Bàn về khái niệm “Người tiêu dùng” trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

TÓM TẮT:

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Sau 10 năm thực thi, hiện tại, nhiều vấn đề trong Luật bắt đầu bộc lộ những vấn đề bất cập, trong đó có các vấn đề liên quan đến các khái niệm cơ bản được quy định trong Luật, đặc biệt là khái niệm “Người tiêu dùng”. Trong bài viết này, tác giả đã có sự nghiên cứu về khái niệm có liên quan trong pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời, phân tích, đánh giá về khái niệm hiện tại của Việt Nam, từ đó có một số đề xuất liên quan đến việc hoàn thiện khái niệm này.

Từ khóa: Khái niệm, người tiêu dùng, mua, sử dụng, hàng hóa, dịch vụ, mục đích tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh, mục đích kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia trên thế giới chủ yếu đều điều chỉnh quan hệ giữa bốn chủ thể là người tiêu dùng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Trong đó, người tiêu dùng (NTD) được coi là chủ thể giữ vị trí trung tâm. Điều này cũng đúng với Việt Nam khi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng được thiết lập với một số nguyên tắc ngoại lệ so với pháp luật dân sự nhằm mục đích quan trọng nhất là bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Mọi chủ thể khác, mọi quan hệ pháp luật khác đều xoay quanh hoặc hướng đến người tiêu dùng. Vì vậy, xây dựng được một khái niệm “người tiêu dùng” phù hợp, phản ánh đúng vị trí, bản chất kinh tế và pháp lý của chủ thể này sẽ là cơ sở để quy định các nội dung khác trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nói chung và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng.

Đến thời điểm hiện tại, trong rất nhiều công trình, nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, dù là theo khía cạnh kinh tế, xã hội hay pháp lý, khái niệm “người tiêu dùng” đều ít nhiều được bàn đến. Đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng hoặc các đạo luật tương đương ở hầu hết các quốc gia cũng đều có giải thích thuật ngữ này. Mặc dù vậy, tính tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là khái niệm có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau.

2. Những quan niệm về người tiêu dùng phổ biến trên thế giới

Dưới góc độ kinh tế, theo từ điển Kinh tế học hiện đại định nghĩa: “Người tiêu dùng là bất cứ đơn vị kinh tế nào có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng…, thông thường, người tiêu dùng được coi là một cá nhân nhưng trên thực tế, người tiêu dùng có thể là cơ quan, các cá nhân và nhóm cá nhân. Trong trường hợp cuối cùng, điều đáng lưu ý là, để có quyết định, đơn vị tiêu dùng là hộ gia đình chứ không phải là cá nhân”[1].

Trên bình diện quốc tế chưa có định nghĩa pháp lý chung về NTD. Trong các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng, một trong những văn bản nổi tiếng nhất có lẽ là Hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng được ban hành năm 1985 (sửa đổi nhiều lần với lần sửa cuối năm 2015) [2]. Tuy nhiên, trong bản Hướng dẫn này cũng không đưa ra định nghĩa mà chỉ liệt kê 08 quyền mà người tiêu dùng được hưởng [3].

Dưới góc độ pháp luật các quốc gia, khu vực cũng có cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau về “Người tiêu dùng”.

2.1. Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia điển hình trong hệ thống pháp luật Common Law (hệ thống thông luật), và còn là nơi mà các khái niệm pháp lý – kinh tế hiện đại nảy sinh và phát triển.

Theo từ điển Black’s Law Dictionary, một cẩm nang pháp lý hiện đại được giới luật học Mỹ và quốc tế coi như những giải thích chính thức về quan điểm của common law về các thuật ngữ pháp lý thì “Người tiêu dùng là người mua hàng hóa, dịch vụ vì mục đích sử dụng cho cá nhân, gia đình, hộ gia đình mà không nhằm mục đích bán lại”.[4]

Về mặt pháp luật, tuy không được quy định chính thức trong một đạo luật cấp bang hoặc liên bang nào, nhưng khái niệm NTD ở Hoa Kỳ thường được hiểu một cách khá thống nhất. Ví dụ như Bang California quan niệm “NTD là cá nhân tham gia giao dịch với mục đích chủ yếu vì nhu cầu cá nhân hoặc sinh hoạt hộ gia đình”[5]; trong khi đó, các nhà làm luật tại Thủ đô Wasshington DC thì định nghĩa “người đang mua hoặc sẽ mua, thuê, hoặc nhận hàng hóa hoặc dịch vụ, bao gồm cả người cùng giao ước hoặc bảo đảm, hoặc người đang hoặc sẽ đưa ra yêu cầu đối với việc cung cấp một hoạt động thương mại; theo tính chất, được coi là người tiêu dùng, chủ yếu vì mục đích sử dụng của cá nhân, hộ gia đình hoặc gia đình”[6].

