Bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc trong bối cảnh quốc tế hiện nay
Tác giả: Trần Chí Trung (Học viện Ngoại giao)
Trong quá trình hình thành và phát triển, mọi quốc gia đều cần đến những nội lực điều hướng. Một trong những nội lực điều hướng mang tính phổ quát nhất và đóng vai trò quyết định nhất là lợi ích quốc gia – dân tộc. Trên cơ sở bản chất nhà nước và lực lượng nắm giữ quyền lực nhà nước, phù hợp với sự thay đổi thế và lực của quốc gia và thế giới bên ngoài, vấn đề luôn đặt ra cho mọi quốc gia là phải luôn có cách tiếp cận biện chứng và chiến lược trong việc xác định, thực hiện và bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc ấy.
Bài viết nhằm phân tích: (1) Một số vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa quốc gia, dân tộc và quốc tế; (2) Bàn về lợi ích trong bối cảnh quốc tế hiện nay; (3) Một số suy nghĩ về nội hàm lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam trong bối cảnh mới.
*
Khái niệm lợi ích quốc gia xuất hiện từ lâu cùng với sự ra đời của các nhà nước – quốc gia. Các quốc gia khác nhau có những cách định nghĩa nội hàm lợi ích khác nhau. Một số quốc gia xác định lợi ích theo từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, chủ quyền lãnh thổ… Một số khác xác định theo mức độ quan trọng (sống còn, cốt lõi, quan trọng, thứ yếu…). Những nội hàm này tạo cơ sở để các quốc gia có thể xác định những vấn đề nào là ưu tiên, cốt lõi phải bảo vệ, vấn đề nào có thể thỏa hiệp nhất thời.[1] Tuy nhiên, nhằm tạo không gian để có thể linh hoạt trong ứng xử đối ngoại, không phải quốc gia nào cũng công khai các nội hàm lợi ích cụ thể của mình.
Lợi ích trong mối quan hệ dân tộc, quốc gia và quốc tế
Nếu như trước đây, quan điểm chung đều cho rằng đối ngoại là sự kéo dài của đối nội, thì ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hóa, đối nội chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều hơn từ các vấn đề đối ngoại. Không một quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ mà không chịu tác động từ các nhân tố bên ngoài. Bối cảnh quốc tế hiện tại càng cho thấy có hai mối quan hệ cần xem xét, đó là: mối quan hệ giữa nhà nước (đại diện là giai cấp) với dân tộc (các tầng lớp nhân dân) và mối quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau; trong đó, lợi ích là nhân tố xuyên suốt các mối quan hệ này.
Thứ nhất, dân tộc và quốc gia là những khái niệm tuy gần nghĩa nhưng lại mang bản chất khác nhau. Dân tộc là nền tảng cho quốc gia; còn quốc gia là biểu hiện tập trung về mặt chính trị của dân tộc. Dân tộc là trường tồn, quốc gia là hữu hạn. Quốc gia và dân tộc không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau về mặt lợi ích. Khi lợi ích của quốc gia và lợi ích của dân tộc không hòa hợp, chính trị – xã hội của quốc gia đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn, và nhà nước quốc gia đó đứng trước thách thức về tính chính danh. Nếu hai lợi ích này thống nhất với nhau, quốc gia – dân tộc đó sẽ bền vững và phát triển. Để có được sự thống nhất đó, giai cấp đại diện cho quốc gia phải có khả năng và phải biết đặt lợi ích của mình thống nhất trong lợi ích của dân tộc, biết hành động vì lợi ích dân tộc, để dẫn dắt dân tộc đi lên.
