BÀN VỀ 25 ĐỊNH NGHĨA VĂN HÓA – PHẦN 2 (CHU TẤN) — Bức Tranh Vân Cẩu

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Chín: của TS Elot. Thực ra đây chỉ là một định nghĩa văn hóa “gián tiếp” của Eliot – Ông là một văn gia người Anh đã đoạt giải Nobel văn chương 1948, nhưng ông nhận thấy định nghĩa văn hóa là điều quá khó khăn, nên ông rất cẩn trọng (hay tránh né). Mặc dầu ông viết cả một cuốn sách bàn về văn hóa, nhưng chỉ khiêm tốn là “Những ghi chú để tiến tới một định nghĩa về Văn Hóa”(Notes towards the Definition of Culture) Chúng tôi gọi là định nghĩa văn hóa gián tiếp của Eliot là như vây.

T.S Eliot viết “Đối với xã hội, văn hóa bao gồm tất cả những hoạt động đặc biệt của một dân tộc, như đối với dân tộc Anh là ngày đua ngựa ở Derby, đua thuyền ở Henl, đua du thuyền ở Cowes, cuộc đua chó, trò chơi phóng tên, hoặc ăn phó mát Wensleydale, bắp cải luộc xắt thành miếng, củ cải đỏ ngâm dấm, đi nhà thờ làm theo kiểu Gothic thế kỷ XiX, nghe âm nhạc Elgar…” (20)

Qua nhân định trên, chúng ta thấy Eliot cho rằng Văn Hóa là tất cả những gì làm cho cuộc sống thêm tươi, thêm vui, thêm đẹp, thêm hương vị, thêm mầu sắc, thêm thích thú hay nói khác đi văn hóa làm cho cuộc đời lên hương, giúp cho con người vui chơi, giải trí hân thưởng nghệ thuật vui hưởng cuộc sống.

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mươi: của nhà xã hội học Henri de Man. Khác với những nhà nghiên cứu văn hóa cổ điển khi định nghĩa văn hóa thường chú trọng vào giá trị tinh thần cao siêu thâm viễn của các cá nhân, những nhà xã hội học, nhân chủng học như Henri de Man hay Liton định nghĩa văn hóa là Lề Lối Sống Của Một Dân Tộc, Một Xã Hội Con Người.

Hen de Man định nghĩa: “Văn Hóa là một lề lối sống dựa trên một niềm tin công cộng, vào một hệ thống và một tôn ti, trật tự, thứ bực giá trị làm cho đời sống có một ý nghĩa nhất định” (21).

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mốt: của Liton. “Văn hóa của một xã hội là lề lối sống của các phần tử trong xã hội ấy. Đó là toàn bộ những ý tưởng và tập tục mà họ đã thâu lượm, chia sẻ và lưu chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.Văn hóa đem lại cho mỗi người của mỗi thế hệ những cách giải quyết hữu hiệu và lập thành về tất cả các vấn đề mà họ sẽ gặp phải. Những vấn đề này được nêu lên vì những nhu cầu sống trong một đoàn thể có tổ chức” (22).

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mươi Hai: của Campagnolo. Có một số người đặt nặng vấn đề “Sáng Tạo”trong Văn hóa đã có định nghĩa Văn Hóa là SÁNG TẠO.

Campagnolo chủ trương : “Văn Hóa là sáng tạo những giá trị mới, không nhất thiết nô lệ quá khứ, không nhứt thiết chạy theo cái đã có , mà phải luôn luôn hướng về sự đổi mới:” (23)

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mươi Ba: của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ. Trong cuộc nói chuyện về đề tài “Văn Hóa Là Gì” của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ do Trung Tâm Nghiên Cứu và Thông Tin Tân Định tổ chức tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc chiều ngày Chủ Nhật 13.7. 1969 –Bài nói chuyện về Văn Hóa của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ rất súc tích. Đặc biệt tác giả đề cập đến 3 nên Văn Hóa và 3 bình diện sống của con người:

Ba nền văn hóa là:

– Văn Hóa Thần Linh (Culture Spirituelle)

– Văn Hóa Nhân Bản (Culture Humaniste)

– Văn Hóa Kỹ thuật, Vật chất (Culture Materialiste – Technique)

Ba bình diện sống của con người:

– Thần linh, hay Tâm Lnh, hay Thiên Đạo

– Nhân Tâm, Nhân Bản hay Nhân Đạo

– Vật Chất, Kinh tế hay Địa Đạo.

Bàn về định nghĩa Văn Hóa, Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng: Trước tiên, muốn định nghĩa về văn hóa, tôi nghĩ nên có một định nghĩa hết sức rộng rãi, hết sức linh động để có thể phổ cập mọi nơi, mọi đời.

Vì lẽ đó mà tôi muốn định nghĩa “Văn Hóa là tất cả những nỗ lực của muôn thế hệ nhân quần để vươn lên cho tới tinh hoa hoàn thiện, cho tới một đời sống lý tưởng về một phương diện nào hay về mọi phương diện và tất cả những công trình đã thực hiện được, những giai đoạn đã vượt qua được trên bước đường tiến hóa ấy”(24)

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mươi Ba có ưu và khuyết điểm sau:

A. Ưu điểm:

Đúng như nguyện vọng của B.S Nguyễn Văn Thọ. Định nghĩa văn hóa của tác giả rất rộng rãi và hết sức linh động….

Tác giả quan niệm “Thành quả của văn hóa là nỗ lực của nhiều người của nhiều thế hệ trong nước xây dựng lên.

Văn Hóa có mục tiêu là giúp cho con người vươn tới tinh hoa hoàn thiện hướng tới một lý tưởng cao cả.

Sau cùng, Văn hóa còn là công trình mà con người đã thực hiện hay đã vượt qua trong tiến trình tiến hóa văn hóa xã hội….

B. Khuyết điểm:

Tác giả không xác định rõ Bản Chất Văn Hóa là gì? Hai mặt “Động” và “Tĩnh” của Văn Hóa ra sao?

Sứ mạng Văn Hóa trong hiện tại và tương lai như thế nào ?

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mười Bốn: của Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm Trong cuốn “Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam”, trong lời nói đầu sách tác giả viết: “Về văn hóa Việt Nam cho đến nay,tuyệt đại bộ phận các công trình được viết ra theo hướng “lịch sử văn hóa” mang tính chất miêu tả,công phu tỉ mỉ, như của Lê Quí Đôn,(1773) Phan Kế Bính (1915) Đào Duy Anh (1938) Nguyễn Văn Huyên (1944) Toan Ánh (1966-1969) Lê Văn Siêu (1972), Ban văn hóa văn nghệ Trung ương (1989) v.v. Bên cạnh giá trị tư liệu hết sức quí báu, các công trình loại này có 3 nhược điểm chủ yếu: a) tản mạn, thiếu tính hệ thống,tính qui luật, b) do vậy mà còn chứa rất nhiều mâu thuẫn nội tại, và c)thường bị chi phối một cách vô thức bởi căn bệnh “lấy Trung Hoa làm trung tâm”. Chỉ còn một số ít tác giả đã ít nhiều thoát ra khỏi tình trạng trên, như Kim Định (1973) Trần Quốc Vượng (1989) Phan Ngọc (1994) nhưng các công trình này hoặc còn mang nhiều cảm tính-cực đoan, (như Kim Định) hoặc chưa tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh”

Từ nhận định khái quát trên, Tiến Sĩ Trần Ngọc Thêm đã “vận dụng cách tiếp cận hệ thống cấu trúc kết hợp với phương pháp so sánh –loại hình để tiến hành khảo sát văn hóa Việt Nam..”

Riêng về định nghĩa Văn Hóa tác gỉa viết: “Nhược điểm lớn nhất của nhiều định nghĩa văn hóa lâu nay là ở chỗ coi văn hóa như một phép cộng đơn thuần của những trí thức bộ phận. E,B Taylor định nghĩa văn hóa như một “phức hợp (Chu Tấn in đậm) bao gồm trí thức tín ngưỡng, nghệ thuật đạo đức, luật pháp, phong tục, cũng như mọi khả năng và thói quen khác mà con người như một thành viên của xã hội… tiếp thu được” Định nghĩa văn hóa trong các loại tự điển, các công trình nghiên cứu …thường mở đầu bằng câu ‘Văn Hóa là một tập hợp (hoặc phức hợp) của các gía trị”… Quan niệm cảm tính này là sản phẩm của lịch sử, của thời kỳ chia tách các khoa học-khi mà văn hóa chưa được coi là đối tượng của một khoa học độc lập”

Sau khi vận dụng cách tiếp cận hệ thống cấu trúc kết hợp với phương pháp so sánh – loại hình tác giả khám phá thấy văn hóa có 4 tính chất đặc trưng sau đây:

– Tính Hệ Thống.