2.2. Châu Âu

Các quốc gia châu Âu thực hiện theo các quy định do các thiết chế chung (Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Châu Âu,…) ban hành, ngoài ra, các quốc gia cũng xây dựng những quy định pháp luật riêng cho quốc gia mình.

Theo Chỉ thị số 1999/44/EC về mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ngày 25/5/1999, người tiêu dùng được định nghĩa như sau: “Người tiêu dùng là bất kỳ tự nhiên nhân nào thực hiện việc mua hàng theo hợp đồng được quy định bởi Chỉ thị này, thực hiện vì mục tiêu không liên quan đến thương mại, kinh doanh hay nghề nghiệp”.[7]

Tại Canada, trong nhiều đạo luật cấp bang của Canada cũng đề cập đến khái niệm “Người tiêu dùng”. Ví dụ, Điều 1(e), Luật Bảo vệ NTD của Bang Quebec quy định: “NTD là tự nhiên nhân (cá nhân) nhưng không phải là thương nhân mua sắm hàng hóa, dịch vụ cho mục đích kinh doanh của mình”. [8]

Hay tại Điều 1 của Luật Bảo vệ NTD và các hành vi kinh doanh của Bang British Columbia quy định: “NTD là cá nhân, dù có hay không ở bang British Columbia, tham gia vào một giao dịch tiêu dùng, tự nhiên nhân (cá nhân) tham gia giao dịch tiêu dùng, không bao gồm trường hợp bảo lãnh…”[9].

Tại Đức, mặc dù không có một luật chung với tên gọi là Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhưng khái niệm và diễn giải về khái niệm “Người tiêu dùng” cũng được Đức đưa vào nhiều văn bản khác nhau. Ví dụ như Điều 13 Bộ luật Dân sự (German Civil Code) 2002 của Đức quy định: “NTD là một thể nhân (tự nhiên nhân, cá nhân) nào đó khi ký kết một giao dịch pháp lý không nhằm mục đích kinh doanh và cũng không phục vụ hoạt động ngành nghề độc lập của mình”[10].

Tại Pháp, Điều 3 Phần 1 Chương II Luật Người tiêu dùng (Consumer Code) 2014 của Pháp định nghĩa: “NTD là người thực hiện các giao dịch không vì mục đích thương mại, công nghiệp, thủ công, các hoạt động nông nghiệp hoặc tự sản xuất”[11].

Tại Nga, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nga năm 1999 (sửa đổi gần nhất 2007), phần khái niệm cơ bản, có đưa ra định nghĩa: “người tiêu dùng là cá nhân người có mong muốn đặt hoặc yêu cầu hàng hóa (công việc, dịch vụ) hoặc người đặt, yêu cầu hàng hóa cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình, hộ gia đình và các nhu khác không vì mục đích kinh doanh”[12].

2.3. Châu Á

Tại Ấn Độ, Luật Bảo vệ NTD 2019, Điều 2(7) quy định NTD là: “Bất cứ người nào: Mua hàng hoặc thuê dịch vụ có trả tiền, đã thanh toán hoặc đã hứa thanh toán, hoặc đã thanh toán một phần và hứa thanh toán một phần, hoặc theo cách trả dần,… mà không có mục đích để bán lại hoặc vì mục đích thương mại khác”. Điều 2(7 a-b)) giải thích chữ “người” ở đây được hiểu bao gồm: doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức xã hội, tuy nhiên không bao gồm người mua hàng hóa đó để bán lại hoặc vì các mục đích thương mại. Quy định này cũng nhấn mạnh tới những chủ thể có hành vi thuê và mua bán mà ít chú trọng đến chủ thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì có được coi là NTD hay không[13].

