Bài viết “Hiểu về Chủ nghĩa dân túy phương Tây” của PGS.TS. Nguyễn Anh Cường
Tóm tắt
Những người theo chủ nghĩa dân túy đã phá vỡ các mô hình cạnh tranh lâu đời của đảng phái trong nhiều xã hội phương Tây đương đại. Từ những tuyên bố của Nigel Farage trong đêm trưng cầu dân ý Brexit rời khỏi Liên minh châu Âu, hay trong Phong trào phản kháng của người Đức (PEGIDA), hay tuyên bố của Donald Trump trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tuyên bố của Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, rồi phát biểu của Theresa May tại Hội nghị của Đảng Bảo thủ năm 2016. Những biểu hiện trên cho thấy rõ ràng những chuyển biến của dân túy và chủ nghĩa dân túy trong hiện thực chính trị thế giới. Cho đến nay, chủ nghĩa dân túy là thế nào, hiểu thế nào về chủ nghĩa dân túy, hay có thể có chung một cái nhìn về chủ nghĩa dân túy không?… vẫn còn là những điều đang ở phía trước. Chính vì thế bài viết chỉ có một mong muốn là cung cấp thêm những cơ sở quan niệm của phương Tây về chủ nghĩa dân túy nhằm làm rõ hơn cho nhận thức vẫn còn dang dở về nó. Bài viết cố gắng khái quát sự định hình của nó trong lịch sử và từ cách tiếp cận lý thuyết cho tới hành động ở các nước phương Tây để hình dung ngày càng rõ ràng hơn về chủ nghĩa dân túy.
Từ khóa:
chủ nghĩa dân túy, lịch sử dân túy, động thái dân túy, đặc điểm dân túy
Định hình
Việc sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” lần đầu tiên xuất hiện trong các phong trào chính trị thế kỷ XIX ở cả hai bờ Đại Tây Dương, và chúng ta coi những trường hợp này là nguồn gốc của hiện tượng. Tuy nhiên, nguồn gốc của thuật ngữ này có thể được truy nguyên ngược thời gian thông qua lịch sử pháp lý dân chủ hiện đại. Nếu chúng ta nhìn vào các quốc gia từ cả góc độ xã hội học hoặc trên quy ước, thì có thể đi đến kết luận rằng tất cả các tổ chức chính trị xét đến cùng đều được tạo ra bởi các thành viên của chúng, và chính quyền cuối cùng đều đi đến thừa nhận chúng. Do đó, người dân trong một số trường hợp được chính quyền đưa vào một cách hợp pháp trong giải thích của bất kỳ lý thuyết nào. Tuy nhiên, trong lịch sử dân chủ hiện đại, “người dân” nổi lên không chỉ là nguồn gốc của quyền lực chính trị, mà còn là một thực thể thống nhất có thể hành động và giành lại quyền lực từ các bộ máy chính quyền: người dân có chủ quyền. Nền tảng cơ bản này hợp pháp hóa nền chính trị dân chủ, nhưng nó cũng mở đường cho chủ nghĩa dân túy.
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” hiện nay thường được sử dụng một cách miệt thị. Nhưng chắc chắn ban đầu nó không có ý nghĩa tiêu cực.
Trong tiếng Anh, khái niệm đó được sử dụng bởi các thành viên của Đảng Nhân dân Hoa Kỳ (US People’s Party). Nó được sử dụng lần đầu tiên trên báo chí Mỹ vào năm 1891 và 1892
. Đảng Nhân dân đã thể hiện một số nét chủ đạo của chủ nghĩa dân túy. Đó là ở phong trào phương Nam và phong trào phương Tây với sự thù địch trong xây dựng đường sắt và các ngân hàng, cũng như thù địch với các chính trị gia ở Washington. Phong trào cũng là lực lượng thứ ba đang cố gắng trở thành một phần trong chính trị Mỹ bằng cách phê phán đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là quá gần gũi và có lợi ích gắn liền quá chặt chẽ với nhau. Những gì họ thể hiện đã được các nhà sử học lý giải khác nhau. Ban đầu Chương trình dân túy đã bị bác bỏ vì phản động và thoái bộ
nhưng sau này các học giả đã nhấn mạnh cơ sở tiến bộ và tính hợp tác của nó
và thậm chí những tham vọng có tính kỹ thuật của nó nhằm đưa chính quyền từ lĩnh vực chính trị trở thành gần như là một quá trình mang tính thời đại
. Thông qua các học giả của Đảng Nhân dân Mỹ, chúng ta có các ví dụ về chủ nghĩa dân túy được sử dụng theo những cách rất khác nhau như thế nào. Đối với Hofstadter, thuật ngữ này có tính miệt thị, đánh đồng những người theo chủ nghĩa dân túy với chính trị phản động và thoái bộ. Đối với các sử gia sau này, như Goodwyn và Postel, có cả hai cách diễn giải lại về điều mà đảng đại diện cho sự tiến bộ và người cộng sản, cũng như, là để làm rõ thuật ngữ chủ nghĩa dân túy.