– Tính Giá Trị.

– Tính Nhân Sinh.

– Tính Lịch Sử…

Theo tác giả Trần Ngọc Thêm trong 4 tính đặc trưng nói trên tính Hệ Thống quan trọng nhất! và tác giả đã định nghĩa Văn Hóa như sau:

“Văn Hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn,(tác giả TNT ghi đậm) trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (25).

Trước khi nhận định về Định Nghĩa Văn Hóa thứ 24 này, chúng tôi xin phép được tóm tắt quan niệm của tác giả và sau đó đưa ra những nhận xét của cá nhân chúng tôi:

A. Quan niệm của Tác giả Trần Ngọc Thêm về định nghĩa Văn Hóa:

Trước hết T.S Trần Ngọc Thêm “chê” các định nghĩa về văn hóa từ tlâu nay đều có nhược điểm (ChuTấn in đậm) là coi văn hóa như một phép cộng đơn thuần (?) của những trí thức bộ phận…điển hình như định nghĩa văn hóa của E.B Taylor …các định nghĩa lâu nay (?) đều có tính cách “cảm tính” (Chu Tấn in đậm)

Các định nghĩa văn hóa lâu nay (?) sở dĩ có nhược điểm đó theo Trần Ngọc Thêm là vì không nhìn ra tình chất “Hệ Thống” quan trọng trong văn hóa. Hơn nữa trước đây người ta nghiên cứu văn hóa theo các bộ môn nghiên cứu riêng rẽ, nên chưa có cái nhìn tổng quan nhất là khi môn “Văn hóa Học” chưa ra đời

Tác giả Trần Ngọc Thêm áp dụng phương pháp “hệ thống Cấu Trúc” kết hợp với “phương pháp so sánh loại hình” mà tác giả cho là phương pháp mới để khám phá Văn Hóa Việt Nam

Vẫn theo tác giả Trần Ngọc Thêm văn hóa có 4 tính chất tượng trưng mà trong đó tính chất Hệ Thống là quan trọng nhất.Do đó tác giả đã đi tới định nghĩa “Văn Hóa là một Hệ Thống Hữu cơ các gía trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn”.

B. Nhận xét của chúng tôi về định nghĩa văn hóa thứ 24 của TS Trần NgọcThêm:

Trước hết chúng tôi thấy tác giả Trần Ngọc Thêm chê các nhà nghiên cứu văn hóa trước ông như Lê Quí Đôn, Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Toan Ánh, Lê Văn Siêu, hay Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương (1989) v.v…khi định nghĩa về văn hóa đều mắc bênh “tản mạn, không nhìn ra tính hệ thống, tính qui luật của văn hóa”? Lời phê bình này của tác giả Trần Ngọc Thêm không những là “phiến diện” mà còn mang tính “hàm hồ” vì chính tác giả Trần Ngọc Thêm vô tình hay hữu ý đã đánh mất đi tinh nghĩa hay cái hồn của văn hóa! Điều chúng ta không phủ nhận là văn hóa –nhất là “Văn Hóa Lý tính” “Văn Hóa Nhận Thức” mang tình hệ thống , hay tính qui luật , nhưng còn “Văn Hóa Nghệ Thuật,” Văn HóaTình Yêu” hay “Văn Hóa Tâm Linh”… không hề mang tính “Hệ Thống” hay Tính “Qui luật: nào cả! Vậy mà tác giả Trần Ngọc Thêm lại đem tính “Hệ Thống” ra để định nghĩa Văn Hóa tổng quát nói chung thì có phải là “khiên cưỡng”, “phiến diện” hay “quáng gà “hay không?

“Đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước” !
(Thơ Lê Đạt trích trong Nhân Văn Giai Phẩm)

Ai cũng hiểu để điều hành việc giao thông trong thành phố thì phải theo một “qui ước” hay “qui luật nhất định” nhưng tình cảm yêu đương trong trái tim con người có theo một qui luật hay một hế thống nào đâu? Vậy nếu ai không định nghĩ Văn Hóa là môt “Hệ Thống như kiểu định nghĩa của Trần Ngọc Thêm thì đều là tản mạn, cảm tính hết hay sao?? Những người theo chủ thuyết Cộng sản hay định nghĩa văn hóa là “Ý Thức Hệ” và quả quyết rằng Văn hóa chỉ là Ý Thức Hệ của đấu tranh giai cấp chứ không là gì khác, nay Trần Ngọc Thêm áp dụng phương pháp Hệ Thống Cấu trúc” khi định nghĩa Văn Hóa là “Hệ Thống” hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần ….chúng ta không lấy làm lạ.

Tác giả Trần Ngọc Thêm sau khi “chê:” các nhà nghiên cứu Văn Hóa trong nước, chê luôn các nhà nghiên cứu văn hóa thế giời tiêu biểu như Edward Bernett Tylor khi ông định nghĩa văn hóa là “một Tổng Thể Phức Hợp vì bao gồm nhiều thành tố như kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức,luật pháp, Phong tục tập quán…..” Phải chăng Trần Ngọc Thêm không những không đồng ý với định nghĩa Văn hóa là một “Tổng thể” lại còn là Tổng Thễ Phức Hợp” mà ông cho rằng là một “phép cộng đơn thuần của những trí thức bộ phận …” nên có nhược điểm “không biết tổng quát hóa thành Hệ Thống” vì lý do “Cảm Tính” hay vì giới hạn lịch sử, khi khoa “Văn Hóa Học” chưa ra đời như một bộ môn Văn Hóa chuyên ngành có tính cách độc lập nổi bật như hiện nay. Lối “chê” này của Trần Ngọc Thêm vừa mang tính chủ quan “phiến diện” vừa mắc bệnh “duy lý” đến mức “quá đà” khi cho rằng bất cứ loại hình văn hóa nào cũng có thể “tổng quát hóa” “qui luật hóa” thành “Hệ Thống” Điều mà TS Trần Ngọc Thêm không biết rằng yếu tính hay bản chất văn hóa vừa có tính chất “hệ thống” vừa “phi hệ Thống” vừa “siêu hệ thống” .Chính vì yếu tính diệu kỳ này nên học giả Lowell đã thú nhận rằng: “Tôi đã được ủy nhiệm nói về văn hóa, nhưng ở trên đời này không có gì phiêu diêu, mông lung hơn là danh từ văn hóa. Người ta không thể phân tách văn hóa,vì thành phần nó vô cùng tận…Người ta không thể mô tả văn hóa vì nó muôn mặt .Muốn cô đọng ý nghĩa văn hóa thành lời lẽ thì cũng như tay không bắt không khí :Ta sẽ thấy không khí ở khắp nơi và riêng trong tay chẳng nắm được gì…” (26))

