Bàn về khái niệm trách nhiệm kỷ luật đối với công chức
TÓM TẮT:
Trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là một thuật ngữ mang tính luật pháp quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến xử lý kỷ luật công chức. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một khái niệm hoàn chỉnh về thuật ngữ này. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung luận giải một số vấn đề liên quan đến khái niệm trách nhiệm kỷ luật đối với công chức, góp phần cung cấp cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm kỷ luật đối với công chức hiện nay.
Từ khóa: công chức, pháp luật, kỷ luật, trách nhiệm.
1. Khái niệm trách nhiệm kỷ luật đối với công chức
Trước hết, về thuật ngữ “trách nhiệm”, có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ sau:
Một là, trách nhiệm là nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu của pháp luật. Ở góc độ này, trách nhiệm được hiểu là dạng trách nhiệm tích cực, gắn liền với bổn phận, nghĩa vụ, cùng với thái độ tích cực thực hiện những quyền và nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Nhà nước và xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến khích công dân, tổ chức, cơ quan có ý thức đúng đắn về bổn phận, trách nhiệm của mình, thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật. Tức là, các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ tránh không thực hiện những hành vi bị pháp luật ngăn cấm và tích cực thực hiện những hành vi được pháp luật khuyến khích thực hiện, hoặc buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, theo cách hiểu này, khái niệm trách nhiệm gần như được đồng nhất với khái niệm nghĩa vụ.
Hai là, về góc độ tiêu cực, trách nhiệm là sự gánh chịu hậu quả bất lợi, khi cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được dự liệu trong chế tài pháp luật. Ở đây, trách nhiệm pháp lý là sự gánh chịu hậu quả bất lợi, tức chủ thể sẽ phải chấp nhận một điều bất lợi khi có hành vi vi phạm pháp luật. Đó là những bất lợi nhất định về vật chất hoặc tinh thần do pháp luật xác định khi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quan hệ xã hội, được pháp luật bảo vệ. Ở góc độ này, giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra khái niệm: Trách nhiệm pháp lý là trừng phạt đối với chủ thể vi phạm pháp luật, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật, được pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được quy định ở chế tài các quy phạm pháp luật.
Cho tới nay, chưa có văn bản pháp lý nào đưa ra định nghĩa cụ thể về thuật ngữ trách nhiệm, thậm chí do tồn tại các quan điểm khác nhau mà một số quy định vẫn chưa phân định rạch ròi giữa thuật ngữ trách nhiệm và nghĩa vụ, hay dùng thuật ngữ trách nhiệm thế nào cho đúng với từng góc nhìn. Bài viết này, tác giả đề cập đến khái niệm trách nhiệm kỷ luật đối với công chức theo góc độ thứ hai, nhằm phân biệt cụ thể trách nhiệm và nghĩa vụ, tức là trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là hậu quả pháp lý bất lợi mà công chức phải gánh chịu.