Thuật ngữ dân túy cũng đã được sử dụng để mô tả phong trào “vì người dân” của người Nga dưới thời Narodniki
.
Đây là một phong trào của sinh viên có lý tưởng cách mạng xuất phát các thành phố, những người này đã cố gắng khuấy động Nông dân ở vùng nông thôn loại bỏ chế độ Sa hoàng bằng cách sống và học theo họ trong những năm hỗn loạn của thập kỷ 1860 và đầu những năm 1870. Phong trào đã không thành công, vì những người nông dân không đáng tin và họ thường tố sinh viên với các cơ quan chức năng.
Mặc dù không thường xuyên được xem xét trong lịch sử của chủ nghĩa dân túy, dạng thức thứ ba trong nền tảng của chủ nghĩa dân túy là trường hợp của chủ nghĩa Boulang ở Pháp. Ý niệm về chủ nghĩa dân túy đã được áp dụng cho chủ nghĩa Boulang bởi các nhà phê bình và các học giả khi họ đặt nó vào bối cảnh lịch sử
, trong so sánh với chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, và truy tìm dấu vết chủ nghĩa dân túy đương đại của Pháp
. Trong thời gian từ 1896 đến 1898 Tướng Georges Boulanger là một nhân vật quan trọng trong nền chính trị của Đệ tam Cộng hòa Pháp. Ông ta vươn lên như một người anh hùng và được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Chiến tranh năm 1886. Ông đã lãnh đạo công nhân và hồi sinh chủ nghĩa dân tộc cũng như vận động chống lại chế độ nghị viện, tìm cách lật đổ nó để ủng hộ một chế độ cộng hòa cấp tiến triệt để
. Cuộc tấn công của ông là vào tầng lớp thượng lưu vẫn được coi là tầng lớp quý tộc quân chủ và ông ủng hộ cho “kế hoạch dân chủ không chính thống” với một nhà nước mạnh và tích hợp dân chủ plebiscarant
.
Điều thống nhất giữa những nhà dân túy ở Hoa Kỳ, Nga và Pháp trong thế kỷ XIX là sự chia sẻ từ những cái chung tới những khác biệt của người dân nông thôn thông thường đúng nghĩa – qua đó nó phản ánh bối cảnh lịch sử và tầm quan trọng của các hình thức sản xuất nông nghiệp và sự phân chia giữa đô thị và nông thôn đã rất mạnh trong thời kỳ này. Ba ví dụ mang tính lịch sử này chia sẻ một số đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy. Liên quan trực tiếp đến “những người dân” vốn là người có đạo đức và đàng hoàng nhưng lại là những người chịu thiệt thòi. Họ có nhận thức mạnh mẽ phản đối định chế cũ và tin rằng nền chính trị dân chủ cần phải được thực thi theo cách khác, gần gũi hơn với mọi người. Có thể thấy niềm tự hào dân tộc hoặc tự hào địa phương thấm đẫm trong cả ba trường hợp.
Chủ nghĩa dân túy cũng đã được sử dụng để mô tả cho các phong trào nông nghiệp ở Đông Âu sau Thế chiến I.
Nhưng từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970 chúng ta có thể thấy thực tế phát triển ban đầu thời hiện đại mang tính học thuật về chủ nghĩa dân túy. Điều này có thể được thể hiện trong ba khía cạnh khác nhau:
Đầu tiên, nhiều học giả bắt đầu sử dụng khái niệm chủ nghĩa dân túy để xác định chính xác “vấn đề xã hội”
. Chẳng hạn, Shils
cho rằng chủ nghĩa dân túy nên được coi là một hệ ý thức phổ biến chống lại giới tinh hoa, theo đó người dân được cho là tốt hơn so với những người cai trị. Trong khi Dahl
đưa ra khái niệm về “nền dân chủ dân túy” (populistic democracy) để mô tả một hình thức của chính quyền nhằm tối đa hóa sự bình đẳng chính trị và chủ quyền phổ biến bằng mọi giá. Lần lượt, Kornhauser
và Germani
đã sử dụng khái niệm chủ nghĩa dân túy để làm nổi bật sự phát triển của xã hội đại chúng liên quan đến việc phá hủy liên kết xã hội và sự xuất hiện của nhiều tập hợp mới có sẵn cho việc huy động vào các phong trào xung đột với giới thượng lưu. Một ví dụ quan trọng khác là tác phẩm của Lipset
về chủ nghĩa cực đoan chính trị đã rõ ràng cho thấy kinh nghiệm của Hoa Kỳ đối với chủ nghĩa dân túy khi liên kết học thuyết McCarthy với giải thích phản động của Đảng Nhân dân (People’s Party) và bằng cách này cho thấy ý nghĩa tiêu cực của chủ nghĩa dân túy.
