Bài giảng môn bệnh cây đại cương |

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM

KHOA NÔNG HỌC

BỘ MÔN SINH THÁI NN & BVTV

 

 

1clip_image002.jpg” width=”172″ />

1clip_image002.jpg” width=”172″ />

 

 

 

Bài giảng môn

 BỆNH CÂY ĐẠI CƯƠNG

 

 

 

 

 

 

 

Người soạn: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG OANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thái Nguyên, năm 2014

CHƯƠNG 1

KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BỆNH CÂY

 

1.1. KHOA HỌC BỆNH CÂY TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

1.1.1. Đối tượng nghiên cứu

Khoa học bệnh cây là môn khoa học nghiên cứu về bản chất các loại bệnh hại cây trồng và hệ thống các biện pháp phòng trừ tổng hợp có hiệu quả kinh tế nhất nhằm bảo vệ và nâng cao năng suất, phẩm chất cây trồng.

Nghĩa là nghiên cứu trạng thái cây bị bệnh, nguyên nhân gây ra bệnh làm cho cây sinh trưởng phát triển kém, năng suất bị giảm sút. Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh và những cơ sở của các biện pháp phòng trừ đó. Trong nghiên cứu bệnh cây ta cần thấy rõ mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa 3 yếu tố: ký chủ; nguyên nhân gây bệnh; và điều kiện ngoại cảnh được thể hiện ở các mặt sau đây:

– Nghiên cứu quá trình bệnh lý, các triệu chứng đặc trưng của cây bệnh và chẩn đoán bệnh;

– Nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh và các đặc điểm;

– Nghiên cứu về tác hại, tính phổ biến, quy luật phát sinh phát triển của bệnh và dịch bệnh, dự tính dự báo bệnh cây trong các vùng sinh thái;

– Nghiên cứu bản chất các yếu tố của tính miễn dịch và tính kháng bệnh của giống cây trồng để ứng dụng trong sản xuất;

– Nghiên cứu các biện pháp phòng trừ tổng hợp để hạn chế tác hại của các loại bệnh hại cây trồng trong những điều kiện tự nhiên và kinh tế nhất định.

1.1.2. Những thiệt hại về kinh tế do bệnh cây gây ra

Khi cây bị bệnh, nó thường gây ra nhiều thiệt hại cho các nhà trồng trọt như:

– Làm giảm năng suất là do:

+ Cây chết

+ Một số bộ phận như: củ, quả, hạt lá bị huỷ hoại

+ Cây bị bệnh sự sinh trưởng phát triển kém

– Làm giảm phẩm chất nông sản khi thu hoạch và cất giữ, cụ thể là giảm giá trị dinh dưỡng, giá trị thẩm mỹ, giảm sức sống của hạt…

– Làm ảnh hưởng đến đất đai trồng trọt, tính chất hoạt động của thành phần vsv đất nhất là khi sử dụng thuốc hoá học để phòng trừ bệnh và xử lý đất.

– Một số bệnh hại còn có thể sinh ra độc tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và đời sống của con người.

Ví dụ: bệnh mốc vàng hại lạc do nấm Aspergillus flavus gây ra mà loại nấm này lại sản sinh ra độc tố Aflatoxin gây bệnh ung thư gan ở người và động vật.

1.1.3. Những biến đổi của cây bị bệnh

Khi cây bị bệnh thì cấu tạo bên ngoài và các chức năng sinh lý ở bên trong cây đều bị thay đổi. Những thay đổi đó là:

1.1.3.1. Biến đổi về tính chất lý hoá học của tế bào và mô cây

– Tăng ngoại thẩm thấu:

Ký sinh vật xâm nhập vào bên trong mô tế bào cây trồng có những loại có khả năng bài tiết vào cây trồng những vật chất có khả năng làm tăng độ ngoại thẩm thấu làm cho nước từ trong tế bào thoát ra ngoài dẫn đến phá vỡ áp lực thẩm thấu và tính trương của tế bào, ngoài ra các chất trong tế bào cũng theo nước mà ra ngoài (nước là điều kiện cần thiết biểu hiện sự sống của chất nguyên sinh cũng như của tế bào). Khi mất nước tế bào mất sức trương, nếu mất nước quá nhiều có thể dẫn đến hiện tượng co nguyên sinh và tế bào sẽ bị chết. Với những cây có khả năng chống bệnh cao thì hiện tượng trên ít xảy ra.

– Thay đổi độ keo nhớt của chất nguyên sinh (CNS):

Độ keo nhớt của CNS thay đổi phụ thuộc nhiều vào điều kiện ngoại cảnh. Khi nhiệt độ tăng keo nhớt của CNS thường giảm xuống và ngược lại. Độ keo nhớt của CNS còn thay đổi theo quy luật sống của cây. Cây còn non thì độ nhớt thấp, cùng với sự phát triển của cây thì độ nhớt của CNS cũng tăng lên. Thời kỳ cây ra nụ, ra hoa độ nhớt của CNS giảm, kết thúc thời kỳ này độ nhớt sẽ tăng lên. Khi độ nhớt của keo nguyên sinh giảm cây rất dễ bị ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh (cây dễ mẫn cảm với bệnh), độ nhớt của CNS cao giúp cho tế bào có khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận tốt hơn.

Khi ký sinh vào trong cây các hoạt chất và các độc tố của chúng có thể tiến hành thuỷ phân các hợp chất polime thành các hợp chất hữu cơ hoà tan nên thường làm giảm độ keo nhớt của CNS làm cho cây dễ mẫn cảm với bệnh. Sự thay đổi này phụ thuộc nhiều vào khả năng chống chịu bệnh của cây, cây cảm bệnh thì độ keo nhớt biến đổi nhiều, cây chống bệnh thì độ keo nhớt biến đổi ít hơn.

– Phá huỷ và thay đổi về số lượng, kích thước của nhân, ty thể và lạp thể:

Như ta đã biết nhân có vai trò rất lớn trong việc tổng hợp ARN và protein. Lạp thể giữ vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi gluxit. Ty thể có chức năng tổng hợp các liên kết phôt phat cao năng ATP và chuyển hoá năng lượng của tế bào. Vì vậy khi ký sinh xâm nhập vào cây nó có thể làm tê liệt quá trình tổng hợp ARN, protein, quá trình trao đổi gluxit và quá trình trao đổi năng lượng.

1.1.3.2. Biến đổi về cường độ quang hợp

Quang hợp là quá trình mà cơ thể thực vật biến đổi năng lượng ánh sáng mặt trời thành năng lượng hoá học dưới dạng các hợp chất hữu cơ.

Hầu hết các bệnh hại đều làm giảm sút cường độ quang hợp của cây. Sự giảm sút này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như:

– Ký sinh vật tiết ra men Clorofilaza, proteaza, những men này làm phá huỷ clorofin làm ảnh hưởng tới quang hợp của tế bào;

– Do sợi nấm phủ kín trên bề mặt mô bệnh làm giảm độ chiếu sáng từ đó làm giảm cường độ quang hợp (trường hợp nấm muội đen, nấm phấn trắng);

– Do các mô bị bệnh bị chết làm giảm diện tích quang hợp. Bệnh càng nặng quang hợp càng giảm.

Ngoài ra sự biến đổi của quang hợp còn phụ thuộc vào:

– Cây trồng: Với những cây có khả năng chống bệnh cao thì sự biến đổi này sẽ ít hơn, ví dụ như giống lúa có khả năng chống bệnh đạo ôn thì vết bệnh thường không phát triển được rộng nên diện tích lá lúa bị phá huỷ thường ít hơn, nên cũng ít ảnh hưởng đến quá trình quang hợp hơn.