Đối với thuật ngữ “kỷ luật”. Theo Từ điển Tiếng Việt, kỷ luật là hình phạt đối với người phạm luật[1]. Kỷ luật là việc xử lý, xử phạt theo tính chất và nội dung vi phạm các chế độ quy định, vi phạm pháp luật của công chức. Xử lý vi phạm kỷ luật đối với người làm việc trong cơ quan nhà nước đề cập đến khía cạnh của kỷ luật hành chính, các vi phạm quy tắc, quy chế hoạt động của cơ quan[2]. Lại có quan điểm cho rằng: “kỷ luật dưới góc độ chung nhất là tổng thể các quy định nhằm đảm bảo trật tự, nề nếp hoạt động nội bộ của một cơ quan, tổ chức của Nhà nước và xã hội nói chung cũng như sự tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định đó”3. Với định nghĩa này, kỷ luật được nhìn dưới góc độ kỷ cương, văn hóa công vụ. Vì vậy, dưới góc độ pháp lý, kỷ luật là những hậu quả bất lợi áp dụng đối với chủ thể khi thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động công vụ hoặc vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật bị xử lý kỷ luật.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo trình độ đào tạo, công chức được phân thành: 1) Công chức loại A – có trình độ đào tạo chuyên môn từ bậc đại học trở lên; 2) Công chức loại B – có trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng; 3) Công chức loại C – có trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc sơ cấp; 4) Công chức loại D – có trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc dưới sơ cấp. Theo ngạch chuyên môn, công chức được phân thành: 1) Công chức ngành hành chính – sự nghiệp; 2) Công chức ngành lưu trữ, 3) Công chức ngành thanh tra; 4) Công chức ngành tài chính; 5) Công chức ngành tư pháp; 6) Công chức ngành ngân hàng; 7) Công chức ngành hải quan; 8) Công chức ngành nông nghiệp; 9) Công chức ngành kiểm lâm; 10) Công chức ngành thủy lợi, 11) Công chức ngành xây dựng; 12) Công chức ngành khoa học kĩ thuật; 14) Công chức ngành khí tượng thủy văn; 15) Công chức ngành giáo dục, đào tạo; 16) Công chức ngành y tế; 17) Công chức ngành văn hóa – thông tin; 18) Công chức ngành thể dục, thể thao; 19) Công chức ngành dự trữ quốc gia.
Từ những khái niệm trên, có thể hiểu, trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là một loại trách nhiệm pháp lý do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động công vụ hoặc vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật bị xử lý kỷ luật.
2. Nội hàm khái niệm
Từ khái niệm trên, có thể hiểu trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là một dạng trách nhiệm pháp lí cụ thể, do pháp luật quy định và phát sinh trên cơ sở pháp luật. Pháp luật quy định về trách nhiệm kỷ luật đối với công chức thể hiện xu hướng tất yếu của một nhà nước dân chủ, công bằng và văn minh – nhà nước pháp quyền. Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, điều đó có nghĩa là nhà nước đã sử dụng pháp luật để tác động điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm ổn định, duy trì trật tự xã hội. Cần phải nhận thức rằng xử lý kỷ luật công chức là hình thức xử lý đối với lỗi công vụ, thông qua đó làm cho hoạt động công vụ tốt hơn. Vì vậy, trong kỷ luật người làm việc cho tổ chức hành chính nhà nước, phải đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc nhất định.
Chủ thể chịu trách nhiệm kỷ luật là công chức. Khái niệm công chức thường được hiểu khác nhau ở các quốc gia. Việc xác định ai là công chức thường do các yếu tố sau quyết định: hệ thống thể chế chính trị; hệ thống thể chế hành chính; tính truyền thống; sự phát triển kinh tế – xã hội; các yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, dấu hiệu chung của công chức ở một nước nào đó thường là: là công dân của nước đó, được tuyển dụng qua thi tuyển, được bổ nhiệm vào một ngạch hoặc một vị trí công việc, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước[3]. Theo quy định hiện nay, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trách nhiệm kỷ luật đối với công chức chỉ được đặt ra khi công chức thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến việc thực thi công vụ hoặc có ảnh hưởng xấu đến công vụ. Nếu hành vi đó không thỏa mãn điều kiện trên thì sẽ không xem xét chủ thể vi phạm đó là công chức, mà xem xét dưới góc độ là cá nhân bình thường. Trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là một dạng trách nhiệm pháp lý cụ thể, nên trách nhiệm kỷ luật được đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chỉ có những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực thi công vụ hoặc gây ảnh hưởng đến công vụ, hành vi đó có thể kể đến là thái độ hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo,… Cụ thể, các hành vi bị xem xét xử lý kỷ luật là hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của công chức; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ[4]. Nghĩa vụ của công chức được quy định cụ thể tại Chương III Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung 2019 tại Điều 8 Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; Điều 9. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ; Điều 10. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu. Để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động đúng trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất thiết cơ quan, tổ chức đơn vị đó phải có những quy định quy ước bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và xử sự trước mọi mối quan hệ để giải quyết công việc. Các quy chế, nội quy điều chỉnh quan hệ xử sự cụ thể bên trong và quan hệ giữa cơ quan, tổ chức đơn vị, công chức, viên chức, nhân viên với nhau và với cơ quan, tổ chức và công dân, gồm: Quy chế làm việc; Nội quy của cơ quan;… Đạo đức của công chức được đề cập là thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ[5].
