Bàn về y đức thầy thuốc hiện nay
Nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Đại danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, (…) chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Lương y như từ mẫu”.
Nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Đại danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, (…) chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Lương y như từ mẫu”.
Ngành Y là một ngành có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Đó là vốn quý nhất, nên đòi hỏi người làm việc trong ngành Y phải có phẩm chất đạo đức vị tha, đồng cảm, yêu thương con người, hết mình vì người bệnh… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3/1948). Vì vậy, người thầy thuốc không chỉ cần tài năng mà còn đòi hỏi khắt khe về đạo đức hành nghề, về sự hy sinh quên mình cho cộng đồng; cần có lý tưởng, tình yêu nghề nghiệp, để rồi sống chết với nghề. Đó cũng chính là thiên chức cao quý của người làm nghề y.
Ở nước ta, hầu hết những người làm nghề Y vừa có y thuật, vừa có y đức, nghĩa là “vừa hồng vừa chuyên”; đó là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người thầy thuốc. Có biết bao thầy thuốc đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vẫn hết mình chữa trị, chăm sóc, cứu sống người bệnh, dẫu rằng mức sống của họ vẫn còn túng thiếu. Họ thật xứng đáng là những “lương y như mẹ hiền”.
Các thế hệ thầy thuốc đi trước đã để lại những tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học nước nhà. Thế hệ thầy thuốc hiện nay phải làm sao để xứng đáng với thế hệ đi trước, với sự tôn trọng của nhân dân, để ngành Y luôn được coi trọng, tôn vinh trong xã hội…
Tuy nhiên, tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến người thầy thuốc và dù ít, dù nhiều cũng làm xói mòn đạo đức của người thầy thuốc. Những biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định về y đức, mặc dù chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đã phần nào làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y; làm đau lòng, tổn hại đến danh dự của những ai đã hết lòng cống hiến cho nghề nghiệp cao quý này. Điều đáng lo ngại là tình trạng vi phạm y đức tuy có giảm nhưng xem ra vẫn còn diễn biến tinh vi, phức tạp, mặc dù ngành Y tế đã có nhiều biện pháp quyết liệt.
Kết quả một cuộc điều tra cho thấy (tham khảo) vi phạm vấn đề y đức với các biểu hiện là: kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; thiếu tôn trọng bệnh nhân; lơ là, sao nhãng công việc được giao; gây khó khăn cho bệnh nhân… Nguyên nhân có nhiều nhưng các bác sĩ khi được phỏng vấn đều cho rằng là do lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nghề nghiệp phải đào tạo công phu, trách nhiệm nặng nề; bệnh nhân quá tải, trình độ không đồng đều giữa các bác sỹ, nên cũng khó tránh khỏi những tiêu cực từ phía bệnh nhân để có được bác sĩ giỏi hơn chữa bệnh cho mình, cho người nhà… Các nguyên nhân nêu lên đều đúng, nhưng suy cho cùng vẫn do phẩm chất của bản thân người thầy thuốc là chính; bởi trong thực tế có biết bao thầy thuốc đã không bị cám dỗ của đồng tiền…
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã ban hành quyết định quy định 12 điều y đức của người làm công tác y tế. Nội dung y đức có nhiều nhưng tựu trung là thái độ của người thầy thuốc với bệnh nhân, với đồng nghiệp và với cả nghề nghiệp: (1) Với đối tượng phục vụ, người thầy thuốc phải tận tình đem cả tâm và trí hiến dâng cho người bệnh, lấy tâm làm gốc không phân biệt đối xử… (2) Với đồng nghiệp, phải đoàn kết hợp tác chân thành xung quanh người bệnh, sẵn sàng trao đổi và học tập lẫn nhau… (3) Với nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, hǎng say, tận tụy với nghề nghiệp; luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn để phòng ngừa bệnh tật cho nhân dân có hiệu quả…
Vẫn biết rằng, đạo đức thầy thuốc có quan hệ với đạo đức xã hội, khi đạo đức xã hội ngày càng đi lên thì đạo đức ngành y theo đó cũng ngày càng được nâng lên. Ngược lại, khi những mặt tiêu cực, xuống cấp trong đạo đức xã hội ngày càng phổ biến thì liệu đạo đức ngành Y có còn được giữ vững? Đó là vấn đề day dứt, thậm chí bức xúc trong xã hội hiện nay. Vì vậy, để nâng cao vấn đề y đức, thiết nghĩ cần thực nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng một số vấn đề sau đây:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân viên y tế nhận thức một cách sâu sắc về ý nghĩa cao quý của nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, từ đó nâng cao trách nhiệm và tình yêu thương chia sẻ với các đối tượng bệnh nhân. Luôn có tinh thần học hỏi nâng cao chuyên môn, trau dồi đạo đức, lối sống, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Đối với người bệnh và người dân, cần tuyên truyền sâu rộng về những chế độ chính sách, những quy định của ngành Y tế… để người dân hiểu, thông cảm và hợp tác với nhân viên y tế khi tham gia khám, chữa bệnh…
Hai là, tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, nâng điều kiện, cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; phát triển các bệnh viện chuyên khoa hiện có và hoàn thiện hệ thống bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; tập trung phát triển một số kỹ thuật mới và hiện đại tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Bảo đảm nguồn nhân lực đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng,… Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn sâu; mở rộng liên doanh liên kết, tranh thủ sự giúp đỡ nhân đạo của các tổ chức quốc tế và chuẩn bị cho quá trình hội nhập.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế, thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh; huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, để cùng đầu tư mua sắm trang thiết bị; hình thành hệ thống cơ sở y tế tư nhân .v.v. Đồng thời, tǎng cường công tác thanh tra và kiểm tra về khám, chữa bệnh; xây dựng các quy trình, quy phạm trong quản lý chuyên môn, đặc biệt đối với những khâu liên quan trực tiếp tới sinh mạng bệnh nhân…
Bốn là, chǎm lo tốt đời sống cán bộ, nhân viên về tinh thần và vật chất, bảo đảm nhà ở tập thể để họ yên tâm tận tình phục vụ người bệnh; xây dựng môi trường bệnh viện lành mạnh, an toàn cho thầy thuốc và bệnh nhân; có chính sách cải thiện chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, chính sách đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc với bệnh tật dễ bị lây truyền, bị bệnh nghề nghiệp; có chế độ khuyến khích, thu hút đối với nguồn nhân lực cao… Làm tốt công tác thi đua – khen thưởng, kịp thời động viên những tấm gương tận tụy phục vụ người bệnh; đồng thời xử lý nghiêm minh những biểu hiện thiếu trách nhiệm và gây phiền hà cho người bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Dù trong hoàn cảnh nào, những người cán bộ, nhân viên y tế vẫn không ngừng rèn luyện, tu dưỡng y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó, lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc là điều cốt lõi nhất. Và những người thầy thuốc có y đức thì dù trong môi trường nào họ cũng không bị mê hoặc bởi đồng tiền; họ luôn xứng đáng với điều Bác Hồ hằng mong muốn “Lương y như từ mẫu”.
VĂN NHÂN