Bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện trung bình bao nhiêu? | TCI Hospital
Bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện trung bình bao nhiêu?
Chụp cộng hưởng từ MRI có nhiều ưu điểm nên được ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế và bệnh viện. Vì vậy, bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện trung bình bao nhiêu trở thành mối quan tâm chung của đại đa số những bệnh nhân đang cần và được chỉ định chẩn đoán hình ảnh bằng phương pháp này.
1. Bảng giá chụp cộng hưởng từ MRI ở bệnh viện trung bình bao nhiêu?
Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng trên nhiều bộ phận cơ thể khác nhau, với các loại máy khác nhau ở mỗi cơ sở y tế. Vì vậy bảng giá chụp cộng hưởng từ MRI ở bệnh viện cũng có phần khác nhau. Trong một số trường hợp, nếu bác sĩ chỉ định tiêm thuốc cản quang để làm rõ các cấu trúc tổn thương thì chi phí cao hơn. Hiện nay, giá mỗi lần chụp MRI từng bộ phận cơ thể dao động trong khoảng 2,3 – 3,6 triệu đồng với trường hợp chưa có bảo hiểm. Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ toàn thân sẽ có mức phí cao hơn nữa.
Hiện nay, một số bệnh viện lớn khối công lập và bệnh viện tư có thực hiện chụp cộng hưởng từ với máy móc hiện đại, kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm. Trong đó, có bệnh viện tư quy mô lớn đã đầu tư thiết bị cao cấp, chất lượng dịch vụ ưu việt và mức phí không mấy chênh lệch so với bệnh viện công. Bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn trước và không mất nhiều thời gian chờ đợi.
2. Bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện chịu ảnh hưởng bởi yếu tố nào?
Hiện nay, giá thành chụp cộng hưởng từ khác nhau, phụ thuộc vào loại máy chụp MRI, vị trí chụp trên cơ thể, có sử dụng chất cản quang hay không và phụ thuộc vào chất lượng cơ sở y tế mà bệnh nhân lựa chọn.
2.1. Bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện ảnh hưởng loại máy chụp
Nhìn chung, loại máy chụp MRI có quyết định lớn đến chi phí chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện. Máy móc càng hiện đại, kỹ thuật cao, chất lượng tốt và độ chính xác càng cao thì giá thành càng tăng.
2.2. Bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện ảnh hưởng bởi vị trí chụp
Chụp MRI ở những bộ phận cơ thể khác nhau có mức giá khác nhau. Lý do là bởi một số bộ phận mất nhiều thời gian và kỹ thuật chụp phức tạp hơn để cho ra hình ảnh chẩn đoán độ chính xác nhau.
2.3. Được chỉ định dùng thuốc cản quang hay không?
Trong một số trường hợp bác sĩ muốn quan sát rõ hơn một bộ phận, bệnh nhân có thể cần tiêm thuốc cản quang. Khi đó chi phí sẽ tăng cao hơn so với chụp thông thường.
2.4. Cơ sở y tế thực hiện
Những đơn vị y tế được phép thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ phải đảm bảo yếu tố về cơ sở vật chất, trình độ bác sĩ X-quang, chuyên gia, dịch vụ…để quá trình thực hiện an toàn, hiệu quả nhất.
Như vậy, bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và không cố định chi phí.
3. Ưu điểm phương pháp chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ MRI là một kỹ thuật sử dụng từ trường và tần số vô tuyến để tạo ra hình ảnh chính xác của các bộ phận cơ thể và các cơ quan nội tạng như não, cột sống, khớp, bụng, vú, tuyến tiền liệt…Chụp MRI an toàn cao vì không sử dụng tia X. Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả mà không cần sử dụng bức xạ hoặc chất phóng xạ.
Chụp MRI cung cấp hình ảnh 2 hoặc 3 chiều chất lượng tuyệt vời từ mọi góc độ. Nó có thể áp dụng cho toàn bộ cơ thể và giúp bác sĩ dễ dàng hình dung tất cả các mô của cơ thể. Đặc biệt, MRI được xem là “tiêu chuẩn vàng” phát hiện các bệnh lý về não bộ và hệ thần kinh. Phương pháp này cũng ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh ung thư.
