm 2023, khi triển khai bán bảo hiểm liên kết đơn vị, các doanh nghiệp sẽ phải áp dụng quy trình mới nghiêm ngặt hơn của Bộ Tài chính (phải quay phim, ghi âm quá trình bán, 100% gọi điện thoại kiểm tra trước khi phát hành hợp đồng…).
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong quá trình tư vấn cho khách hàng, đại lý bảo hiểm phải cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được đăng tải trên website của doanh nghiệp bảo hiểm và thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp; bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi xác nhận vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trên cơ sở phân tích nhu cầu khách hàng và mức độ chấp nhận rủi ro trong đầu tư; đồng thời, tường thuật quá trình tư vấn, giới thiệu, chào bán và thu xếp hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm thông qua các tài liệu ghi âm hoặc ghi hình…
Bảo hiểm liên kết chung thì không liên quan nhiều đến thị trường chứng khoán vì không đầu tư vào cổ phiếu, mà chỉ đầu tư vào trái phiếu nên thu nhập từ phần đầu tư ổn định và an toàn hơn, giúp cho các công ty bảo hiểm có thể cam kết được lãi suất, nhưng sẽ không có những khoản lợi nhuận đột biến.
Theo ý kiến của lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc tốp đầu thị trường, bảo hiểm liên kết đơn vị có thể bị ảnh hưởng khi thị trường chứng khoán đi xuống, nhất là những công ty bán nhiều top-up (giá trị đầu tư), nhưng không quá nặng nề, bởi người mua hiện đã hiểu hơn về bảo hiểm và mua để bảo vệ sức khỏe là chính, chứ không chỉ để đầu tư. Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, kể cả bảo hiểm liên kết đơn vị, cũng thiết kế một hợp đồng chính thuộc nghiệp vụ này có nhiều sản phẩm phụ kèm theo để bảo vệ.
“Trong bảo hiểm liên kết đầu tư, một phần là cho phí bảo hiểm, phần khác là top-up. Trong xu hướng thị trường đi xuống, giá trị đầu tư có thể giảm, dẫn đến khách hàng hoang mang muốn rút tiền về. Nếu nhiều nhà đầu tư cùng rút thì các quỹ sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên đầu tư, thay vì rút tiền vào thời điểm này, tức là giá trị quỹ đang thấp thì nên mua vào, rồi đợi 1 – 2 năm sau, giá đi lên thì bán ra. Các tập đoàn bảo hiểm lớn luôn đầu tư vào các tài sản bền vững, những tài sản không đạt tiêu chuẩn thường không nằm trong danh mục đầu tư của họ”, một chuyên gia kinh tế phân tích.