Thứ hai, từ những năm 1960, chủ nghĩa dân túy đã được thấy trong một số bối cảnh khác nhau ở quốc gia và khu vực. Đồng thời, vào những năm 1970, Ernesto Laclau đã xuất bản cuốn sách của mình
Chính trị và tư tưởng trong học thuyết Mácxít: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa dân túy
(1977), trong đó ông phê phán thuyết kinh tế quyết định của chủ nghĩa Mác và xây dựng cơ sở cho một cách tiếp cận lý thuyết mới khi nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy. Trong công trình tiếp theo của ông với Chantal Mouffe, Laclau xây dựng trên nền tảng công trình của nhà Marxist người Italia, Antonio Gramsci, từ nền tảng cơ sở hậu cấu trúc, lý thuyết về dân chủ triệt để như thể là kết cấu cho chính trị bá quyền
.
Thứ ba, vào năm 1968, lần đầu tiên, có một nỗ lực thực sự để so sánh cách sử dụng và cố gắng phản ánh khái niệm của chính chủ nghĩa dân túy. Hội thảo tại Trường Kinh tế London về lĩnh vực này đã được Ionescu và Gellner
biên tập, tập hợp trong kỷ yếu các khuynh hướng khác nhau của các học giả. Mặc dù hội thảo không cố gắng đưa đến sự thống nhất về khái niệm chủ nghĩa dân túy từ các quan điểm học thuật khác nhau, nhưng nó đã thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa các học giả ở các khu vực khác nhau trên thế giới tranh luận trên các nền tảng lý thuyết đa dạng. Do đó, đây là trường hợp mang tính học thuật đầu tiên mà các học giả cố gắng tiến tới một nghiên cứu xuyên khu vực thực sự về chủ nghĩa dân túy. Điều đáng chú ý là những người tham gia hội nghị này không phải chỉ có các nhà chính trị học, mà còn các nhà nhân chủng học, nhà kinh tế, nhà sử học, các nhà triết học, và các nhà xã hội học. Nó cho thấy sự quan tâm nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy đã được thúc đẩy bởi các ngành khác nhau trong khoa học xã hội và chỉ từ những năm 1980, cộng đồng khoa học chính trị bắt đầu sở hữu chủ đề này.
Trên thực tế, đó là vào năm 1982, khi William Riker xuất bản cuốn sách
Chủ nghĩa tự do chống lại chủ nghĩa dân túy
, trong đó ông áp dụng lý thuyết lựa chọn xã hội để minh họa việc không thể thực hiện quan điểm dân chủ cổ điển trong hành động tập thể. Cùng với đó, vào đầu những năm 1980, nhà lý luận chính trị người Anh Margaret Canovan
đã viết một cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn về thực chất của chủ nghĩa dân túy. Bà đã viết trong cuốn sách của mình những gì Ionescu và Gellner
không viết, trong nỗ lực vẽ ra một cái nhìn tổng quan toàn diện tất cả các trường hợp của chủ nghĩa dân túy để tìm ra điểm chung; cuối cùng, bà đã tạo ra bảy định dạng của các biến thể khác nhau: chủ nghĩa dân túy nông dân, chủ nghĩa dân túy tá điền, chủ nghĩa dân túy trí thức, độc tài dân túy, dân chủ dân túy, chủ nghĩa dân túy phản động, và chủ nghĩa dân túy của chính trị gia. Mặc dù, vẽ được các định dạng phong phú này, nhưng Canovan lại chùn bước khi xác định những đặc điểm chung, bà nói rằng tất cả các biến thể của chủ nghĩa dân túy là “không thể rút gọn lại thành một cốt lõi duy nhất được”
.
Từ những năm 1990 đã có sự tăng trưởng lớn trong học thuật và các nhà chính trị học đã vươn lên đi đầu trong việc tạo ra các sản phẩm học thuật về chủ nghĩa dân túy. Taggart
đã nỗ lực trên cơ sở tiếp cận so sánh chung của Canovan nhưng với một lập luận trong đó rút ra được những đặc điểm trung tâm của chủ nghĩa dân túy, xem nó như một phản ứng với hiện thực chính trị mà thiếu các giá trị cốt lõi. Ông chỉ ra một đặc tính hay thay đổi đó là sự phản ánh môi trường mà nó phát sinh. Nhiều công trình sau đó tiếp tục theo xu hướng này là tập trung vào các khu vực và quốc gia để phản ánh sự phát triển thế giới thực của chủ nghĩa dân túy.
