Bài thu hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai đầy đủ các nội dung “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Trong bài viết này, Luật Minh Khuê xin gửi tới quý bạn đọc tham khảo bài thu hoạch đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế:

Trong bất kì mối quan hệ nào cũng cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Điều đó thể hiện qua thái độ và hành vi trong giao tiếp ứng xử. Thông qua đó thể hiện “tầm vóc” của một con người. Đối với ngành y tế điều này lại càng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Lương y phải như từ mẫu”, ngay từ xưa Bác đã luôn đề cao giá trị của những người làm ngành y cứu người. Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Đáng mừng và đáng tự hào là dù đời sống còn không ít khó khăn, đa phần những người làm công tác y tế vẫn cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhằm nâng cao thêm thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh Bộ y tế đã phát động Kế hoạch triển khai đầy đủ các nội dung “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” trên toàn ngành y tế. Tạo điều kiện tốt, thuận lợi tiếp cận các dịch vụ ý tế; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam.

 

1. Vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của ngành Y

Trong xã hội hiện nay, 2 nghề được xem là cao quý và thiêng liêng nhất, được mọi người tôn trọng và tôn vinh lên làm “thầy” đó là nghệ giáo và nghề y. Chính vì vậy mà ngạn ngữ Trung Quốc đã từng ví von rằng “Lương y như từ mẫu” mà sau này Bác Hồ đã dịch qua là “thầy thuốc như mẹ hiền”. Nghề thầy thuốc là một nghề có từ rất sớm ở cả phương Tây và phương Đông, bởi nó liên quan đến mạng người. Khi có cung ắt sẽ có cầu, con người chúng ta sống trên đời không ai thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử, không ai là không ốm đau và mất đi. Trong quá trình chúng ta gặp khó khăn về sức khỏe, mắc bệnh thì cần có nhu cầu được cứu chữa kịp thời để khỏe mạnh, chính vì vậy mà nghề thầy thuốc ra đời. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, ngành y ở Việt Nam nói riêng trên thế giới nói chung đã không ngừng phát triển với những phát minh có giá trị ý nghĩa cho toàn nhân loại. Đặt trong tình cảnh hiện nay, khi khí hậu thay đổi, môi trường ô nhiễm,… ngày càng xuất hiện các bệnh mới nguy hiểm hơn như COVID – 19, bệnh mùa khỉ, HIV-AIDS,… đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người, ảnh hưởng đến tương lai giống nòi. Có thể thấy vị trí và vai trò của ngành y hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh thời điểm này, với sự phát triển không ngừng nghỉ của kinh tế, xã hội thì vai trò của ngành y lại càng có giá trị quyết định sống còn và có vị thế trong sự phát triển bền vững của toàn cầu.

 

1.1 Vai trò đối với việc chăm sóc sức khỏe con người

Một trong những dịch vụ yêu cầu bắt buộc phải phát triền trên mức kinh tế để có thể đảm bảo cuộc sống cho người dân cũng như là sự tồn vong của nhân loại chính là y tế. Những ứng dụng của khoa học công nghệ luôn chú trọng vào việc có thể ứng dụng vào y tế rất nhiều và được ưu tiên hàng đầu. Ngành y tế giữ vai trò trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, điều trị bệnh, phát triển và ngăn ngừa các loại bệnh, bảo đảm cuộc sống sức khỏe cho con người để học tập và lao động. 

Con người không thể tự vượt qua được bệnh tật. Ngay từ ngày xưa trong thời chiến, nhờ có thuốc men cũng như sự cứu chữa kịp thời của các y, bác sĩ các chiến sĩ của chúng ta mới được cứu sống, sức khỏe mới có thể được đảm bảo để yên tâm chiến đầu ngoài xa trường. Thời nay, với tốc độ tăng trưởng không ngừng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, kéo theo bao hệ lụy, trong đó có sự hình thành và xuất hiện của những loại bệnh tật có mức độ nguy hiểm cao, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của biết bao nhiêu con người. Cụ thể, gần đây nhất vẫn đang là mối nguy hiểm của xã hội và của toàn nhân loại đó chính là COVID – 19, một căn bệnh đã cướp đi sự sống của biết bao nhiêu con người và bây giờ vẫn chưa có thuốc chữa dứt điểm. Những ngày đầu bùng dịch con người đã phải đối đầu với biết bao nhiêu khó khăn, song nhờ có sự nghiên cứu, tìm tòi không ngừng nghỉ của các y, bác sĩ mà đã chế ra được vacine ngừa bệnh, đến thuốc và các phương pháp chữa trị. Để hiện nay, dân ta lại được trở lại nhịp sống bình thường và hăng hái tham gia xây dựng phát triển đất nước. Không quá phô trương khi khẳng định, có sức khỏe là có tất cả, không có sức khỏe thì ta chẳng làm được gì, dù đó là điều nhỏ nhặt nhất. Chính vì thế mà chúng ta có thể khẳng định rằng y tế có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội.