Tại Nhật Bản, Điều 2(1) Luật về Hợp đồng tiêu dùng (tức là hợp đồng giao kết giữa NTD với thương nhân) Nhật Bản năm 2000 quy định: “NTD theo quy định của Luật này là cá nhân nhưng không bao gồm cá nhân tham gia hợp đồng với mục đích kinh doanh”.[14]

Tại Trung Quốc, Luật Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (ban hành năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2013) tuy không có điều khoản riêng giải thích khái niệm NTD nhưng tại Điều 2 của Luật này lại quy định rằng: “Trường hợp NTD, vì nhu cầu cuộc sống, mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì các quyền và lợi ích hợp pháp của mình sẽ được bảo vệ theo quy định của Luật này và trường hợp Luật này không quy định thì sẽ được bảo vệ theo các quy định khác có liên quan của pháp luật”[15].

Tại Hàn Quốc, khoản 1 Điều 2[16] Luật Khung về người tiêu dùng của Hàn Quốc quy định: “Người tiêu dùng là người sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp vì mục đích tiêu dùng hàng ngày hoặc hoạt động sản xuất được quy định bởi Nghị định của Tổng thống[17] (tiếng Anh: “…for their daily lives as consumers or for their production activities, who are designated by Presisential Decree”).

Tại Malaysia, theo Điều 3 (1) Luật Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia năm 1999 (bản sửa đổi năm 2016) thì người tiêu dùng được định nghĩa như sau: “Người tiêu dùng là người nhận hàng hóa hoặc dịch vụ để sử dụng cho mục đích cá nhân, sử dụng trong hộ gia đình, sử dụng hoặc tiêu dùng và không sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ vào mục đích thương mại, tiêu dùng cho quá trình sản xuất.”[18]

Tại Singapore, theo Điều 2 (1), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Thương mại lành mạnh) của Singapore người tiêu dùng được (bản sửa đổi, bổ sung năm 2009) định nghĩa như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân nhận hoặc có quyền nhận hàng hóa và dịch vụ từ người cung cấp hoặc có nghĩa vụ thanh toán cho người cung cấp đối với hàng hóa, dịch vụ mình đã mua tặng cho cá nhân khác và các hoạt động tiêu dùng đó không nhằm mục đích kinh doanh”. [19]

Tại Thái Lan, Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 1979 của Thái Lan quy định: “NTD là người mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ của một nhà kinh doanh, kể cả những người được chào hàng hoặc được đề nghị mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của nhà kinh doanh”.[20]

Như vậy, có thể thấy trong pháp luật các nước, người tiêu dùng trong những bối cảnh nhất định có thể bao gồm 3 loại chủ thể: (1) người mua hàng hóa, dịch vụ (từ thương nhân) nhưng không sử dụng, (2) người mua bán hàng hóa dịch vụ đồng thời là người sử dụng và (3) người sử dụng hàng hóa dịch vụ thông qua quan hệ mua bán với thương nhân từ một người khác.

Nhìn sâu hơn vào các quy định, có thể thấy khi bàn đến khái niệm “Người tiêu dùng” cần quan tâm đến 3 vấn đề: (i) Người tiêu dùng là thể nhân (một hay nhiều cá nhân) hay tổ chức; (ii) Mục đích sử dụng hàng hóa dịch vụ là gì? tiêu dùng hay mục đích kinh doanh; (iii) Các vấn đề (nếu có) giữa người mua (tiêu) và người sử dụng (dùng) hàng hóa, dịch vụ.

* Về chủ thể (đối tượng) thì có ba cách tiếp cận:

– Cách quy định thứ nhất quy định rõ “người tiêu dùng” là thể nhân/Tự nhiên nhân (Một hoặc hoặc một nhóm cá nhân), đây là cách quy định của rất nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, nhiều quốc gia châu Âu và một số nước châu Á (ví dụ Singapore,…). Cách quy định này thể hiện rõ luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ bảo vệ đối với cá nhân, còn pháp nhân (doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức,…) do họ có những vị thế và điều kiện tốt hơn so với cá nhân trong quan hệ với nhà cung cấp nên luật bảo vệ người tiêu dùng không cần thiết phải can thiệp vào quan hệ tiêu dùng của họ.