– Ký sinh vật gây bệnh: Đối với những vi sinh vật có nhiều men và nhiều độc tố nó sẽ làm ảnh hưởng nhiều hơn đến quang hợp của cây trồng.

– Điều kiện ngoại cảnh: Khi điều kiện ngoại cảnh phù hợp cho vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán thì bệnh càng nặng và càng ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây trồng.

1.1.3.3. Biến đổi về hoạt động hô hấp

Hô hấp là sự phân giải oxi hoá các chất dự trữ như gluxit, lipit, protein dưới tác động của enzim làm giải phóng năng lượng và những chất khác cho các hoạt động sống của cơ thể.

Công thức: C6H12O6+ 6O2→ 6CO2+ 6H2O + 686 Kcal

Hô hấp của cây chủ có tác dụng làm mất hoạt tính độc của các chất độc do ký sinh sản sinh ra. Hô hấp có tác dụng ức chế hoạt tính của các enzim thuỷ phân của vi sinh vật, ngoài ra các sản phẩm tạo nên trong quá trình ôxi hoá của hô hấp như các phenol, quinol, axit chlorogenic, các tanin…được xem là các chất có tác dụng sát trùng, sự hình thành các chất này khi cây bị bệnh được xem là phản ứng bảo vệ cây.

Thời kỳ đầu khi cây mới bị bệnh hô hấp thường tăng lên và các sản phẩm của chúng cũng được tăng lên. Sự tăng lên này là do tác động của ký sinh làm cho các men ôxy hoá như men peroxidaza, catalaza…tăng cường hoạt tính. Do đó không những hô hấp được tăng cường mà các sản phẩm oxy hóa (quinon) cũng được sản sinh ra nhiều hơn. Các sản phẩm này có thể ức chế hoạt động của các emzim khử (dehydrase), nhất là ở các giống có tính kháng cao. Hiện tượng biến đổi này là do hoạt động của cây trồng khi có sự tác động của ký sinh, nên còn được xem như là một biểu hiện của phản ứng tự vệ tích cực của cây đối với bệnh. Về sau cường độ hô hấp sẽ giảm xuống, sự giảm cường độ hô hấp ở giai đoạn này có thể do 2 nguyên nhân:

– Đối với cây chịu bệnh kém, hiện tượng giảm hô hấp là do sự huỷ hoại của các mô tế bào (các mô tế bào bị chết);

– Đối với cây chịu bệnh khá thì sự giảm hô hấp là hiện tượng chống bệnh của cây để đưa hô hấp trở lại trạng thái như ban đầu.

Trong trường hợp bề mặt lá bệnh bị bao phủ bởi lớp nấm thì hô hấp bị giảm ngay từ đầu (như bệnh nấm muội đen).

Sự thay đổi về hoạt động hô hấp của cây phụ thuộc nhiều vào những đặc tính như: đặc tính ký sinh của vi sinh vật gây bệnh; đặc điểm của mô tế bào cây trồng; đặc tính chống chịu bệnh của giống cây trồng; và giai đoạn phát triển của quá trình bệnh lý.

1.1.3.4. Phá hủy quá trình tổng hợp trao đổi chất khoáng, gluxit, đạm và chất điều hòa sinh trưởng của cây

– Cây bị bệnh thì quá trình trao đổi chất khoáng bị thay đổi do tính thẩm thấu của tế bào bị thay đổi (do tăng ngoại thẩm thấu).

– Khi cây bị bệnh dấu hiệu đặc trưng của nó là hàm lượng gluxit trong mô cây bị giảm xuống là do quá trình quang hợp bị giảm, do hoạt động của các men thuỷ phân mà ký sinh tiết vào mô ký chủ, và do sự thay đổi hoạt tính của men cacbohidraza của cây ký chủ dưới tác động của ký sinh.

– Khi cây bị bệnh thì lượng đạm tổng số sẽ giảm là do quá trình dị hoá tăng và được thải ra ngoài dưới dạng khí.

– Cây bị bệnh thì hàm lượng đường tăng giảm thất thường, về sau thì lượng đường sẽ giảm hẳn do ảnh hưởng của quá trình quang hợp.

Phản ứng tổng quát của quang hợp ở dạng đơn giản như sau:

6CO2 + 12H2O → C6H12O6 + 6O2 + 6H2O

Sản phẩm tạo ra là ôxy và đường. Theo phân tích ở trên khi cây bị bệnh thì quang hợp bị giảm từ đó dẫn đến lượng đường tổng hợp được ở trong cây cũng bị giảm. Ngoài ra ta còn thấy tỷ số các loại đường trong cây cũng thay đổi do tác động của men thuỷ phân từ đường đa phân tử thành đường đơn để ký sinh dễ hấp thụ.

1.1.3.5. Biến đổi về chế độ cân bằng nước

Cây bị bệnh thường dẫn đến sự mất nước của mô tế bào do:

– Cường độ thoát nước tăng lên (trong một giai đoạn nào đó) là do: ngoại thẩm thấu của tế bào tăng dẫn đến cường độ thoát nước tăng; tiết diện tổn thương của mô bảo vệ bề mặt của mô tế bào tăng; nhịp độ đóng mở của khí khổng bị phá hỏng; và sự tổn thương của bộ phận dẫn và hút nước.

– Phá hủy cơ quan hút nước vào cây và cơ quan vận chuyển (rễ, bó mạch dẫn). Đối với các loại bệnh hại ở mạch dẫn (sợi nấm phát triển vít tắc mạch dẫn, dịch vi khuẩn vít tắc mạch dẫn, khối u sưng, các chất gôm) làm tắc sự lưu thông vận chuyển nước ảnh hưởng nhiều đến quang hợp của cây. Theo Đimon và Vagônê, 1953 cho biết nấm Fusarium đã gây ra sự kìm hãm đến vận chuyển của Xylema xuống 25 lần so với bình thường. Khi cây mất nước nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng héo rũ cây.

1.1.3.6. Biến đổi cấu tạo mô tế bào

Khi cây bị bệnh sự biến đổi về sinh lý, quá trình trao đổi chất…dẫn đến thay đổi về hình thể và giải phẫu cấu tạo tế bào và mô, cụ thể là:

– Sưng tế bào (do tế bào tăng về kích thước)

– Tạo ra các khối u (do tế bào sinh sản quá độ)

– Hoại tử (do tế bào bị biến chất, thoái hoá…)

1.1.4. Định nghĩa bệnh cây

          Bệnh cây là động thái phức tạp đặc trưng của một quá trình bệnh lý liên tục xảy ra ở trong cây do các nhân tố kí sinh hoặc do một yếu tố môi trường không thích hợp nào đó gây ra, dẫn đến sự phá huỷ các chức năng sinh lý, cấu tạo và làm giảm sút phẩm chất, năng suất của cây trồng trong những điều kiện ngoại cảnh nhất định.

1.2.Những triệu chứng bệnh cây

Tuỳ theo tính chất của từng loại bệnh khác nhau (cục bộ hay toàn bộ) mà chúng có những triệu chứng khác nhau. Sau đây là một số triệu chứng thường gặp

– Vết đốm: Hiện tượng chết từng đám mô thực vật tạo ra các vết có hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau: hình tròn, bầu dục, to nhỏ, màu nâu, xám…

– Thối hỏng: Hiện tượng cấu trúc mô tế bào bị phá vỡ và xảy ra 2 hiện tượng thối

+ Thối khô: Bộ phận bị bệnh trở thành màu sắc khác nhau như: đen, đỏ, nâu… nhưng không bị thối nhũn mà lại rắn cứng, có thể vẫn giữ được hình dạng ban đầu.

Ví dụ: Bệnh khô cành ngọn sắn, cam. Bệnh thối đen quả bông, thối đỏ quả bông

+ Thối nhũn: Bộ phận bị bệnh bị phá vỡ cấu tạo tổ chức mô thực vật tạo thành một khối nhão, nhũn, nhầy nhụa.

