Bàn về điêu khắc đường phố | Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên điện tử

VNTN – Trên thế giới, không gian thẩm mỹ của đô thị bao gồm những điểm nhấn đô thị, những trục cảnh quan, tượng đài, tranh tường,… và “điêu khắc đường phố”. Khái niệm này cũng có thể được hiểu là nghệ thuật kiến trúc đường phố.

Khi nghệ thuật kiến trúc đường phố phát triển nó sẽ tạo được ấn tượng tốt, thậm chí có tác dụng giáo dục xã hội và thẩm mỹ đô thị. Ở Việt Nam, lĩnh vực này chưa được quan tâm sâu, nên có thể nói là chúng ta đã lãng phí một phương tiện nghệ thuật, một phương tiện truyền tải văn hóa, có tính “thông điệp” cao.  Để tạo dựng đô thị phát triển theo hướng “hiện đại, bản sắc”, thậm chí để tạo “Hồn phố”, để cộng đồng được hưởng thụ giá trị đích thực của nghệ thuật đường phố, cần quan tâm đến bộ môn nghệ thuật kiến trúc đường phố, trong đó có chuyên ngành “điêu khắc đường phố”.

Đừng quá câu nệ câu chuyện các cụ nhà ta không làm điêu khắc ngoài trời, trừ mấy con nghê, rồng chầu, sư tử đá… và một số ít tượng người, ngựa tại cung đình và một số di tích, cần quan tâm đến vấn đề phát triển đưa nghệ thuật điêu khắc ngoài trời (ở quảng trường, vườn hoa, trang trí công trình kiến trúc, đứng độc lập trên đường phố) gọi chung là “điêu khắc đường phố” đến với công chúng.

Tác phẩm điêu khắc hiện đại
“Chắp cánh ước mơ” tại trường THPT Lương Ngọc Quyến.

Vừa qua, ta có phong trào nơi nơi làm tượng đài, nhưng phần lớn đều là tượng vinh danh danh nhân (như tượng Lý Công Uẩn, tượng Bác Hồ…) tượng vinh danh anh hùng, liệt sỹ, tượng công nhân…, nhưng phần lớn sự “kết duyên” giữa điêu khắc và kiến trúc để tạo ra tác phẩm đích thực góp phần đóng góp vào diện mạo đô thị, góp phần vào sự thưởng thức thẩm mỹ của công chúng còn chưa nhiều. Đôi khi nhiều tác phẩm còn gây sự phản cảm, phản tác dụng, chi phí tốn kém và còn tạo ra những nốt nhạc buồn trong bức tranh đô thị. Nói một cách khác kiến trúc và điêu khắc là anh em sinh đôi, thiếu một trong hai thì yếu tố còn lại không còn chất “sinh đôi” nữa. Kiến trúc đường phố sẽ thực sự đẹp, có giá trị thẩm mỹ tạo nên ấn tượng tốt, tạo nên “hồn phố” của đô thị khi sự kết duyên giữa kiến trúc và điêu khắc hòa quện tạo nên những không gian kiến trúc, có giá trị nghệ thuật cao.

Khi xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ tỉnh Thái Nguyên (tại khu trung tâm thành phố Thái Nguyên) họa sĩ Hứa Tử Hoài đã làm nhóm tượng tại khu vực này. Khu đài thanh niên xung phong (Đại Từ – Thái Nguyên), khu 27-7…, một số tượng đài ngoài trời khác tại Thái Nguyên đã được xây dựng. Vừa qua, Công ty tư vấn kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên thực hiện một số tác phẩm điêu khắc (điêu khắc ngoài trời, điêu khắc đường phố) như: “Khu tượng đài Lê Hữu Trác” (Đại học Y Dược Thái Nguyên), không gian “Chắp cánh ước mơ” (Trường THPT Lương Ngọc Quyến), “Cổng làng” (Mỏ đá – Linh Sơn – Đồng Hỷ) “Mèo và Chuột” (Trụ sở Hội KTS Thái Nguyên) và sắp tới: tượng đường phố khu vực cầu Gia Bẩy, phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp… Tuy chưa nhiều nhưng bước đầu điêu khắc ngoài trời cũng đã bắt đầu chạm vạch ở Thái Nguyên. Nhưng phần lớn khái niệm chúng ta tiếp cận mới là tượng đài, còn “Điêu khắc đường phố” có thể là tượng, là biểu tượng, là tác phẩm nghệ thuật thì chưa chắc đã có “đài”, nhiều khi không có sự tách biệt, không có khoảng cách giữa điêu khắc đường – phố và không gian kiến trúc, không có khoảng cách giữa người dân với tác phẩm nghệ thuật. Điêu khắc ở đây không nhất thiết phải là tượng vĩ nhân, tiền bối, không nhất thiết là tưởng niệm chiến tranh, không nhất thiết phải hoành tráng.