Ở châu Âu, kể từ đầu những năm 1990, nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy đã được tập trung vào khâu đột phá là bầu cử và sự ngoan cố của các đảng cực đoan cánh hữu dân túy. Ban đầu các học giả tập trung vào một số ít các đảng là lực lượng nổi dậy thách thức dòng chính thống. Mặt trận Quốc gia Pháp bùng nổ như là một trong các đảng, trở thành một thể chế chính trị có tính đảng phái và quan trọng hơn là mang đặc điểm lâu đời của chính trị Pháp. Cũng ngay từ sớm, một số quốc gia đã có đảng dân túy cực đoan cánh hữu, và bây giờ hầu như tất cả các nước châu Âu đều chứng kiến sự gia tăng của gia đình các đảng này
. Trên thực tế, một số học giả cho rằng các nước châu Âu đang trải qua sự xuất hiện của một sự phân tách chính trị mới tập trung vào các vấn đề văn hóa và đang làm thay đổi cục diện chính trị trên toàn khu vực
. Ở một mức độ nhất định, điều này không chỉ đúng ở Tây Âu mà còn đúng ở Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, trong các đảng chính trị khu vực này ít được thể chế hóa hơn nhiều so với ở Tây Âu, và do đó, các lực lượng dân túy thường xuất hiện ở đây như là cách để thể hiện sự không hài lòng với giới tinh hoa chính trị, đặc biệt là với sự tham nhũng
.
Gần đây các học giả quan tâm về chủ nghĩa dân túy ở châu Âu bắt đầu quan tâm tới các hình thức mới của chủ nghĩa dân túy. Sự thay đổi đầu tiên là sự lên ngôi của các đảng phái dân túy trong các đảng cầm quyền. Điều này được bắt đầu mạnh mẽ nhất ở Áo năm 2000 với sự tham gia của Đảng Tự do Áo (Austrian Freedom Party) vào liên minh với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (Christian Democrats). Điều này gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ các chính phủ khác
, nhưng quan trọng hơn là nó đã đánh dấu bước đột phá của khuynh hướng mới vào dòng chủ lưu
. Hình thức mới thứ hai là biến thể cánh tả của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu. Điều này có thể được nhìn thấy trong các đảng phái với cách thức cũ hơn như đảng người Đức (German party) được gọi là Cánh tả (die Linke) và Đảng Xã hội Hà Lan (Dutch Socialist Party) (tháng 3 năm 2012). Tuy nhiên, trong sự khởi đầu của cuộc Đại suy thoái, một biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy cánh tả đã đến trước: đầu tiên thông qua sự xuất hiện của các phong trào xã hội chống thắt lưng buộc bụng mà sử dụng khung dân túy
và sau đó thông qua sự hình thành của các đảng chính trị dân túy cánh tả đòi chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng đã bị Liên minh châu Âu ép buộc
.
Theo nhiều cách đánh giá, Hoa Kỳ là quê hương của chủ nghĩa dân túy. Đó là nơi của một trong những phong trào nền tảng của chủ nghĩa dân túy – Đảng Nhân dân (People’s Party) vào cuối thế kỷ XIX và nó cho chúng ta biết rất giới hạn về chủ nghĩa dân túy. Nó cũng đã cho thấy toàn bộ các nhân vật dân túy trong suốt lịch sử ngay cả sau khi Đảng Nhân dân sụp đổ, với các chính trị gia như Huey Long, George Wallace, Pat Buchanan, Ross Perot, Sarah Palin và Donald Trump suốt thế kỷ hai mươi và hai mươi mốt
. Michael Kazin
đã theo dõi chủ nghĩa dân túy trong suốt lịch sử chính trị Hoa Kỳ như là một đặc điểm đặc hữu. Nhưng đối với một đất nước có hệ thống chính trị vừa có đặc quyền diễn ngôn dân túy và vừa tạo ra rất nhiều nhà dân túy khác nhau, thì một hệ thống học giả thân thiết với chủ nghĩa dân túy là một hiện tượng bình thường. Điều đáng chú ý với sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ, đó là việc thiếu nghiên cứu thực sự chủ nghĩa dân túy và việc sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa dân túy có liên quan ở các nơi khác trong hệ thống các nhà chính trị học Mỹ. Không phải ngẫu nhiên, một trong những nghiên cứu tốt về bản chất những người theo chủ nghĩa dân túy của Đảng Trà (Tea Party) đã được viết bởi các nhà sử học
. Ngược lại, cuốn sách về Đảng Trà được viết bởi Skocpol và Williamson
gần như không sử dụng khái niệm chủ nghĩa dân túy.
Từ lịch sử phát triển của chủ nghĩa dân túy cho đến nay có thể thấy trong học thuật, chủ nghĩa dân túy đang được nghiên cứu với sự gia tăng lớn. Chủ nghĩa dân túy có phạm vi bao phủ rộng, và khái niệm này đang được sử dụng ngày càng rộng rãi hơn trên toàn thế giới. Chủ nghĩa dân túy đang thách thức nền chính trị dân chủ vì một số phân khúc công chúng không tin tưởng đối với chính trị hiện tại. Việc nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy vẫn cho thấy những khác biệt trong các khu vực khác nhau hoặc trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Hiểu thế nào?
