Bản chất của pháp luật là gì ? Khái niệm bản chất pháp luật hiểu thế nào ?
Bản chất của pháp luật là vấn đề khá phức tạp, trong khoa học pháp lí tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan niệm cho rằng bản chất của pháp luật là công lí, đó là lẽ phải phù hợp đạo lí và lợi ích chung của xã hội.
Theo quan điểm này, pháp luật thực chất là “cái lí lẽ phổ biến dùng để chỉ phổi các mối quan hệ xã hội chứ không phải là những điều được đặt ra một cách tùy tiện của một cá nhân hay một nhóm người nào ”. Trong thời kì chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng, pháp luật đều thể hiện ý chí của thượng đế, nhà nước ban hành pháp luật chỉ là sự nhân danh thượng đế, phụng mệnh thượng đế. Quan điểm khác lại cho rằng, pháp luật thực chất là ý chí của vua chúa. Thực tế cho thấy, có những quốc gia trong đó pháp luật “chỉ là ỷ chỉ nhất thời và thất thường của ông vua ”. Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng, pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Khi nói về pháp luật tư sản, C.Mác viết: “Pháp quyền của các ông chỉ là ý chí của giai cấp các ông được đề lên thành luật pháp, cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định”. Quan niệm phổ biến ở các nước tư bản cho rằng, pháp luật thể hiện ý chí chung của toàn xã hội. Theo Montesquieu, trong một nước dân chủ, pháp luật thể hiện ý chí chung của quốc gia, quyền lập pháp phải thuộc về “tập đoàn dân chủng”, cơ quan lập pháp chỉ thay mặt dân chúng “thể hiện ỷ chỉ chung của quốc gia”. Rousseau cho rằng, nhà nước ban hành pháp luật nhưng phải có sự phê chuẩn của nhân dân và chỉ khi có sự phê chuẩn nó mới trở thành luật. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã long trọng tuyên bố: “Luật là ý chí của mọi công dân. Mọi công dân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện góp phần xây dựng luật”.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, pháp luật luôn gắn bó chặt chẽ với nhà nước, phản ánh bản chất của nhà nước, vì vậy, cũng như nhà nước, xét về bản chất, pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính xã hội vừa mang tính giai cấp. Là một phạm trù ý thức xã hội, pháp luật chịu sự quy định của tồn tại xã hội, chế độ kinh tế là cơ sở của pháp luật, nội dung của pháp luật do các quan hệ kinh tế – xã hội quyết định, khi các quan hệ kinh tế – xã hội thay đổi sớm hay muộn sẽ kéo theo sự thay đổi của pháp luật. Bên cạnh đó, đường lối chính sách của lực lượng cầm quyền luôn giữ vai trò chỉ đạo đối với pháp luật. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, vì vậy, đường lối chính trị thể hiện trước hết ở các chính sách kinh tế. Các chính sách đó được cụ thể hoá trong pháp luật thành những quy định chung, thống nhất trong toàn xã hội. Mặt khác, chính trị còn là sự thể hiện mối quan hệ giữa các giai cấp và các lực lượng khác nhau trong xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, pháp luật không chỉ phản ánh các chính sách kinh tế mà còn thể hiện các quan hệ giai cấp, phản ánh đối sánh giai cấp và mức độ của cuộc đấu tranh giai cấp. Nói cách khác, bản chất của pháp luật do cơ sở kinh tế xã hội và những điều kiện tồn tại, phát triển của nó quy định.