 

1.2 Vai trò trong việc phát triển nền kinh tế trong kỷ nguyên mới

Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, nhất là 30 năm chiến đấu đánh bại 2 kẻ thù sừng sỏ đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, điều gì đã tạo nên chiến thắng của chúng ta, bên cạnh các yếu tố về trí và dũng, nhân tố sức khỏe cũng là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi vẻ vang này. Ngày nay, nước ta đang trong giai đoạn hội nhập nhanh chóng để theo kịp các quốc gia phát triển bậc nhất thế giới, chuyển dần từ một đất nước nông nghiệp chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa đó là cả một quá trình lâu dài đòi hỏi sự bền bỉ. Mỗi một quốc gia, thứ tạo nên sự lớn mạnh và trường tồn đó chính là yếu tố con người. Như Winston Churchill đã đưa ra lời khẳng định: “Người dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của bất cứ quốc gia nào”. Con người vốn dĩ là vốn quý nhất trong tự nhiên, mà sức khỏe là yếu tố quyết định. Một quốc gia muốn mạnh thì phải có nguồn nhân lực chất lượng về mỏi mặt, nhất là sức khỏe. 

Chính vì thế, để đảm bảo cho nguồn nhân lực chất lượng thì ta cần tích cực đầu tư vào y tế. Những nghiên cứu, phát minh, khoa học, công nghệ ra đời để nhanh chóng và đáp ứng kịp thời theo sự phát triển của đất nước. Trong kỷ nguyên mới ngành y tế càng thực sự cần thiết để con người có được sức khỏe tốt nhất để cống hiên cho xã hội. Khi sức khỏe con người ổn định thì đương nhiên mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều được thúc đẩy mạnh mẽ.

 

1.3 Vai trò trong việc đảm bảo về chất lương cuộc sống cho con người và đất nước

Suốt bốn năm qua, chắc không ai là không nhớ đến những khoảnh khắc đau thương mà Covid-19 đã gây ra cho nhân loại. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, đã có tổng 11.356.382 người nhiễm, tử vong 43.158 người, một con số đáng làm chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng các bạn thử tưởng tượng nếu như không có đội ngũ y tế đang ngày đêm dành dật từng tia hi vọng sống cho con người, những nhà nghiên cứu không ngừng nghỉ mày mò tìm ra các phương thuốc, vacine ngăn ngừa dịch bùng phát mạnh thì con số ấy còn tăng lên bao nhiêu nữa. Chữa khỏi cho 10.600.375 người, thật đáng ngưỡng bộ với sự cố gắng của những con người khoác trên mình chiếc áo blue trắng. 

Đại dịch vẫn còn đó, bài học chúng ta rút ra quá sâu sắc và đáng nhớ. Càng trong những trường hợp như thế này càng chứng tỏ được vị trí của ngành y trong cuộc sống là vô cùng to lớn và việc đầu tư, phát triển vào ngành y là quá đúng đắn. Y tế sẽ giúp chúng ta đảm bảo phòng chống và chữa bệnh cho người dân, tìm ra giải pháp để điều trị cho những căn bệnh mới trên toàn cầu. 