Chủ nghĩa dân túy được hiểu một cách ngắn gọn nhất như một dạng các nguyên tắc cai trị cao đẹp của người cai trị, đầu tiên nó đòi hỏi quyền lực hợp pháp thuộc về người dân chứ không phải là giới thượng lưu. Chủ nghĩa dân túy đồng thời duy trì các nguyên tắc cai trị thứ hai, có liên quan đến những chính sách gì nên được thực hiện, những chính sách gì nên được tuân theo, những quyết định nào nên được đưa ra.
Lý thuyết này giống như con tắc kè hoa có thể thích ứng linh hoạt với nhiều giá trị tư tưởng và nhiều nguyên tắc lớn lao, nó gồm chủ nghĩa dân túy xã hội hay chủ nghĩa dân túy bảo thủ, chủ nghĩa dân túy độc đoán hoặc chủ nghĩa dân túy tiến bộ, v.v.
Những người theo chủ nghĩa dân túy cần hai điều cốt lõi trong việc quản trị các xã hội.
Đầu tiên, chủ nghĩa dân túy thách thức thẩm quyền hợp pháp của ‘định chế’. Nó đặt ra nghi vấn của những người có niềm tin đa nguyên đối với quyền lực và quyền hạn chính đáng ở bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả vai trò của các đại diện được bầu trong chế độ dân chủ. Mục tiêu yêu thích của nó hướng đến gồm các phương tiện truyền thông chính thống (‘tin tức giả’), bầu cử (‘lừa dối’), các chính trị gia (‘nhúng chàm’ – drain the swamp), các đảng chính trị (‘rối loạn chức năng’), các viên chức khu vực công (‘khó lường – the deep state’), các thẩm phán (‘kẻ thù của người dân’), các cuộc biểu tình (‘được trả tiền’), các hoạt động tình báo (‘nói dối và lừa đảo’), người vận động hành lang (‘tham nhũng’), trí thức (‘tự do kiêu ngạo’) và các nhà khoa học (‘ai cần chuyên gia?’), các nhóm lợi ích (‘những người vận động hành lang làm giàu nhanh’), hiến pháp (‘hệ thống gian lận’), các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu (‘Những người quan liêu Brussels’) và UN (‘câu lạc bộ tán ngẫu’). Trong ngôn từ của Trump, ‘thuốc giải độc duy nhất cho hàng thập kỷ cai trị tàn khốc bởi một nhóm nhỏ tinh hoa là sự truyền tải ý chí phổ biến một cách táo bạo. Trên mọi vấn đề lớn ảnh hưởng đến đất nước này, người dân đúng và giới cầm quyền sai.’
Điều chê trách không chỉ ở các nhân sự trong định chế là ngạo nghễ trong phán đoán, sai lầm trong các quyết định, và ngớ ngẩn trong hành động, mà đúng hơn là ở việc sai lầm về mặt đạo đức trong các giá trị cốt lõi của họ. Chê trách này cộng hưởng từ những nhà phản biện – những người chấp nhận dân chủ về nguyên tắc nhưng thất vọng về hiệu suất của những người được bầu trong các cơ quan các tổ chức, bao gồm các đảng, các cuộc bầu cử và quốc hội.
Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo dân túy mô tả chính mình là những kẻ nổi dậy sẵn sàng bỏ qua các công ước lâu đời, phá vỡ dòng chủ lưu ‘chính trị thông thường.’ Những lời tuyên bố trong chiến dịch của Donald Trump phản đối giới tinh hoa một cách mạnh mẽ, nhấn mạnh sự cần thiết phải ‘ngăn chặn sai lầm’ của các chính trị gia và các nhà vận động hành lang tham nhũng, đã chạm tới mong mỏi của những người ủng hộ ông.
‘Truyền thông giả mạo’ được coi là ‘kẻ thù của người dân’ và các quan chức khu vực công được coi là một phần của ‘nhà nước khó lường’ đang chống lại sự thay đổi.
Đối với Marine Le Pen, thì các ủy viên châu Âu vô danh là kẻ thù: ‘không ai biết tên của họ hoặc khuôn mặt của họ. Và trên hết, không ai bầu chọn cho họ.’
Đối với các báo lá cải ủng hộ Brexit, các thẩm phán ‘thiếu thực tế’ đang tìm cách trì hoãn Điều 50 bị phỉ báng là ‘Kẻ thù của nhân dân.’
