Bảng kê mua hàng mới nhất 2020 [File word và Excel]

Bảng kê mua hàng là một trong những chứng từ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong quá trình mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa. Vậy Bảng kê mua hàng là gì? Cách viết Bảng kê mua hàng như thế nào? Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một số  nội dung liên quan đến loại biểu mẫu thông dụng này.

Thế nào là Bảng kê mua hàng?

Bảng kê mua hàng còn được gọi dưới tên khác là Bảng kê thu mua hàng hóa. Đây là chứng từ bắt buộc và được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu hàng hóa được thu mua trực tiếp từ người dân chỉ chuyên sản xuất mà không kinh doanh các mặt hàng này.

Đây là biểu mẫu quen thuộc, được sử dụng gần như hàng ngày của các kế toán. Nó là chứng từ được dùng để kê khai khi mua hàng hóa, vật tư, công cụ, nguyên liệu hay các dịch vụ trên thị trường tự do. Theo quy định pháp luật, bảng kê được áp dụng đối với các trường hợp người bán thuộc diện không bắt buộc phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa hay cung cấp các loại dịch vụ.

Mẫu bảng kê này được dùng là căn cứ để bên mua lập phiếu nhập kho, thanh toán, hạch toán các chi phí về vật tư, nguyên liệu, công cụ… Giá trị trong bảng kê sẽ không được khấu trừ vào thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp.

Tính chính xác, trung thực của bảng kê này sẽ được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các hàng hóa, dịch vụ ghi trong đó được tính vào chi phí trừ hợp lệ của doanh nghiệp.. Trong trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ ở bảng kê mua hàng của doanh nghiệp cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế sẽ căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng xác định lại mức giá nhằm điều chỉnh lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Bảng kê mua hàng mới nhất 2020

Hoạt động mua bán hàng hóa không hóa đơn cần lập biểu mẫu kê khai hợp pháp

Theo quy định của Bộ tài chính tại Thông tư 78/2014/TT-BTC, khi doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ mà người bán thuộc diện không phải lập hóa đơn thì doanh nghiệp đó buộc phải lập Bảng kê mua hàng theo Mẫu số 04/GTGT.

Căn cứ vào các chứng từ mua bán giữa người bán và người mua, bên mua tiến hành lập bảng kê. Trong bảng kê cần ghi rõ các thông tin của hai bên, số lượng, giá trị các mặt hàng và phải có đầy đủ chữ ký xác nhận của cả hai bên.

Trường hợp các doanh nghiệp có nhiều trạm thu mua khác nhau thì mỗi trạm phải lập bảng kê riêng, sau đó, doanh nghiệp lập bảng kê tổng hợp chung.

Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp bắt buộc phải lập bảng kê này trong trường hợp:

  • Thu mua trực tiếp từ những nuôi trồng, đánh bắt nông lâm thủy sản.
  • Thu mua trực tiếp từ người gia công các sản phẩm nông lâm nghiệp.
  • Thu mua trực tiếp đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác.
  • Thu mua phế liệu trực tiếp từ người nhặt phế liệu.
  • Thu mua trực tiếp tài sản, dịch vụ của người không có mục đích kinh doanh tài sản.
  • Thu mua từ các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.

Viết bảng kê mua hàng như thế nào?

Theo quy định của Bộ Tài chính hiện nay, các doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều loại Bảng kê mua hàng trong số các bảng kê đã được ban hành theo các Thông tư 133/2016/TT-BTC, Quyết định 148/2006/QĐ-BTC…

Các mẫu này có nội dung tương đối đơn giản, khi tiến hành kê khai, bên mua cần phải hoàn tất mọi thông tin được yêu cầu trong bảng kê. Dưới đây, EVBN sẽ hướng dẫn các bạn chi tiết các tiêu mục cần hoàn thành trong biểu mẫu này.

Bảng kê mua hàng

Mẫu bảng kê số 06-VT

– Ghi rõ tên đơn vị, tên bộ phận thu mua hàng.

– Ghi ngày tháng năm lập bảng cũng như số quyển bảng kê, số tờ bảng kê trong quyển, số nợ, số có.

– Ghi rõ họ tên người mua và địa chỉ của bộ phận thu mua (thuộc phòng, ban nào).

– Các nội dung cụ thể trong bảng kê:

+ Cột A: điền số thứ tự từng loại hàng mua.

+ Cột B: điền rõ tên, quy cách, phẩm chất của từng loại hàng hóa doanh nghiệp đã thu mua.

+ Cột C: điền thông tin bên bán (tên bên bán, địa chỉ).

+ Cột D: điền đơn vị tính của từng loại hàng đã mua (m3, cái, kg…)

+ Cột 1: điền số lượng của từng loại hàng đã mua.

+ Cột 2: điền đơn giá mua của từng loại hàng đã thu mua.

+ Cột 3:  điền số tiền sau khi đã tính của từng loại hàng đã mua (Thành tiền = Số lượng x Đơn giá).

+ Điền tổng số tiền đã mua tất cả các loại hàng hóa bằng số tại dòng cộng thẳng cột thành tiền.

– Ghi tổng số tiền bằng chữ và các ghi chú (nếu có) phía dưới bảng vừa kê.

Khi điền bảng kê cần lưu ý:

– Tại vị trí các cột B, C, 1, 2, 3 nếu còn thừa thì gạch 1 đường chéo từ trên xuống, từ trái qua.

– Bảng kê này phải lập thành 2 bản, 1 bản để lưu lại và 1 bản chuyển cho kế toán để làm thủ tục thanh toán, thủ tục hải quan và ghi sổ.

– Sau khi hoàn tất kê khai các nội dung trong bảng kê, đại diện bên mua sẽ ký, tiếp đó chuyển cho kế toán trưởng của đơn vị kiểm tra, xác nhận vào bảng kê, tiếp đó, chuyển bảng kê lên cho giám đốc phê duyệt và làm thủ tục nhập kho (nếu cần) hoặc giao hàng cho người quản lý sử dụng.

Tải mẫu bảng kê mua hàng mới nhất 2020

Dưới đây là một số bảng kê các đơn vị sử dụng phổ biến trong quá trình thu mua và xuất nhập khẩu hàng hóa, các bạn có thể lưu lại để tham khảo khi cần thiết.

Mẫu 1: Bảng kê mua hàng Excel Tải file Excel ngay

Mẫu 2: Bảng kê mua hàng Mẫu 01/TNDT Tải file word ngay

Mẫu 3: Bảng kê mua hàng có hóa đơn Tải file Excel ngay