Về cách tiếp cận “cấu trúc” kết hợp với phương pháp so sánh loại hình mà tác giả Trần Ngọc Thêm đã áp dụng khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chúng ta thấy gì? Theo dòng tiến hóa của lịch sử, càng ngày nhân loại càng tìm tòi sáng tạo ra những đường hướng mới, phương pháp khám phá mới về văn hóa .Đây là những bứớc tiến mới rất đáng mừng, rất đáng hoan nghênh, nhưng khi nhà nghiên cứu văn hóa chọn lựa và áp dụng bất kỳ một phương pháp mới nào thì phải hiểu rằng “Đường lối hay phương pháp mà mình áp dụng chỉ là “Phương tiện” để khám phá chân lý văn hóa mà thôi –có thể phương pháp tân tiến này hay hơn các phương pháp nghiên cứu văn hóa cũ – nhưng chỉ hay hơn về phương pháp – nói theo thuật ngữ Phật giáo là “Phương tiện thiên xảo” hơn các phương tiện khác mà thôi, chứ không thể tôn vinh một phương pháp tân tiến nào như là cùng đích của văn hóa có thể giúp mình nắm chân lý Văn Hóa ở trong tay!Thái độ quá tin tưởng trở thành “cực đoan”, “hãnh tiến” hay “kiêu ngạo” này rất nguy hiểm ! vì mang tính chất bạo động với chân lý ! Những ai mắc phải thái độ hãnh tiến vô lối này thì thường đi từ một cực đoan này tiến sang một cực đoan khác, vừa không khám phá ra chân lý hoặc chỉ ôm lấy những “mặt trời mù” thay vì tìm ra Chân Lý đích thực của Văn Hóa! Thực vậy, ngay cả những nhà nghiên cứu sáng tạo ra trường phái “Cấu trúc” hay phương pháp so sánh loại hình cũng chưa ai lên tiếng định nghĩa “Văn Hóa là một Hệ Thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần…..” như Trần Ngọc Thêm đã khẳng định ! Dĩ nhiên đây không là lỗi tại “đường hướng” hay “phương pháp” mà tác giả đã chọn lựa để nghiên cứu văn hóa nhưng chỉ là thái độ “Bảo hoàng hơn Vua” do óc phê phán chủ quan phiến diện của tác giả mà ra nông nỗi!!! Lối định nghĩa văn hóa khẳng định chắc nịch bao quát tất cả các loại hình văn hóa theo kiểu Trần Ngọc Thêm không những không thuyết phục được mọi người mà còn có tác dụng làm khô cứng làm thui chột, và đánh mất “Hồn tính” của văn hóa vậy. Khi định nghĩa văn hóa là “một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần của con người …..” là tác giả đã vô tình thu hẹp các bảng giá trị văn hóa nhân loại vào trong hệ thống “Nhị giá” “vật chất” và “tinh thần” trong khi giá trị Văn hóa nhân loại là “Đa giá” không phải chỉ có giá trị “vật chất” và “tinh thần” mà thôi đâu! Thí dụ như nền văn Hóa Đông phương hay nói “Văn Hóa Tuệ Giác”, “Văn Hóa Bát Nhã” hay “Văn Hóa Tính Không” thì không thể cô đọng trong một hệ thống nào cả! vì bản chất nó là phi vật chất, phi ý niệm …phi phi tưởng và hơn thế nữa bản chất nó đã là “Tánh Không”…..”Bản Lai Vô nhất Vật” như lời phát biểu của Lục Tổ Huệ Năng…. Chỉ cần đơn cử một hai thí dụ như trên chúng ta thất ngay sự phiến diện, thiếu sót quá đáng hay sự “thiển cận quáng gà” về nhân thức Văn Hóa của tác giả Trần Ngọc Thêm!

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mươi Lăm: của Chu Tấn. Là kẻ hậu sinh, hậu học, Chu Tân tôi cũng xin mạo muội đưa ra một định nghĩa Văn hóa mới tương đối trung thực, chính xác và đầy đủ đáp ứng nhu cầu Thời đại Toàn Cầu Hóa” như sau:

“Văn hóa là hiện tính của Sự Sống và là tinh hoa của Đạo Sống con người.Văn hóa thường biểu hiện trên hai mặt Động và Tĩnh… Xét về “phương diện TĨNH” Văn hóa là trạng thái thích nghi với hoàn cảnh, ứng xử với tha nhân, làm thành “thói quen”, “nếp nghĩ”, “nếp sống”, “phong tục tập quán”, “thuần phong mỹ tục”, hình thành các “giá trị truyền thống” của cả dân tộc “truyền thừa” cho các thế hệ sau…. Xét về “phương diện ĐỘNG” Văn hóa là động lực tiến hóa cá nhân và xã hội, hướng tới dự phóng tương lai theo tiến trình “Dung Hóa” “Sáng Hóa” và “Sống Hóa” sự sống con người, dân tộc, thế giới và thời đại. Văn hóa không những có sứ mệnh giáo hóa con người mà còn có sứ mệnh giải thoát con người, xây dựng xã hội, gìn giữ Hòa Bình và xây dựng nền “Thái Hóa Nhân Loại” (Xin xem “Sứ Mệnh Văn Hóa cũng trong Tuyển Tập này).

II- Những Ghi Nhận Cần Lưu Tâm Và Đào Sâu Hơn Nhằm Phát Huy Tập Đại Thành Văn Hóa Việt Nam.

Sau khi đã nhận định sơ lược về 25 định nghĩa văn hóa nói trên; Giờ đây muốn phát huy Văn Hóa Việt Nam, chúng ta cần khách quan ghi nhận những sự kiện hay những nhận thức mới, tư tưởng mới, chân lý mới liên quan đến nội dung Văn Hóa Việt Nam như sau:

Ghi nhận 1: Điều không ai có thể phủ nhận được là “Nội Dung Văn Hóa” rất bao la bao gồm rất nhiều yếu tố… nên việc đi tìm một định nghĩa Văn Hóa đúng nhất hay nhất là điều khó khăn vô cùng… Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta phải cần lưu tâm tìm hiểu sâu xa hơn nhằm xây dựng nền tảng và phát huy Văn hóa Việt Nam…

Ghi Nhận 2: Một khi chúng ta thừa nhận rằng: “Văn hóa rất khó định nghĩa” nhưng khi một người hay một cơ quan văn hóa ( như Cơ quan Văn Hóa Giáo dục UNESCO chẳng hạn) muốn thuyết minh một đề tài văn hóa, hay muốn công bố một chủ trương văn hóa nào đó hoặc muốn phát huy văn hóa, phổ biến văn hóa (thí dụ viết báo, viết sách… nói trên đài phát thanh, đài truyền hình v.v…) thì cá nhân, hay nhóm người hay cơ quan văn hóa lại không thể không định nghĩa văn hóa là gì ….(Vì nếu không định nghĩa văn hóa là gì ? Thì làm sao độc giả, khán thính giả hay quần chúng hiểu được?) Đây lại là khó khăn thứ hai! Mà khó khăn này lại yêu cầu cá nhân, nhóm người hay cơ quan văn hóa – bắt buộc phải giải quyết! chứ không thể né tránh hay làm ngơ được! (Smile)….

Ghi Nhân 3: Trước 2 khó khăn 1 và 2 nói trên, nhà nghiên cứu văn hóa hay Cơ quan văn hóa chỉ có 2 cách giải quyết:

– Một là tác gỉa (cá nhân) hay cơ quan văn hóa (tập thể) tự đưa ra một “định nghĩa văn hóa mới”.Điều này cắt nghĩa vì sao với thời gian, số lượng định nghĩa văn hóa ngày một tăng thêm nhiều” (năm 1952 hai nhà nhân loại học Mỹ đã tổng kết có 164 định nghĩa văn hóa khác nhau và sẽ còn tăng lên nhiều nữa! )

– Hai là: dựa vào một định nghĩa văn hóa cũ mà tác giả hay cơ quan nghiên cứu văn hóa xét thấy là hợp tình hợp lý hơn cả….

Ghi Nhận 4: Vì nội dung văn hóa quá bao la nhất là văn hóa thuôc khoa học xã hội (Social science) và nằm trong “thế giới biểu tượng” (Symbolic world)” nên dù nhà nghiên cứu văn hóa hay cơ quan văn hóa có trình độ kiến thức chuyên môn, uyên bác đến đâu chăng nữa, và áp dụng phương pháp định nghĩa văn hóa tân tiến nào chăng nữa… thì cũng chỉ đi tới mục đích là tìm ra một định nghĩa văn hóa “tương đối hay”, “tương đối chính xác” và “thích hợp” với thời đại hơn cả mà thôi! Nếu những cá nhân nào, cơ quan văn hóa nào có cao vọng tìm ra một định nghĩa Văn hóa “tuyệt đối đúng” “hay nhất” “chính xác nhất” thì đó chỉ là ảo tưởng…. “Những ai không hiểu lẽ đời – Sẽ đau khổ mãi thiệt thòi tuổi xanh” Dù có “hãnh tiến” “cao ngạo” đến bực nào, họ chỉ chạy theo “cái ngã” của chính họ, và là nạn nhân của chính họ mà thôi.