Thứ hai, quốc gia và quốc tế là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Các quốc gia và mối quan hệ giữa các quốc gia tạo thành quốc tế và quốc tế là môi trường để các quốc gia tương tác với nhau. Quan hệ quốc tế, về bản chất, chính là quan hệ hợp tác hoặc cạnh tranh về mặt lợi ích của những quốc gia – dân tộc. Một quốc gia tham gia vào đời sống quốc tế cần giải quyết đúng đắn bài toán lợi ích giữa cái riêng và cái chung. Nếu quá đề cao cái chung mà quên mất cái riêng, quốc gia sẽ rơi vào nguy cơ theo đuổi chủ nghĩa quốc tế hư vô. Ngược lại, nếu chỉ vì cái riêng mà gạt bỏ đi những giá trị chung, quốc gia đó sẽ rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Thậm chí, nếu vì cái riêng mà dùng bạo quyền nhằm phương hại đến lợi ích chính đáng của nước khác, bất chấp những giá trị cơ bản của luật pháp quốc tế, thì quốc gia đó mang biểu hiện của chủ nghĩa cường quyền.
Lợi ích quốc gia – dân tộc vừa là cái gốc chi phối mọi quyết định của quốc gia trong những vấn đề nội trị, vừa chi phối hành xử của quốc gia đó trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc xác định lợi ích là một công việc mang nhiều tính chủ quan, tùy thuộc vào nhận thức của mỗi quốc gia – dân tộc. Trên thực tế, không phải lúc nào lợi ích quốc gia – dân tộc cũng được đặt lên trên hết. Trong nhiều trường hợp, điều này bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm bên trong mỗi quốc gia, các yếu tố bên ngoài như các xu hướng, trào lưu trên thế giới (chủ nghĩa dân tộc, dân túy, trào lưu chống toàn cầu hóa, phản kháng, bất tuân dân sự…) hay thậm chí là sự can thiệp trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài.
Vấn đề lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế hiện nay
Lịch sử các quốc gia, dân tộc cho thấy, lợi ích luôn là nhân tố trung tâm chi phối chiến tranh và hòa bình, hợp tác và đấu tranh. Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, thế giới chuyển sang một thời kỳ mới, trong đó việc giải quyết vấn đề lợi ích về cơ bản không còn thông qua chiến tranh nóng, mà qua đàm phán và thỏa hiệp giữa các quốc gia, ngay cả trong bối cảnh của sự chia phe, chia tuyến trong quan hệ quốc tế. Hệ thống các tổ chức quốc tế đa phương, trong đó trung tâm là Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… được các quốc gia xây dựng nhằm giải quyết những mâu thuẫn lợi ích với nhau trên cơ sở luật lệ và đồng thuận. Toàn cầu hóa phát triển mạnh đã khiến các quốc gia và dân tộc cảm nhận được lợi ích của hợp tác và liên kết. Từ đó, thế giới chứng kiến sự nở rộ của các cơ chế liên kết khu vực, tiêu biểu là Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… và các thỏa thuận thương mại quốc tế ở tầm khu vực và liên khu vực.
Chiến tranh lạnh kết thúc vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đưa thế giới quá độ từ trật tự hai cực sang một trật tự thế giới mới, đa cực, đa trung tâm. Trong đó, tác động mạnh mẽ nhất đến giai đoạn quá độ này là ba “đại chuyển dịch quyền lực” mang tính tất yếu: Một là, từ Bắc xuống Nam (khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển thu hẹp); hai là, từ Tây sang Đông (trọng tâm thế giới chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương); ba là, từ thượng tầng xuống hạ tầng (quyền lực chuyển từ các chủ thể nhà nước đến các chủ thể phi nhà nước).