Ví dụ: Bệnh sương mại hại quả cà chua, bắp cải thối nhũn..

– Chảy gôm: Hiện tượng nhựa chảy ra từ các vết nứt nhỏ trên thân cây và phía trong của vỏ cây trở nên có mầu nâu tạo thành gôm. Sau đó vỏ cây bị khô, nứt ra. Vết bệnh có thể lan xung quanh thân hoặc dọc theo thân cây.

Ví dụ: Bệnh chảy gôm ở cam quýt, mận, mơ, đào…

– Héo rũ: Bộ phận rễ hoặc bó mạch dẫn bị hại do nguyên nhân ký sinh hoặc sinh lý gây ra khiến cho toàn cây bị bệnh và dẫn tới héo chết.

Ví dụ: Bệnh héo ở lạc do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do thiếu nước hoặc do yếu tố vsv (nấm, vi khuẩn).

– Biến màu: Bộ phận bị bệnh bị biến màu và có một số dạng điển hình sau:

+ Hoa lá: Lá bị bệnh loang lổ chỗ xanh chỗ vàng xen lẫn nhau, có khi lá bé nhỏ lại.

Ví dụ: Bệnh hoa lá thuốc lá, bầu, bí, ớt

+ Biến vàng: Là hiện tượng toàn phiến lá có màu vàng, gân lá có màu xanh.

Ví dụ: Vàng lụi hại lúa.

+ Biến màu trắng: Bệnh thiếu Fe, Mg ở ngô, chè cam

– Biến dạng: Bộ phận bị bệnh biến đổi hình dạng rõ rệt khác thường, cành lá cong queo, cây thấp lùn hoặc cao vống lên.

Ví dụ: xoăn lá cà chua, thuốc lá, bệnh lúa von

– U sưng: Hiện tượng tế bào tăng nhanh cả về số lượng và kích thước

Ví dụ: Bệnh sưng rễ bắp cải (do nấm), bệnh sùi cành chè.

– Lở loét: Bộ phận bị bệnh nứt vỡ lở loét

Ví dụ: Bệnh loét hại cam ở lá, cành và quả

– Lớp phấn phủ: Trên mặt lá có một lớp sợi nấm và cơ quan sinh sản bào tử rất mỏng, xốp, mịn như một lớp bột phấn màu trắng hoặc đen phủ kín.

Ví dụ: Bệnh phấn trắng ở bầu bí, bệnh muội đen ở lá cam

– Ổ nấm: Là những ổ bào tử nấm nổi lên, lộ ra trên bề mặt lá do Lớp biểu bì bị nứt vỡ.

Ví dụ: Bệnh gỉ sắt ở ngô, đỗ tương, nho…

– Mumi: Là hiện tượng quả, hạt, bông cờ bị phá huỷ, bên trong chứa đầy 1 khối sợi nấm và bào tử.

Ví dụ: Bệnh than đen ở ngô.

 

1.3.  NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH CÂY VÀ KHÁI NIỆM VỀ ĐẶC TÍNH KÝ SINH CỦA VI SINH VẬT GÂY BỆNH

1.3.1. Nguyên nhân gây bệnh cây: Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh cây

– Nhóm bệnh không truyền nhiễm (bệnh sinh lý)

Là nhóm bệnh do nguyên nhân phi sinh vật gây ra (trường hợp đất thiếu dinh dưỡng, nhiệt độ quá cao, khí hậu thay đổi đột ngột, cây bị ngập úng hoặc khô hạn v.v. dẫn đến hiện tượng làm cho cây phát triển kém và có thể bị chết.

– Nhóm bệnh truyền nhiễm (bệnh ký sinh)

Nguyên nhân do các loại vi sinh vật khác nhau (virut, vi khuẩn, nấm, tuyến trùng, dịch khuẩn bào, rong tảo) hoặc do một số thực vật thượng đẳng sống ký sinh gây ra (dây tơ hồng).

1.3.2. Sự tác động của vi sinh vật gây bệnh vào cây

Vi sinh vật tác động vào cây bằng các con đường khác nhau

– Chúng có thể sử dụng các vật chất dinh dưỡng của cây để thoả mãn yêu cầu của đời sống.

– Có thể phá hoại bộ rễ, bó mạch dẫn làm cho cây không hút được nước và chất dinh dưỡng.

– Chúng sản sinh ra các độc tố tác động phân giải và đầu độc tế bào cây trồng dẫn tới phá huỷ hệ thống enzim và các quá trình trao đổi chất của cây.

– Quan hệ giữa cây trồng và vi sinh vật gây bệnh là “ quan hệ ký sinh”

+ Tính ký sinh: Là hình thức quan hệ giữa hai cơ thể mà một cơ thể này sống bám và sử dụng các nguồn chất ăn ở cơ thể kia để sống.

+ Cây ký chủ: Là cây trồng mà ở đó cung cấp nguồn chất ăn cho vsv gây bệnh sống và phát triển.

1.3.3. Khái niệm về đặc tính ký sinh và phân chia tính ký sinh của vi sinh vật gây bệnh cây

Tuỳ theo theo tính chất, mức độ ký sinh và phương thức khai thác, sử dụng thức ăn mà người ta phân chia tương đối ra 4 mức độ sau:

– Hoại sinh (saprofitico obligatoriom): Gồm những vi sinh vật chỉ sống được trong đất hoặc trong những mô cây đã chết, có nghĩa là chúng không sống được ở những mô tế bào còn sống. Hầu hết những loại vi sinh vật này không những không có vai trò trong việc gây bệnh cho cây mà nó còn có vai trò trong việc phân giải vật chất hữu cơ ở trong đất. Mặt khác con người còn sử dụng chúng làm vi sinh vật đối kháng với vi sinh vật gây bệnh cho cây, hoặc sử dụng những sản phẩm do chúng tiết ra làm thuốc kháng sinh.

– Bán hoại sinh (bán ký sinh tự do có điều kiện polisaprofitico, parasito facultativo): Là tính chất ký sinh của những vi sinh vật sống chủ yếu trong các mô tế bào đã chết, trên tàn dư cây trồng, trong hạt TV, trong đất, nhưng trong điều kiện cho phép chúng có thể ký sinh gây bệnh trên mô tế bào cây còn sống và trên mần cây con đã suy yếu. Ví dụ như một số loài nấm mốc.

– Bán ký sinh (hoại sinh tự do có điều kiện poliparasitica, Saprofitica facultativa): Là đặc tính ký sinh của những vi sinh vật sống ký sinh trên những tế bào sống của cây là chủ yếu nhưng trong những điều kiện nhất định, trong chu kỳ phát triển cá thể (giai đoạn sinh sản hữu tính) nó vẫn có khả năng sống, tồn tại trên các tàn dư cây trồng, trên các mô cây đã chết. Loại này có số lượng rất nhiều và phá huỷ cây trồng rất mạnh (một số loài nấm túi là những loại bán ký sinh rất điển hình).

– Ký sinh (parasito): Là vi sinh vật chỉ có khả năng sống trên mô tế bào còn sống, không có khả năng sống trên mô tế bào cây đã chết. Vi sinh vật ký sinh có 2 loại:

+ Ký sinh không bắt buộc: Gồm những vi sinh vật sống ký sinh trong mô cây sống là chủ yếu nhưng có thể nuôi cấy trên môi trường nhân tạo;

+ Ký sinh bắt buộc hoặc ký sinh chuyên tính: Là đặc tính ký sinh của những vi sinh vật chỉ có khả năng sống trên mô tế bào cây còn sống, chúng không sống được trong mô tế bào cây đã chết (tàn dư cây bệnh) hoặc trong môi trường nhân tạo. Ví dụ như các loại nấm sương mai, nấm gỉ sắt, nấm phấn trắng, hoặc các loại siêu vi trùng v.v….