Ghi Nhận 5: Vì nhu câu tìm hiều, nghiên cứu, phát huy và phổ biến văn hóa nên có nhiều định nghĩa văn hóa khác nhau… Không những thế, theo dòng thời gian, nhân loại còn khám phá ra nhiều phương pháp định nghĩa văn hóa khác nhau từ phương pháp“ Duy danh định nghĩa” “phương pháp miêu tả” …phương pháp định nghĩa văn hóa “theo chức năng” “theo “mục đích hay cứu cánh” của văn hóa đến phương pháp “Xã hội học” “Nhân chủng học” hay định nghĩa văn hóa theo “Tinh thần luận”” “Tính thể luận” “Thao tác luận” “Cấu trúc luận” v..v… Song ở đây người viết muốn đề cập tới phương pháp “Duy danh định nghĩa” vì phương pháp này tạo ra một lối nhìn, một nếp nghĩ về văn hóa của các học giả văn hóa Đông phương, có phần khác biệt với cái nhìn hay nếp nghĩ của các học giả văn hóa Tây Phương. Nguyên do như sau: Cách đây hơn 2 thế kỷ, khi nền văn hóa Tây phương tràn sang Đông phương, mà điển hình là tại 3 nước: Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Cả 3 nước này đều không có danh từ nào là Văn hóa cả! Việt Nam có danh từ “Văn Hiến “nhưng không có danh từ Văn Hóa theo nghĩa “Culture”(như trong ngôn ngữ Pháp và Anh) hay “Kutlura (theo tiếng Đức) và Cultus (Tiếng La Tinh). Vậy muốn dịch chữ “Culture” (văn hóa) rất thông dụng trong ngôn ngữ Tây Phương sang tiếng quốc gia sở tại phải làm sao? Vì sự thiếu sót về danh từ quan trọng này nên người Trung Hoa mới lấy chữ VĂN và chữ Hóa (hai chữ này nguyên thủy đứng riêng) rồi ghép lại thành danh từ Văn Hóa (hai chữ ghép liền nhau) để dịch danh từ “Culture” của Tây phương. (Xin độc giả xem lại định nghĩa Văn Hóa thứ nhất, thứ nhì và thứ ba đã nói ở trên). Cũng có thuyết khác cho rằng Người Nhật là người dịch chữ Culture sang tiếng Nhật đầu tiên rồi người Trung Hoa và Việt nam mới bắt chước theo – Dù là thuyết nào đúng chăng nữa, chúng ta thấy danh từ Văn Hóa xuất hiện, buổi đầu chỉ là do nhu cầu “Dịch thuật” (Tìm một chữ có khái niệm tương đương với danh từ “Culture” trong văn hóa Tây Phương). Nhưng sau khi người Trung Hoa hay người Nhật đã tìm ra thuật ngữ mới “Văn Hóa” để dịch chữ “Culture” rồi, thì danh từ này đã được các quốc gia khác tại Á châu như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Đô v..v… chấp nhận và nhanh chóng trở thành thông dụng hay phổ thông… Tiếp theo nhu cầu “dịch thuật” là “nhu cầu Định Nghĩa Văn Hóa là gì”? Tới đây nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam thường dùng phương pháp “Duy danh định nghĩa” (căn cứ vào tên để định nghĩa – cũng có người gọi là phương pháp chiết tự) theo kiểu “Chữ Văn là dáng dấp, vẻ đẹp, nét cao quí, hay Văn là Văn học còn chữ Hóa là “thay đổi, hay giáo hóa”. Vậy Văn Hóa là “dùng Văn để giáo hóa con người, (Cách định nghĩa thứ nhất ) hay “Văn hóa có chức năng thay đổi con người để ngày càng trở nên cao quí tốt đẹp hơn” (Cách định nghĩa thứ hai!). Phương pháp duy danh định nghĩa như trên tuy có ưu điểm là “giản dị”, “dễ hiểu, dễ nhớ”, nhưng tất nhiên là thiếu sót vì văn hóa đâu phải chỉ có một chức năng duy nhất là Giáo hóa con người mà thôi đâu? Hơn nữa phương pháp “duy danh định nghĩa” này còn đưa tới “một lối nhìn”, “một nếp nghĩ” hay một “khẳng định” nếu không muốn nói là một “định kiến văn hóa” là chỉ có những gì “Đep” “Đúng” “Lành” (Chân thiện mỹ) mới là Văn Hóa còn những gì là “Sai, ác, xấu” không thuộc lãnh vực văn hóa hay sao?? Phải chăng đây là lối nhìn hay quan niệm văn hóa theo các học giả văn hóa Đông Phương có phần khác biệt với các học giả văn hóa Tây Phương? Thật vậy ngay cả học giả Hồ Hũu Tường của Việt Nam cũng quan niệm chỉ những gì “đẹp” và “cao quí” mới là Văn Hóa còn những gì là “xấu ác” hay “ bất thiện” “nghịch lý” hay “nhố nhăng” Hồ Hữu Tường gọi đó lá “Quái Hóa” ?? (Danh từ “Quái Hóa” do học giả Hồ Hữu Tường đặt ra nhưng không được thông dụng!). Lối nhìn văn hóa theo hướng “chân thiện mỹ” tới nay vẫn còn là lối nhìn “quen thuộc” hay “cổ điển” của khá nhiều các nhà nghiiên cứu hay các học giả văn hóa Đông phương, nhất là Trung Hoa và Việt Nam ! Song các nhà nghiên cứu hay học giả văn hóa Tây Phương nhất là trường phái định nghĩa Văn Hóa theo “Nhân học” (Anthropology) “Xã Hội Học”( Sociology) họ quan niệm tất cả những gì là phương thức biểu hiện của sự sống con người trong xã hội thì đều là Văn hóa cả. Hơn nữa họ quan niệm cứu cánh hay cùng đích của văn hóa nhằm đưa con người tới “Chân Thiện Mỹ” nhưng phương thức biểu hiện văn hóa không nhất thiết phải là “chân thiện mỹ”! Chính lối nhìn không bị “gò bó đóng khung” trong một qui phạm nhất định nên người Tây Phương và ngay cả người Việt chúng ta, những ai có cái nhìn mới về văn hóa đều có thể dùng chữ Văn hóa một cách “linh động” như “Văn hóa dân chủ (Democratic culture) “Văn hóa truyền thống (Heritage Culture) “Văn hóa… nhảy đầm” (Dancing culture) Đức giáo Hoàng Jean Paul II gọi “hiện tượng phá thai” tại các quốc gia như Hoa Kỳ là “Văn hóa của sự chết” (Culture of the death) đối nghịch với “Văn hóa của sự Sống” (Living culture). Người CS tự hào họ có “Văn hóa Mác- Xít”(Marxist culture) “Văn hóa đảng” (Party culture) mà thực chất là “Văn hóa ăn cướp” (Robbing culture)… Ba loại văn hóa sau cùng này tuy ba mà là một vì “Văn hóa Mác- Xít” là cha đẻ của “Văn hóa đảng” và “Văn hóa đảng” cũng chính là “văn hóa ăn cướp” ( C.S cướp chính quyền, cướp nhà, cướp đất, cướp ruộng của người dân và cướp luôn Nhân Quyền, Dân Chủ và Tư do… của toàn dân! Vậy đã rõ, nếu có “Văn Hóa tiến bộ”( Progressive culture) thì cũng có “Văn hóa suy đồi”(Cultural decadence) chúng ta không lấy làm lạ! và cũng không có gì là mâu thuẫn cả ! Chỉ với cái nhìn chân xác, khoáng đạt về văn hóa như trên, chúng ta mới có thể “Diệu dụng” (Super effectiveness) được Văn Hóa trong thời đại mới……