Pháp luật của bất kì quốc gia nào cũng luôn thể hiện tính xã hội. Pháp luật là quy tắc ứng xử của con người, là phép đối nhân, xử thế trong quan hệ giữa người với người trong đời sống hàng ngày. Pháp luật xuất hiện là do yêu cầu, đòi hỏi của đời sống cộng đồng, để điều chỉnh hành vi con người, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Pháp luật là sự mô hình hoá những nhu cầu khách quan, phổ biến trong xã hội. Xã hội, thông qua nhà nước, ghi nhận những cách xử sự hợp lí, khách quan, phổ biến nghĩa là những cách xử sự được cộng đồng chấp nhận, phù hợp với lợi ích và yêu cầu của cộng đồng. “Pháp luật – đó là những tiêu chuẩn khẳng định rõ ràng, phổ biến, trong đó tự do có được sự tồn tại, vô ngã, có tính chất lí luận, không phụ thuộc vào cá nhân riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh của tự do nhân dân. Mỗi quy định trong pháp luật được xem như kết quả của “quá trình chọn lọc tự nhiên” các cách xử sự trong xã hội. Chính vì vậy, trong thực tế người ta có thể tìm thấy những quy định pháp luật giống nhau tồn tại ở những thời đại khác nhau, trong những thể chế chính trị khác nhau. Pháp luật là công cụ cơ bản để tổ chức và quản lí đời sống cộng đồng nhằm thiết lập, củng cố và bảo vệ trật tự xã hội trên các lĩnh vực của đời sống. Pháp luật là phương tiện để thực hiện những mục đích chung, bảo vệ những lợi ích chung, lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự tồn tại và phát triển của toàn xã hội. Dưới góc độ này, pháp luật là những chuẩn mực chung của xã hội, thể hiện ý chí và phản ánh lợi ích chung của toàn xã hội. Pháp luật là phương tiện để giải quyết khía cạnh “xã hội” của đời sống xã hội như phòng chống và khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ… Nói cách khác, pháp luật luôn hàm chứa các giá trị xã hội phổ biến, thuộc về con người. Pháp luật luôn phản ánh điều kiện kinh tế, xã hội, những quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mĩ tục… của dân tộc. Trong điều kiện hiện nay, để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đòi hỏi pháp luật của mỗi nước phải có sự phù hợp nhất định đối với thông lệ khu vực và thế giới.
Thực tế cho thấy, tính xã hội của các kiểu pháp luật được thể hiện không giống nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội, tính xã hội của pháp luật ngày càng trở nên sâu sắc và rộng rãi hơn. So với pháp luật ngày nay, ý nghĩa xã hội của pháp luật chủ nô, phong kiến nhìn chung còn nhiều hạn chế. Trên bình diện xã hội, pháp luật thời kì này chủ yếu đóng vai trò là công cụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trừng trị tội phạm, bảo vệ các công trình công cộng… Pháp luật tư sản ra đời đã thể hiện sự tiến bộ hơn so với pháp luật phong kiến. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật được mở rộng, pháp luật điều chỉnh các quan hệ trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, từ các quan hệ trong gia đình đến các quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội trong đời sống cộng đồng. Pháp luật trở thành công cụ quan trọng để điều tiết các quan hệ trong nền kinh tế thị trường, thiết lập địa vị pháp lí bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội, hướng tới bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, do bị lũng đoạn bởi các tập đoàn tư bản độc quyền, lại bị lún sâu vào các cuộc chiến tranh xâm chiếm và mở rộng lãnh thổ, vai trò và
Ý nghĩa xã hội của pháp luật tư sản thời kì này có nhiều hạn chế. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, pháp luật tư sản ngày càng tỏ ra dân chủ, nhân đạo, đảm bảo công bằng, bình đẳng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định, chống khủng hoảng xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Trong điều kiện ngày nay, pháp luật được xem như là công cụ quan trọng để chống lại sự tha hoá của quyền lực nhà nước, bảo vệ con người, bảo vệ công lí. Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện tính xã hội rộng rãi và sâu sắc nhất so với tất cả các kiểu pháp luật trước đó. Nó là công cụ giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống tự do, hạnh phúc, trong đó các giá trị con người được thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là pháp luật vì con người, nhằm phục vụ con người, đảm bảo cho con người có điều kiện phát huy tài năng, phát triển toàn diện.