1.3.4. Quá trình tiến hóa của vi sinh vật gây bệnh cây

Quá trình tiến hoá tính ký sinh của vsv gây bệnh đi theo hướng từ hình thức sống hoại sinh ban đầu, dần dần thích ứng với cây trồng mà tiến lên hình thức sống ký sinh ở mức độ thấp (bán hoại sinh, bán ký sinh) rồi đến mức độ cao là ký sinh bắt buộc.

Sự tiến hoá của vi sinh vật gây bệnh: Hoại sinh- bán hoại sinh- bán ký sinh- ký sinh không bắt buộc- ký sinh bắt buộc – cộng sinh (simbiosis). Cộng sinh là hình thức 2 cơ thể cùng sống theo hướng ký sinh tương hỗ với nhau, cơ thể này ảnh hưởng có lợi cho cơ thể kia và ngược lại.

Sự khác nhau về tính ký sinh của các vi sinh vật chủ yếu do thành phần số lượng men và độc tố của chúng quyết định.

+ Đối với vi sinh vật bán hoại sinh, bán ký sinh thành phần số lượng men và các độc tố nhiều và phong phú hơn. Chúng dùng vũ khí này làm cho mô cây suy yếu và chết nhanh để khai thác thức ăn là những vật chất hữu cơ đã và đang chết thoả mãn cho nhu cầu dinh dưỡng của chúng.

+ Với những vi sinh vật có tính ký sinh bắt buộc hoặc không bắt buộc thì số lượng men của chúng ít hơn và chuyên hơn nên khi xâm nhập vào cây nó chỉ tác động một cách ôn hoà chậm chạp, không những chúng không giết tế bào với tốc độ nhanh như loại bán ký sinh và bán hoại sinh mà lúc đầu chúng còn làm tăng một số hoạt động sống của cây trồng. Khi ta nắm được đặc tính ký sinh của vi sinh vật gây bệnh ta có thể tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế bệnh hại. Đối với ký sinh bắt buộc và không bắt buộc ta có thể dùng biện pháp luân canh cây trồng. Đối với vi sinh vật bán hoại sinh và bán ký sinh ta có thể dùng biện pháp canh tác để tác động lên cây trồng tạo cho cây trồng có khả năng chống bệnh tốt hơn.

1.3.5. Khả năng gây bệnh của vi sinh vật gây bệnh

Khả năng gây bệnh của vi sinh vật gây bệnh phụ thuộc vào những đặc tính sau:

– Tính xâm lược hoặc tính phản động (agresive): Là khả năng của ký sinh tấn công từ ngoài vượt qua những trở ngại và những phản ứng chống đối của cây trồng để xâm nhập vào trong cơ thể cây trồng. Vi sinh vật ký sinh bắt buộc và không bắt buộc có tính xâm lược cao hơn là bán ký sinh và bán hoại sinh vì nó chỉ tác động vào cây một cách ôn hoà và chậm chạp nên quan hệ đối kháng của cây cũng không mãnh liệt, do vậy nó xâm nhập vào cây dễ dàng hơn.

– Tính gây bệnh: Là khả năng của vi sinh vật làm cho cây nhiễm bệnh, tức là khả năng của ký sinh tiết ra các men và độc tố làm đảo lộn các quá trình sinh lý ở bên trong cây làm cho cây sinh trưởng kém có thể dẫn đến chết. Tính gây bệnh này ở vi sinh vật bán ký sinh và bán hoại sinh cao hơn ở ký sinh bởi nó có số lượng men và độc tố phong phú hơn nên nó có thể tác động vào cây một cách mạnh hơn.

– Tính gây độc: Là khái quát của 2 tính trên (tính xâm lược và tính gây bệnh), là khả năng thể hiện sự phá hoại của ký sinh đối với cây trồng.

1.3.6. Tính chuyên hoá của vi sinh vật gây bệnh cây

Một loài cây hoặc nhiều loài cây khác nhau do 1 loài ký sinh nào đó gây ra bệnh gọi là “phổ ký chủ” hay còn gọi là “phạm vi ký chủ” của loài ký sinh đó

Khả năng chọn lọc và thích ứng của 1 loài ký sinh trên một phạm vi ký chủ nhất định gọi là “tính chuyên hoá của ký sinh vật”

Tính chuyên hoá rộng hay hẹp là do phạm vi ký chủ của ký sinh đó rộng hay hẹp. Người ta chia làm 2 loại:

+ Tính đơn thực: Là khả năng gây bệnh của ký sinh ở phạm vi hẹp (kí sinh có thể gây bệnh ở các giống cây trồng nằm trong một loài cây nhất định) hay còn gọi là chuyên hoá hẹp, như vi khuẩn Xanthomonas malvacearum chỉ có gây bệnh trên cây bông.

+Tính đa thực: Là khả năng của ký sinh có thể gây bệnh trên một phạm vi cây trồng rộng nghĩa là một loài ký sinh có thể gây bệnh cho các họ cây khác nhau – còn gọi là chuyên hoá rộng. Như P. solanacearum gây héo rũ các loại cây họ đậu, họ bầu bí, họ cà chua v.v.

Người ta nghiên cứu tính chuyên hoá có tác dụng nhiều trong phòng trừ bệnh hại cây trồng. Với những loại kí sinh có tính chuyên hoá hẹp ta có thể phòng trừ bằng biện pháp luân canh cây trồng để cắt nguồn thức ăn của vi sinh vật gây bệnh cây, từ đó có thể hạn chế được bệnh.

– Tính chuyên hoá mô, tính chuyên hoá cơ quan: Là khả năng của vi sinh vật chỉ gây bệnh trên bộ phận mô nhất định hoặc trên cơ quan nhất định nào đó của cây. Ví dụ vi khuẩn X. oryzea chỉ hại trên lá lúa.

– Tính chuyên hoá giai đoạn, tính chuyên hoá tuổi sinh lý: Là khả năng của kí sinh chỉ thích ứng gây bệnh trên các cơ quan ở một giai đoạn hoặc một tuổi sinh lý nhất định.

1.4. CHẨN ĐOÁN BỆNH CÂY

1.4.1. Định nghĩa và mục đích

Chẩn đoán bệnh cây là xác định rõ trạng thái và tính chất bệnh lý của cây bệnh trên cơ sở khảo sát toàn diện về các triệu chứng bên ngoài, các biểu hiện bên trong nhằm xác định chính xác về nguyên nhân bệnh để có phương hướng phòng trừ đúng đắn. Vì vậy chẩn đoán bệnh cây là một bước rất quan trọng để quyết định các biện pháp phòng trừ bệnh có cơ sở khoa học đúng đắn và hiệu quả.

1.4.2. Các điều kiện cần thiết để thực hiện chẩn đoán bệnh cây

Để chẩn đoán được bệnh chính xác cần nắm rõ một số vấn đề sau:

– Xác định chắc chắn được những biến đổi về hình thái và các triệu chứng đặc trưng.

– Xác định tính chất bệnh lý, giám định VSV

– Đánh giá mức độ thời gian xảy ra bệnh và các điều kiện liên quan để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

1.4.3 Các phương pháp chẩn đoán bệnh cây

1.4.3.1. Chẩn đoán bệnh dựa theo triệu chứng bên ngoài

Phương pháp này có đặc điểm nhanh và khá chính xác. Để chẩn đoán được theo phương pháp này đòi hỏi người chẩn đoán phải nắm được đặc điểm triệu chứng của nhiều loại bệnh cây và biết phân loại chúng (người ta chẩn đoán được bệnh cây dựa vào triệu chứng bệnh).