Ghi Nhận 6: Học giả Đào Duy Anh đã phỏng theo giới thuyết của Félix Sartiaux định nghĩa “Văn hóa tức là Sinh hoạt” (Xin xem lại Định Nghĩa văn hóa thứ tư đã nói ở trên) hay nói khác đi tất cả các hình thái hoạt động của con người đều là văn hóa… Định nghĩa này đúng chứ không sai. Nhưng động cơ nào? Thúc đẩy con người họat động? Vì mình hay vì đời hay vì cả hai? Động cơ đó phát xuất do “nhu cầu sinh lý, thể lý”…như “ăn mặc ở”, “làm ái tình” của con người? Hay “nhu cầu tâm lý”… như giáo tiếp… ứng xử, thưởng ngoạn, hân thưởng cuộc sống? Hay do “nhu cầu tâm linh”… thờ phượng “Thần linh”, tin tưởng và cầu nguyện “Thượng Đế” hay do “ý thức tìm tòi, tra vấn về ý nghĩa cuộc sống”, đưa tới nhu cầu “tự thức tỉnh”, nhu cầu tìm “con đường giải thoát” cho chính con người mình và đồng loại? Vậy động cơ nào, lý do thâm sâu nào thúc đẩy chi phối mọi hoạt động mọi sinh hoạt của con người? Đặt vấn đề như trên chúng ta thấy rõ: câu định nghĩa “Văn hóa tức sinh hoạt” của học giả Đào Duy Anh hay Félix Sartiaux tuy đúng, nhưng mới nói lên tính chất “Biễu kiến” hay hình thái “Biểu hiện” của văn hóa mà thôi. Còn bản chất văn hóa là gì là điều mà hoc giả họ Đào cũng như Félix Sartiaux chưa đào sâu, hay còn thiếu sót … mà thế hệ hậu tấn chúng ta có bổn phận phải tìm hiểu và khám phá vì văn hóa là tiến trình tìm hiểu, khám phá, sáng tạo không ngừng….

Ghi Nhận 7: Muốn tìm hiểu Bản chất văn hóa là gì? Chúng ta cần tìm hiểu “Bản chất con người là gì”? Theo cái nhìn của chủ nghĩa “DuyTâm”? (idealism) theo cái nhìn của chủ nghĩa “Duy Vật”? (Materialism.), hay theo lối nhìn của “Chân Lý Sự Sống” (The truth of life). Sự Sống vốn bao hàm cả “Tâm” và “Vật” nên cả hai thuyết “Duy Tâm” hay “Duy Vật” chỉ là cái nhìn “phiến diện” của “Chân Lý Sư Sống”. Sự Sống vốn “không có duy”…. (Dù là “duy tâm”, “duy Vật”, “duy Lý”, “duy nghiệm” hay “duy linh” đều là phiến diện và sai lầm cả!). Tới đây một câu hỏi khác quan trọng được nêu lên: Văn Hóa bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời được tìm thấy là văn hóa bắt nguồn hay khởi đi từ “Sự Sống con người” Con vật hay mọi loại chúng sinh đều có sự sống. Nhưng con vật không có văn hóa! Chỉ riêng con người là “linh ư vạn vật” mới có Văn hóa… như con cọp, con sư tử có sức mạnh hơn người… con chim “biết bay” Con ong biết “làm tổ”… là do bản năng, con ong không có “lý trí” và “ý chí” nên muôn thủa con ong vẫn là con ong – Con chim biết bay, biết kêu, biết hót, nhưng con chim không biết nói – vì con chim không có khả năng sáng tạo ra ngôn ngữ… Do đó, con vật – bất cứ loại nào, đều không có văn hóa! Văn hóa là sản phẩm của con người, Văn hóa là đặc tính nổi bật, có thể nói là tinh hoa, ưu viêt của SỰ SỐNG, ĐẠO SỐNG con người!

Thực vậy, muốn tìm hiểu “Bản chất văn hóa là gì? Người ta không thể không đề cập tới “Sự Sống Con Người” vì văn hóa bắt nguồn từ Sự Sống con người… Điều này mới nghe, ai cũng thấy là điều tự nhiên, quá tư nhiên (tự nhiên như hơi thở, tự nhiên như sự sống.) Nhưng suy tư trầm tư, uyên tư (suy nghĩ từ đáy vực thẳm của tư tưởng…) về Sư Sống con người, chúng ta mơi thấy sự Sống con người là điều quí giá nhất và chính sự sống lại là suối nguồn của mọi chân lý (Đây là điều sâu thẳm và kỳ diệu nhất …) Nhưng Sự Sống ở đây không là “sự sống nói chung” của muôn loài (đất đá, cây cỏ thú vật đều có sự sống). Nhưng chỉ riêng “Sư Sống nơi con người” mới đạt đến phẩm chất “ưu việt” làm cho cho con người VƯỢT THOÁT, THĂNG HOA được chính mình! (Như đã chứng minh ở trên, “con ong”, “con chim”… hay loài vật nói chung đều không có văn hóa, chỉ có con người mới có văn hóa… vì sự sống nơi con người đã đạt tới phẩm chất “tinh anh, ưu việt” tạo nên “trí tuệ,“ý thức”, “siêu thức”, “tiềm thức”, “lương tri” ”lương năng” “lương Tâm”, “trực giác’ và “Trí huệ bát nhã” (Siêu trực giác) “Tình yêu” và sự Sáng tạo”. Chính do sự trầm tư, quán chiếu sâu sắc về “Sự Sống Con Người” chúng tôi đã tìm ra ánh sáng về câu hỏi “khó khăn nhất”, “hóc búa nhất” “bản chất văn hóa là gì”? Chúng tôi xn thưa: Xét về bản chất “Văn Hóa là Hiện tính của Sư Sống, là tinh hoa của Đạo Sống Con Người, Dân Tộc, Quốc Gia Và Thời Đại”.

Ghi Nhận 8: Mội trường Sống của con người hay con người và tương quan 3 thế giới. Môi trường Sống mà chúng ta đang đề cập tới, không chỉ là môi trường sinh thái… (giữa con người và khung cảnh thiên nhiên) mà còn là mối tương guan giữa con người với 3 thế giới: “Thế giới thực tại”: (Realistic world) “Thế giới Biểu Tượng” (Symbolic world) và “Thế giới Tâm Linh” (spiritual world) Văn hóa khởi nguyên từ sự sống con người nằm trong thế giới thực tại, phản ảnh trong trí óc con người hình thành “thế giới biểu tượng” và cũng chính sự sống con người là “CẦU NỐI” giữa “thế giới thực tại” (trần gian) và “Thế giới tâm linh” (siêu xuất thế gian). Hiện nay đa số nhân loại chưa trực cảm được thế giới tâm linh ngoại trừ Chúa, Phật, Thần Thánh và các Thiền Sư hay Đại Thiền sư… Sau khi nhận rõ mối tương quan giữa con người và 3 thế giới vừa nói, chúng ta mới thấy hết giá tri và tầm quan trọng của văn hóa và đạt đến TINH HOA của Sư Sống Con Người. Sự Sống Con Người là kho tàng vàng ngọc, kim cương… vô giá vô biên vô lượng… còn tiềm ẩn trong con người mà con người chưa biết phát huy… chưa biết khám phá thế giới Tâm linh! Chúng ta đã thấy Ánh sáng của Sư Sống, chúng ta đã tri kiến được Sư Sống, song chúng ta chưa Ngộ Nhập Vào Chân Lý Sự Sống… là suối nguồn của chân Lý, suối nguồn của Văn Hóa…

Ghi Nhận 9: Có người sẽ hỏi chúng tôi: Tác giả định nghĩa văn hóa theo phương pháp nào? Chúng tôi xin thưa: Chúng tôi không định nghĩa văn hóa theo phương pháp: “Tinh thần luận” mà định nghĩa văn hóa theo phương pháp “Tính thế luận”

Về phương pháp “Tính Thể luận:”

Muốn định nghĩa văn hóa là gì? Chúng tôi đặt câu hỏi: Bản chất văn hóa là gì ? Văn hóa bắt nguồn từ đâu? Nếu không phải là bắt nguồn từ Sư Sống con người?. Đây là ánh sáng đầu tiên mà chúng tôi đã khám phá ra… Cùng có sự sống mà tại sao các loài vật dù là con vật thông minh nhất, vẫn không có văn hóa? Mà chỉ có con người mới có văn hóa? Phải chăng văn hóa là sản phẩm đặc thù, độc sáng của con người? “Trầm tư,” “uyên tư” về câu hỏi này, chúng tôi mới ngộ ra: Chỉ có sự sống nơi con người mới đạt đến “yếu tính” hay “tính năng ưu việt” khiến con người Tự Phản Tỉnh, Tự Sáng Tạo, Thăng Hoa được chính mình. Chính con người có Khả Năng Tự Vượt Mình, Tự Thắng Mình… Con người không có đôi cánh để bay trong không gian như con chim bay trong bầu trời… Nhưng con người lại có “Trí năng” “Tâm năng”, hay “Sống năng” Vượt Thoát Chính Mình, Hòa Đồng Với Vũ Trụ, Hòa Đồng với Thế Giới Tâm Linh… Do sự trầm tư và quán chiếu sâu sắc này chúng tôi đi tới nhận định: Xét về mặt bản chất hay theo phương pháp “Tính Thể luận “Văn hóa là “Hiện tính” của Sự Sống và là tinh hoa của Đạo Sống Con Người”(xin xem lại định nghĩa văn hóa thứ 25 của tác giả đã nói ở trên).