Thứ hai, các nhà lãnh đạo dân túy cho rằng nguồn hợp pháp duy nhất của thẩm quyền chính trị và đạo đức trong một nền dân chủ thuộc về ‘người dân’. Tiếng nói của những công dân bình thường (‘đa phần im lặng’, ‘người Mỹ thì thờ ơ’) được coi như hình thức quản trị dân chủ ‘chính thống’ duy nhất ngay cả khi mâu thuẫn với các đánh giá của chuyên gia – bao gồm cả những người đại diện và những thẩm phán được bầu, các nhà khoa học, các học giả, các nhà báo và nhà bình luận. Kinh nghiệm sống được coi là một chỉ dẫn vượt trội cho hành động hơn nhiều là trong sách vở. Ý chí tập thể của ‘người dân (‘Hầu hết là tiếng nói của người dân …’) được coi là thống nhất, xác thực, và là quyền đạo lý không được nghi ngờ. Trong trường hợp xung đột xảy ra, ví dụ, nếu Westminster không đồng ý với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, thì quyết định của công chúng vẫn tự động được thi hành.
Những nội dung trên có thể thấy trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo mang đặc điểm của những người theo chủ nghĩa dân túy. Chẳng hạn, vào đêm trưng cầu dân ý Brexit rời khỏi liên minh châu Âu, lãnh đạo của Đảng Độc lập UK (UKIP), Nigel Farage, cho rằng ‘đây sẽ là một chiến thắng thực sự cho người dân, một chiến thắng cho những người bình thường’.
Cũng như đối với Phong trào phản kháng của người Đức GEGIDA, ‘Chúng tôi là người dân’ (Wir sind das ROL DVR).
Tương tự, trong tuyên bố nhậm quyền Trump khẳng định: ‘Chúng tôi đang chuyển quyền lực từ Washington DC trả lại cho các bạn, những người dân Mỹ …những người đàn ông và đàn bà của đất nước này sẽ không còn bị lãng quên nữa.’
Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, ứng cử viên của Mặt trận quốc gia, Marine Le Pen, vận động để ‘giải phóng người dân Pháp khỏi tầng lớp thượng lưu kiêu ngạo.’
Một vài tháng sau Brexit, tại Đại hội của Đảng bảo thủ năm 2016, Thủ tướng Theresa May bày tỏ quan điểm tương tự: ‘Nếu chỉ lắng nghe cách rất nhiều chính trị gia và nhà bình luận nói về công chúng, họ chỉ thấy lòng yêu nước của họ thật đáng ghét, mối quan tâm của họ về sự di cư mang tính địa phương, thấy quan điểm hẹp hòi của họ về tội ác, không thấy sự quan tâm của họ tới an ninh công việc.’
và Norbert Hofer, ứng cử viên tổng thống của Đảng Tự do Áo, đã chỉ trích đối thủ của mình: ‘Anh có cộng đồng quý tộc [high society] đằng sau; còn tôi có những người dân bên mình.’ Giới tinh hoa băn khoăn về sự khôn ngoan của người dân, hoặc họ đang chống lại chủ quyền của dân, họ bị buộc tội là tham nhũng, ích kỷ, kiêu ngạo, những kẻ ‘phản bội tuyên chiến với nền dân chủ.’
Không thể quay lại với quyết định của người dân: Brexit có nghĩa là Brexit.
Điều quan trọng gì để hiểu được đầy đủ hiện tượng này, không chỉ là bề mặt được tu sửa trong ‘sức mạnh con người’, mà còn là nguyên tắc lãnh đạo được coi có vị trí quan trọng thứ hai, thứ mà các nhà lãnh đạo ủng hộ – và vì thế, giá trị văn hóa của họ là thứ họ dùng để chứng thực, chương trình chính sách là thứ họ ủng hộ, và quản trị thực tế là thứ họ theo. Về vấn đề này, chúng ta biết họ qua những gì họ làm – không chỉ qua những gì họ nói. Những từ ngữ dân túy của các đảng phái như Mặt trận dân tộc Pháp, Những người dân chủ Thụy Điển, hoặc Công lý và Luật pháp Ba Lan và các nhà lãnh đạo như Orbán, Berlusconi và Trump – là những nhà lãnh đạo thực tế độc đoán điển hình. Đó là sự kết hợp của các giá trị độc đoán được ngụy trang bởi những lời hùng biện dân túy mà chúng ta coi đó là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với nền dân chủ tự do.
