Bản đồ quy hoạch huyện Đan Phượng, Hà Nội lên Quận – Ngô Quốc Dũng
Ngày 21/10/2019 , Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng thêm 5 huyện là Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng thành quận vào năm 2025, riêng huyện Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.
Theo đó huyện Đan Phượng và Đông Anh được định hướng phát triển trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.
Đan Phượng chuẩn bị những gì để sẵn sàng lên quận vào năm 2025
Đan Phượng là huyện có diện tích nhỏ nhất của Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc của trung tâm thành phố Hà Nội, tại khoảng giữa của trục đường quốc lộ 32 (trung tâm Hà Nội-TX. Sơn Tây). Huyện Đan Phượng có hệ thống sông Hồng và sông Đáy chảy qua. Trước kia nó chính là ngã ba sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ) nên địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất phù sa, chiều cao trung bình là 6-8m.
Trong những năm qua, với lợi thế là một huyện ven đô huyện Đan Phượng đã không ngừng tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh này cho phát triển kinh tế-xã hội. Với quyết định được phê duyêt, xây dựng thành quận năm 2020-2025, huyện Đan Phượng đang cố gắng tiếp tục chỉ đạo triển khai kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí chưa đạt để phấn đấu đưa huyện phát triển lên quận theo đúng dự kiến.
Tập trung thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch xây dựng
Đan Phượng đặt mục tiêu phát triển trong tương lai theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe đồng thời vẫn giữ gìn được những nét đẹp truyền thống giàu lịch sử, văn hóa lâu đời.
Huyện xác định bước đi đầu tiên cần phải làm đó là đồng bộ công tác quy hoạch, quản lý các công trình được phê duyệt xây dựng phải chặt chẽ. Kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị với hạ tầng nông thôn hiện nay. Tăng cường rà soát, cải cách hành chính theo hướng phân cấp, đơn giản hóa công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thẩm định bản đồ hiện trạng, cung cấp chỉ giới đường đỏ,…nâng cao hiệu quả và minh bạch hóa trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch từ huyện tới xã, thị trấn.
Đáng chú ý, đối với thị trấn Phùng và vùng phụ cận sẽ hình thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao huyện Đan Phượng. Phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Đông Bắc và Tây Nam, gồm phần đất thuộc các xã Song Phượng, Đan Phượng, Thượng Mỗ, Tân Hội, kết nối với tuyến đường Tây Thăng Long…
Thực hiện đồng bộ quy hoạch sử dụng đất huyện Đan Phượng
Huyện Đan Phượng có tổng diện tích đất là 7.735,48ha. Trong đó khu vực phát triển đô thị khoảng 3.102,4ha, khu vực nông thôn khoảng 4.633,44ha. Cụ thể:
Khu vực phát triển đô thị: (gồm thị trấn Phùng và vùng phụ cận) có quy mô diện tích 579,41ha xác định phát triển thành khu đô thị công nghệ cao, mang tính chất sinh thái gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, khu vực này sẽ đóng vai trò là trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.
Khu vực nông thôn: khu vực này bao gồm dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Quy hoạch trên nhằm mục đích phát triển nông thôn kết hợp với sinh thái nông nghiệp, đồng thời khuyến khích các phát triển không gian nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nông nghiệp. Chẳng hạn như việc đưa khách đi thăm quan các vùng sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển nông thôn.
Đặc biệt, Đan Phượng đã cơ bản hoàn thành chủ trương cấp đất dịch vụ cho người dân. Việc cấp giấy chứng nhận QSĐ đất ở đã đạt 96%, đất nông nghiệp đạt 99%. Huyện đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới.
Thực hiện đồng bộ quy hoạch giao thông huyện Đan Phượng
Hệ thống đường sắt:
Tuyến số 3: Trôi – Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai (tổng chiều dài tuyến đường là: 26km được chia thành 26 ga) đang tiến hành thi công. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2023 bao gồm:
+ Đi trên cao đoạn Trạm Trôi – Cầu Giấy
+ Còn lại là đi ngầm
Đoạn qua huyện Đan Phượng sẽ bố trí 02 ga đường sắt tại thị trấn Phùng ở các khu vực tập trung đông người, trung tâm thị trấn.