– Cách quy định thứ hai là quy định rõ cả thể nhân và pháp nhân, đây là cách quy định của Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ,…

– Cách thứ ba là không chỉ rõ chỉ là cá nhân, chỉ là tổ chức hay bảo gồm cả cá nhân và tổ chức. Ví dụ như quy định của Trung Quốc, Thái Lan,…

* Về mục đích của giao dịch: đối với giao dịch tiêu dùng, thì có thể thấy tất cả các quốc gia chỉ chấp nhận “mục đích tiêu dùng” mà không chấp nhận “mục đích kinh doanh” hay mục đích nghề nghiệp. Như vậy, tất cả các hoạt động nhằm kinh doanh, sinh lời sẽ bị loại bỏ ra khỏi đối tượng xem xét của hành vi tiêu dùng.

* Về vấn đề tách bạch giữa “tiêu” và “dùng”, còn gọi là người trực tiếp mua hàng hóa và người dùng hàng hóa. Pháp luật các nước dường như không quá tách bạch 2 chủ thể này dù thực tế cho thấy, đây là một vấn đề pháp lý có thể gây tranh cãi. Một người mua đồng thời có thể là người sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhưng cũng có thể là hai người khác nhau. Khi đó vấn đề là pháp luật sẽ bảo vệ ai, người mua hay người sử dụng hay cả hai. Có một số quốc gia (Đức, Malaysia, Trung Quốc,…) chỉ rõ NTD là người sử dụng cuối cùng hàng hóa, dịch vụ mà không quan tâm đến việc mua. Ở Thái Lan, Sinapore thì nêu tên cả người mua (trả tiền) và người sử dụng (nhận).

3. Khái niệm người tiêu dùng ở Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm pháp lý người tiêu dùng được đề cập đến đầu tiên trong Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng năm 1999[21]. Sau này, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành thay thế Pháp lệnh, nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, khái niệm “Người tiêu dùng” vẫn được quy định như trong Pháp lệnh. Theo đó, Khoản 1 Điều 3 quy định:“Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

Khi xem xét khái niệm này có thể thấy: (i) Chủ thể của giao dịch: cá nhân, gia đình hoặc tổ chức; (iii) Mục đích của giao dịch: Sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình, tổ chức; (iii) Căn cứ, cơ sở phát sinh quan hệ: xác lập thông qua hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ (mua) và/hoặc xác lập trên cơ sở có hoạt động sử dụng hàng hóa, dịch vụ (sử dụng) thậm chí không sử dụng hàng hóa, dịch vụ. 

Về chủ thể

Có thể thấy trên thế giới, số quốc gia coi “người tiêu dùng” cá nhân (thể nhân) nhiều hơn số quốc gia coi “người tiêu dùng” bao gồm cả tổ chức. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng khi so sánh với “người tiêu dùng cá nhân” thì “người tiêu dùng tổ chức” hoàn toàn có vị thế cân bằng với bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ (tổ chức, cá nhân kinh doanh) và không có việc “yếu thế”, hạn chế hơn về địa vị pháp lý, kiền thức, tài chính, nhân sự,… Vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc bảo vệ “người tiêu dùng tổ chức” đã “làm mất ý nghĩa cũng như lãnh phí nguồn lực cho chính sách bảo vệ NTD, can thiệp quá sâu và không cần thiết vào các quan hệ dân sự”[22].

Tuy nhiên, khi so sánh tương quan giữa “người tiêu dùng tổ chức” với “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”, ta cần xét đến tính chất của hàng hóa, dịch vụ cũng như đặt trong điều kiện, hoàn cảnh, phương thức của việc giao dịch. Nếu hai thương nhân cùng đang kinh doanh ô tô giao dịch với nhau (kể cả trường hợp một doanh nghiệp mua ô tô về với mục đích tiêu dùng[23]) thì có thể với những kinh nghiệm và lợi thế khi đang kinh doanh trong lĩnh vực tương đồng, hai bên sẽ có sự cân bằng tương đối. Tuy nhiên, nếu một trường học mua sữa[24] về cho các em học sinh sử dụng thì trong quan hệ với người bán sữa, trường học cũng không có nhiều lợi thế nếu so sánh với hoạt động mua sữa về sử dụng của một hộ gia đình hay thậm chí là một cá nhân.

Mục đích của giao dịch

Đối với các giao dịch tiêu dùng, hầu hết các quốc gia đều không chấp nhận các giao dịch vì mục đích thương mại hoặc nghề nghiệp. Điều này hết sức hợp lý vì đây là phạm điều chỉnh của pháp luật thương mại hoặc dân sự.

