Bánh cuốn là gì, ăn với gì? Bánh cuốn bao nhiêu calo, ăn có béo không?

Bánh cuốn là món bánh quen thuộc trong bữa sáng của người Việt với các thành phần đơn giản nhưng lại đem đến sức hút bất ngờ. Cùng chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH điểm qua 7 loại bánh cuốn ngon nức tiếng của miền Bắc, bánh cuốn bao nhiêu calo, ăn với gì ngon nhé!

1. Bánh cuốn là gì?

Đặc điểm của bánh cuốn

Bánh cuốn là món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, với lớp vỏ bánh được tráng mỏng, mềm, dẻo dai được cuộn nhiều loại nhân khác nhau bên trong.

Bánh cuốn thường được ăn kèm với các loại chả lụa, chả quế, nem chua, dưa leo và giá đỗ, chấm cùng nước mắm ngọt hoặc dùng kèm nước dùng ninh từ xương.

Khi tráng bánh, bạn căng một lớp vải mỏng trên miệng nồi hấp, cho một muôi bột lên mặt vải xoa đều để lá bánh cuốn được mỏng. Đậy kín cho bánh chín rồi lấy bánh ra, cho nhân vào giữa và cuộn tròn.

Ngày nay các gia đình thường sử dụng chảo chống dính để tráng vỏ bánh cuốn, tiện lợi hơn khi muốn làm bánh tại nhà.

Bánh cuốn là gì

Bánh cuốn làm từ bột gì?

Vỏ bánh cuốn thường rất mỏng, được làm từ hỗn hợp của bột gạo, tinh bột sắn và đôi khi có cả tinh bột khoai tây được xay nhuyễn.

Theo phương thức chế biến vỏ bánh truyền thống, người chế biến sẽ xay gạo trắng có bột gạo tươi pha trộn với những nguyên liệu khác. Gạo dùng làm bột tráng bánh cuốn thường là loại gạo cũ (do sử dụng gạo mới, gạo ngon sẽ có nhiều nhựa nên bánh sẽ dính, khó chế biến), xay mịn, hòa với nước.

Ngày nay, để tiết kiệm thời gian và tối giản thao tác, nhiều loại bột pha sẵn và bột khô được bày bán rộng rãi khắp các chợ địa phương, tiệm tạp hoá và trong siêu thị, các cửa hàng Bách hoá XANH trên toàn quốc, bạn cũng có thể đặt mua online qua các trang thương mại điện tử bachhoaxanh.com nhé!

Bánh cuốn làm từ bột gì?

2. Bánh cuốn – mỗi vùng một hương vị

Bánh cuốn Phủ Lý (Hà Nam)

Bánh cuốn Phủ Lý đơn giản, mộc mạc đậm chất Bắc với lớp vỏ tráng chay. Bánh sau khi tráng xong được gấp gọn lại, thêm chút hành phi và bày lên đĩa ăn kèm chả nướng, chấm với chút nước mắm ngọt.

Bánh cuốn chuẩn vị Phủ Lý phải quy tụ đủ 3 yếu tố: phần bánh cuốn mỏng, trắng phau nhưng vẫn mềm và dai, chả mới nướng nóng hổi, ngậy thơm mùi than hoa và cuối cùng là nước mắm vừa miệng, hấp dẫn.

Bánh cuốn Phủ Lý (Hà Nam)

Bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội)

Nhắc đến bánh cuốn ở Hà Nội mà không nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì thì quả là một sự thiếu sót, bởi đây mới chính là thứ bánh cuốn đặc sản của Thủ đô.

Bánh cuốn làng Thanh Trì có phần bột làm từ gạo tẻ, bánh không có nhân, lá bánh mỏng và dai mềm hơn phần vỏ của bánh cuốn Phủ Lý được phết một lớp mỡ hành phi bóng bẩy, thơm phức.