Ghi Nhận 10: Tính chất căn bản đặc trưng của Văn hóa. Văn hóa có các tính căn bản, đặc trưng như sau:

Tính Không gian: Văn hóa biểu hiện sinh hoạt của con người trong từng địa phương khác nhau nên mang sắc thái đặc thù của từng địa phương, từng vùng, hay từng quốc gia… nên chúng ta có Văn hóa Việt Nam, Văn hóa Trung Hoa, Văn hóa Ấn Độ, Văn hóa Đông Phương, Văn hóa Tây Phương, v….v..

Tính Thời Gian: Văn hóa không chỉ mang tính không gian mà còn gắn liền với thời gian của từng thời kỳ hay thời đại của mỗi dân tộc nên người ta thường chia ra: “Văn hóa thời Nguyên Thủy”, “Văn hóa Thời Phục Hưng”, “Văn hóa Hiện Đại” hay Văn Hóa Hậu Hiện Đại”: v.v…Văn hóa có tính thời gian, cũng gọi là tính lịch sử… kết hợp với tính không gian làm thành “các Trào Lưu Văn Hóa” v.v…

Tính Nhân bản: Văn hóa khởi đi từ Sự Sống con người nên mang bản tính người (Nhân Tính) mọi sinh hoạt văn hóa phải qui về con người lấy con người làm gốc (Nhân Bản). Tính nhân bản và triết lý Nhân bản là ánh sáng là bó đưốc soi đường cho Văn hóa phụng sự nhân loại.

Tính Nhân Chủ: Văn hóa tuy khởi đi từ Sự Sống con người, nhưng không hoàn toàn mang tính thụ động, mà còn giúp con người vượt lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, và làm chủ chính mình nên đặc tính cao nhất của văn hóa là tính Nhân Chủ.

Tính Hệ Thống: Con người là sinh vật có lý trí, có nhận thức, có tư tưởng nên con người có khả năng “hệ thống hóa” các khái niệm, nhận thức, thành “nguyên lý”, thành “hệ thống” thành “qui luật”… áp dụng vào trong xã hội… Do đó văn hóa nhận thức mang tính chất “Hệ Thống’ là điều dễ hiểu, chúng ta không lấy làm lạ.

Tính Phi Hệ Thống Siêu Hệ Thống và Vô Hệ Thống: Con người không chỉ có Lý trí, ( khối óc) mà còn có tình cảm (Con Tim) và còn có “siêu thức,“vô thức” và nhất là có “tâm linh”, nên văn hóa vừa có “Tính hệ thống” vừa có “Tính phi hệ thống”. “Siêu hệ thống” và nhất là “Vô hệ thống …” nữa.

Tính giá trị: Văn hóa do con người sáng tạo ra nên mục tiệu trước hết là phục vụ con người, phục vu xã hội nhân loại, phục vụ “liên hành tinh”… nên Văn hóa mang “Tính giá trị” và hình thành các “Bảng giá trị” của xã hội thời đại.

Tính tranh đấu, ứng phó và thích nghị: Con người sống là “tranh đấu” tranh đấu với thiên nhiên, tranh đấu với xã hội, tranh đấu chống kẻ thù xâm lăng bảo vệ độc lập dân chủ và bảo toàn lãnh thổ… Mặt khác con người phải biết điều hòa, ứng phó và thích ứng với hoàn cảnh lịch sử xã hội trong mọi tình huống. Do đó tính tranh đấu, ứng phó và thích nghi cũng là đặc tính của văn hóa.

Tính Hóa giải và Điều hợp: Trong cộng đồng và xã hội bao gồm nhiều con người nên luôn luôn phát sinh “mâu thuẫn” về tư tưởng cũng như quyền lợi (Song cũng chính nhờ có mâu thuẫn giữa những con người, giữa những phe nhóm,tập thể… mà xã hội mới tiến bộ! Nhưng không phải mâu thuẫn nào cũng đi tới hận thù,, chém giết và tiêu diệt lẫn nhau như lý thuyết giai cấp đấu tranh của Mác – Lê đã chủ trương, mà văn hóa còn giúp cho con người hòa giải, hóa giải mọi mâu thuẫn bằng con đường “Điều hợp”, “cùng thăng tiến cộng tồn”.

Tính Sáng Tạo: Nhà văn hào André Malraux đã cô đọng văn hóa trong 3 phạm trù: NGHỆ THUẬT, TÌNH YÊU VÀ SUY NGHĨ – hay Tư duy- Nhận thức – Tư tưởng (Xin độc giả xem lại Định nghĩa văn hóa thứ 18 đã nói ở trên). Phạm trù “Suy nghĩ” sẽ hình thành “Văn hóa Nhân Thức” mà con người có thể “khái quát hóa” và “hệ Thống hóa: mà đặc điểm nổi bật là Tính Hệ Thống. Song còn 2 phạm trù lớn kia là “Nghệ Thuật” và “Tình Yêu” thì không ai có thể “khái quát hóa” hay “hệ thống hóa” được cả! Tất cả mọi “hệ thống” đều thất bại thảm thương! Và hoàn toàn xa lạ với 2 phạm trù này! Nó không chỉ là Lỗ Hổng Lớn mà là Chân Trời Viễn Mộng, hay Vũ Trụ Mộng Mơ, là Mạch Sống Vô Hình hay Hồn Tính Của Văn Hóa… làm nên Gía Trị Tuyệt Vời Vô Giá của Văn Hóa. Với hai phạm trù “Nghệ Thuật” và “Tình Yêu” người ta không thể định nghĩa được, nhưng con người có thể Cảm Nhận được, có thể “hòa đồng” và “cảm thông” trọn vẹn. Biên giới giữa “chủ thế” và “khách thê” không còn nữa mà cả hai đã trở thành một. Nói về tình yêu nam nữ là cả hai đã “phải lòng nhau” “mê đắm nhau”… Tính cảm thông, hòa đồng sâu sắc trọn vẹn trong nghệ thuật đó là “Tính Sáng Tạo” và là “Tính Nhập Thể” trong Tình yêu đôi lứa cũng như tình yêu huyền nhiệm tôn giáo . “Anh với Em là Một” “Ta với Vũ Trụ không hai”.

Tính Chuyển Hóa: Bản chất Văn Hóa là “Sống” và “Động”- là thay đổi sáng tạo không ngừng – nên Văn hóa có tính Chuyển Hóa – là điều tự nhiên. Đặc tính này rất quan trọng. Muốn “phát huy” văn hóa, “diệu dụng” văn hóa, chúng ta phải quan tâm đến đặc tính quan yếu này.