Sự quá độ trật tự thế giới đó không thoát khỏi quy luật của mâu thuẫn. Sự tồn tại của các xu thế luôn dẫn đến sự xuất hiện của phản xu thế. Đơn cử, toàn cầu hóa là hai mặt của một vấn đề, bởi lẽ nó tạo ra tình thế “kẻ thắng, người thua” trong cả nội bộ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Từ trong nội bộ các quốc gia, lợi ích mà toàn cầu hóa đem lại không được phân bổ đồng đều, khiến nhiều nhóm lao động của phương thức sản xuất cũ bị mất việc làm, làm gia tăng bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Những mặt trái của “bàn tay vô hình” càng bộc lộ rõ hơn, mức độ phức tạp hơn, trong khi các nhà nước và tầng lớp cầm quyền không điều hòa được lợi ích trong xã hội trong bối cảnh mới. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các phong trào biểu tình, phản kháng chống chính phủ và chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc dân túy trỗi dậy ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Trong sự chuyển dịch trật tự thế giới, quan hệ quốc tế thay đổi khi các quốc gia nhận thức lại lợi ích của mình. Trật tự và hệ thống quốc tế hiện nay được cho là đang làm suy giảm lợi ích và ưu thế vốn có của các nước phát triển, đồng thời còn là “cái áo quá chật” đối với các nước phát triển, nhất là các nước cường quốc đang lên. Hệ quả là, để tranh giành lợi ích và vị thế của mình, cạnh tranh giữa các cường quốc của nhóm “tại vị” và nhóm “đang lên” ngày càng trở nên gay gắt. Trong đó, quan hệ Mỹ và Trung Quốc sau ba thập niên trở thành mối quan hệ chủ đạo chi phối quan hệ quốc tế, đã chuyển từ sắc thái hợp tác sang cạnh tranh chiến lược toàn diện để tranh giành vị trí siêu cường duy nhất trong nhiều thập niên tới.
Sự chuyển động của trật tự quốc tế đã tạo ra những rung lắc và đan xen giữa các nhân tố mới – cũ. Luật pháp quốc tế gặp khó khăn với sự trở lại của chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới. Các thể chế đa phương gặp những thách thức lớn về tính chính danh, xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc, WB, IMF, WTO… đi cùng với xu thế một hay nhiều nước tự thiết lập các tổ chức khu vực và quốc tế, như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (BRICS), Ngân hàng đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB)…
Cũng trong bối cảnh đó, các quốc gia vừa và nhỏ nhận thức rõ rằng lợi ích quốc gia – dân tộc sẽ chỉ được bảo đảm trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương. Thực tế, các quốc gia này đã nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong bối cảnh mới có nhiều thách thức. Cùng với bản sắc, lợi ích thường là yếu tố quyết định đến việc các quốc gia tham gia hay không tham gia các cam kết, liên kết quốc tế, hay việc các dân tộc sáp nhập hay ly khai. Lợi ích ở đây bao gồm cả lợi ích đạt được khi liên kết và lợi ích sẽ mất đi khi chấp nhận nhượng bộ một phần quyền tự quyết của mình. Thời gian qua, xuất hiện những hiện tượng, như nước Mỹ dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã rút khỏi một số cam kết quốc tế; nước Anh rời khỏi EU và sự suy giảm vai trò của các thể chế, liên kết khu vực. Nguyên nhân xuất phát từ việc các quốc gia không giải quyết được bài toán lợi ích giữa cái riêng và cái chung, cả trong nội bộ cũng như trong mối tương quan với các quốc gia khác.
Trong kỷ nguyên của công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, các vấn đề toàn cầu ngày càng trở nên bức thiết hơn. Tiêu biểu là những thách thức từ tình trạng biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang trở thành những “kẻ thù chung” mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết. Điều trớ trêu là, rào cản lớn nhất trong nỗ lực chống kẻ thù chung đó đến từ việc các quốc gia vẫn ưu tiên những lợi ích ngắn hạn hơn dài hạn hơn. Chẳng hạn như việc các cường quốc công nghiệp vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong cắt giảm khí thải toàn cầu hay tình trạng “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” đang diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới trong hơn hai năm qua. Những nỗ lực hợp tác quốc tế hiện nay đã được thực hiện, song chưa kịp thời, chưa hiệu quả và chưa ở cấp độ quản trị toàn cầu.
Thế giới vẫn đang trăn trở về mô hình phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới. Nếu như nỗ lực hướng tới phát triển bền vững là câu chuyện hài hòa lợi ích của thế hệ hiện nay với các thế hệ sau này thì phát triển bao trùm là vấn đề bảo đảm lợi ích công bằng giữa các cộng đồng trên thế giới. Nguy cơ “bị bỏ lại phía sau” là hiện hữu đối với các quốc gia, dân tộc, các nhóm người, cả về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục… Sự phát triển của khoa học – công nghệ, một mặt, giúp thế giới tiến bộ hơn; mặt khác, cũng mang đến những thách thức mới, như vấn đề an ninh mạng, an ninh y tế… hay nguy cơ tụt hậu đối với các nền kinh tế. Đó là những bài toán lợi ích cần có lời giải trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau. Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc các quốc gia, dân tộc cần đi đến một nhận thức chung về những lợi ích chung để cùng hợp tác, những mối nguy chung để cùng xử lý, để lấy đó làm cơ sở giải quyết những vấn đề riêng và những xung đột lợi ích khác.