Một minh chứng là tượng chú bé Pis (chú bé đái) ở Bỉ, hoặc người cá ở Hà Lan chỉ là những tượng nhỏ nhưng đã là hình ảnh đại diện của cả một quốc gia. Điêu khắc người cũng không nhất thiết phải cương lên, mắt nhăm nhăm nhìn về phía trước, mà trước hết nó phải là một tác phẩm nghệ thuật, đơn giản đôi khi chỉ là một “thông điệp” với cuộc sống, kể về cuộc sống. Nó đa dạng về phong cách, đa dạng chủ đề, nhiều khi chỉ từ câu chuyện sinh hoạt đời thường; nơi đặt thì phong phú: có thể trong vườn, có thể là hè phố trong khuôn viên. Điêu khắc đường – phố, đôi khi còn có cả công năng: là địa điểm nghỉ chân, là chỗ trẻ em vui chơi, đôi khi còn mang tính hài hước, trào phúng hoặc một ý nghĩa nhất định với mục đích tạo cảm nhận, suy nghĩ cho người xem. Về vật liệu đa dạng: kim loại, đá, vật liệu mới, nhiều khi dùng cả những vật liệu tái tạo để tạo hình, nâng giá trị “thông điệp” truyền tải đến thị giác người xem, với ý nghĩa tôn trọng giá trị cuộc sống, tạo ý thức bảo vệ môi trường sống gắn với tình yêu thiên nhiên…

Qua phân tích như vậy, câu chuyện “điêu khắc đường phố” là câu chuyện rất hay, nếu làm tốt ta có thể làm nên “thương hiệu” của thành phố, góp phần vào tạo sức sống cho một đô thị. Thái Nguyên có cơ hội để quan tâm vấn đề này, ta nên có một quy hoạch tổng thể phát triển “điêu khắc đường phố” tạo “thương hiệu” cho thành phố Thái Nguyên. Coi đây là một thông điệp để nói về Thái Nguyên. Quy hoạch này là quy hoạch về Kiến trúc – Văn hóa, thiếu sự gắn kết này thì “điêu khắc đường phố” khó thành một tác phẩm được. Về kinh phí xây dựng loại hình nghệ thuật này ta có thể “xã hội hóa” được. Một ví dụ tượng đài Lê Hữu Trác (trường Đại học Y- Dược) xây dựng từ sự đóng góp của cán bộ công nhân viên nhà trường; Đài tưởng niệm Đội Tự vệ Cầu Gia Bẩy được xây dựng từ sự đóng góp của nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, “Chắp cánh ước mơ” của trường THPT Lương Ngọc Quyến được xây dựng bằng nguồn đóng góp của học sinh cũ của trường… Từ những thực tế cuộc sống thấy rằng có lộ trình tốt, phương pháp tốt thì nguồn ngân sách sẽ là nguồn hỗ trợ, nguồn đầu tư những công trình trọng điểm, quan trọng, công trình lớn… có giá trị tác động đến nghệ thuật đường phố của toàn đô thị.

Đôi điều về Điêu khắc đường phố – một vấn đề mang tính nghệ thuật, để chúng ta cùng chung tay xây dựng Thái Nguyên đẹp, Thái Nguyên hay, là môi trường đáng sống, đáng đến, mong là như vậy!

 

KTS. Nguyễn Văn Cường