Tính Dung Hóa: Vào thập niên 1960 Nhà Văn Hóa Nguyễn Đức Quỳnh (1909-1974) thành lập “Đàm trường Viễn Kiến” đã sáng tạo ra danh từ “Dung Hóa” mà nhiều người rất thích từ mới này. Tác giả giải thích: “ Dung Hóa” không phải là “Dung hòa”- vì dung hòa là “hòa cả làng” -.Còn “Dung Hóa” là -Tôi “dung” Anh để tôi “hóa” Anh-Ngược lại Anh “dung” tôi để anh “hóa” tôi. Chúng ta cùng “dung nhau” để cùng “hóa nhau”- Muốn thay đổi ai phải hòa đồng bao dung bạn trước rồi sau mới “hóa” – góp ý kiến để thay đổi bạn cho tốt hơn”. Đây là cách ứng xử hay nhất tốt đẹp nhất của người có Văn Hóa.(27)

Tính Sáng Hóa: “Sáng Hóa” là gì? là “Sáng tạo” trong lĩnh vực Văn hóa vì Văn hóa trước hết là một “gia sản tinh thần” được các thế hệ tổ tiên truyền lại cho thế hệ đương thời. Các thế hệ đương thời một mặt “kế thừa di sản” văn hóa của tiền nhân và mặt khác, “tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới” và dựa trên 2 yếu tố ấy (1- kế thừa Văn hóa truyền thống và 2-Tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới) để ứng xử hóa hóa và sáng tạo những tư tưởng mới phong thái mới và tạo ra nếp nghĩ, nếp sống mời… nên văn hóa còn có tính năng ưu việt khác là tính Sáng Hóa.

Tính Sống hóa: Sống hóa là gì? Là thấm nhuần Văn hóa đến đợt thâm sâu nhất hòa nhập vào “cốt tủy” của Sự Sống. Như người ta thường nói “Tin Đạo” không bằng “Hiểu đạo” hiểu đạo không bằng “Sống Đạo.” Một triết gia đã nói: “Sống là “sống cùng…”“sống với” Sống còn là “hội nhập”,“hòa đồng”,“thể nghiệm” và chứng nghiệm” nữa… Sống Hóa là thể nghiệm chứng nghiệm văn hóa bằng chính sự sống tự thân nơi mỗi người chúng ta. Không thấm nhuần văn hóa đến đợt sâu thẳm và tinh hoa nhất, thì không thể “Sáng Hóa văn Hóa” được. Ngược lại “Sáng Hóa” lại đưa Sống Hóa đến đỉnh điểm cao nhất “tỏa sáng hào quang tính thể văn hóa” Tính “Sống Hóa” còn có tên gọi khác là “Tính Bất Nhị”: có nghĩa siêu vượt “âm dương” và “siêu hóa âm dương” …

Tính Quốc Dân: Cứu cánh văn hóa là phục vụ con người, nên một số nhà nghiên cứu văn hóa gọi là “Tính Nhân Sinh”. Gọi là “tính Nhân sinh” cũng đúng chứ không phải sai, nhưng là cách gọi tổng quát không sát nghĩa, không thực tế, và không thực tiễn, Vì con người là sinh vật xã hội, luôn luôn tiếp cận, tương quan với người khác. Do đó có “con người cá thể”, có “con người tập thể” (như “Đoàn”, “Lũ”, “Toán”, “Tổ chức”, “Hội”, “Phong trào”, “Lực lượng”, “Liên minh” hay “Đảng” v…v và v.v.) Và “Con người toàn thể” thường được gọi dưới 3 danh từ: “Quần chúng”, “Nhân Dân” hay “Quốc Dân”. Nhiều người hay gọi tập hợp số đông người là “Quần chúng”… Người cộng sản hay dùng danh từ “Nhân dân”. Danh từ “nhân dân” tực ra cũng hay vì “nhân” vừa là “Ngừời” vừa là “Người Dân” trong một nước. Tuy nhiên danh từ này đã bị CS “lạm dụng” và mất đi ý nghĩa và giá trị nguyên thủy, nên chúng tôi, dùng danh từ Quốc Dân theo cách gọi và cách định nghĩa rất hay, rất tuyệt của nhà Chí Sĩ Phan Bội Châu.: “Gọi là Quốc Dân” vì “Dân” là “dân “Nước”- “Nước là Nước Dân” (Hai “thực thể” này không thể tách rời). Cứu cánh của văn Hóa là phục vụ “Quốc Dân” trước khi phụng sự “Nhân Loại”. Có quan niệm rõ “con người toàn thể” đứng trên “con người tập thể” mới giải cứu con người thoát khỏi ách họa “độc tài đảng trị cộng sản” và có đặt “con người toàn thể” trong tương quan “Quốc gia Dân Tộc, mới xác định được hướng đi của Văn Hóa. Đây là tư tưởng và là chủ trương đứng đắn và sâu sắc của chúng tôi khi khẳng định Văn hóa có Tính Quốc Dân.

Ghi nhận 12: Chức năng và vai trò quan trọng của văn hóa. Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa “Văn hóa là văn vật và giáo hóa- Dùng văn tự mà giáo hóa cho người” ( Hán Việt Từ Điển trang 527) hay Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa: “Văn Hóa là văn học và giáo hóa tức sự học hỏi dạy dỗ bằng chữ nghĩa văn chương” (Việt Nam Tự Điển trang 1749) Tiến Sĩ Trương Bổn Tài người khảo cứu và phát huy Việt Học (Việt ontology) cũng định nghĩa Văn Hóa: “Dùng văn để giáo hóa”. Lối định nghĩa có tính cách phổ thông, dễ hiểu dễ nhớ này, tuy không sai nhưng thiếu sót vì nội dung Văn hóa không chỉ thu hẹp trong phạm vi “văn học” và chức năng của văn hóa cũng không chỉ là “giáo hóa” con người. Càng ngày người ta càng thấy văn hóa có chức năng và vai trò rất quan trọng:

Văn Hóa ngoài chức năng giáo hóa con người…

Văn hóa còn là động lực thúc đẩy sự tiến hóa của xã hội nhân loại….

Văn hóa quả có là mầm mống tạo ra chiến tranh, tạo ra sự mất quân bình trong “xã hội thường thái” chỉ vì đông cơ tiến hóa tự thân của nhân loại.(Muốn hiểu nguyên nhân sâu xa khởi phát bất cứ một loại chiến tranh nào, dưới bất cứ hình thái nào (Chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh bành trướng, chiến ttranh thực dân (cũ và mới) chiến tranh “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn”, “chiến tranh qui ước” “chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh giữa các nền văn minh, chiến tranh nguyên tử vv…và v..v..) đều có thể tìm ra nguyên nhận tối sơ bộc phát chiến tranh trong văn hóa.

Cũng chính văn hóa có khả tính tạo lập lại thế “Quân Bình Mới” (Quân bình trong thế Đông, chấm dứt chiến trtanh, vãn hồi Hòa Bình trong xã hội nhân loại. Do đó nguyên nhân tạo ra Chiến tranh, cũng bắt nguồn từ Văn hóa. Và nỗ lực kết thúc chiến tranh kiến tạo hòa bình, gin giữ hòa bình nhân loại cũng sẽ tìm thấy đáp số ngay trong Văn hóa .

Nếu Adam Smith quan niệm có một Bàn Tay Vô Hình trong Kinh tế học, thì người viết lại phát hiện ra có một “Bàn Tay Vô Hình trong Văn Hóa Học” (Điều này rất lý thú, tác giả sẽ có dịp trình bày trong một bài khác)

Văn hóa là nền tảng tinh thần xây dựng và phát triển quốc gia, xây dựng nền hòa bình, hay thái hòa trong nhân loại.

Văn hóa còn có vai trò định hướng và điều tiết các hoạt động chính trị xã hội, định hướng và điều tiết các nền văn minh trong xã hội loài người.

Nền văn hóa nào thì sẽ sản sinh ra chế độ đó! Chỉ cần tìm hiểu nghiên cứu nền văn hóa của một quốc gia có bản chất gì? Có đặc tính và bản sắc như thế nào là chúng ta biết giá trị tốt xấu của chế độ đó ra sao?!… Chắc chắn không sai !