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam trong giai đoạn chiến lược mới
Trong lịch sử Việt Nam, ngay từ khi Nhà nước Văn Lang đầu tiên ra đời, những ý thức về quốc gia – dân tộc đã xuất hiện. Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt thông qua việc chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai, đã khiến ý thức đó được hình thành và củng cố. Từ đó, tư duy về lợi ích quốc gia – dân tộc đã sớm xuất hiện cùng với ý thức về quốc gia, dân tộc. Những tác phẩm kinh điển như Nam quốc sơn hà, Bình ngô đại cáo… là minh chứng rõ nét nhất thể hiện ý thức về lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam từ thuở sơ khai.
Lịch sử cũng cho thấy, việc luôn đặt quốc gia – dân tộc lên trên hết đã giúp Việt Nam vượt qua được những giai đoạn cam go nhất. Vì quốc gia – dân tộc, người Việt Nam sẵn sàng gạt bỏ hiềm khích cá nhân để “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”.[2] Vì quốc gia – dân tộc, người Việt Nam quyết không thể để mất một tấc đất của tiền nhân để lại,[3] nhưng ngay sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi thì cử sứ giả nước ta chủ động sang giảng hòa, “cốt sao vẹn đất, chỉ mong an ninh”,[4] để có thể trong xưng đế, ngoài xưng vương.
Truyền thống đó được tiếp nối và phát triển trong giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam hiện đại. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lãnh đạo, mở ra đường lối cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Trong suốt chặng đường lãnh đạo cách mạng hơn 90 năm qua, Đảng luôn đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết, trước hết, luôn thống nhất, hòa quyện giữa lợi ích của Đảng và lợi ích của dân tộc. Đảng khẳng định lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc của Việt Nam là đồng nhất.[5] Lợi ích của giai cấp công nhân, đại diện là Đảng Cộng sản thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân và đế quốc, Đảng luôn đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên cao, với mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, Đảng dẫn dắt dân tộc tiến hành thành công hai cuộc kháng chiến, đưa non sông về một mối. Bước sang thời kỳ Đổi mới, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới toàn diện, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, phá thế bao vây, cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế, mở ra những vận hội mới cho đất nước. Những dấu mốc lịch sử đó đã chứng minh tính đúng đắn của việc kiên trì theo đuổi lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở hợp tác quốc tế.
Xuyên suốt những giai đoạn đó, tư duy của Đảng về lợi ích quốc gia – dân tộc có sự kết thừa, phát huy, phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước. Ngay từ Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 2-1992), Đảng ta đã đề ra một trong bốn phương châm xử lý các vấn đề quốc tế đó là “bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã lần đầu tiên chính thức khẳng định mục tiêu về lợi ích quốc gia – dân tộc. Đại hội XII của Đảng xác định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi…”.[6] Đại hội XIII của Đảng (tháng 3-2021) khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.[7]
Trong giai đoạn chiến lược hiện nay, lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam có thể được nội hàm hóa, đó là: bảo đảm độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển đất nước toàn diện và bền vững, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Bảo đảm độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của đất nước gắn liền với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bao hàm cả việc bảo hộ lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Lợi ích quốc gia – dân tộc ở nội hàm này liên quan đến đất nước và con người Việt Nam, đến hệ thống chính trị và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đến vai trò lãnh đạo đất nước và quan điểm, đường lối chính sách của Đảng. Đó cũng là quyền của người Việt Nam tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình, tự quyết định lựa chọn đảng chính trị lãnh đạo đất nước, hệ thống chính trị và chế độ xã hội muốn xây dựng, ý thức hệ và hệ giá trị muốn theo đuổi. Lợi ích quốc gia – dân tộc phản ánh truyền thống lịch sử và khát vọng của cả dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước từ trước tới nay và trải qua những giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thúc đẩy phát triển đất nước toàn diện và bền vững là kiến thiết đất nước hùng cường và phồn vinh bằng kết hợp nội lực với ngoại lực hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”. Ở nội hàm này, lợi ích quốc gia – dân tộc đòi hỏi khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực ở bên trong đất nước cho phát triển kinh tế – xã hội năng động, liên tục và bền vững, đồng thời tranh thủ, khai thác và tận dụng mọi nguồn lực từ bên ngoài phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển ấy. Lợi ích quốc gia – dân tộc bao hàm mục tiêu tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để thực hiện thành công công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi chiều hướng biến động của thế giới, phát huy khát vọng toàn dân tộc để hiện thức hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển của Việt Nam đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045.
Nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước là nâng cao sức mạnh mềm và giá trị bản sắc của Việt Nam trên trường quốc tế. Nội hàm này của lợi ích quốc gia – dân tộc vừa là kết quả, vừa hậu thuẫn cho hai nội hàm trên. Vị thế và uy tín quốc tế của đất nước thể hiện cụ thể ở sự coi trọng và tin cậy của thế giới dành cho đất nước. Sự coi trọng và tin cậy ấy là nền tảng và tiền đề để Việt Nam hội nhậpquốc tế; đồng thời, tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Vị thế và uy tín quốc tế, vì thế, đóng góp mang tính quyết định vào việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển đất nước toàn diện và bền vững, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.
Ba nội hàm này tuy có riêng biệt về bản chất nhưng hội tụ thành thể thống nhất và hài hoà trong lợi ích quốc gia – dân tộc của đất nước ta trong giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Chúng bổ sung cho nhau và chi phối lẫn nhau, tạo nên tính tổng thể và hoàn chỉnh của lợi ích quốc gia – dân tộc và giúp cho việc bảo vệ và thực hiện lợi ích quốc gia – dân tộc luôn khả thi.
Đối với nước ta, ở các giai đoạn lịch sử khác nhau có thể có mức độ ưu tiên khác nhau về mục tiêu, nhưng cả ba mục tiêu này luôn hài hòa với nhau tạo thành thể thống nhất. Ở giai đoạn hiện tại và thời gian tới, mục tiêu về an ninh là nền tảng, mục tiêu về phát triển là trung tâm, mục tiêu về vị thế là sự bổ trợ quan trọng cho an ninh và phát triển. Phát triển phải là trung tâm, vì mục đích và điều kiện cho sự tồn vong của mọi quốc gia là thịnh vượng. Có phát triển thì an ninh mới được bền vững, vị thế mới được lâu dài.
Phương châm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc tiếp tục là định hướng soi đường cho chúng ta trong giai đoạn tới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định điều này ở phần “quan điểm chỉ đạo”, cho thấy sự thống nhất nhận thức cao nhất. Mọi phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới đều vì lợi ích quốc gia – dân tộc và mọi lợi ích khác đều phải phục tùng lợi ích quốc gia – dân tộc.
