Bàn về mối liên hệ giữa xung đột lợi ích và tham nhũng

1. Sự tương đồng và khác biệt giữa xung đột lợi ích và tham nhũng

Theo khoản 3, Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”[1].

Về  “xung đột lợi ích”, đến nay đã có không ít công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập đến khái niệm này.  Trong một nghiên cứu được công bố năm 2003 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa: “Một xung đột lợi ích liên quan đến sự xung đột giữa công vụ và lợi ích cá nhân của công chức, trong đó lợi ích có được nhờ tư cách cá nhân của công chức có thể tác động không đúng đắn đến việc thực hiện công vụ và chức trách của họ”[2].

Năm 2015, Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ thực hiện một nghiên cứu về xung đột lợi ích tại Việt Nam đã đưa ra định nghĩa dựa trên định nghĩa của OECD như sau: “Xung đột hay mâu thuẫn lợi ích là tình huống trong đó một cán bộ, công chức, trong thẩm quyền chính thức của mình, đưa ra hoặc phải đưa ra các quyết định hoặc có những hành động có thể tác động tới lợi ích cá nhân của họ”[3].

Tại một số quốc gia như Cộng hòa Pháp, “Xung đột lợi ích được hiểu là các trường hợp có sự giao thoa giữa một lợi ích công và các lợi ích công hoặc tư khác dẫn tới gây ảnh hưởng hoặc có thể gây ảnh hưởng tới nguyên tắc độc lập, khách quan, không thiên vị của công vụ”[4]. Đối với Việt Nam, khái niệm “Xung đột lợi ích” được đề cập, nhìn nhận rộng rãi trong trong nhiều đề tài khoa học, luận án, bài viết nghiên cứu kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 ra đời  và  đều đi đến một điểm thống nhất rằng: Xung đột lợi ích là một tình huống, bối cảnh khách quan mà ở đó một người khi đưa ra một quyết định, hành động có khả năng hoặc bị tác động một cách tiêu cực bởi các lợi ích cá nhân của họ, làm ảnh hưởng tính đúng đắn của quyết định, hành động được đưa ra.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thuật ngữ này lần đầu tiên được quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”[5].

Qua báo chí cho thấy, thực tiễn tại Việt Nam không ít tình huống xung đột lợi ích được cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Chẳng hạn, trong tình huống xung đột lợi ích được báo chí đăng tải tháng 8/2020: Ông Nguyễn Trúc Giang (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) có vợ làm giám đốc nhưng không khai báo (các tờ khai lý lịch từ năm 2012 – 2020, ông Giang đều ghi vợ là Dương Ánh Nguyệt, nghề nghiệp nội trợ). Thời gian từ năm 2009, Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn Hiệp Thành (do bà Dương Ánh Nguyệt làm giám đốc) đã ký 26 hợp đồng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước[6]. Theo kết luận cơ quan chức năng, việc vợ ông Nguyễn Trúc Giang thành lập công ty và hoạt động trên lĩnh vực ông Giang phụ trách là không đúng quy định tại khoản 2 và khoản 4, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước”; “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố mẹ, con kinh doanh trong phạm vi mình trực tiếp quản lý”[7]. Như vậy, việc ông Nguyễn Trúc Giang không thực hiện đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 chính là những tình huống xung đột lợi ích nhưng chưa được định danh ở thời điểm đó. Nếu xét theo pháp luật hiện hành thì tình huống này của ông Nguyễn Trúc Giang đã vi phạm vào “các trường hợp xung đột lợi ích” được quy định tại khoản 5, khoản 6, Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP : “Để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”[8]. Ở đây yếu tố lợi dụng quyền hạn để vụ lợi chưa được làm rõ để có thể có kết luận ông Nguyễn Trúc Giang có dấu hiệu tham nhũng hay không tuy nhiên có một điều chắc chắn là đã nảy sinh tình huống xung đột lợi ích hiện hữu.

Từ những quan điểm, định nghĩa, thực tiễn nêu trên có thể thấy, xung đột lợi ích và tham nhũng có những điểm tương đồng nhất định, nhất là về chủ thể (đều là hành vi, lợi ích của những người có chức vụ, quyền hạn: cán bộ, công chức); tuy nhiên đây là 02 hiện tượng, khái niệm hoàn toàn khác nhau, cụ thể:

Về trạng thái: Xung đột lợi ích là tình huống, tham nhũng là hành vi.