Chụp MRI có nhiều ưu điểm như:
– Không sử dụng tia bức xạ, không xâm lấn nên không gây hại đến cơ thể
– Cho hình ảnh rõ nét, chi tiết của các cấu trúc mô mềm mà các kỹ thuật hình ảnh khác không thể đạt được
– Có thể phát hiện nhiều bất thường không thể nhìn thấy trên chụp CT
– Chất tương phản dùng trong MRI ít có khả năng tạo ra phản ứng dị ứng so với chụp X-quang và chụp CT
– MRI có thể dễ dàng tạo ra hàng trăm hình ảnh từ hầu hết mọi hướng
– Không giống như các kỹ thuật kiểm tra các bộ phận nhỏ của cơ thể (như siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh), MRI có thể tạo ra hình ảnh các bộ phận lớn của cơ thể
– MRI có thể xác định dấu hiệu ung thư đã lan rộng hay chưa và giúp xác định phương pháp điều trị tốt nhất
4. Chụp cộng hưởng từ được chỉ định trong trường hợp nào?
Chụp cộng hưởng từ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong chẩn đoán và theo dõi điều trị nhiều căn bệnh:
– Não bộ: Chỉ định trong các trường hợp đột qụy, động kinh thùy thái dương, nhiễm trùng, viêm, khối u, bệnh đa xơ cứng (MS), sa sút trí tuệ, sau chấn thương, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh, bệnh lý ống thính giác trong, bệnh lý mạch máu, liệt dây thần kinh…
– Tủy sống: Chỉ định trong các trường hợp bệnh lý cơ, bệnh lý tủy, MS, viêm, nhiễm trùng, khối u, dị dạng bẩm sinh, điều tra hậu phẫu và sau chấn thương.
– Cơ xương khớp: Điều trị trật khớp, nhiễm trùng, viêm, sau chấn thương, bệnh lý khối u và mạch máu….
– Bụng và xương chậu: Khối u, bệnh lý mạch máu, nhiễm trùng, viêm, bất thường bẩm sinh và rối loạn chuyển hóa. Được sử dụng để phát hiện sự xâm lấn cục bộ của các ung thư trực tràng, tuyến tiền liệt và cổ tử cung, đánh giá giải phẫu của các lỗ rò quanh hậu môn.
– Tim: Chỉ định trong chẩn đoán thiếu máu cục bộ, khối u, dị dạng bẩm sinh và bệnh cơ tim..
5. Chuẩn bị khi chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ không đau, thời gian thực hiện từ 15- 90 phút, tùy thuộc vào kích thước của khu vực cần chụp và số lượng hình ảnh được chụp.
5.1. Trước khi chụp MRI
– Vào ngày chụp MRI, bệnh nhân có thể ăn, uống và dùng bất kỳ loại thuốc nào như bình thường, trừ khi được bác sĩ đưa ra lời khuyên khác.
– Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong tối đa 4 giờ trước khi chụp hoặc yêu cầu uống một lượng nước khá lớn trước đó. Điều này phụ thuộc vào khu vực cần chụp MRI.
– Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi về sức khỏe và tiền sử bệnh của mình. Điều này giúp nhân viên y tế đảm bảo quá trình chụp MRI luôn an toàn.
– Khi bạn đã hoàn thành bảng câu hỏi, thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký cam kết trước khi tiến hành.
– Vì máy quét MRI tạo ra từ trường mạnh, điều quan trọng là bệnh nhân phải loại bỏ bất kỳ vật kim loại nào khỏi cơ thể như mắt kính, đồ trang sức, áo ngực, răng giả, trợ thính…
5.2. Trong quá trình chụp MRI
– Máy chụp MRI có hình trụ ngắn. Bệnh nhân được nằm trên một chiếc giường và di chuyển bên trong máy quét.
– Nhân viên chụp X-quang điều khiển một máy tính vận hành máy quét MRI ở phòng khác để tránh xa từ trường do máy quét tạo ra.
– Để hình ảnh chẩn đoán rõ nét nhất, người bệnh phải giữ yên phần cơ thể trong suốt quá trình quét cho đến khi bác sĩ X-quang yêu cầu thư giãn.
– Tùy thuộc vào kích thước của khu vực được quét, số lượng hình ảnh được chụp, toàn bộ quy trình sẽ mất từ 15 đến 90 phút.
– Máy quét MRI sẽ tạo ra tiếng động lớn vào những thời điểm nhất định trong quá trình thực hiện. Nếu sợ âm thanh tiếng ồn lớn hãy thông báo với bác sĩ.
– Một số chỉ định chụp MRI yêu cầu tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch. Hãy thông báo cho kỹ thuật viên nếu cảm thấy khó chịu trong khi tiêm.
5.3. Sau khi chụp MRI
– Sau khi chụp bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động bình thường ngay lập tức.
– Nhưng nếu người bệnh đã dùng thuốc an thần thì không nên lái xe ít nhất 24 giờ và nên được người nhà đưa về.
– Nếu gặp các triệu chứng như phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở, bệnh nhân nên thông báo cho kỹ thuật viên ngay lập tức.
Có thể thấy rõ, chụp cộng hưởng từ là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có ưu điểm vượt trội trong chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh lý. Vì vậy, chụp MRI được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các cơ sở y tế. Bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện không cố định vì tùy thuộc vào vị trí, loại máy, chất lượng dịch vụ và cơ sở y tế thực hiện.