Đồng thời, trong môi trường quốc tế với sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cường quyền, Đảng đã khẳng định Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, mà thúc đẩy lợi ích của mình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này bao gồm: bình đẳng về chủ quyền quốc gia; tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không can thiệp công việc nội bộ các nước; tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Đó là những nguyên tắc phổ quát và tiến bộ mà toàn thể nhân loại đang nỗ lực gìn giữ. Trong hội nhập quốc tế, mọi quốc gia, tổ chức, cá nhân dù bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc mình, cũng cần phải chấp hành nghiêm thông lệ quốc tế, các nguyên tắc, định chế của các tổ chức quốc tế trong quan hệ đối ngoại; tránh những tư tưởng, hành động vì lợi ích cục bộ, dân tộc cực đoan, bất chấp luật pháp quốc tế. Việt Nam tôn trọng và bảo vệ những nguyên tắc này, cũng là bảo vệ lợi ích của chính mình và bảo vệ cho cái chung. Trong những thập niên qua, chủ trương xuyên suốt và sự chỉ đạo về đối ngoại nhất quán của Đảng trong giải quyết các vấn đề mâu thuẫn lợi ích, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và những trọng trách quốc tế mà Việt Nam đã đảm đương xuất sắc trong thời gian qua chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam hướng tới sự hợp tác “bình đẳng cùng có lợi”, bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, đồng thời bảo đảm hài hòa với lợi ích của các đối tác, lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế. Thực tiễn trong 35 năm đổi mới cho thấy, Việt Nam ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
*
Tựu trung, trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam, lợi ích quốc gia – dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là phương châm và động lực phát triển. Sau 35 năm đổi mới, tư duy về lợi ích quốc gia – dân tộc của Đảng đã có những bước tiến lớn quan trọng và ngày càng toàn diện hơn.
Những bước tiến lớn này là kết quả của tư duy đúng đắn về lợi ích quốc gia – dân tộc và của việc kịp thời đổi mới tư duy về lợi ích quốc gia – dân tộc trong từng thời kỳ phát triển của đất nước và trước những biến động của thế giới. Cụ thể ở đây là xác định đúng lợi ích quốc gia – dân tộc cho từng thời kỳ, chỉ ra cái bất biến và cái khả biến trong lợi ích quốc gia – dân tộc; đồng thời, hoạch định chiến lược thích hợp và khả thi để bảo vệ vững chắc và thực hiện thành công lợi ích quốc gia – dân tộc. Tư duy và đổi mới tư duy của Đảng ta về lợi ích quốc gia – dân tộc nhờ đó mà luôn mang tính hợp lý và kịp thời, luôn xác thực và phát huy được tác dụng.
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc là quan điểm xuyên suốt chi phối việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những thành tựu của đất nước ngày hôm nay cho thấy quan điểm của Đảng đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết, trước hết là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhiều nguy cơ và thách thức to lớn đặt ra đối với an ninh và phát triển của đất nước. Kiên định trên con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, Việt Nam cần tiếp tục bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc của mình trên cơ sở hài hòa và đóng góp vào lợi ích của các đối tác, khu vực và toàn cầu. Đó vừa là mục tiêu bất biến, vừa là kim chỉ nam cho hành động để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển của mình hướng tới những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước vào các năm 2025, năm 2030 và năm 2045, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa./.
—————-
[1] Chẳng hạn như Trung Quốc xác định lợi ích cốt lõi bao gồm: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chế độ chính trị quốc gia mà hiến pháp Trung Quốc xác lập và cục diện xã hội ổn định, sự bảo đảm cơ bản của kinh tế – xã hội phát triển bền vững. Mỹ xác định “bốn lợi ích quốc gia tối quan trọng” là bảo vệ người dân Mỹ, nước Mỹ và lối sống Mỹ; thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ; bảo vệ hòa bình thông qua sức mạnh; gia tăng ảnh hưởng của Mỹ
[2] Trần Hưng Đạo bàn về sức mạnh của Đại Việt sau ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông. Vì việc nước, Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải đã gạt bỏ hiềm khích cá nhân với nhau
[3] Năm 1473 (Hồng Đức năm thứ tư), vua Lê Thánh Tông ra lời dụ với Thái bảo Lê Cảnh Huy khi chuẩn bị đi đàm phán giao bang biên giới: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”, Đại Việt Sử ký Toàn thư, t. II, Hoàng Văn Lâu dịch, GS. Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998
[4] Nguyễn Trãi, “Chí Linh sơn phú”
[5] Đặng Đình Quý: “Lợi ích quốc gia-dân tộc là nguyên tắc tối cao của hoạt động đối ngoại”. https://vov.vn/chinh-tri/loi-ich-quoc-gia-dan-toc-la-nguyen-tac-toi-cao-cua-hoat-dong-doi-ngoai-543351.vov
[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153
[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 110