Mỗi một loại bệnh hoặc mỗi một nguyên nhân gây bệnh thường tạo cho cây một triệu chứng bề ngoài nhất định: Những triệu chứng này có tính chất tương đối bền vững và cố định (về màu sắc, hình thái vết bệnh và vị trí gây bệnh, thời kỳ gây bệnh như đạo ôn gây ra vết bệnh điển hình trên lá lúa gần như hình thoi kéo dài có cạnh góc và nền chết hoại có màu xám, tiêm lửa thì vết bệnh gần như hình bầu dục và có màu nâu…

Ký sinh có thể gây ra những triệu chứng khác nhau trên những bộ phận khác nhau, song các triệu chứng đó cũng ít thay đổi. Vì vậy trong nhiều trường hợp ta có thể dựa vào triệu trứng bệnh mà chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Để chẩn đoán bệnh theo phương pháp này ta cần:

– Quan sát trực tiếp ngoài đồng ruộng: Quan sát kỹ tất cả các triệu trứng trên tất cả các bộ phận của cây (thân, cành, lá, rễ, quả…) và so sánh với các cây khoẻ rồi so sánh triệu trứng bệnh với các triệu trứng bệnh điển hình mà ta đã biết để xác định nguyên nhân gây bệnh. Phải chú ý xác định đâu là nguyên nhân thứ nhất gây bệnh, đâu là nguyên nhân thứ 2 chỉ gây bệnh trên cơ sở ký sinh thứ nhất đã gây bệnh. Phải phân biệt triệu trứng bệnh do nấm, do vi khuẩn, do virut, do tuyến trùng gây ra và những vết do côn trùng gây ra, vì trong nhiều trường hợp các triệu trứng biểu hiện nhiều điểm giống nhau.

Trong khi chẩn đoán bệnh cần phải nắm được tình hình bệnh cây ở những năm trước, vụ trước, các yếu tố đất đai, giống cây, phân bón, điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến bệnh. Từ đó ta có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác và dễ dàng hơn. Cần phải quan sát bệnh thường xuyên ở ngoài đồng để xác định được những thay đổi của triệu trứng bệnh. Trong trường hợp không được quan sát ngoài đồng ruộng mà cần phải gửi mẫu bệnh đi chẩn đoán ở nơi khác thì cần phải chú ý:

+ Chọn lựa mẫu bệnh tốt;

+ Mẫu bệnh phải được đưa đến đúng trạng thái để nghiên cứu;

+ Phải gửi đến cả những tài liệu cần thiết khác để xác định nguyên nhân gây bệnh (giống, phân bón, đất đai, nước, điều kiện chăm sóc…);

+ Khi gửi mẫu phải gửi đủ các giai đoạn phát triển của bệnh (phần mẫu của bệnh nặng, phần mẫu của bệnh đang phát triển bình thường, phần mẫu bệnh mới bắt đầu phát triển, một phần mẫu chưa có bệnh ranh giới với chỗ bệnh đã phát triển rồi);

+ Mẫu phải được đóng gói và gửi đi bằng biện pháp nhanh nhất, tránh cho mẫu bị khô;

+ Khi kích thước của mẫu bệnh cho phép ta có thể gửi cả cây đi để thuận lợi hơn cho việc xác định bệnh.

Tuy biện pháp chẩn đoán bệnh qua triệu trứng bên ngoài nhanh, khá chính xác và thuận tiện nhưng nhiều khi ta có thể nhầm lẫn giữa các nguyên nhân với nhau nên ta phải sử dụng một số biện pháp khác.

1.4.3.2. Phương pháp kiểm tra vi sinh vật

Đây là phương pháp mà người ta sử dụng các dụng cụ quang học để kiểm tra vi sinh vật gây bệnh cây. Để sử dụng được phương pháp này đòi hỏi người chẩn đoán phải biết sử dụng các dụng cụ quang học, phải nắm được hệ thống phân loại của các vi sinh vật và đặc điểm của chúng. Nắm được phương pháp lấy mẫu tiêu bản (mẫu phải có ký sinh), giữ sạch (để trên tiêu bản vi sinh vật gây bệnh không lẫn với các loại vi sinh vật khác) để cho vi sinh vật phát triển. Biết phương pháp giải phẫu mô bệnh, nhuộm màu mô bệnh, chuẩn bị tiêu bản và quan sát ký sinh trên kính hiểm vi.

Trong thực tế không phải lúc nào ở trên vết bệnh cũng chỉ có một loại vi sinh vật gây bệnh tồn tại, nó còn có những vi sinh vật sống phụ sinh, khi sử dụng biện pháp kiểm tra vi sinh vật nhiều khi ta không quan sát được đúng kí sinh thứ nhất gây ra bệnh. Để tránh sự nhầm lẫn này ta sử dụng phương pháp sinh vật học.

1.4.3.3. Phương pháp sinh vật học

Đây là phương pháp cần nhiều thời gian để xác định nên người ta chỉ sử dụng phương pháp này khi với các phương pháp nêu trên chưa có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh.

– Đầu tiên chọn mẫu tiêu bản có triệu chứng điển hình, tiêu bản phải có vi sinh vật gây bệnh. Nên lấy tiêu bản ở chỗ ranh giới giữa chỗ bệnh và chỗ không bị bệnh.

– Cô lập vi sinh vật gây bệnh rồi nuôi cấy trên môi trường nhân tạo (nhiều khi vi sinh vật chính gây ra bệnh lại khó nuôi cấy được trên môi trường nhân tạo nên ta chỉ có thể gặp các vi sinh vật phụ sinh, cần phải kiểm tra lại chúng bằng cách lây bệnh nhân tạo).

– Lây bệnh nhân tạo: Đem vi sinh vật đã nuôi cấy đựơc, lây bệnh nhân tạo lên cây khoẻ, nếu triệu chứng xuất hiện như triệu chứng ban đầu thì có thể đúng là VSV đã gây bệnh trên.

– Đem vết bệnh lây nhân tạo ra phân li nếu cũng được VSV như VSV phân li ban đầu thì đó chính là vi sinh vật gây bệnh mà ta cần tìm.

– Với virut gây bệnh ta có thể dùng biện pháp cây chỉ thị là một loại cây luôn thể hiện triệu chứng đặc trưng với một loại virut nhất định. Phần lớn các cây chỉ thị này nằm ở cây họ đậu, cây họ cà. Lấy cành bị bệnh ghép lên cây khoẻ làm cho cây khoẻ cũng xuất hiện triệu chứng bệnh và ngược lại khi ta ghép cành không bị bệnh lên cây bị bệnh, cành cũng sẽ nhiễm bệnh từ đó ta xác định được virut gây ra bệnh.

1.4.3.4. Phương pháp huyết thanh

Nguyên tắc của nó là dựa vào tính chất huyết thanh miễn dịch có khả năng tạo phản ứng kết tủa với những virut, vi khuẩn và nấm đặc hiệu với nó.

* Phương pháp tạo ra huyết thanh miễn dịch

Tiêm vào máu của động vật những virut, vi khuẩn và nấm tinh khiết (gọi là kháng nguyên) sau đó trong huyết thanh của động vật sẽ sản sinh ra những chất kháng thể có khả năng kết tủa các kháng nguyên (làm cho cơ thể động vật trở thành miễn dịch) đặc hiệu với nó. Người ta dùng những chất này để chẩn đoán bệnh cây. Đây là phương pháp chẩn đoán khá nhanh và chính xác nhưng nó có một nhược điểm là chỉ chẩn đoán được những vi sinh vật đặc hiệu, không thể chẩn đoán được những vi sinh vật lạ.

