Bài 2: Xây dựng môi trường trong sạch để phát triển du lịch bền vững
Bà có thể cho biết về sự phục hồi du lịch tại Hà Nội từ khi mở cửa trở lại từ 15/3/2022 và bà đánh giá tác động ra sao đến môi trường, trong đó bao gồm cả môi trường văn hoá ứng xử, văn minh nơi công cộng?
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản đã có dấu hiệu phục hổi. Lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt khách, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách du lịch quốc tế ước đạt 211.300 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.200 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 – 5 sao ước đạt khoảng 30.1%; tăng 6.11% so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã tích cực nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, phù hợp. Các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú về cơ bản đều thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường công tác tổ chức đón tiếp khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Qua đó đã giúp cho hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố trở nên sôi động, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhằm đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn cho khách du lịch, Sở Du lịch đã chủ động phối hợp cùng Công an Thành phố, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng có hành vi đeo bám, chèo kéo, lừa đảo, móc túi, ăn trộm, ăn xin, bán hàng rong, bắt chẹt khách du lịch, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị tại các điểm tham quan, di tích lịch sử văn hóa, các khu vực tập trung khách du lịch trên địa bàn Thành phố (như đã xử lý vụ việc lái xe taxi có hành vi thu cước cao đối với khách du lịch, giải quyết vụ việc khách nước ngoài va chạm với người dân ở phố cổ vào đầu tháng 7 vừa qua…).
Với những nỗ lực đưa Hà Nội trở thành điểm đến “An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn” của toàn Thành phố, du lịch Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch trong năm 2022. Chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp Thành phố Hà Nội đứng thứ 13 trong danh sách Top 25 Điểm đến được ưa thích nhất châu Á 2022, Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á. Dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất…
Gần đây xảy ra một số vụ việc như một nhóm thanh niên xô xát với một du khách quốc tế tại khu vực phố cổ Hà Nội, sự việc taxi thu cước cao, đeo bám khách… Vậy để hạn chế và loại bỏ tình trạng này, Sở Du lịch Hà Nội và chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp nào để phát triển du lịch bền vững?
Trước tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch trên địa bàn Thành phố thời gian qua, Sở Du lịch đã chủ động nắm tình hình, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan kịp thời kiểm tra, xử lý các vi phạm về an ninh trật tự, chặt chém, chèo kéo, đeo bám khách du lịch, xử lý các đối tượng bán hàng rong, lang thang ăn xin nhất là trong khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Rất đông người dân ở phố Tạ Hiện. Ảnh: TTXVN.
Tình hình an ninh trật tự tại khu, điểm du lịch đã nhiều có chuyển biến, tình trạng chèo kéo, đeo bám, chặt chém khách du lịch có giảm, nhưng chưa được bền vững, vẫn còn tồn tại một số ít đối tượng chèo kéo, hàng rong gây bức xúc cho du khách, đặc biệt xuất hiện người nước ngoài có những hành vi phản cảm ngay tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch, hình ảnh Thủ đô. Các cấp, các ngành phải chủ động hơn nữa, đồng bộ hơn nữa và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để hơn mới đảm bảo xử lý dứt điểm tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch nêu trên.
Các sở ngành (Công an, LĐTBXH) chủ động rà soát, giám sát tiến tới lập hồ sơ vi phạm và xử phạt vi phạm các đối tượng có hành vi chèo kéo, lừa đảo, móc túi, ăn trộm, bán hàng rong, bắt chẹt khách du lịch (cụ thể về họ tên đối tượng, địa chỉ tạm trú, tạm vắng, nghề nghiệp, nhân thân, hoàn cảnh gia đình, hành vi vi phạm…). Phân loại và xử lý đối tượng vi phạm theo các cấp độ, mức độ, trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp đưa đối tượng vi phạm vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng… tránh tình trạng các đối tượng tái phạm.
Một giải pháp trước đây đã góp phần phát huy hiệu quả là việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội và Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch (Bộ VHTTDL) được ví như là “lạt mềm buộc chặt” điều chỉnh những bất cập trong giao tiếp ứng xử. Vậy theo bà, hai bộ quy tắc này cần được tuyên truyền phổ cập như thế nào tới các cơ sở du lịch, cư dân sau gần 2 năm “đóng băng” về du lịch do dịch COVID-19?
Về Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội và Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch (Bộ VHTTDL), các cấp, các ngành chủ động Biên tập các chương trình, tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch một cách rộng rãi cùng với tuyên truyền về việc chấp hành các quy định pháp luật về an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch.
Du khách tham quan di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: XM.
Sở Du lịch Hà Nội cũng áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, như: phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, phát thanh, truyền hình,… tổ chức cuộc thi tìm hiểu với quy mô sâu rộng từ các cơ quan thông tấn báo chí TW, đến địa phương và truyền thanh cơ sở. Hướng đến các đối tượng từ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt hoạt động du lịch (các Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ hoạt động du lịch,…) đến các hướng dẫn viên (HDV) và khách du lịch trong hành trình du lịch.
Tạo dựng môi trường bền vững, bao gồm cả yếu tố môi trường văn hoá được du khách, nhất là du khách quốc tế quan tâm với các điểm đến sau dịch COVID-19. Vậy để tạo dựng không gian môi trường bền vững này sẽ được Sở Du lịch triển khai như thế nào, nhất là mùa thu hút khách quốc tế thường bắt đầu từ vào tháng 9 tới đây, thưa bà?
Để hoạt động du lịch phát triển bền vững thì phải có môi trường du lịch bền vững, do đó Sở Du lịch sẽ tham mưu Lãnh đạo Thành phố xây dựng và triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2022-2025, trong đó tập trung quyết liệt thực hiện các biện pháp tạo môi trường du lịch lành mạnh, văn minh, thân thiện.