Món ăn vô cùng hấp dẫn khi được dùng kèm với chả quế giòn dai thơm ngon, chấm ngập trong nước mắm pha mặn mặn chua cay dậy mùi thơm đặc biệt, tạo nên nét hương vị riêng của một vùng xứ sở.

Bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội)

Bánh cuốn Lạng Sơn

Bánh cuốn Lạng Sơn đặc trưng bởi sự kết hợp của trứng vào món ăn, gồm: bánh tráng trứng kiểu ốp la (đập trứng thẳng vào giữa bánh rồi gói lại), bánh trứng đánh (trứng được đánh tan cùng với bột rồi mới tráng bánh tạo nên lớp vỏ bánh vàng ruộm) và bánh cuốn trứng với một lớp thịt nạc băm cuộn bên trong.

Đặc biệt, nước chấm ăn với món đặc sản Lạng Sơn này là nước ninh từ xương ống trụng với thịt băm, thêm gia vị, hành, tiêu, ớt,… tùy theo sở thích của mỗi người, chấm ngập bánh tạo cảm giác đậm đà, béo ngậy cực lôi cuốn.

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Bánh cuốn Cao Bằng

Một phần bánh cuốn Cao Bằng sẽ gồm bánh cuốn kiểu truyền thống với lớp vỏ bánh trắng cuộn một ít thịt băm xào bên trong và còn có một chiếc bánh cuốn trứng được thả thẳng vào bát canh chứ không để riêng.

Bánh cuốn Cao Bằng cũng ăn cùng với nước canh ninh từ xương nhưng phần canh trong hơn, không có thêm thịt băm, vì vậy nhạt và ít độ ngậy béo hơn.

Chén canh nóng hổi thơm nức gồm hành lá, hành phi, thêm chút tiêu và có kèm 1 thanh chả giòn dai tăng độ hấp dẫn cho món ăn.

Bánh cuốn Cao Bằng

Bánh cuốn Thanh Hoá

Không giống với bánh cuốn ở các tỉnh miền Bắc có phần nhân chủ yếu là thịt băm xào, bánh cuốn Thanh Hóa đặc trưng bởi phần nhân kết hợp cùng tôm vô cùng hấp dẫn.

Tôm nõn tươi sau khi băm nhuyễn cùng thịt ba chỉ được xào thơm lừng cùng nước mắm và nêm nếm gia vị đậm đà. Phần vỏ bánh được tráng mỏng, dẻo dai mịn mướt bọc lấy phần nhân rồi bày ra đĩa cùng chút hành phi rắc lên trên vô cùng bắt mắt.

Bánh cuốn Thanh Hóa ăn cùng nước mắm pha nhạt, kèm thêm chút rau mùi, đồ chua vừa thơm lừng lại bắt vị khiến bạn không thể ngừng đũa. Một số nơi còn kết hợp với thịt nướng thơm nức, bép ngậy tăng vị cho món ăn thêm phần hấp dẫn.

Bánh cuốn Thanh Hoá

Bánh cuốn Quảng Ninh

Nhắc đến Quảng Ninh – Hạ Long thì không thể không nhắc đến nét đặc trưng ẩm thực nơi đây với món chả mực trứ danh mặn mòi vị biển.

Do đó, bánh cuốn cũng không ngoại lệ khi được kết hợp với chả mực giòn dai, đậm mùi gia vị thơm nức nhưng vẫn bật lên vị ngọt của mực tươi hấp dẫn.

Bánh cuốn thịt tráng mỏng tang, mướt mượt cuốn đầy ắp nhân thịt xào bên trong, rắc chút ruốc tôm đỏ au bắt mắt bên trên.

Khi ăn bạn gắp một miếng bánh cuốn, kèm chút rau mùi, chả mực vừa chiên nóng hổi, chấm ngập vào bát nước mắm sóng sánh, đậm đà mà hấp dẫn khó tả, tạo nên sự bùng nổ hương vị cho món ăn.