* Phương pháp chẩn đoán

Dùng phương pháp nhỏ giọt. Lấy huyết thanh miễn dịch có chứa kháng thể đặc hiệu từ những động vật nói trên để thử. Trên một tấm lam kính hai đầu của lam nhỏ 2 giọt dịch bệnh cây cần chẩn đoán. Ở một đầu lam ta nhỏ một giọt huyết thanh đặc hiệu lấy từ cơ thể động vật đã tiêm kháng nguyên. Đầu kia nhỏ một giọt huyết thanh đối chứng (lấy từ động vật không tiêm kháng nguyên). Sau đó ta trộn các giọt với nhau, bên phía lấy từ cơ thể động vật đã tiêm kháng nguyên, nếu trong cây có loại ký sinh tương ứng thì ta sẽ thấy sảy ra phản ứng kết tủa, và ngược lại. Còn bên phía nhỏ giọt huyết thanh đối chứng sẽ không thấy có phản ứng kết tủa.

Phương pháp huyết thanh đang được phát triển rộng rãi với các thử nghiệm hiện đại như: khuyếch tán gel và đặc biệt là phương pháp ELISA (phương pháp miễn dịch liên kết men) trong chẩn đoán bệnh.

 

 

CHƯƠNG 2

BỆNH SINH LÝ

Để sinh trưởng và phát triển tốt mỗi một loại cây trồng đòi hỏi phải có một loạt các điều kiện ngoại cảnh phù hợp như nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng, dinh dưỡng v.v… Khi gặp các điều kiện không phù hợp cây sẽ không sinh trưởng và phát triển bình thường được, lúc này cây đã bị bệnh, đây là một loại bệnh sinh lý hay còn gọi là bệnh không truyền nhiễm.

2.1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Nếu điều kiện sống không phù hợp có thể cây sẽ phát sinh ra những biến đổi về cấu tạo và sinh lý dù trong 1 thời gian ngắn, từ những thay đổi đó sẽ dẫn đến sự phá huỷ quá trình trao đổi chất bình thường mà gây ra quá trình bệnh lý. Dưới tác động của ngoại cảnh đặc tính di truyền cũng bị biến động.

– Đặc điểm của bệnh không truyền nhiễm

+ Không có tính chất truyền lan từ cây này sang cây khác, từ vùng này sang vùng khác.

+ Nguồn bệnh không hình thành và tích luỹ ở hạt giống hoặc tàn dư cây bệnh, trong đất.

2.2. CÁC YẾU TỐ ĐẤT ĐAI BẤT LỢI GÂY RA BỆNH

Đất là nơi cung cấp chất dinh dưỡng và nước cho cây trồng, nếu đất cung cấp thiếu hoặc quá thừa đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cây trồng, nó có thể gây hại hoặc gây ra các thay đổi cho cây.

2.2.1. Bệnh do thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng trong đất

2.2.1.1. Bệnh do thiếu hoặc thừa đạm

Nitơ là 1 yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của cây trồng. Các hợp chất Nitơ chiếm 40-50% chất khô của tế bào, bởi vậy cây cần một lượng Nitơ tương đối lớn trong toàn bộ quá trình phát triển của mình. Nitơ tham gia cấu tạo nên protein, clorofin, axit nucleic, alcaloides và nhiều loại vitamin… Vậy đối với cây trồng đạm có ý nghĩa rất lớn, nó là 1 trong những yếu tố quyết định năng xuất cây trồng. Trên đồng ruộng ở những vùng đất bạc màu, vùng đất cát pha, đất thâm canh kém, bón phân ít cây trồng thường dễ bị thiếu đạm.

Khi trong đất thiếu đạm cây trồng thường bị héo úa, cằn cỗi, đốt dóng ngắn, lá bị mất màu, chồi, nhánh nhỏ và có thể bị chết, rễ phát triển kéo dài ra, lá bị chuyển màu vàng. Đối với cây ngũ cốc thì cây ít đẻ nhánh, cây ra hoa nhiều nhưng củ và quả đều nhỏ.

Khi trong đất thừa đạm và các chất cơ bản khác không cân đối thì cây sẽ phát triển quá mạnh, cây bị lốp đổ, lá nhiều nhưng quả thì ít và chậm chín, khả năng chống chịu của cây kém nên cây hay bị sâu bệnh phá hoại. Cây ăn quả thừa đạm sẽ dễ bị chảy gôm.

2.2.1.2. Bệnh do thiếu lân

Phần lớn các hiện tượng thiếu phốt pho ở cây thường có triệu chứng gần như thiếu đạm, thể hiện cây kém phát triển, cằn cỗi, ít đâm chồi. Tuy vậy cũng có một số triệu chứng giống như thừa nitơ như quả thường hay chín chậm.Thiếu Phốt pho cây dễ nhạy cảm với bệnh và với điều kiện nhiệt độ thấp. Nói chung cây thiếu Photpho thì phát triển chậm đặc biệt là trong quá trình hình thành cơ quan sinh thực, cành, nhánh ,rễ đều kém phát triển, lá nhỏ, lúc đầu lá có màu xanh đậm, không bóng, dần dần bị biến vàng, lá già dễ bị rụng. Cũng có trường hợp lá bị vàng ở mép lá. Việc thừa photpho trong đất có thể không gây hại cho cây. Theo tác giả Lê Văn Tri (2002) [1,tr50] thì hiện nay nước ta sử dụng 2 nhóm phân (phân lân khó tiêu và phân lân dễ tiêu) tuy nhiên khi bón nhiều phân lân, chưa thấy có hại gì rõ rệt đến năng suất và phẩm chất nông sản. Trái lại lân tồn dư trong đất, cây có thể sử dụng cho vụ sau. Vụ đầu cây chỉ sử dụng được 10 – 20% lân trong supe lân, phần còn lại tồn tại trong đất.

 

2.2.1.3. Bệnh do thiếu hoặc thừa kali

Có tới 60 loại men trong cây cần kali để hoạt động. Kali xúc tiến quá trình quang hợp, hình thành và vận chuyển đường bột trong cây, xúc tiến quá trình tạo thành protit, giúp cho cây đẻ nhánh, đâm cành nảy lộc. Tăng cường sự tạo thành các mô chống đỡ làm cho cây cứng, nhờ vậy giúp cho cây chống bệnh tốt. Tăng cường hút nước, làm chậm sự đông kết của dịch tế bào khi gặp lạnh, nên có tác dụng giúp cây chống hạn, chống nóng, chống lạnh tốt.

Nếu thiếu kali biểu hiện rõ trên lá già ở rìa mép lá hoá nâu đỏ, mô chết dần ” lá khô đỏ lụi.

Nếu thừa kali cây sinh trưởng kém, thấp lùn, thúc đẩy sự hình thành quả, hạt sớm nhưng quả và hạt nhỏ.

2.2.1.4. Bệnh do thiếu các nguyên tố trung lượng và vi lượng

– Các nguyên tố trung lượng (Ca, Mg, S) trong thực tế không sản xuất mà nó được cung cấp cho cây trồng thông qua thành phần phụ của phân đa lượng và chất cải tạo đất.

– Các nguyên tố vi lượng: Tuy chỉ cần lượng rất ít nhưng nó vô cùng quan trọng với đời sống của cây, người ta đã thừa nhận các nguyên tố này là rất cần thiết cho cây. Chúng được xem là các loại phân “xúc tác” hoặc phân “kích thích” chúng đã thúc đẩy sự phát triển của thực vật.

– Có thể nhận biết được cây trồng thiếu phân vi lượng bằng cách quan sát bề ngoài ta thấy hiện tượng cây phát triển chậm, đẻ  nhánh và phân cành ít lá nhỏ hoặc biến dạng, hoa rụng nhiều, quả khó đậu trong quả có sạn và búp bị thối.