Vì vậy, cá nhân, tổ chức chỉ có thể trở thành người tiêu dùng khi mục đích mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ là “tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức”.

Ở đây, cần làm rõ thêm về mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của các chủ thể. Có những đặc điểm, tính chất riêng trong các hoạt động “tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân”, “tiêu dùng sinh hoạt của gia đình” và “tiêu dùng sinh hoạt của tổ chức”.

Không có gì cần bàn nhiều với hoạt động “tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân” khi các hoạt động này rất rõ nét và được thừa nhận rộng rãi trong quy định pháp lý và thực tiễn cuộc sống ở tất cả các quốc gia. Các hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản (ăn, ở, mặc, đi lại), những quyền tự nhiên của con người chính là những ví dụ điển hình nhất.

Khó hơn một chút khi xem xét đến “mục đích tiêu dùng sinh hoạt của hộ gia đình”. Về mặt nội hàm: “Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và/hoặc quan hệ giáo dục”[25]. Hộ gia đình chính là hình thức pháp lý của gia đình được nhà nước thừa nhận[26]. Hộ gia đình có thể bao gồm một hoặc một số cá nhân. Vậy, các hoạt động có “mục đích tiêu dùng của hộ gia đình” là tổng hợp các hoạt động “có mục đích tiêu dùng của từng cá nhân trong gia đình” hay là tổng hợp các hoạt động do tất cả hoặc một số thành viên thực hiện nhân danh gia đình hoặc để phục vụ sự tồn tại của gia đình. Các hoạt động được coi là nhân danh hoặc để phục vụ sự tồn tại của gia đình có cần sự đồng thuận của các thành viên không hay phụ thuộc vào sự quyết định của “Chủ hộ” hoặc nội dung của các nguyên tắc nội bộ nằm trong “gia đình ước”[27] nào đó?. Tuy nhiên, xét về vị trí “hạt nhân xã hội”[28] của gia đình và bản chất[29] của mối quan hệ giữa các thành viên và phương thức vận hành, tồn tại của gia đình, việc duy các hoạt động tiêu dùng vì mục đích sinh hoạt[30] của hộ gia đình là rất quan trọng và việc đưa “hộ gia đình” trở thành chủ thể của các giao dịch tiêu dùng là phù hợp.

Khó khăn nhất là khi đánh giá về “mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của tổ chức”, nhất là khi tổ chức đó đồng thời cũng là các tổ chức, cá nhân kinh doanh[31]. Bản thân trong nội tại của “người tiêu dùng tổ chức” (tổ chức, cá nhân kinh doanh) luôn tồn tại hai loại hoạt động, đó là các hoạt động vì mục đích kinh doanh, thương mại (các hoạt động sinh lời) và các hoạt động không vì mục đích kinh doanh (ví dụ dễ thấy nhất là các hoạt động sinh hoạt nội bộ, các hoạt động chăm lo đời sống cho các thành viên của tổ chức,…). Khi tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì có thể phục vụ một trong hai mục đích (kinh doanh và tiêu dùng) hoặc cả hai (một phần để kinh doanh, một phần để tiêu dùng) hay thậm chí còn có sự chyển đổi giữa hai mục đích[32]. Trong một số trường hợp, có thể dựa vào các dấu hiệu về mặt pháp lý và kinh tế để định vị một hoạt động là vì mục đích kinh doanh (có hợp đồng thương mại, đưa vào chi phí doanh nghiệp, có hoạt động bán lại sản phẩm,…) hay tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sẽ có nhiều khó khăn để định vị.

Căn cứ, cơ sở phát sinh quan hệ.

Trên thực tế, quan hệ tiêu dùng xác lập thông qua hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ (mua) và/hoặc xác lập trên cơ sở có hoạt động sử dụng hàng hóa, dịch vụ (sử dụng) thậm chí không mua và/hoặc không sử dụng hàng hóa, dịch vụ. 

Ở đây, trong mối tương quan với “tổ chức cá nhân doanh” và “hàng hóa, dịch vụ”, có thể tồn tại 3 chủ thể, đó là “người[33] mua”, “người sử dụng” và “người không mua và/hoặc không sử dụng”.