Về tính chất: Nếu xung đột lợi ích mang tính khách quan vì nó nảy sinh từ chức năng, nhiệm vụ và hệ thống chính sách, pháp luật, quy chế, quy định hoạt động của cơ quan, tổ chức thì tham nhũng mang tính chủ quan vì nó là hành vi, quyết định của cán bộ, công chức. Trong tình huống xung đột lợi ích, hành vi của cán bộ, công chức bị coi là tham nhũng khi lựa chọn lợi ích cá nhân.

Về yếu tố cấu thành: Nếu tham nhũng gồm 03 yếu tố cấu thành là: (1) Người có chức vụ quyền hạn; (2) lợi dụng chức vụ quyền hạn đó; (3) vì mục đích vụ lợi, thì xung đột lợi ích bao gồm 2 yếu tố cơ bản cấu thành là lợi ích cá nhân/lợi ích riêng tư của cán bộ, công chức và chức vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức.

2. Mối liên hệ giữa xung đột lợi ích và tham nhũng

Xung đột lợi ích là một hiện tượng khách quan, tự bản thân nó không phải là tham nhũng nhưng nó có mối liên hệ rất gần và nguy cơ nảy sinh tham nhũng. Mối liên hệ này được thể hiện ở một số góc độ sau:

Một là, khi xung đột giữa lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức với chức trách, nhiệm vụ công của họ không được kiểm soát, giải quyết kịp thời thì khả năng người công chức sẽ lạm dụng công vụ vì những mối liên hệ cá nhân của mình, trong đó có thể có tham nhũng. Chẳng hạn, đối với trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung – nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Vào tháng 8/2021, ông Chung đã bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án mua hoá chất Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Chung được xác định chủ mưu để công ty của con trai độc quyền bán hoá chất. Theo đánh giá của cơ quan điều tra: Hành vi của bị can Nguyễn Đức Chung ngoài việc gây thiệt hại cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để vụ lợi cho công ty gia đình còn ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, của người đứng đầu Thành phố Hà Nội[9]. Kết luận của cơ quan điều tra đã chỉ ra một tình huống xung đột lợi ích điển hình nhưng đã không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến hành vi tham nhũng.

Hai là, những tình huống xung đột lợi ích nếu không được nhận diện, kiểm soát một cách đúng đắn sẽ gây tổn hại đến giá trị liêm chính của hoạt động công vụ, dẫn đến tình trạng tham nhũng cả trong khu vực công cũng như khu vực tư. Điều này đã được cảnh báo trong nghiên cứu của OECD:

Xu hướng thương mại hóa mối quan hệ giữa nhà nước và tư nhân sẽ làm cho các hệ thống của nhà nước dễ bị xung đột lợi ích – một hình thức xung đột mới giữa lợi ích cá nhân của từng công chức với việc thực thi công vụ của họ. Khi các tình huống xung đột lợi ích không được nhận diện và kiểm soát đúng đắn, các quyết định của nhà nước có thể không minh bạch và bị tổn hại bởi lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức. Khi nguồn lực của nhà nước không được phân bổ một cách có hiệu quả, nó sẽ làm suy yếu hiệu quả quản trị nhà nước và tính liêm chính của khu vực công. Trong tình huống xấu nhất, nó có thể đưa đến tham nhũng, xói mòn lòng tin của người dân và gây bất ổn xã hội[10].

Như vậy, suy cho cùng, chống tham nhũng chính là cuộc đấu tranh giữa lợi ích công và lợi ích tư. Nó không chỉ là việc đấu tranh với lạm dụng quyền lực để vụ lợi của một cá nhân bên ngoài mà nó còn là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong chính bản thân mỗi cán bộ, công chức trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình. Những quyết định của cơ quan nhà nước sẽ đảm bảo được tính liêm chính, công bằng, không bị chi phối, tác động bởi sự tư lợi, thiên vị nếu kiểm soát tốt xung đột lợi ích. Kiểm soát xung đột lợi ích là trụ cột trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng bởi nó ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ tham nhũng ngay từ khi nó còn ở trạng thái tiềm ẩn. Bên cạnh đó, kiểm soát hiệu quả xung đột lợi ích sẽ làm tăng lòng tin của người dân đối với nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức khi họ thực thi công vụ.  