– Sự thiếu hụt nhiều dẫn đến bệnh chức năng sinh lý và làm giảm năng suất. Ví dụ thiếu Bo dẫn đến cây thuốc lá bị khô ngọn, thiếu mangan củ cải bị bệnh vàng thân, bệnh trắng ngọn ở ngô là do thiếu kẽm…

 

2.2.2. Bệnh do chế độ nước bất thường trong đất

– Khi đất thừa nước, nạn úng ngập ảnh hưởng nghiêm trọng gây tình trạng thiếu dưỡng khí trong đất làm cản trở cho sự hoạt động của bộ rễ nên gây ra hiện tượng thối đen rễ như bị nghẹt rễ lúa. Hơn nữa còn ảnh hưởng đến tập đoàn vi sinh vật đất, đẩy mạnh hoạt động của vi sinh vật yếm khí, tích luỹ các khí độc nhất là H­2S, khí metan do đó nó sẽ đầu độc rễ cây, làm mất khả năng hút nước và chất dinh dưỡng, dần dần cây cằn cọc, khô vàng, héo lụi và chết đi.

– Cây bị thiếu nước thường có biểu hiện bị héo, rụng hoa quả.

– Khi độ ẩm của đất thay đổi đột ngột cũng làm ảnh hưởng đến cây: ví dụ độ ẩm từ khô quá rồi đến tăng lên quá cao rễ làm rạn nứt quả và củ, do thời kỳ khô hạn mô trở nên khô cứng đến khi trời mưa ẩm hoặc tưới nước nhiều quá cho cây, cây hút được một lượng nước quá lớn làm cho thể tích một số cơ quan tăng rất nhanh do đó lớp mô bên ngoài đã thô cứng mất khả năng dãn ra nhanh chóng nên sẽ nứt vỡ ra.

2.3. BỆNH DO CÁC YẾU TỐ THỜI TIẾT BẤT LỢI GÂY RA

Mỗi loại cây đòi hỏi một tập hợp các điều kiện thời tiết phù hợp cho sự phát triển bình thường của nó, yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng, nó tác động mạnh đến sinh trưởng và phát triển của cây.

2.3.1. Bệnh do chế độ nhiệt gây ra

Cây trồng thường sinh trưởng và phát triển ở một nhiệt độ nhất định (ở trong khoảng biên độ sinh thái).

+ Khi nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, nhiệt độ thay đổi đột ngột đều có thể gây tác hại lớn cho cây. Độ hại của cây phụ thuộc vào:

– Đặc tính giống của cây;

– Hàm lượng nước có trong cây.

2.3.1.1 Các triệu chứng bệnh do nhiệt độ quá thấp gây ra

Trắng lá, vàng lá: Do dinh dưỡng đạm bị rối loạn và cây bị mất khả năng tạo diệp lục.

– Cháy lá hoặc từng bộ phận của lá bị nâu đi do nhiệt độ thấp trong một thời gian dài làm cho cây trồng mất đi sự cân bằng trong chức năng sinh lý, làm cho áp lực thẩm thấu trong tế bào cây thay đổi theo chiều hướng nước trong tế bào ra ngoài gian bào mang theo một số chất  hoà tan và đóng băng ở đó khi tinh thể lớn lên sẽ ép vào mô tế bào cây làm mô bị chết.

– Tạo các u sưng trên cây, cành do mô sinh trưởng bị chết làm vỏ cây bị khô bong, sau đó  khi cây có thể hàn gắn lại nó sẽ tạo ra xung quanh vết bệnh những gờ, u sưng và các cành lá có thể bị chết.

– Hiện tượng bị lép, rụng hoa quả do nhiệt độ thấp thì hạt phấn không nẩy mầm và ống phấn không phát triển được nên thụ phấn kém.

2.3.1.2. Bệnh do nhiệt độ quá cao gây nên

Khi nhiệt độ quá cao cây sẽ bị mất cân bằng giữa lượng nước hút vào và lượng nước thoát ra. Nhiệt độ càng cao lượng nước mất đi càng nhiều làm cho tế bào mất sức căng rồi quá trình quang hợp giảm, dẫn đến cây đói gluxit, nếu mất quá nhiều nước cây có thể bị khô. Nhìn chung nhiệt độ quá cao cây phát triển chậm, cằn cỗi, lá rụng nhiều, có vết cháy, quả bị lép, lửng nhiều do đầu nhị cái thường không tiếp nhận được hạt phấn, quả chín không đều hay bị chín ép.

2.3.1.3. Do nhiệt độ thay đổi đột ngột

Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột làm cho lớp ngoài và lớp trong của cây dãn ra, co vào không nhịp nhàng. Lớp ngoài bị lạnh co lại nhanh hơn trong khi đó lớp trong là gỗ dẫn nhiệt kém hơn nên co lại chậm hơn làm lớp vỏ ngoài bị nứt vỡ ra. Khi nhiệt độ nóng đột ngột làm cho lớp ngoài dãn ra nhanh hơn lớp trong nên gây ra hiện tượng bong vỏ.

2.3.2. Bệnh do điều kiện ẩm độ không khí gây nên

– Ẩm độ quá thừa nói chung chưa thấy gây bệnh cho cây nhưng ẩm độ cao là điều kiện tốt cho các vi sinh vật phát triển, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh gây bệnh của cây trồng phát triển.

– Ẩm độ quá thấp: Khi ẩm độ không khí thấp hạt phấn không nảy mầm được làm cho cây không thụ phấn được, quả bị lép nhiều.

2.3.3. Bệnh do tác động của ánh sáng và tia phóng xạ

– Khi cây thiếu ánh sáng hoạt động sinh trưởng của cây bị ảnh hưởng. Thiếu ánh sáng hoạt động quang hợp bị giảm, lá cây có màu xanh nhạt, yếu ớt, lá và thân vươn quá dài, cây chống chịu kém.

– Thừa ánh sáng cây không phát dục được, nếu kéo dài thời gian chiếu sáng trong ngày thì cây không ra hoa hoặc ra hoa rất muộn. Quá thừa ánh sáng sẽ gây ra những thay đổi về giải phẫu và tế bào. Nếu cường độ ánh sáng quá mạnh và nhiều thành phần tia cực tím sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm và cây bị lùn. Thừa ánh sáng cộng với nhiệt độ cao sẽ gây ra tình trạng cháy lá, rám quả…ví dụ quả cà chua, dưa chuột bị rám

Ngoài ra ánh nắng quá nhiều cũng gây ra hiện tượng bị nứt vỏ, vỏ bị khô mất khả năng tái sinh dẫn đến mô sinh trưởng bị chết..

– Tác động của tia phóng xạ cũng có thể gây ra bệnh lý cho cây, kìm hãm sự sinh trưởng của cây, lá cây bị biến vàng và cũng có thể bị rụng sớm, với lượng phóng xạ cao hơn cây có thể bị chết lụi.

2.4. BỆNH DO CÁC KHÍ ĐỘC TRONG KHÔNG GIAN VÀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC GÂY RA

          – Đối với cây trồng bụi khói làm vít tắc các lỗ khí khổng ở lá dẫn tới sự phá huỷ chế độ trao đổi khí, thoát hơi nước… làm cho lá khô và rụng, hoa thụ phấn kém

          – Các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, dùng không đúng kỹ thuật đều có thể gây ra hiện tượng kìm hãm sinh trưởng, dị hình các cơ quan rễ, thân, lá, mầm non.

– Những hoạt động trong công nghiệp: Khi ta xây dựng các nhà máy thì khói bụi, nước thải vv…Có các chất độc như H2S, Cl… gây hại cho cây.