 

1.4 Ý nghĩa trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường hội nhập quốc tế

George Wilhelm đã từng nói: “Chúng tôi cố không bao giờ quên đi rằng y học là vì con người. Y học không phải là vì lợi nhuận. Lợi nhuận theo sau, và nếu chúng tôi nhớ được điều đó, lợi nhuận không bao giờ không xuất hiên. Chúng tôi càng ghi nhớ tốt điều đó, lợi nhuận lại càng lớn”.  Con người từ xưa đến giờ luôn là chủ thể chính của xã hội, có thể đưa ra những quyết định thay đổi về mặt hình thái kinh tế – xã hội. Hiện nay,  Việt Nam của chúng ta đang không ngừng được khẳng định trên những đấu trường quốc tế của mọi lĩnh vực. Đặc biệt, qua đại dịch covid-19, vị thế của chúng ta lại càng được củng cố và được thế giới gửi tặng một cái nhìn hoàn toàn mới về một đất nước nhỏ bé nhưng tinh thần chống dịch thì bất khuất, kiên cường như chống giặc.

Thế kỷ 21 là một thế kỷ mà sự hội nhập kinh tế như vũ bão, Việt Nam muốn đẩy nhanh việc giao lưu kinh tế với các quốc gia ngoài khu vực và trên thế giới thì bên cạnh việc phát triển nền kinh tế thị trường, cốt lõi là phải đảm bảo cơ sở vật chất, dịch vụ trong đất nước được ổn định. Y tế phát triển cũng là cơ hội để các đất nước khác đặt niềm tin để đầu tư vào nước ta. Vì vậy, Đàng, Nhà nước và toàn thể xã hội vần xem đây là chiến lược cốt lõi phát triển lâu dài và bền bỉ.

 

2. Đánh giá về thành tựu và hạn chế của ngành y hiện nay

2.1 Thành tựu của ngành y hiện nay

Thời gian vừa qua, dù ngành y tế Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, đặc biệt trong suốt 4 năm phải đấu tranh với đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19 với những nỗ lực của toàn thể cán bộ y tế, sự hỗ trợ của các Bộ, Ban ngành Trung ương, Địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các Tổ chức quốc tế, ngành y đã đạt những thắng lợi vô cùng to lớn. 

Điểm sáng trong thời gian qua được ghi nhận không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà trên toàn thế giới cũng nhìn đất nước ta với một vẻ đầy ngưỡng mộ đó là công tác phòng chống COVID-19. Được thế giới đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống COVID-19 với chi phí thấp nhất. Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19.

Bên cạnh đó, chống dịch COVID-19, ngành Y tế chủ động phòng chống, các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bạch hầu ở khu vực Tây Nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để “dịch chồng dịch”. Đến cuối năm 2020 hơn 1500 cơ sở y tế đã được kết nối. Đề án mở ra một giai đoạn mới trong chẩn đoán và điều trị, với hai mục tiêu là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết. Đề án giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế, xây dựng các văn bản pháp luật về đổi mới căn bản, toàn diện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám chữa bệnh.

 

2.2 Hạn chế của ngành y hiện nay

Trong công tác của ngành Y tế hiện nay vẫn còn bộc lộ tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch vừa qua. Hiện nay, giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh; nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đặc biệt, vừa qua đã xảy ra tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập. Hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế hầu như khi không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt ở những nhân viên y tế ở những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất qua các đợt bùng phát dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội,… Trong khi đó, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Bên cạnh đó, việc thực hiện chi trả phụ cấp trong phòng chống dịch cho nhân viên y tế còn chậm hoặc chi trả không đầy đủ tại một số địa phương; các yếu tố như môi trường làm việc có nơi có lúc còn bị thiếu vật tư, thiết bị cần thiết thực hiện hoạt động chuyên môn,…

Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tình trạng sai sót y khoa, chẩn đoán không đúng bệnh ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại gây phẫn nộ dư luận. Còn tình trạng nhiều cán bộ còn tham ô, tham nhũng gây thất thoát đến ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến bộ mặt y tế, làm mất lòng tin của nhân dân.

Những tồn tại, hạn chế trên, ngoài việc do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế – xã hội trên thế giới và trong nước, ảnh hưởng của những vấn đề trên đã tồn tại lâu dài của hệ thống y tế chưa được giải quyết triệt để, tác động của đại dịch COVID-19, còn do khá nhiều nguyên nhân khác như: Việc thực hiện theo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước còn chậm, chưa nhất quán; phương pháp quản lý, điều hành chưa thực sự đổi mới, chưa phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để giám sát; công tác giáo dục chính trị tư tưởng nặng tính hình thức, chưa chú trọng người làm trực tiếp. 