(i) Đối tượng đầu tiên được pháp luật hầu hết các quốc gia thừa nhận là “Người tiêu dùng” chính là “Người sử dụng”, tức là người trực tiếp sử dụng (dùng) hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

(ii) Đối tượng tiếp theo có khả năng được pháp luật thừa nhận là “Người tiêu dùng” chính là “Người mua”, tức là bên có quan hệ hợp đồng (có thể bằng văn bản hoặc hình thức khác) hoặc giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh, nói đơn giản là người trả tiền (tiêu) để nhận hàng hóa, dịch vụ. Nói là “có khả năng” bởi trong nhiều trường hợp không dễ xác định tư cách “Người tiêu dùng” cho chủ thể này. Nhất là trong các trường hợp “người mua” không đồng thời là “người sử dụng” hàng hóa, dịch vụ. Khi đó, ai sẽ là người tiêu dùng, “người mua” hay “người sử dụng” và mỗi bên sẽ được pháp luật bảo vệ người tiêu dùng thừa nhận và bảo vệ như thế nào?

(iii) Đối tượng thứ ba có khả năng được coi là người tiêu dùng và chịu sự điều chỉnh, tác động của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng chính là những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình không có giao dịch (“không mua”) và cũng “không sử dụng hàng hóa, dịch vụ” nhưng vẫn bị ảnh hưởng, tác động bởi hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đó chính là những người bị các tổ chức, cá nhân kinh doanh “quấy rối”[34]. Vấn đề này cũng được quy định trong pháp luật của một số quốc gia khác[35].

Trong định nghĩa “người tiêu dùng” tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng dấu phẩy (,) giữa hai động từ “mua” và “sử dụng”. Điều này càng gây khó khăn hơn cho việc phân định chủ thể là “người tiêu dùng” giữa “người mua” và “người sử dụng”. Câu hỏi đặt ra là dấu phẩy (,) ở đây mang nghĩa là “và” (đồng thời) hay “hoặc” (lựa chọn). Nghĩa là: muốn được coi là “người tiêu dùng” thì “người mua” đồng thời phải là “người sử dụng” (hai hành động liên tục do cùng một chủ thể thực hiện) hay pháp luật thừa nhận hai đều là người tiêu dùng (chỉ cần “mua” hoặc “sử dụng” đều được)?. Chính sự không thật sự rõ ràng này sẽ có thể trở thành tiền đề cho những tranh cãi bất tận trong các vụ việc tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, cũng như gây khó cho cơ quan nhà nước trong việc xử lý vụ việc.

Có thể thấy rằng, đây là một định nghĩa chưa thực sự rõ ràng, có thể gây hiểu lầm rằng pháp luật chỉ bảo vệ người mua mà không bảo vệ người dùng từ chối mua hàng hóa đó. Nếu tiếp tục duy trì quy định này sẽ tạo ra sự khác biệt bất lợi, thu hẹp quyền của người tiêu dùng Việt Nam và cả của người tiêu dùng các quốc gia khác khi thực hiện giao dịch tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

4. Kết luận và đề xuất

Từ những nội dung nêu trên, có thể thấy rằng, khái niệm người tiêu dùng của Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam còn hẹp so với các thông lệ quốc tế, chưa thực sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Tác giả cho rằng, cần hoàn thiện hơn khái niệm “người tiêu dùng” trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Các tiền đề cần dựa vào để hoàn thiện khái niệm này, bao gồm: (i) Thứ nhất, chỉ nên quy định “người tiêu dùng” là cá nhân nhưng cần quy định “hộ gia đình, tổ chức” có thể “được coi” là người tiêu dùng trong một số trường hợp; (ii) Thứ hai, nên quy định cá nhân chỉ là người tiêu dùng khi mua hoặc sử dụng hàng hóa dịch vụ vì mục đích tiêu dùng; (iii) Thứ ba, cần tách bạch rõ “mua” và “sử dụng” từ đó thừa nhận cả người mua và/hoặc người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đều là người tiêu dùng; (iv) Thứ tư, cần tách quy định về “hộ gia đình, tổ chức” khỏi “cá nhân” để thiết kế thành một nội dung riêng trong định nghĩa; (v) Thứ năm, quy định theo hướng: Tổ chức, hộ gia đình được coi là người tiêu dùng khi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích kinh doanh.

Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất khái niệm: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Hộ gia đình, tổ chức được coi là người tiêu dùng khi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích kinh doanh”. Khái niệm này về cơ bản đã giải quyết các bất cập của khái niệm hiện tại khi chỉ rõ về bản chất thì người tiêu dùng là cá nhân. Tuy nhiên, tổ chức cũng có thể coi là người tiêu dùng trong những điều kiện cụ thể. Đồng thời, khái niệm này cũng giải quyết câu chuyện tranh cãi giữa “người mua” và “người sử dụng” khi xác định cả hai trường hợp này đều sẽ được coi là người tiêu dùng. Tất nhiên, khi điều chỉnh khái niệm này sẽ dẫn đến việc phải điều chỉnh việc mô tả một số hành vi trong các quy định về nội dung trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo đảm sự tương đồng.

Có thể nói sau hơn 10 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bắt đầu bộc lộ những bất cập, không còn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển của đất nước cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung (nếu có) Luật này, bên cạnh cập nhật những chế định về nội dung thì việc hoàn thiện các khái niệm pháp lý cơ bản (trong đó có khái niệm “người tiêu dùng”) cũng là rất quan trọng và cần được thực hiện một cách khoa học và phù hợp.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] David D. Pearce, Từ điển Kinh tế học hiện đại (1999), NXB Chính trị Quốc gia, tr. 193.

[2] https://unctad.org/en/Pages/DITC/CompetitionLaw/UN-Guidelines-on-Consumer-Protection.aspx.

[3] Theo bản Hướng dẫn của Liên hợp quốc thì người tiêu dùng có 08 quyền cơ bản, bao gồm: (i) Quyền dược thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; (ii) Quyền được an toàn; (iii) Quyền được thông tin; (iv) Quyền được lựa chọn; (v) Quyền được lắng nghe; (vi) Quyền được khiếu nại và bồi thường; (viii) Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng; và (viii) Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững.

[4] Từ điển Black’s Law Dictionary (Bryan A. Garner), 10th Edition, Bản in lần thứ 11, trang 382-383

[5] Điều 3, Luật An toàn sản phẩm (Pruduct Safy Act) bang California ban hành năm 1972, bản cập nhật năm 2011.

[6] DC Consumer Protection Procedure Act, D.C. Code § 28-3901(a)(2).

[7] Article 1 (2) (a) của Directive 1999/44/EC of the European Parliament and of the Council of 25 May 1999 on certain aspects of the sale of consumer goods and associated guarantees https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=celex%3A31999L0044 (15/8/2020)

[8] Article 1 (e) Consumer protection tại http://www.canlii.org/en/qc/laws/stat/cqlr-c-p-40.1/latest/cqlr-c-p-40.1.html

[9] Khoản 1, Chương 2, Đạo Luật về Hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng của bang British Columbia, cập nhật tháng 6 năm 2019. Xem thêm tại: https://www.canlii.org/en/bc/laws/stat/sbc-2004-c-2/latest/sbc-2004-c-2.html

[10] Bộ Luật Dân sự Đức: https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/

[11] Luật Người tiêu dùng Pháp năm 2014: https://wipolex.wipo.int/en/text/487742

[12] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Liên Bang nga tại https://www.wto.org/english/thewto_e/acc_e/rus_e/WTACCRUS58_LEG_376.pdf

[13] Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2019 của Ấn Độ tại: http://egazette.nic.in/WriteReadData/2019/210422.pdf

[14] Luật Hợp đồng tiêu dùng 2000 của Nhật Bản tại http://www.cas.go.jp/jp/seisaku/hourei/data/CCA.pdf

[15] Luật Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Trung Quốc: https://academic.oup.com/cjcl/article/6/2/294/5238836

[16] Luật Khung về người tiêu dùng của Hàn Quốc: https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=45955&lang=ENG

[17] Đây là điểm khá khác biệt so với Luật nhiều nước khi coi việc mua hàng hóa, dịch vụ vì hoạt động sản xuất cũng có thể được coi là tiêu dùng.

[18] Luật Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia 1999, sửa đổi 2016: http://www.agc.gov.my/agcportal/uploads/files/Publications/LOM/EN/Act%20599%20-%2029.08.2016.pdf

[19] Luật Bảo vệ người tiêu dùng (thương mại lành mạnh) của Singapore: https://sso.agc.gov.sg/Act/CPFTA2003.

