Bảng lương mới của giáo viên tiểu học: Cao nhất gần 11 triệu đồng/tháng

HUYÊN NGUYỄN

  –  

Thứ tư, 24/06/2020 13:01 (GMT+7)

Theo cách tính lương mới đang được dự thảo, lương giáo viên tiểu học cao nhất có thể lên tới gần 11 triệu đồng/tháng.

Bảng lương mới của giáo viên tiểu học: Cao nhất gần 11 triệu đồng/tháng
Lương giáo viên tiểu học sẽ được trả tương đương với 4 hạng: hạng I, II, III, IV. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học công lập, trong đó, hệ số lương giáo viên tiểu học cao nhất là 6,78.

Thông tư này áp dụng đối với cán bộ quản lí (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), giáo viên dạy chương trình tiểu học (sau đây gọi chung là giáo viên tiểu học) trong các trường tiểu học, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học, trường chuyên biệt công lập, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục tiểu học (sau đây gọi chung là trường tiểu học).

Theo dự thảo, lương giáo viên tiểu học sẽ được trả theo 5 loại, tương đương với 4 hạng: hạng I, II, III, IV. Riêng hạng IV phân chia thêm theo giáo viên có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng. 

Hệ số lương giáo viên được nhận sẽ từ 1,86 đến cao nhất là 6,78. 

 Bảng lương mới (dự kiến) sau khi tăng lương cơ sở và thay đổi trả lương theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp để giáo viên tham khảo. 

So với mức lương hiện tại thấp nhất 2.771.400 đồng/tháng và cao nhất là 7.420.200 đồng/tháng thì mức lương mới sẽ có điều chỉnh cao hơn rất nhiều với mức thấp nhất là 2.976.000 đồng/tháng đến 10.848.000 đồng/tháng.

Việc mức lương tăng sẽ không đồng nghĩa với thu nhập của  tất cả giáo viên đều tăng.

Với cách tính này, lương của đội ngũ giáo viên mới vào nghề được nâng lên so với hệ thống hiện nay. Những giáo viên lâu năm sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa, vì thế, thu nhập có thể bị giảm.

Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp và khi đó chênh lệch giữa lương của giáo viên mới ra trường và giáo viên lâu năm sẽ thu hẹp.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14.6.2019. Theo đó, Điều 76 của Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp.

Trong đó, vị trí việc làm theo quy định tại Điều 7 Luật Viên chức là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lí tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lí viên chức.

Như vậy, khi Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1.7.2020, sẽ không còn phụ cấp thâm niên, lương giáo viên trả theo vị trí việc làm. Các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm,… sẽ được đưa vào lương theo vị trí việc làm.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc sắp xếp lại các loại phụ cấp mới vẫn chỉ đang được Bộ GDĐT xin ý kiến rộng rãi đến ngày 16.8, chưa được ban hành.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chiều 19.6, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020.

Vì vậy, hiện tại, giáo viên vẫn sẽ hưởng các chế độ cũ. Chế độ mới theo bảng lương trên sẽ được áp dụng đến khi có quyết định mới nhất.