 

3. Giải pháp giải quyết những tồn tại, hạn chế của ngành Y tế 

“Sức khỏe của bạn – Trách nhiệm của chúng tôi” – Được xem là phương châm phục vụ đã thấm nhuần trong tư tưởng của mỗi cán bộ, bác sĩ, nhân viên. Trước những thách thức, khó khăn còn tồn đọng thì Đảng, Chính phủ, Bộ, các cơ quan ban ngành,… cần nhanh chóng đưa ra, thực hiện các biện pháp kịp thời trước mắt đề giải quyết những tồn tại trước mắt. Đơn cử như hiện nay thứ cần ưu tiên giải quyết tập trung xoay quanh vấn đề dịch COVD-19. Cần đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đầy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế … Hoàn thiện việc giải quyết chính sách về quyền lợi, tài chính cho các cán bộ nhân viên y tế;….

Bên cạnh đó, về lâu dài cũng cần đưa ra những giải pháp để khắc phục hạn chế, cụ thể như:

Thứ nhất, cần tiếp tục tập trung trong công tác phòng, chống các biến thể mới của Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành để góp phần phát hiện kịp thời, ngăn, ngừa sự lây lan của bệnh dịch nhằm đảm bảo cho đời sống xã hội ổn định, kinh tế phát triển bền vững. Đảm bảo tiêm vaccine 100% cho người dân, hoàn thành đủ số mũi.

Thứ hai, thường xuyên biểu dương, khen thưởng động viên tinh thân lực lượng y tế. Cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp, cải thiện môi trường làm việc để họ có thể yên tâm công tác.

Thứ ba, trước những vấn nạn liên quan đến vấn đề tham ô, tham nhũng trong ngành y tế hiện nay. Đảng, Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa để có thể kịp thời tháo gỡ các khó khăn, ngăn ngừa kịp thời các hành vi có ý định chuộc lợi cá nhân. Cần quyết liệt, sát sao hơn nữa trong các cuộc đấu thầu về vật tư, trang thiết bị y tế, quản trị đơn vị sự nghiệp công.

Thứ tư, đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh y tế. Thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế dự phòng, trong đó có hoàn thiện Gói dịch vụ y tế cơ bản.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ y tế. Đổi mới việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề, hình thành các trung tâm thi cấp chứng chỉ theo chuẩn mực quốc tế; đào tạo bác sỹ các trung tâm thi cấp chứng chỉ theo chuẩn mực quốc tế, chú trọng đạo tạo nguồn nhân lực y tế chất lường cho các tỉnh miền núi, dân tộc, tỉnh khó khăn. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo chuyển giao công nghệ trong y học; hình thành các trung tâm nghiên cứu y học mạnh gắn với các trường, các viện nghiên cứu và các bệnh viện. Thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm trong nước. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế tiến tới y tế số, y tế thông minh phục vụ người dân.

Thứ sáu, xây dựng kênh thông tin y tế toàn dân nhằm thông tin, truyền thông kịp thời đến người dân những sự kiện mới nhất để người dân hiểu, chia sẻ và kịp thời phòng chống.

Thứ sáu, chú trọng vào chất lượng dịch vụ y tế; đảm bảo cho việc người dân đều được chăm sóc và khám chữa bệnh bình đẳng như nhau.

Thứ bảy, giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên trong ngành. Khuyến khích trong việc đầu tư phát triển bản thân tiếp thu những kiến thức y học mới mẻ của nhân loại.

Thứ tám, kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; các đơn vị cấp khu vực, vùng. Xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Y trong thời gian tới; đặc biệt về y tế dự phòng, y tế cơ sở.

 

4. Tại sao cần phải “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”?

Nhận thấy phong cách và thái độ phục vụ người bệnh có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động khám chữa bệnh. Nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của các cán bộ y tế, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ, phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai đầy đủ các nội dung “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đây được xem là một trong những đột phá của ngành y tế, chủ trương này bao hàm rất nhiều nội dung mà chúng ta mỗi người cán bộ y tế cần chú tâm đến. 