[20] Luật Bảo vệ người tiêu dùng Thái lan: https://www.ocpb.go.th/ewtadmin/ewt/ocpb_en/ewt_dl_link.php?nid=1

[21] Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 27 tháng 4 năm 1999.

[22] Xem thêm: Lê Thanh Bình, “Thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam”, Luận án tiến sỹ luật học, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, 2012, trang 32.

[23] Mục đích tiêu dùng trong trường hợp này có thể là đưa đón nhân viên.

[24] https://laodong.vn/archived/khen-thuong-cho-hoc-sinh-mam-non-bang-sua-het-han-706861.ldo

[25] Từ điển Bách khoa Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1996, tái bản lần 5 năm 2011.

[26] Minh chứng phổ biến cho sự tồn tại của Hộ gia đình chính là Sổ hộ khẩu và các hình thức ghi nhận sự tồn tại bằng các thủ tục hành chính.

[27] http://www.nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/15873/language/vi-VN/Default.aspx

[28] http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2015/8533/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh-Hat-nhan-cua-xa-hoi-la-gia.aspx

[29] Sự tồn tại của gia đình về bản chất là để gắn bó, liên kết các thành viên nhằm duy trì nòi giống và phát triển xã hội. Sự tồn tại của gia đình không nhằm mục đích kinh doanh.

[30] Ví dụ các hoạt động như: Mua và sử dụng thực phẩm, mua và sử dụng thiết bị, đồ dùng gia đình, các hoạt động sinh hoạt, giải trí tập thể,…

[31] Ở đây, cần có sự phân biệt với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đang cung cấp hành hóa, dịch vụ.

[32] Ví dụ: Trong vụ việc khiếu nại nổi tiếng gần đây giữa ông Võ Văn Minh và Công ty THP, có sự tranh luận về vị trí pháp lý của ông Võ Văn Minh khi ban đầu mua sản phẩm nước giải khát về để bán nhưng sau đó lại khiếu nại với tư cách là người tiêu dùng, người sử dụng sản phẩm.

Xem thêm tại: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-tan-hiep-phat-con-ruoi-500-trieu-va-ban-an-2-000-ty-dong-20151218201416.htm

[33] Trong trường hợp này và khi diễn đạt các nội dung tương tự và có liên quan, “Người” được hiểu bao gồm cả cá nhân, hộ gia đình và tổ chức theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[34] Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định: “Quấy rối người tiêu dùng là hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng”.

[35] Ví dụ: Thái Lan thậm chí đưa luôn “người chào hàng” vào định nghĩa “Người tiêu dùng” như là một chủ thể có khả năng tác động đến người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Luật số 59/2010/QH12).
  2. Đại hội đồng Liên hợp quốc (1985), “Bản hướng dẫn bảo vệ quyền lợi NTD” ban hành theo Nghị quyết số 39/248 ngày 09/4/1985, sửa đổi lần cuối năm 2015.
  3. Hội đồng Châu Âu (1999), Chỉ thị số 1999/44/EC về mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ngày 25/5/1999.
  4. 4. Nguyễn Minh Thư, (2015), “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật ở Việt Nam”, Luận án tiến sỹ luật học – Đại học Luật Hà Nội.
  5. 5. Nguyễn Thị Thư, (2013), “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay”, Luận án tiến sĩ luật học – Học viện khoa học xã hội.
  6. 6. Lê Thanh Bình, (2012), “Thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam”, Luận án tiến sỹ luật học, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Discussing the concept of consumers according to the Law on Consumer Rights Protection in Vietnam

Master. Cao Xuan Quang

Postgraduate student, School of Law, Vietnam National

University – Hanoi Campus

ABSTRACT:

The Law on Consumer Rights Protection took effect on July 1, 2010. After 10 years of implementation, the law has revealed many shortcomings including fundamental concepts which are stipulated in the law, especially the concept of consumers. This paper studies relevant legal concepts of many countries in the world, analyzes and evaluates the current concepts about consumer rights protection of Vietnam. Based on this paper’s findings, some recommendations are proposed to completely formulate concepts about consumer rights protection of Vietnam.

Keywords: Concept, consumer, purchase, use, goods, services, consumption purpose, organization, individual business, business purpose.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]