2.5.MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG BỆNH SINH LÝ ĐIỂN HÌNH

Ví dụ: Bệnh nghẹt rễ lúa…xem hình ảnh

2.6. MỐI LIÊN QUAN GIỮA BỆNH KHÔNG TRUYỀN NHIỄM VÀ BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Bệnh không truyền nhiễm thường là điều kiện ban đầu cho các bệnh truyền nhiễm phát sinh phát triển. Chúng thường có một số mối liên quan như sau:

          – Bệnh không truyền nhiễm làm cho cây bị suy yếu, sức chống bệnh bị giảm sút tạo điều kiện cho một số loại bệnh truyền nhiễm phát sinh phá hoại:

+ Nếu cây lúa thiếu dinh dưỡng, cây sẽ phát triển còi cọc, lá vàng dễ bị bệnh tiêm lửa, đốm nâu.

+ Nếu lúa bị thừa dinh dưỡng hoặc bón quá nhiều đạm vô cơ làm cho cây phát triển quá tốt, quá lốp có bộ lá xanh đậm, xum xuê, rậm rạp tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá phá hoại.

– Bệnh không truyền nhiễm do các yếu tố thời tiết gây ra như: nứt vỏ tạo điều kiện cho vsv xâm nhập qua đó dễ dàng.

– Một số bệnh không truyền nhiễm làm thay đổi các hoạt động sinh lý, trao đổi chất của cây tạo ra một số sản phẩm tiết ra ngoài, mà những sản phẩm này lại là thức ăn của 1 số loại vsv, khi chúng sử dụng sẽ rất dễ dàng xâm nhập vào bên trong cây để gây bệnh.

Như vậy, mối liên quan giữa bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm là khá chặt chẽ. Do vậy việc phòng và trừ bệnh không truyền nhiễm rất quan trọng, nó có khả năng ngăn ngừa cho bệnh truyền nhiễm không có cơ hội phát triển. Các biện pháp phòng và trừ bệnh không truyền nhiễm chủ yếu là sử dụng biện pháp kỹ thuật canh tác và thâm canh như: làm đất, làm cỏ, bón phân, cải tạo đất, tưới tiêu, sử dụng giống tốt và các biện pháp chăm sóc khác

2.7. Biện pháp phòng trừ bệnh sinh lý: Thảo luận nhóm

 

 

CHƯƠNG 3

BỆNH  DO VIRUT

 

3.1. Đặc tính chung của virut hại thực vật

– Virut là những nucleoprotein rất nhỏ bé do đó phải quan sát dưới kính hiển vi điện tử. Chúng có cấu tạo rất đơn giản, bên trong là Axit nucleic (đây là thành phần chính) bên ngoài là lớp vỏ protein

– Axit nucleic của virut hại thực vật chủ yếu là ARN, chỉ có một số là ADN

– Virut là loại ký sinh ở mức độ tế bào, một loại virut có thể nhiễm cho một hay nhiều loài cây và ngược lại một loài cây có thể nhiễm một hay nhiều loài virut

– Virut thực vật cũng như ở động vật đều không giết chết tế bào, mà chúng điều khiển tế bào cây chủ dùng vật chất từ tế bào tạo thành nhiều cơ thể virut mới. Cơ thể thực vật bị kiệt quệ dần dẫn đến thoái hoá, suy tàn và có trường hợp bị chết.

– Do cơ thể virut nhỏ bé, lại có cấu tạo về mặt vật lý và hoá học khác biệt; sự xâm nhập, di chuyển của virut trong cây, sự phân bố của bệnh và các nhóm triệu chứng đặc trưng do chúng gây nên. Vì vậy virut thực vật là một nhóm VSV đặc biệt khác với các nhóm VSV khác trong nghiên cứu, chẩn đoán và phòng trừ.

– Virut là loại ký sinh tuyệt đối, chúng chỉ sống ở trên tế bào cây còn sống. Tuy nhiên có một số loại có thể tồn tại rất lâu trong tàn dư của cây trồng và trong đất (khi đó nó ở trạng thái tĩnh).

– Virut không sống được trên môi trường nhân tạo như vi khuẩn và nấm.

– Virut tồn tại ở 2 trạng thái khác nhau

+ Virion: là virut ở trạng thái tĩnh

+ Virut: là khi nó ở dạng tái tạo ARN trong tế bào cây ký chủ

– Tên gọi của virut: khi đặt tên cho virut người ta căn cứ vào

+ Tên ký chủ phát hiện ra virut

+ Căn cứ vào triệu chứng điển hình

+ Dùng chữ virut

Ví dụ: Virut khảm thuốc lá TMV

                             T: Tabaco

                             M:Mosaic  có nghĩa là khảm

                             V: Virut

3.2. Những thiệt hại do bệnh virut thực vật gây nên

Virut xâm nhập vào thực vật nói chung và cây trồng nông nghiệp nói riêng gây thoái hóa giống và gây mất mùa nhiều năm liền cho nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao ở nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, bệnh gây hại ở mức độ cao hay thấp phụ thuộc vào các điều kiện sinh thái, canh tác và các giống cây trồng khác nhau như: các vùng đất đai và các địa phương khác nhau, các giống cây trồng và mùa vụ trồng trọt khác nhau. Bệnh vàng lụi đã phá hoại hàng vạn ha lúa ở nước ta trong những năm 60, làm tàn lụi hoàn toàn ruộng lúa không cho thu hoạch. Virut hại cam chanh, virut hại khoai tây và cây họ cà… gây thoái hóa, thiệt hại hàng ngàn ha trong những năm gần đây.

Một vài virut có thể phá hoại một cây hay một số giống cây trên cùng một diện tích trồng trọt. Ví dụ bệnh Triteza hại cam quít, bệnh khảm lá dưa chuột hại họ bầu bí, bệnh khảm lá khoai tây hại trên nhiều cây ký chủ và họ cà.

Nhiều bệnh được truyền từ năm này qua năm khác gây thiệt hại một vài phần trăm cho tới 80-90% năng suất cây trồng trên từng khu vực trồng trọt khác nhau. Đặc biệt bệnh virut gây thoái hóa rất nghiêm trọng các cây trồng nhân giống vô tính và cả một số cây trồng được trồng bằng hạt đã truyền virut qua hạt (các loại đậu đỗ).

Virut là nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng nhất cản trở sự phát triển công nghệ sinh học và các phương pháp sản xuất trồng trọt hiện đại.

 

3.3. Hình thái cấu tạo của virut

3.3.1. Hình thái

Virut hại thực vật có hình dạng và kích thước rất thay đổi, có thể hình gậy, hình cầu, hình sợi, hình vi khuẩn…..và một số hình dạng khác…Kích thước của virut hết sức nhỏ bé nằm giữa khoảng kích thước của 1 phân tử protein với kích thước của 1 tế bào vi khuẩn nhỏ nhất. Do đó đơn vị kích thước của virut đo bằng nanomet (nm), 1nm = 1/triệu mm.

+ Nhóm cấu tạo hình gậy (hình lò xo):

Do những đơn vị protit xếp lồng lên nhau, mỗi đơn vị protit tượng trưng cho một cái đĩa, nhiều đĩa xếp lồng lên nhau tạo thành hình gậy như virut gây khảm lá thuốc lá (Tabaco mosaic virus – TMV) có kích thước khoảng 15×30 nm (hình 96a trang 221), virut khảm lá đậu hà lan (Tobamo virus group), virut khảm sọc lá lúa mạch (Hardei virus group)

+ Nhóm virut có hình sợi mềm như virut X khoai tây (Potex virus group), virut A khoai tây (Poty virus group). Hình sợi rất dài như virut Triteza hại cam, chanh, virut biến vàng củ cải đường (Clostero virus group)

+ Nhóm vir