Để kiểm soát xung đột lợi ích, góp phần phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, ban ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, người có thẩm quyền hiểu và nhận thức đầy đủ về những hậu quả, tác hại khi xảy ra xung đột lợi ích; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan phòng, chống tham nhũng và kiểm soát xung đột lợi ích (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2018; Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Thanh tra năm 2010; Luật Kiểm toán năm 2014; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/07/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 05/2011/TT-TTCP ngày 10/01/2011 của Thanh tra Chính phủ quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra…); xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kiểm soát xung đột lợi ích khi thi hành công vụ; phát huy vai trò của toàn xã hội trong phát hiện, kiểm soát xung đột lợi ích của cán bộ thực hiện chức trách, nhiệm vụ… Bên cạnh đó, cần quan tâm rà soát, bổ sung những tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật liên quan vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích, trong đó chú ý đến việc hạn chế lợi ích cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung khi thi hành công vụ. Việc kiểm soát xung đột lợi ích không có nghĩa là triệt tiêu đi toàn bộ lợi ích của cán bộ, công chức bằng những kiểm soát quá nghiêm ngặt, cực đoan. Điều này không những là bất khả thi mà còn có thể dẫn đến sự xung đột với những quyền khác của họ bởi trước hết mỗi cán bộ, công chức đều là những công dân và có những lợi ích hợp pháp từ tư cách công dân của mình, hoặc trở thành rào cản đối với những người có năng lực và muốn tìm kiếm công việc trong các cơ quan nhà nước.

ThS. Vũ Đức Hoan – Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra 

——————————————————————————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo điện tử Công an nhân dân, Https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ong-nguyen-duc-chung-duoc-xac-dinh-chu-muu-de-cong-ty-cua-con-trai-doc-quyen-ban-hoa-chat-i624224/ , truy cập ngày 21/10/2021.

  2. Báo Thanh Niên Online, Https://thanhnien.vn/thoi-su/ca-mau-cong-ty-cua-vo-truong-phong-nong-nghiep-huyen-duoc-giao-26-cong-trinh-1264202.html?io_utm_social=fanpage , truy cập ngày 13/8/2020.

  3. Chính phủ (2019), Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội.

  4. Ngân hàng thế giới (2016), Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam, tr.23, NXB Hồng Đức.

  5. OECD (2016), Quản lý xung đột lợi ích trong dịch vụ công – Hướng dẫn và khái quát của OECD, tr.23, NXB Lao Động.

  6.  Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội.

  7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội.

  8. Thanh tra Chính phủ (2020), Tài liệu giới thiệu Cơ quan cấp cao về minh bạch công HATVP trong khuôn khổ Hội thảo trực tuyến sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về kiểm soát thu nhập, tài sản do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 14/10/2020.

 

[1] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội

[2] OECD (2016), Quản lý xung đột lợi ích trong dịch vụ công – Hướng dẫn và khái quát của OECD, tr.23, NXB Lao Động

[3] Ngân hàng thế giới (2016), Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam, tr.23, NXB Hồng Đức

[4] Thanh tra Chính phủ (2020), Tài liệu giới thiệu Cơ quan cấp cao về minh bạch công HATVP trong khuôn khổ Hội thảo trực tuyến sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về kiểm soát thu nhập, tài sản do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 14/10/2020

[5] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội.

[6] Báo Thanh Niên Online, Https://thanhnien.vn/thoi-su/ca-mau-cong-ty-cua-vo-truong-phong-nong-nghiep-huyen-duoc-giao-26-cong-trinh-1264202.html?io_utm_social=fanpage, truy cập ngày 13/8/2020.

[7] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội

[8] Chính phủ (2019), Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội

[9] Báo điện tử Công an nhân dân, Https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ong-nguyen-duc-chung-duoc-xac-dinh-chu-muu-de-cong-ty-cua-con-trai-doc-quyen-ban-hoa-chat-i624224/, truy cập ngày 21/10/2021

[10] OECD (2016), Quản lý xung đột lợi ích trong dịch vụ công – Hướng dẫn và khái quát của OECD, tr.23, NXB Lao Động