Bác Hồ sinh thời từng răn dậy một triết lý: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.  Như vậy, có thể thấy Bác rất xem trọng phẩm chất con người, đặc biệt của cán bộ ngành y lại càng có ý nghĩa quan trọng. Đã có rất nhiều bệnh viên trên cả nước hưởng ứng rất nhiệt tình chủ trương của Bộ, xem sự đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh được coi là “kim chỉ nam” cho chiến lược xây dựng thương hiệu của mỗi bệnh viện. “Sự hài lòng” của người bệnh được coi là “đích đến”, động lực cạnh tranh về uy tín, thương hiệu, chất lượng dịch vụ y tế giữa các bệnh viện lớn trong khu vực. Đây là cơ hội để mỗi cán bộ y tế, nhân viên ngành y thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. 

Có thể thấy, thời gian qua có quá nhiều sự việc tiêu cực làm ảnh hưởng lớn đến bộ mặt ngành y Việt Nam như: Việc người nhà bệnh nhân hành hung các y bác sĩ vì thái độ phục vụ không tốt; việc bác sĩ có những hành động, lời nói xúc phạm đến bệnh nhân; nạn đưa và nhận phong bì tại bệnh viện công; mất cân đối nghiêm trọng trong cung – cầu về dịch vụ y tế;….. Đã có khoảng thời gian dài, người dân mất lòng tin vào Bộ y tế, rất nhiều người hiểu sai về cách làm việc và ý nghĩa của nghề y. Tại thời điểm đó, nội bộ trong ngành y hình thành nên bộ phận bao gồm những công chức, viên chức sa sút phẩm chất đạo đức, suy giảm về nhận thức chính trị, vi phạm pháp luật, quan liêu tham nhũng, lãng phí, bè phái, thực dụng, đặc biệt hơn là có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người bệnh, người dân,… Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt là cần chấn chỉnh lại công tác, tác phong và thái độ phục vụ của các cán bộ y bác sĩ. Thái độ ứng xử rất quan trọng ở bất cứ nơi đâu, trong bệnh viện càng phải vậy. Trong bệnh viên, thái độ ứng xử được xếp hàng đầu cho sự thành công, đặt sự hài lòng người bệnh, nó luôn đi trước phần kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Khi bệnh nhân tìm đến bệnh viện có nghĩa là họ cảm thấy sức khỏe của họ đang gặp vấn đề cần sự giúp đỡ của bác sĩ, những lúc này thái độ của bác sĩ rất quan trọng, thái độ tốt tạo ra cho khách hàng cảm giác tin cậy, được an ủi và có thể chia sẻ cụ thể bệnh tình. Tiếp xúc với bệnh nhân phải bắt đầu từ cổng bệnh viện, đến phòng bệnh rồi đến các khoa phòng, phải làm tố chế độ tâm lý, tiếp xúc bệnh nhân từ người bảo vệ, hộ lý đến bác sĩ, giám đốc luôn vui vẻ, niềm nử, tiếp đón bệnh nhân như tiếp đón người nhà, tạo không khí ấm cúng, làm dịu cảm giác lúng túng, rụt rè, lo lắng ban đầu của bệnh nhân khi đến bệnh viện. Trong tiếp xúc, thầy thuốc phải tế nhị trong khi hỏi bệnh sử và cần để bệnh nhân tự giác trình bày.

Một đặc điểm lớn nhất trong khám chữa bệnh là thầy thuốc biết lắng nghe. Cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và thầy thuốc phải luôn tôn trọng trong không khí thân mật, tôn trọng. Khi bệnh nhân có tình cảm và lòng tin đối với thầy thuốc và bệnh viện, bao giờ cũng coi thầy thuốc là vị cứu tinh của mình nên thầy thuốc đừng làm mất lòng tin đó và phải củng cố lòng tin đó, muốn vậy thì thầy thuốc phải có lòng thương yêu bệnh nhân, tin tưởng gắn bó với bệnh nhân, không sợ bệnh nhân không tin mình, thiếu tình cảm với mình mà chỉ sợ thầy thuốc đánh mất tình cảm, lòng tin trong lòng bệnh nhân. Đây chính là lí do tại sao lại cần phải “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” hiện nay. Bởi lẽ, thái độ thầy thuốc với bệnh nhân không chỉ là văn hóa ứng xử trong bệnh viện mà còn là liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhân có động lực vượt qua khó khăn bệnh tật. Vì vậy, người thầy thuốc đòi hỏi phải có một năng lực trí tuệ nhất định, một sự tinh thông nghề nghiệp kỹ càng, hết lòng tận tụy tận tâm với nghề và một trái tim biết rung cảm mạnh mẽ với nỗi đau của người bệnh. 

