Bài tuyên truyền “Hành động vì nhà trường xanh – sạch – đẹp – văn minh”
1. Vì sao cần tuyên truyền bảo vệ môi trường?
Môi trường bao gồm cả các yếu tố tự nhiên và nhân tạo và 02 yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng đều bao quanh cuộc sống của con người và môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên.
Một môi trường trong lành sạch sẽ sẽ giúp con người đảm bảo về mặt sức khỏe song ngược lại nếu môi trường bị ô nhiễm về không khí, khói bụi, nước… sẽ khiến con người mắc rất nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và đe dọa đến tính mạng của nhiều người.
Hiện nay, do sự phát triển của khoa học công nghệ, dân số tăng, tốc độ đô thi hóa nhanh cũng như các hiện tượng biến đổi khí hậu đã gây áp lực lớn đến môi trường, có đến hàng nghìn tấn chất thải, khí thải được thải ra môi trường mỗi ngày. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam nói chung cũng như Thành phố Hà Nội nói riêng đang trong mức báo động đỏ. Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử, hành vi của học sinh trong các nhà trường vẫn còn tồn tại hiện tượng đáng tiếc như bạo lực học đường, học sinh chưa có kĩ năng giao tiếp, xử lí các tình huống thực tiễn.
Từ khi UBND Quận Long Biên phát động phong trào “Hành động vì nhà trường – xanh – sạch – đẹp – văn minh”, trường THCS Thanh Am quyết tâm thực hiện và tuyên truyền hiệu quả phong trào ấy nhằm xây dựng một môi trường học tập sạch đẹp, lành mạnh, văn minh, hạnh phúc cho các em học sinh cũng như cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
2. Tuyên truyền một số hậu quả của ô nhiễm môi trường:
Để việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường được hiệu quả, nhà trường đã có kế hoạch định hướng, giáo dục để học sinh cũng như mọi người hiểu rõ về sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người.
Khói bụi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của con người có thể gây nên một số loại bệnh như viêm phổi, vô sinh… Tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra ở nước ta cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu, chóng mặt, bệnh tim mạch và nó cực kỳ nguy hiểm với người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người đang mang bệnh, trẻ nhỏ. Không chỉ vậy, đối với hệ sinh thái thì khi môi trường bị ô nhiễm sẽ khiến hệ sinh thái bị mất cân bằng và đe dọa đến sự tồn tại của nhiều loài sinh vật, động vật, thực vật sống. Ngoài ra, hiện tượng mưa axit làm hủy diệt nhiều khu rừng và làm chết nhiều loại động vật quý hiếm. Mặt khác, ô nhiễm môi trường còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển Kinh tế – Xã hội bởi bệnh tật xuất hiện, các hoạt động dịch vụ – du lịch bị ngưng trệ, nông sản mất mùa và sản lượng thủy hải sản giảm do ô nhiễm nguồn nước.
Chính vì thế bảo vệ môi trường là việc làm rất cần thiết và việc bảo vệ môi trường để hiệu quả rất cần sự vận động, tuyên truyền giáo dục về nhận thức, hành vi cho tất cả mọi người.
3. Thực hiện chủ đề của tháng 9 “Hành động Vì nhà trường Xanh – sạch- đẹp – văn minh” trong nhà trường:
Không chỉ chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch- đẹp, đầu tư cơ sở vật chất mà nhà trường xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong CB, GV, NV và HS. Điều đó đã tạo chuyển biến tốt về môi trường văn hóa, ứng xử văn minh trong nhà trường. Quy định về ứng xử văn hóa được lồng ghép trong quy định của nhà trường, nội quy trường học, quy chế dân chủ, quy chế văn hóa công sở, quy định thực hiện nếp sống văn hóa học đường, quy định đạo đức nhà giáo, nội quy học sinh…
*Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường
– Thực hiện nghiêm túc các quy định, các chuẩn mực về đạo đức và ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ công vụ và trong quan hệ với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và trong quan hệ xã hội.
– Trang phục của giáo viên, nhân viên nhà trường luôn lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục.
– Trong giao tiếp hàng ngày, ngôn ngữ luôn chuẩn mực, hoà nhã, văn minh.
– Trong công việc, GV đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ HS, tạo điều kiện để các em vươn lên trong học tập.
– Nhà trường tổ chức các chuyên đề phòng chống bạo lực học đường, văn hóa giao thông để học sinh có thêm kỹ năng xử lí tình huống, ứng xử văn minh.
– Tích cực, sáng tạo trong việc có ý kiến tham mưu với lãnh đạo về việc xây dựng, tổ chức môi trường học tập xanh – sạch – đẹp – văn minh.
*Đối với học sinh:
– Học sinh thực hiện tốt các hoạt động giáo dục đạo đức, nếp sống; lễ phép với người lớn, hòa đồng thân thiện với bạn bè;
– Thực hiện nếp sống thanh lịch văn minh. Khi đến trường, các em mặc trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động của nhà trường.
– Thực hiện “Nói lời hay làm việc tốt”, sử dụng ngôn ngữ trong sáng, nói lời hay, ý đẹp, không nói tục, chửi bậy.
– Thực hiện chăm sóc tốt, có trách nhiệm với công trình măng non của lớp và hưởng ứng các hoạt động trồng cây do Đoàn đội, địa phương phát động.
Việc xây dựng văn hóa học đường “xanh – sạch – đẹp – văn minh” góp phần đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất năng lực của người học trong thời kì đổi mới; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.