Động thái mới
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy đã phát triển và tiếp tục phát triển theo hàm số mũ. Đặc biệt, ở phương Tây, trong lĩnh vực chính trị so sánh, chủ nghĩa dân túy đã biến thành một loại ngôn từ hiện đại thông dụng. Chủ yếu dựa trên ý tưởng rằng có một hệ tư tưởng dân túy mạnh mẽ, đã xuất hiện vào đầu những năm 1990, áp đảo các nền dân chủ phương Tây
, đội ngũ học giả toàn cầu đã tiến hành phân tích mọi ngóc ngách của tất cả những điều mà người ta có thể gọi là “chủ nghĩa dân túy.” Nghiên cứu đương đại đã bắt đầu tập trung trong bốn động thái: tìm kiếm các định nghĩa bền vững với khả năng ứng dụng chung; mở rộng phạm vi so sánh của nó với ngày càng nhiều các quốc gia và các đảng chính trị; gia tăng ngân hàng hóa các phương pháp định lượng, cũng như thể hiện những suy tư nhất định đối với các “biện pháp” của chủ nghĩa dân túy; và gần đây, đang cố gắng liên kết những phát hiện trong phân tích thực nghiệm với cuộc tranh luận nghiêm túc về sự phân rã của chủ nghĩa dân túy và thậm chí về sự hợp nhất dân chủ.
Trước tiên, việc tìm kiếm các định nghĩa được liên kết chặt chẽ với cách thức tiếp cận chủ nghĩa dân túy của các học giả hiện đại hiện nay bằng cách tập trung vào một hoặc nhiều đặc trưng cốt yếu của nó. Theo cách rất điển hình, tương tự như những người mù khi xem voi, mỗi người trong số họ chỉ chạm vào một phần của con voi to, các học giả dân túy chọn tập trung chú ý vào một hoặc nhiều đặc điểm cụ thể của chủ nghĩa dân túy trong khi bỏ qua những đặc điểm cũng rất cần thiết khác như chiến lược lãnh đạo, tư tưởng, diễn ngôn và mô hình biểu tượng, huy động năng lực số đông, phong cách, và nhiều thứ khác nữa. Họ không cố gắng tạo ra một định nghĩa phổ quát cho một số đặc điểm riêng biệt.
Động thái thứ hai để làm rõ lĩnh vực này cần đưa các trường hợp vào phân tích nhiều hơn nữa. Ban đầu việc nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy được thực hiện bởi cộng đồng học giả gần gũi nằm chủ yếu ở châu Âu và Mỹ Latinh
, sau đó nó đã được bất ngờ mở rộng toàn cầu
. Đặc biệt, sự xuất hiện của Donald Trump, đã thúc đẩy một làn sóng tươi mới của Hoa Kỳ đối với chủ nghĩa dân túy. Nhiều cộng đồng nghiên cứu mới đã xuất hiện ở các nơi khác ở Đông Nam Á, Châu Đại Dương và Châu Phi, tham gia vào việc nghiên cứu hiện tượng dân túy. Nhưng, do thiếu hiểu biết khái niệm chung về chủ nghĩa dân túy, xét riêng lý thuyết về sự xuất hiện của nó, thì ngày nay tình hình có vẻ như một nghịch lý là nó quay trở lại làn sóng quan điểm của các học giả những năm 1960 và 1970: “chủ nghĩa dân túy” ở mọi nơi và mọi thứ đều là “theo chủ nghĩa dân túy.”
Động thái thứ ba của các học giả nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy gần đây là nhấn mạnh vào số lượng và mức độ. Có lẽ vì không thể giải quyết được câu hỏi “nó là gì”, một số người khi nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy đã tự đánh giá mức độ của chủ nghĩa dân túy bằng cách phân tích nội dung các bài diễn thuyết của những người theo chủ nghĩa dân túy
hoặc phân tích văn bản và tài liệu của các đảng phái khác
. Một lĩnh vực thậm chí gần đây đang được quan tâm là đo lường thái độ của người theo chủ nghĩa dân túy ở cấp độ xã hội lớn
. Tuy nhiên, vì sự phức tạp của chúng, những nỗ lực đó vẫn chưa được giải quyết vẫn còn có sự không thống nhất về những gì cấu thành chủ nghĩa dân túy và những gì không tạo thành nó.
Động thái thứ tư gần đây của các học giả liên quan đến chủ nghĩa dân túy là nhằm cảnh báo cho chúng ta về mối đe dọa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa dân túy đối với nền dân chủ tự do và thậm chí đối với những nền chính trị nghị viện tiêu biểu
. Trong khía cạnh đặc biệt này, đại diện những người theo chủ nghĩa dân túy, – và thực chất, lãnh đạo – lực lượng nổi dậy chống lại nền tảng đã thiết lập từ chối tính hợp pháp của các đảng chính thống và tấn công vào chúng như là đẳng cấp trên tham nhũng, xa rời cử tri thông thường. Nó đơn giản là nhấn mạnh sự cấp bách cần một nghiên cứu thực nghiệm so sánh với cách hành xử của các đảng dân túy trước đó, và so sánh sự thành công với mục đích đặt ra, khi họ vươn lên nắm quyền.