Bên cạnh tính xã hội, pháp luật còn thể hiện tính giai cấp. Do chiếm ưu thế về mọi mặt trong xã hội, giai cấp thống trị thông qua nhà nước tìm mọi cách đặt ra các quy định pháp luật có lợi cho giai cấp mình. Thông qua nhà nước, ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện một cách tập trung, thống nhất và hợp pháp hoá thành ý chí nhà nước. Ý chí đó được cụ thể hoá thành các quy tắc xử sự cụ thể do các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành hoặc thừa nhận. Nhờ có sức mạnh của nhà nước bảo đảm, những quy tắc xử sự đó trở thành bắt buộc đối với mọi thành viên trong xã hội. Dưới góc độ này, pháp luật thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền trong xã hội. Pháp luật điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội, hướng các quan hệ xã hội phát triển theo một “trật tự” phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, nhằm bảo vệ lợi ích và củng cố địa vị của giai cấp thống trị. Với ý nghĩa đó, pháp luật là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp, ghi nhận, củng cố và bảo vệ quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu của giai cấp thống trị, bảo vệ địa vị cầm quyền của giai cấp thống trị, “là vũ khí của giai cấp thống trị để trừng trị giai cẩp chống lại mình ” duy trì sự thống trị về tư tưởng đối với toàn xã hội.
Tính giai cấp là thuộc tính chung của các kiểu pháp luật, tuy nhiên mỗi kiểu pháp luật lại có nét riêng và cách biểu hiện riêng. Trong pháp luật chủ nô, tư liệu sản xuất được công khai quy định thuộc về giai cấp chủ nô, nô lệ không được coi là người, trước pháp luật, họ được xem như những công cụ lao động biết nói thuộc sở hữu của chủ nô. Chủ nô có quyền tuyệt đối đối với nô lệ. Trong pháp luật phong kiến, người lao động đã thoát khỏi thân phận nô lệ, tuy nhiên địa vị vẫn hết sức thấp kém, họ bị ràng buộc chặt chẽ vào các đặc quyền của địa chủ, phong kiến. Trong pháp luật chủ nô, phong kiến, sự phân biệt đẳng cấp rất rõ nét tùy thuộc vào chức tước, phẩm hàm, tài sản, nguồn gốc xuất thân… Trước pháp luật, địa vị càng cao thì càng có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, pháp luật chủ nô, phong kiến tác động đến các quan hệ xã hội chủ yếu bằng hình phạt với nhiều hình phạt dã man và cách thức thi hành hình phạt tàn bạo. Trên thực tế, phần lớn các văn bản pháp luật thời kì này đều được cấu tạo dưới dạng một bộ luật hình sự. Bộ Quốc triều hình luật của Việt Nam được đánh giá là khá tiến bộ so với đương thời nhưng ngay tại những điều luật đầu tiên đã quy định về hình cụ – hệ thống các công cụ để thi hành hình phạt, trong đó có loại làm bằng cây song không róc bỏ mẩu mắt. Trong pháp luật tư sản, tính giai cấp đã được che đậy một cách tinh vi, kín đáo khó nhận thấy. Pháp luật tư sản quy định quyền tư hữu là một quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm, pháp luật thừa nhận các quyền con người, quyền công dân, thừa nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người… Tuy nhiên, thực chất pháp luật tư sản chỉ bảo vệ sở hữu của nhà tư bản. C.Mác đã chỉ rõ: “Lao động làm thuê, lao động của người vô sản liệu có tạo ra sở hữu cho người vô sản không? Tuyệt đối không. Nó tạo ra tư bản, tức là tạo ra cảỉ sở hữu bóc lột lao động làm thuê ”. – Xem: Điều 17 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789.
Trên thực tế, giữa nhà tư bản và người công nhân làm thuê khó mà có được sự bình đẳng thực sự. Lênin đã khẳng định, trong xã hội có áp bức bóc lột thì không thể có bình đẳng đối với người bị bóc lột. Bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, pháp luật tư sản thể hiện tính giai cấp một cách công khai và sâu sắc. Pháp luật thời kì này được sử dụng như một công cụ có hiệu quả để chống lại phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân hòng bảo vệ lợi ích cho giai cấp tư sản nhất là các tập đoàn tư sản lũng đoạn, các thế lực quân phiệt, tài phiệt. Trong thời kì hiện nay, pháp luật tư sản đã thể hiện sự tiến bộ về chất so với trước đó. Mặc dù vậy, sự giàu có vẫn chi phối thắng thế trong pháp luật, ngay cả trong điều kiện “dân chủ tư sản” thì điều này vẫn không tránh khỏi. Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của tuyệt đại đa số trong xã hội. Nó là công cụ để nhân dân lao động chống lại các thế lực thù địch, phản động, xây dựng chế độ mới không có áp bức bất công.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập từ các nguồn trên internet)