Bàn về tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”
Bàn về tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”
Nếu một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính và sau đó tiếp tục vi phạm thêm, thì hành vi này có thể gây ra những hậu quả và hình phạt nghiêm trọng hơn. Quy định về vi phạm hành chính có thể khác nhau tùy thuộc vào quốc gia và lĩnh vực, nhưng thông thường, hậu quả có thể bao gồm:
- Phạt tiền tăng cao: Nếu vi phạm lần thứ hai, người vi phạm có thể bị áp dụng phạt tiền cao hơn so với lần vi phạm trước đó.
- Buộc thôi việc: Trong trường hợp vi phạm hành chính làm việc trong môi trường công ty hoặc doanh nghiệp, họ có thể bị sa thải hoặc buộc thôi việc.
- Hình phạt hình sự: Nếu vi phạm nghiêm trọng và liên tục, người vi phạm có thể phải đối mặt với các hình phạt hình sự nặng nề hơn như tù tội hoặc phạt tù.
- Thu hồi giấy phép hoạc quyền hoạt động: Nếu vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hoặc chuyên nghiệp, người vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép hoạc quyền hoạt động.
Các hậu quả và hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm và quy định của pháp luật trong quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Điều quan trọng là tôn trọng và tuân thủ luật pháp để tránh vi phạm và phải chịu hậu quả nghiêm trọng về pháp lý.
Bàn về tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính … mà còn vi phạm” quy định tại một số tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, để xác định một người còn tiền sự hay không, cúng ta cần căn cứ vào các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, trường hợp một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng hết thời hiệu thi hành quyết định mà người bị xử phạt “cố tình trốn tránh, trì hoãn” được hiểu như thế nào cho đúng hiện đang có nhiều quan điểm trái ngược nhau.
Tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại …. mà còn vi phạm” được quy định tại rất nhiều điều luật trong các chương tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, về môi trường… của Bộ luật Hình sự. Khi đi vào phân tích, đánh giá quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính … mà còn vi phạm”, chúng ta cần nghiên cứu, phân tích và đánh giá từ những quy định cụ thể trong Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định:
“1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.
Điều luật quy định sau một năm kể từ ngày ra quyết định thì không thi hành, trừ trường hợp “cố tình trốn tránh, trì hoãn” và đây chính là mấu chốt để xác định đối tượng còn tiền sự hay không. Quy định là vậy, nhưng hiểu như thế nào là “cố tình trốn tránh, trì hoãn” và các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh bằng cách nào để đảm bảo căn cứ xử lý hình sự là một vấn đề cần xem xét, thống nhất. Hành vi cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức bị xử phạt vì nhiều lý do khác nhau đã không chấp hành các điều khoản ghi trong quyết định xử phạt mặc dù đã được nhận quyết định và có đủ điều kiện thi hành. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần xem xét đến việc người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt nhưng sau đó không có các biện pháp nào buộc người bị xử phạt phải chấp hành quyết định thì lỗi thuộc về ai và xử lý ra sao? Có 2 quan điểm nhận định, đánh giá đối với vấn đề trên, cụ thể gồm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã gửi quyết định xử phạt đúng theo quy định, người bị xử phạt phải có trách nhiệm chấp hành quyết định này trong thời hạn 10 ngày, hoặc thời hạn ghi trong quyết định kể từ khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, người bị xử phạt vẫn chưa thi hành hoặc họ đã được xác minh là không có tài sản để thi hành nhưng không có đơn xin miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt hành chính thì có thể đánh giá là họ đã “cố tình trốn tránh, trì hoãn” việc thi hành quyết định. Lỗi này thuộc về đối tượng nên vẫn xem xét các đối tượng này có tiền sự và nếu họ tiếp tục vi phạm thì đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương theo quy định. Đồng thời, để đảm bảo quyết định hành chính được thi hành nghiêm túc thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định cưỡng chế nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, khi hết thời hạn quy định mà người bị xử phạt không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và người hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không có bất kỳ biện pháp nào buộc người bị xử phạt phải chấp hành quyết định đó thì không thể nói người bị xử phạt cố ý trốn tránh, trì hoãn. Lỗi này thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền nên không thể đánh giá đối tượng vi phạm “cố tình trốn tránh, trì hoãn” thi hành quyết định. Đồng nghĩa với việc không có căn cứ để áp dụng khoản 2 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính đối với họ để tính thời hiệu thi hành quyết định kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn (Hết thời hiệu nên không xem là tiền sự).
Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc xác định thế nào là “cố tình trốn tránh, trì hoãn” thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Từ đó dẫn đến việc xác định một hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau một năm người đó không thi hành quyết định xử phạt mà lại tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự hay xử lý hành chính còn có nhiều quan điểm khác nhau. Theo quan điểm của tác giả thì để đánh giá việc có “cố tình trốn tránh, trì hoãn” hay không cần xem xét, đánh giá dựa vào ý thức chủ quan của đối tượng vi phạm. Chỉ trừ trường hợp đối tượng bị xử phạt không có tài sản để thi hành và có đơn xin miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì mới xem xét đến thời hiệu. Những trường hợp còn lại, nếu sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mặc dù có điều kiện nhưng người vi phạm không thi hành thì có đủ căn cứ xác định là “cố tình trốn tránh, trì hoãn” thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và coi đây là tiền sự của đối tượng. Từ đó, nếu người này tiếp tục có hành vi vi phạm tuy chưa đủ định lượng mà điều luật quy định thì vẫn co đây là tiền sự để làm căn cứ khởi tố, xử lý về hình sự.
Tuy nhiên, để thuận lợi và đảm bảo chứng cứ khi đánh giá, xém xét xử lý hình sự hành vi của một người đã “đã bị xử phạt vi phạm hành chính … mà còn vi phạm” theo quy định tại các điều luật của Bộ luật Hình sự, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ từ khâu lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt và theo dõi, quản lý hồ sơ vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền, đến việc thu thập, xác minh của các cơ quan tiến hành tố tụng. Qua bài viết này, tác giả mạn phép đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất: Chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cần làm tốt công tác lập hồ sơ, ban hành các quyết định xử phạt vi phạm và quản lý hồ sơ vi pham một cách chặt chẽ, đúng quy định. Trong đó, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đối tượng vi phạm thực hiện các quyết định xử phạt đúng thời hạn. Trường hợp cần thiết phải ra quyết định cưỡng chế nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 để răn đe, giáo dục.
Thứ hai: Đối với các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong quá trình thụ lý, giải quyết tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nếu phát hiện có trường hợp đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, cần chủ động tiến hành xác minh điều kiện thi hành quyết định xử phạt hành chính của đối tượng và thu thập đầy đủ hồ sơ vi phạm hành chính để làm căn cứ. Nếu đối tượng chưa thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cần xác minh rõ lý do đối tượng không thi hành quyết định hoặc có đơn xin miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt hành chính hay không. Trên cơ sở đó, mới có thể đánh giá được hành vi, thái độ và điều kiện hoàn cảnh của đối tượng là không có điều kiện thi hành hay cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để làm căn cứ xử lý đúng quy định. Tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội liên quan đến quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính … mà còn vi phạm” trong các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự./.