Như vậy, cho đến nay, mặc dù có sự mở rộng rất mạnh mẽ của nghĩa dân túy, đặc biệt ở phương Tây, nhưng những vấn đề cơ bản phải đương đầu với chủ nghĩa dân túy gần như vẫn thế. Việc gán cho tất cả những kẻ nổi dậy đơn giản là “người theo chủ nghĩa dân túy” cho thấy những gì những người nghiên cứu đạt được về mặt khái niệm và lý thuyết vẫn còn rất nhỏ bé. Ngay cả trong xã hội phương Tây vẫn chưa có sự thống nhất về chủ nghĩa dân túy là gì. Khi mà những người theo chủ nghĩa dân túy đã có mặt ở khắp các quốc gia, ở các đảng chính trị, hoặc trong đặc điểm riêng của các nhà lãnh đạo mà không thể phân biệt được, thì không có gì lạ việc mở rộng khái niệm chủ nghĩa dân túy đã trở nên cấp bách. Do thiếu một lý thuyết về chủ nghĩa dân túy, làm chúng ta không thể hiểu được những nguyên nhân và cơ chế vi mô của nó, thứ mà qua đó cho phép việc áp dụng các biện pháp đối phó để chống lại. Chúng ta không chỉ cố gắng so sánh các trường hợp khác nhau – chỉ để nói, đó là các trường hợp không thể so sánh, mà để trong các trường hợp không có lý thuyết rõ ràng, thậm chí là rối rắm, thì việc đôi khi chúng ta thậm chí không thể nhận ra chủ nghĩa dân túy mặc dù chúng ta nhìn thấy nó là chuyện bình thường.
Những sự kiện liên tục xảy ra trong năm 2016 như Brexit, nghĩa là việc quyết định của Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 23 tháng 6 năm 2016; cuộc đảo chính khá nghiệp dư xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15 tháng 7 năm 2016 để chống lại sự gia tăng chính phủ chuyên quyền của Recep Erdoğan; và cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ và chiến thắng bất ngờ của Donald Trump. Tất cả đều được thực hiện dưới cái tên là người dân. Tuy nhiên, điều không rõ ràng là những trường hợp đó nói về hiện tượng khá khác nhau với những kết quả không giống nhau: Một người theo chủ nghĩa tự nhiên Euroskeptic vận động thành công cho đất nước của ông ta – Nigel Farage rời khỏi EU; một nhà lãnh đạo chuyên quyền – Erdoğan đình chỉ dân chủ đa nguyên bằng đối trọng của người dân; và một ứng cử viên bình thường sử dụng diễn ngôn dân túy thuần túy kêu gọi chống lại định chế chính trị để giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống – Trump . Mặc dù sự khác biệt khá rõ ràng, nhiều người, các học giả và cũng không ít nhà báo, các nhà phê bình chuyên nghiệp – vẫn thấy nó phù hợp với việc gọi cả ba nhà lãnh đạo là người theo chủ nghĩa dân túy. Chẳng hạn, ngay sau những cảnh báo thông thường rằng “chúng ta nên ngăn chặn việc lạm dụng thuật ngữ ‘chủ nghĩa dân túy’,” thì Jan-Werner Müller vẫn coi Farage, Erdoğan và Trump vào cùng một nhóm dân túy bởi vì “nhóm của họ tuyên bố chỉ đại diện cho người dân đích thực”
.
Những phân tích chưa rõ ràng về lý thuyết chỉ ra rằng, cho dù với tất cả những tiến triển rõ ràng, thì các vấn đề ban đầu vẫn còn đó. Đây là lý do tại sao, khi chủ nghĩa dân túy dường như ngày càng lớn mạnh, thì chúng ta vẫn không biết làm thế nào để đối phó với nó. Nhưng để đối phó với nó, chúng ta cần biết ngay từ đầu nguyên nhân gây ra nó là gì. Nhưng để thiết lập quan hệ nhân quả, chúng ta cần thực hiện nghiên cứu thực nghiệm tỉ mỉ đối với một số trường hợp dân túy điển hình. Nhưng để làm công việc thực nghiệm như vậy, trước tiên chúng ta cần chọn các trường hợp chúng ta phân tích một cách cẩn thận và, nếu có thể, là trường hợp phổ quát. Nhưng để có thể chọn các trường hợp này, trước tiên chúng ta phải tiến hành với một sơ đồ phân loại mà nói được sự phân biệt của những trường hợp theo chủ nghĩa dân túy với những trường hợp không theo chủ nghĩa dân túy. Nhưng để xây dựng một sơ đồ như vậy, chúng ta cần có một định nghĩa rõ ràng và rành mạch về đối tượng đang xem xét. Chỉ khi chúng ta thành công với tất cả các nhiệm vụ đã nói ở trên thì chúng ta có thể hy vọng kết thúc với một khung lý thuyết hợp lý để phân tích so sánh chủ nghĩa dân túy.