Dự kiến đến năm 2020-2030 sẽ chạy trước một số điểm: đoạn 3.1: Nhổn- Ga Hà Nội (2023), đoạn 3.2: Ga Hà Nội – Hoàng Mai, đoạn 3.3: Nhổn – Trôi- Phùng.
Tuyến số 4: Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Thượng Đình – Đường vành đai 2.5 – Cổ nhuế – Liền Hà (Tổng chiều dài tuyến đường là 54km) đi ngầm, hiện chưa thi công.
Hệ thống đường bộ
Đường vành đại 4: Tổng chiều dài toàn tuyến là 136.6m, mặt cắt đường rộng từ 90m -135m. Gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom hai bên, hành lang để bố trí cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đường quốc lộ 32: Là tuyến đường đi qua 4 tỉnh và thành phố: Hà Nội – Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu có tổng chiều dài toàn tuyến là 384km.
Theo quy hoạch chi tiết của huyện Đan Phượng thì đoạn qua thị trấn Phùng có vai tròn là đường trục chính, quy mô mặt cắt ngang B=35m (4 làn xe cơ giới). Khu vưc nút giao giữa quốc lộ 32 và đường vành đại 4, quy mô mặt cắt ngang mở rộng từ 35m đến 50m để xây dựng cầu vượt, nút giao khác mức với đường vành vành đai 4.
Đường trục Tây Thăng Long: đường Tây Thăng Long hình thành từ lâu với mục đích nối Hà Nội với Hà Tây (cũ), chiều dài toàn tuyến là 33km, có mặt cắt rộng 60,5m và gồm 10 làn xe. Tuyến đường đi qua các quận, huyện, thị xã: quận Tây Hồ, quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây…Con đường nay đi vào hoàn thiện sẽ góp phần giảm tải cho đường quốc lộ 32 cũng như kết nối trung tâm Hồ Tây với các dự án lớn huyện Đan Phượng như: The Phonix Garden, Vinhomes Đan Phượng,,..
Các tuyến đường tỉnh, huyện
Tuyến đường 417: Nâng cấp Tỉnh lộ 417 đi qua 7 xã, thị trấn và được chia làm 2 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1 thi công 3,7km đường đi qua 3 xã: Đan Phượng, Phương Đình, Thọ Xuân huyện Đan Phượng dự kiến tháng 6/2020 đưa vào sử dụng. Nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III với 2 đến 4 làn xe.
Tuyến đường tỉnh 419: (trên địa bàn huyện Phúc Thọ) tạo thêm trục kết nối theo hướng Bắc – Nam kết nối huyện Đan Phượng với các huyện, thị xã lân cận như: Phúc Thọ, Sơn Tây.
Tuyến đường 422 (từ xã Liên Hà đi xã Tân Lập huyện Đan Phượng): đoạn qua địa phận huyện Đan Phượng thuộc phạm vi phân khu đô thị S1, S2, GS sẽ được cải tạo, xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Các tuyến đường huyện (liên xã)
Theo quy hoạch sẽ được cải tạo, nâng cấp, xây mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, IV (2 đến 4 làn xe), kết hợp với hệ thống đường tỉnh tạo thành hệ thống giao thông chính trong huyện. Bên cạnh đó liên kết các khu vực nông thôn với các thị trấn, trung tâm cụm xã và các khu vực du lịch, dịch vụ.
Các tuyến đường trong khu vực phát triển đô thị
Theo quy hoạch chi tiết huyện Đan Phượng thì các tuyến đường trong khu vực thị trấn Phùng và trong khu vực đô thị trung tâm phía Đông đường vành đai 4 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị và được thực hiện theo các đồ án quy hoạch chung, phân khu đô thị được phê duyệt.