Để có thể làm tốt được cả về chuyên môn lẫn thái độ phục vụ, các cán bộ cần được trang bị kĩ càng về mặt tư tưởng, lý luận chính trị. Trước mắt là làm tốt nhiệm vụ quản lý hệ thống thông tin của Bệnh viên cụ thể trong việc tham gia đóng góp, có trách nhiệm tham mưu, xây dựng, triển khai nhằm mục đích có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viên. Các cán bộ y tế cần phải chấp hành và thực hiện đúng các nội dung đã cam kết về việc thay đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong quá trình giao tiếp ứng xử hàng ngày, các chủ thể là cán bộ y tế bình tĩnh khi nảy sinh mâu thuẫn để có thể thông qua đó nhanh chóng tìm ra nguyên nhân xử lý. Rèn luyện tính cần mẫn, chịu áp lực tốt,… để có thể linh hoạt ứng phó với bất kì bệnh nhân nào, trong từng trường hợp nào. Thay đổi thái độ không phải chỉ ở trong mỗi quan hệ người nhà bệnh nhân với các y bác sĩ mà ngoài ra còn có thái độ ứng xử của các đồng nghiệp với nhau. Là đồng nghiệp với nhau phải biết lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau động viên và phối hợp nhịp nhàng trong công việc để tạo ra hiệu quả cao nhất. 

Nhằm giúp phong trào đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế triển khai có hiệu quả hơn thì về cơ bản ta có thể triển khai có hiệu quả hơn một số giải pháp sau: Đầu tiên là nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đội ngũ y bác sĩ cả về tay nghề lẫn thái độ phục vụ; Cần lựa chọn và đưa ra một mô hình khám chữa bệnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn, làm sao để bệnh nhân nào cũng được hưởng chế độ khám chữa bệnh tốt nhất, được chăm sóc như nhau, cải thiện tình trạng quá tải bệnh nhân, phải để cho bệnh nhân chờ đợi; Đẩy mạnh công tác truyền thông, các bệnh viện có thể thành lập các tổng đài tư vấn sức khỏe qua tổng đài hoặc thông qua các trang web, mạng xã hội để người dân dễ dàng tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh nhất, vừa nhanh, vừa tiện, vừa kịp thời; Về phía Nhà nước cần nhất quán, quyết liệt hơn nữa trong việc đánh gí thái độ của các cán bộ y tế, đúng thì thưởng, sai thì phạt, không dung túng, bao che cho các hành vi chuộc lợi cá nhân.

“Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” theo quan điểm của tác giả không phải có thể làm trong ngành một ngày hai mà đó là cả một quá trình, cần sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ các cơ quan ban ngành, của đội ngũ y bác sĩ và của cả bệnh nhân. Thái độ thầy thuốc với bệnh nhân không chỉ là văn hóa ứng xử trong bệnh viện mà còn là liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhân có động lực vượt qua khó khăn bệnh tật. Vì vậy, người thầy thuốc đòi hỏi phải có một năng lực trí tuệ nhất định, một sự tinh thông nghề nghiệp kỹ càng, hết lòng tận tâm với nghề và một trái tim biết rung cảm mạnh mẽ với nỗi đau của người bệnh.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư Luật Minh Khuê về vấn đề “Bài thu hoặc Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6162 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời. Hy vọng những thông tin trên chúng tôi cung cấp sẽ hỗ trợ giúp bạn trong việc hiểu rõ hơn về các thông tin liên quan đến ngành Y tế nước ta. Trong trường hợp bài viết có nội dung nhầm lẫn hoặc có thắc mắc về vấn đề gì bạn có thể vui lòng liên hệ đến công ty Luật Minh Khuê để được hỗ trợ nhanh nhất. Rất mong được hợp tác cùng quý khách hàng. Xin chân thành cảm ơn!