Bằng chứng kiểm toán (Audit Evidence) là gì? Cách phân loại bằng chứng kiểm toán
Bằng chứng kiểm toán (tiếng Anh: Audit Evidence) có ý nghĩa quan trọng đối với kiểm toán viên, là cơ sở để chứng minh các nhận định của kiểm toán viên về các báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.
Hình minh họa. Nguồn: thatauditguy.com
Bằng chứng kiểm toán (Audit evidence)
Khái niệm
Bằng chứng kiểm toán trong tiếng Anh là Audit evidence.
Bằng chứng kiểm toán được định nghĩa như sau: “Bằng chứng kiểm toán là tất cả các tài liệu, thông tin do kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các tài liệu, thông tin này, kiểm toán viên đưa ra kết luận và từ đó hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm những tài liệu, thông tin chứa đựng trong các tài liệu, sổ kế toán, kể cả báo cáo tài chính và những tài liệu, thông tin khác”.
(Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam VSA 500)
Các loại bằng chứng kiểm toán
Kiểm toán viên phải thu thập rất nhiều bằng chứng kiểm toán khác nhau. Để thuận tiện và phù hợp cho việc phân loại và đánh giá các bằng chứng thu thập được, kiểm toán viên thường phân loại các bằng chứng kiểm toán theo hai cách cơ bản sau.
Bằng chứng kiểm toán phân loại theo nguồn gốc
Bằng chứng kiểm toán do kiểm toán viên phát hiện và khai thác: các bằng chứng này thường do kiểm toán viên thu thập trực tiếp tại đơn vị được kiểm toán qua việc quan sát vật chất, điều tra, quan sát, tính toán lại…
Bằng chứng kiểm toán do khách hàng (bên được kiểm toán) phát hiện và cung cấp: Các bằng chứng thuộc loại này thường bao gồm các chứng từ, ghi chép, báo cáo kế toán; chế độ quản lí, qui chế tại đơn vị, các biên bản giải trình,…
Bằng chứng kiểm toán do các bên thứ ba có quan hệ độc lập với đơn vị được kiểm toán cung cấp: gồm các biên bản, tài liệu xác nhận, các chứng từ kế toán do các đơn vị bên ngoài phát hành, bằng chứng do chuyên gia cung cấp…
Bằng chứng kiểm toán phân loại theo hình thức
Các chứng từ kế toán.
Các văn bản, báo cáo của bên thứ ba có liên quan.
Các báo cáo tài chính và báo cáo kế toán nội bộ.
Giải trình của các nhà quản lí và các cán bộ nghiệp vụ trong đơn vị.
Các ghi chép kế toán và các ghi chép khác của đơn vị.
Các tài liệu kiểm kê thực tế.
Các biên bản làm việc có liên quan (với ngân hàng, các cơ quan tài chính, hải quan, thuế,…)
Các hợp đồng kinh doanh, các kế hoạch, dự toán đã được phê duyệt.
Các tài liệu tính toán lại.
Các tài liệu dưới những hình thức khác.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý thuyết kiểm toán, NXB Tài chính)