Bánh cuốn Quảng Ninh

Bánh cuốn Mễ Sở (Hưng Yên)

Bánh cuốn Mễ Sở hay còn gọi là bánh cuốn Phú Thị. Lá bánh cuốn Mễ Sở dày nhưng không cứng mà rất dẻo dai, mềm mại. Điểm khác biệt ở bánh cuốn Mễ Sở là người ta cuốn nhân ở phần đầu bánh sau đó sẽ cuộn tròn hết bánh.

Phần nhân bánh sẽ được làm từ thịt nạc thái thành miếng nhỏ chứ không băm nhuyễn, sau đó được xào lên cũng với nước mắm, bột ngọt, vài lát nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu,… cực đậm đà, dậy mùi thơm ngon.

Cách để thưởng thức bánh cuốn Mễ Sở cũng rất độc đáo, phải ăn bằng tay mới cảm nhận được hết hương vị của hồn Việt trong món ăn.

Cầm từng cuốn bánh chấm vào chén nước mắm ngon sóng sánh, cắn một miếng mà bao nhiêu béo, bùi, ngọt ngào và cả cảm giác mềm mại sẽ là thứ khiến thực khách lưu quyến không thôi.

Bánh cuốn Mễ Sở (Hưng Yên)

Bánh cuốn Hải Dương

Bánh cuốn – món ăn đặc sản Hải Dương này được tráng chay thành từng lá mỏng, cuộn lại rồi rưới thêm nước mỡ và hành đã được phi thơm.

Khi ăn, thực khách dùng tay để bóc từng lá bánh ở đầu mép bánh ra, cắt thành miếng nhỏ vừa đủ để bỏ vào miệng. Tất cả hoà quyện tạo nên công thức nước chấm mang hương vị đặc trưng chỉ có tại nơi đây.

Ăn kèm với bánh cuốn có chả quế vừa có lớp vỏ chiên dai dai, vừa có độ giòn và vị ngọt, bùi, ngậy của chả.

Bánh cuốn Hải Dương

3. Bánh cuốn ăn với gì?

Hành phi

Hành phi là phần không thể thiếu giúp bánh cuốn thêm dậy mùi, đẹp mắt và ngon miệng hơn. Miếng hành được bào mỏng, phi vàng ươm và giòn rụm toả hương thơm ngát, dùng kèm lớp bánh mềm dai hấp dẫn là sự kết hợp tuyệt vời.

Bánh cuốn ăn kèm với hành phi

Nem chua

Nem chua cũng là một trong những sự lựa chọn được khá nhiều người yêu thích khi dùng kèm với bánh cuốn. Lớp bánh mỏng dai nóng hổi ăn kèm miếng nem dày cắn ngập răng, giòn dai chua chua cực bắt vị, thơm ngon.

Bánh cuốn ăn kèm với nem chua

Thịt nướng

Sẽ thật tuyệt vời khi đi kèm với đĩa bánh cuốn bóng mướt là đĩa thịt nướng xém cạnh, toả hương thơm nức với từng miếng thịt được ướp thấm đẫm gia vị, đậm đà, mềm ngon. Thịt nướng dùng kèm với bánh cuốn sẽ giúp món ăn thêm đậm đà và bắt vị cực gây nghiện đấy nhé!

Xem thêm: 2 cách làm thịt xiên nướng cực ngon với công thức ướp thịt đậm đà

Bánh cuốn ăn kèm với thịt nướng

Giò lụa, chả quế

Bánh cuốn đi kèm với giò lụa, chả quế đã trở nên quá quen thuộc với thực khách nhưng chưa bao giờ nhàm chán bởi sự kết hợp cực ăn ý của chúng. Giò lụa, chả quế giòn dai, dậy mùi thơm ăn kèm lớp bánh cuốn dẻo mịn, mềm ướt cực hấp dẫn sẽ khiến bạn ăn mãi không chán.