Trách nhiệm kỷ luật đối với công chức có vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự công vụ, giúp giáo dục người vi phạm và giáo dục chung đối với công chức, thậm chí khi có vi phạm xảy ra là sự trừng phạt đối với người vi phạm. Từ đó, hạn chế các hành vi xấu của công chức, nâng cao hiệu quả công vụ và hoạt động của Nhà nước.
Các hậu quả bất lợi mà công chức phải gánh chịu có thể là các hậu quả bất lợi về vật chất, hoặc tinh thần. Theo quy định hiện nay, các hậu quả bất lợi ấy được thể hiện thông qua các hình thức xử lý kỷ luật, bao gồm các hình thức sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; cách chức; Buộc thôi việc.
Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Buộc thôi việc là hình thức kỷ luật cao nhất đối với công chức.
Trách nhiệm kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định, do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tiến hành. Do đây là hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước đối với hành vi của người đã thực thi quyền lực nhà nước, nên thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức cũng được quy định hết sức chặt chẽ. Khi xử lý kỷ luật công chức, nhất thiết phải thành lập hội đồng kỷ luật. Thành phần của hội đồng kỷ luật gồm có Chủ tịch hội đồng (là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị), đại diện Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp, đại diện công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị có người vi phạm kỷ luật. Hội đồng kỷ luật làm việc theo chế độ tập thể, khách quan, công khai, dân chủ, biểu quyết theo đa số bằng phiếu kín. Công chức khi vi phạm phải làm bản tự kiểm điểm. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức để người vi phạm kiểm điểm trước cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bản tự kiểm điểm, biên bản buổi họp kiểm điểm có kiến nghị hình thức kỷ luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nộp cho người đứng đầu cơ quan quản lý công chức để đưa ra hội đồng kỷ luật xem xét. Người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền sẽ ra quyết định kỷ luật trên cơ sở ý kiến của của hội đồng kỷ luật.
Những phân tích trên đây cho thấy, trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là một dạng trách nhiệm pháp lý được áp dụng đối với công chức với các quy định về nghĩa vụ của công chức; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ. Trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là một chế định của pháp luật hành chính. Hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật của công chức tùy vào từng mức độ nhất định đã phá vỡ trật tự hoạt động công vụ, làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức cần phải được xử lí theo đúng quy định của pháp luật, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tr.933
[2] Nguyễn Thị Hải Yến (2017) Pháp luật về chế độ công vụ theo vị trí việc làm trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.94
[3] Khoản 1, Điều 1 Luật Cán bộ, Công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019.
[4] Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
[5] Điều 15 Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung 2019.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2020), Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, ngày 18/9/2020, Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
- Quốc hội (2019), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức, ngày 25/11/2019.
- Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Nguyễn Thị Hải Yến (2017), Pháp luật về chế độ công vụ theo vị trí việc làm trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Cửu Việt (2003), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
SOME ISSUES RELATING TO THE CONCEPT OF CIVIL SERVANTS’ DISCIPLINARY RESPONSIBILITY
Master. HO DUC HIEP
Hanoi University Of Home Affairs – Ho Chi Minh City Campus
ABSTRACT:
Disciplinary responsibility for civil servants is an important legal term and it serves as the basis for the formulation of legal provisions on the discipline of civil servant. However, there is currently no completed definition of this term. This paper explains some issues relating to the concept of civil servants’ disciplinary responsibility, contributing to providing a theoretical basis for the improvement of regulations on the discipline of civil servant.
Keywords: public servants, law, discipline, responsibility.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 11, tháng 5 năm 2021]