Tóm lại “Muốn Cứu Quốc, Kiến Quốc, Hưng Quốc, kiến tạo Hòa bình Nhân loại đều phải lấy Văn Hóa Làm Chủ Đạo”

III. Kêt Luận

Khởi đi từ nhu cầu tìm học và tìm hiểu về một số định nghĩa văn hóa, tiêu biểu của Việt Nam và trên thế giới, trước hết là cho cá nhân người viết, hiểu được ý nghĩa căn bản của danh từ văn hóa. Mục đích ban đầu chỉ giản dị như vậy thôi! Nhưng càng tìm hiểu càng thấy biển học mênh mông, đầy sóng gió và thử thách… Văn hóa mở ra một khung trời viễn mông, hơn thế nữa, cả một thế giới lung linh sâu thẳm và huyền ảo… “Huyền chi hựu huyền” (Lão Tử Đạo Đức Kinh)….… Người viết cảm thấy tò mò thích thú và đam mê, say sưa đi tìm và say sưa khám phá, “Suy tư” “Trầm tư” và “Uyên Tư” để… tìm hiểu, và “quán chiếu” sâu hơn về “Nội Dung Văn hóa”, “Bản chất Văn hóa”, “Các Đặc Tính căn bản, tượng trưng của Văn hóa”….. “Sứ Mệnh Văn hóa” và sau cùng “Chủ Đạo Văn hóa”… Điều vui mừng hơn của người viết là căn bản đã “ngộ ra” vì sao nền Văn hóa Việt Nam nói riêng và Văn hóa Đông Phương nói chung tuy cao siêu và sâu thẳm, nhưng cũng huyền bí quá, phức tạp và rối rắm quá, nhất là “rêu mốc phủ đầy…” Chân lý Sự Sống bị khỏa lấp…. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho Văn hóa Việt Nam hay Văn hóa Đông phương nói chung bi trì trệ, không tiến lên được, không khai quang được! Người viết cũng đã “ngộ ra” vì sao nền Văn hóa Tây phương bị khủng hoảng tận gốc rễ… Nhất là muốn “Hòa điệu” hay “Tập Đại Thành Vắn hóa Việt Nam”, “Văn hóa Đông phương” và “Tây phương” trên căn bản nào, nền tảng nào…

Giấc mơ Văn Hóa của Cha Rồng mẹ Tiên; Giấc mơ Văn hóa của Vạn Hạnh thiền sư; Giấc mơ Văn hóa của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Giấc mơ Văn Hóa của Nguyễn Trãi; Giấc mơ Văn hóa của Lý Đông A; Giấc mơ Văn hóa của Hồ Hữu Tường… luôn luôn được “ấp ủ”, “bảo lưu” qua nhiều thế hệ… Đây là “Niềm tin” và là “Hoài bão” lớn lao của Tổ Tiên nòi giống Việt luôn được “ấp ủ”, “trao chuyền” , “gửi gắm” tới các thế hệ con cháu mai sau…

Thế hệ hậu tấn chúng ta hôm nay được vinh hạnh nhận lãnh trách nhiệm, sẵn sàng chấp nhận thử thách với sứ mạng kế thừa và phát huy “Sống Đạo Văn Hóa Việt Nam”

Người xưa ví Văn hóa như cánh chim Phượng Hoàng… “Phương Minh”… “Phượng Minh”… “Phượng Minh”… tiếng kêu của Chim Phượng Hoàng báo hiệu điềm lành… Văn Hóa Việt Nam Con Phượng Hoàng Cất Cánh…

San José. Mùa Lễ Tạ Ơn 2015
Chu Tấn

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Cultures: A critical review of concepts and definitions của Kroeber và Kuckhohn Publishers, London 1952.

2. Thế Quân Bình của Văn Hóa Việt Nam- Nguyễn Đăng Thục –Nguồn Newvietart.com

3. Lưu Hướng Thời Tây Hán (Năm 77-6 trước công nguyên)

4. Đào Duy Anh- Việt Nam Văn Hóa Sử Cương– Nxb Văn Hóa Thông Tin năm 2000.

5. Hồ Hữu Tường- – Tương lai Văn Hóa Việt Nam 1945- Nxb Minh Đức Hà Nội – in lai lần thứ ba 1965 – Huệ Minh- Sài Gòn.

6. UNESCO năm 2002-Tuyên bố chung về tính đa dạng của Văn Hóa .

7. Dẫn theo Mặc Giao- “Một cách nhìn khác về Văn Hóa Việt Nam” Nxb Tin Vui. Hoa Kỳ 2004

8. Xem Đỗ Trọng Huề “Văn hóa và Văn Chương Đặc san Gió Việt 1998 Calgary Canada

9. Dẫn theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn- Đại Cương về Văn Hóa Việt Nam (2004)Nxb Văn Hóa Thông -Tin trang 12

10. Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam –Bộ Giáo Dục và đào tạo-do Nguyễn Như Ý chủ biên Nxb Văn Hóa.

11. Dẫn theo M.J Herskovits trong “Les bases de l’anthropologie culturelle”Paris 1967 p5

12. Người Đưa Tin UNESCO Tháng 11-1989, trang 7

13. Dẫn theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn-Sdd 2004 Nxb Văn Hóa – Thông Tin trang 11

14. Dẫn theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn sdd 2004 Nxb Văn Hóa –Thông Tin trang 11-12.

15. Dẫn Theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn Sdd 2004 Nxb Văn Hóa –Thông Tin trang 12.

16. Phan Ngọc –Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam trang 14-17, Nxb Văn Hóa Thông Tin Hà Nội -1998.

17. Dẫn theo Vũ Ký –Luận Cương về Văn Hóa Việt Nam trang 19 do Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Việt Nam xuất bản tháng 1 năm 1996 Bruxelles –Belgique .In lần thứ hai tại Hoa kỳ 1997.

18. Vũ Ký sdd trang 19-21 in lần thứ hai tại Hoa Kỳ 1997.

19. André Mailaux (Sinh 3 Tháng 11 Năm 1901 mất Ngày 23 Tháng 11 Năm 1976 tại Cre’teil, Val-de- Marne) là một Văn Hào ( từng đoạt giải Goncourt) nhà phiêu lưu Pháp và là một chính trị gia (Từng làm Bộ Trưởng Văn Hóa Pháp 1058- 1969).

20. It includes all the characteristic activities and interests of a people: Derby day, Henley Regetta, Cowes, the twelfth of August, a cup final, a dog races, the pin table, the dart board, Wensleydale cheese, boiled cabbage cut into sections, beetroot in Vinegar, nineteenth-century Gothic churches and the music of Elgar … – TS. Eliot, Notes towards the Definition of Culture, p.21.

21. La culture est donc une configuration de la vie reposant sur la croyance commune à une hiérarchie de valeurs déterminées. Cette hiérarchie de valeurs donne à la vie une signification précise, elle s’incarne en un style de vie particulier, à travers des besoins et des normes communes de jugements. Henri de Man,L’Idée socialiste, p. 35.

22. La culture d’une société est le mode de vie de ses membres, c’est l’ensemble des idées et des habitudes qu’ils acquièrent, partagent et transmettent de génération en génération. …La culture fournit aux membres de chaque génération des solutions efficaces et toutes prêtes pour la plupart des problèmes qui se poseront vraisemblablement aux. Ces problèmes sont eux-mêmes soulevés par les besoins d’individus vivant au sein d’un groupe organisé. – L’Originalité des Cultures (Unesco), p.12, note I.

23. Je ne sais pas si l’on peut définir toute culture comme la fonction de créer des valeurs qui ne sont ni la reproduction, ni la dérivation des valeurs existantes. – Comprendre No 16, Rencontre Est-Ouest, 5ème séance, p. 267.

24. Cuộc nói chuyện của Trung Tâm Nghiên Cứu và Thông Tin Tân Định với đề tài “Văn Hóa là Gì” của B.S. Nguyễn Văn Thọ tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc hồi 17 giờ Ngày Chủ Nhật 13.7.1969

25. Trần Ngọc Thêm –Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Viêt Nam trang 21-27 Nxb TP Hồ Chí Minh 1997.

26. Thus in their introduction to the Volume Culture: A critical Review of Concepts and Definitions, the anthropologists L. Kroeber and Clyde Kluckhohn quoted Lowell’s confession: «I have been entrusted with the difficult task of speaking about culture. But there is nothing in the world more elusive. One cannot analyse it, for its component are infinite. One cannot describe it, for it is a Protean in shape. An attempt to encompass its meaning in words is like trying to seize the air in the hand, when one finds that it is everywhere, except in one’s grasp.» – Cf. Gerald Holton, Science and Culture, Houghton Mifflin Co, Boston, The Riverside Press, Cambridge 1955, p. VII.

27. Nhận Diện Vóc Dáng Nguyễn Đức Quỳnh của Thế Phong –Nguồn: Newvietart.com