Bánh cuốn ăn kèm với già lụa, chả quế

Rau sống

Bánh cuốn cũng có thể dùng kèm với các loại rau sống tươi xanh, đặc biệt là các loại rau thơm để món ăn thêm dậy mùi, lại thanh mát, tươi mới, không bị ngán và hấp dẫn hơn.

Bánh cuốn ăn kèm với rau sống

Nước mắm

Và cuối cùng, phần không thể thiếu tạo nên sự hấp dẫn của món ăn này là nước mắm.

Nước mắm chấm kèm bánh cuốn thường không dùng nước mắm chuyên chất mà được pha loãng, gia giảm gia vị tạo thành loại nước chấm cân bằng độ chua ngọt những vẫn sóng sánh đậm đà.

Mỗi vùng có công thức pha nước mắm riêng nhưng tất cả đều tạo nên sự cộng hưởng hương vị cho món bánh cuốn càng thêm bắt vị khó quên.

bánh cuốn cùng nước mắm

4. Bánh cuốn bao nhiêu calo, ăn có béo không?

Bánh cuốn bao nhiêu calo?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì cứ 1 đĩa bánh cuốn tương đương 100gr sẽ có lượng calo cụ thể như sau:

  • Bánh cuốn thường (chỉ có mộc nhĩ): 200 calo
  • Bánh cuốn 1 trứng: 300 calo
  • Bánh cuốn nhân thịt xay: 590 calo
  • Bánh cuốn giò chả: hơn 600 calo

Ăn bánh cuốn có béo không?

Lượng calo trong bánh cuốn tương đối lớn vì thế đối với những người ăn kiêng, những người giảm cân thì các bạn nên cân nhắc khi ăn bánh cuốn.

Bánh cuốn vốn dĩ làm từ bột gạo nên chứa hàm lượng tinh bột khá cao, ăn kèm thịt xào và trứng là các nguyên liệu giàu dinh dưỡng, nếu ăn số lượng lớn ở tần suất thường xuyên có thể dẫn đến thừa năng lượng, tạo mỡ thừa gây béo phì.

Ăn bánh cuốn có béo không?

Vậy, để có thể thưởng thức món ăn thơm ngon này mà không phải lo lắng về vấn đề cân nặng và sức khoẻ, bạn nên lưu ý những điều sau:

Nên ăn bánh cuốn vào buổi sáng để cung cấp năng lượng, dưỡng chất cho cơ thể khỏe mạnh hoạt động cả ngày, giúp ổn định dạ dày, tiêu hao năng lượng hoạt động làm việc cả ngày mà không lo năng lượng dư thừa.

Không nên ăn bánh cuốn buổi tối sẽ gây ra hiện tượng đầy bụng, khó chịu ảnh hưởng tới giấc ngủ, hơn nữa năng lượng nạp vào cơ thể không có sự vận động để tiêu hao sẽ tích tụ thành mỡ thừa dễ gây béo.

Đối với những người ăn kiêng, chỉ nên ăn bánh cuốn thường (chỉ có mộc nhĩ) ăn kèm với rau sống và dưa chuột, hạn chế ăn bánh cuốn thịt, trứng, giò chả… bởi lượng calo trong món ăn này cao hơn rất nhiều, đẩy cao nguy cơ tăng cân.

Bánh cuốn mộc nhĩ

Trên đây là bài viết về bánh cuốn bao nhiêu calo, ăn với gì ngon và điểm qua vài nét đặc trưng làm nên thương hiệu 7 loại bánh cuốn ngon nức tiếng của miền Bắc. Điện máy XANH hy vọng đã cung cấp được cho bạn nhiều thông tin và kiến thức thú vị qua bài viết trên nhé!

*Tham khảo và tổng hợp thông tin từ nguồn: Wikipedia.

Biên tập bởi ĐINH THỊ BÍCH THẢO • Đăng 30/04/2021