Bài 2: Ấn tượng về quan điểm phát triển kinh tế – xã hội

(HNM) – Một trong những nội dung trọng tâm, ấn tượng, có ý nghĩa quan trọng trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là dự báo tình hình, quan điểm và định hướng phát triển đất nước 10 năm giai đoạn 2021-2030, được nêu cụ thể trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong ảnh: Nghiên cứu các giải pháp công nghệ số tại Tập đoàn công nghệ CMC. Ảnh: Nhật Nam

Làm sâu sắc, phong phú hơn

Nhận thức của Đảng ta về tình hình thế giới và trong nước luôn đổi mới, sát hợp với thực tế hơn, theo từng thời điểm 5 năm hoặc 10 năm. Trong Văn kiện Đại hội XIII, phần dự báo cũng thể hiện rõ tinh thần đó khi đưa ra những nhận định về xu thế, những rủi ro, trở ngại do chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19; thời cơ và thách thức từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Về tình hình trong nước, Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ tính chất phát triển chưa bền vững của nền kinh tế, xu hướng già hóa dân số nhanh, những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và yêu cầu bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội…

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã trình bày 5 quan điểm phát triển: Phát triển nhanh và bền vững; về thể chế phát triển; về nguồn lực con người; về xây dựng nền kinh tế, tự chủ; về sức mạnh tổng hợp quốc gia trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tư tưởng phát triển nhanh và bền vững đã được xác định từ Đại hội XI và Đại hội XII, nhưng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững với tư duy và cách tiếp cận mới. Đó là: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…”.

Về nguồn lực con người, tư tưởng nhất quán của Đảng là đề cao nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã kế thừa Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, đồng thời bổ sung, làm sâu sắc, phong phú hơn. Đó là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”.

2 bài học rút ra từ thực tiễn

Văn kiện Đại hội XIII xác định Định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030 (về hoàn thiện thể chế phát triển bền vững; về tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về giáo dục và đào tạo, khoa học – công nghệ; về xây dựng văn hóa và con người; về quản lý phát triển xã hội; về vấn đề tài nguyên và môi trường; về quốc phòng và an ninh; về đối ngoại; về dân chủ xã hội chủ nghĩa; về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về các mối quan hệ lớn) với 12 định hướng tổng quát như Báo cáo chính trị Đại hội XII, nhưng có nhiều điểm mới về cách tiếp cận, mục đích và nội dung.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, vấn đề “thể chế phát triển bền vững” được đặt ra trong một văn kiện Đại hội Đảng. Đây là thể chế bảo đảm cho sự vận hành đồng bộ, thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế, hướng tới thực hiện yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước. Việc nhấn mạnh và đặt “thể chế phát triển bền vững” là định hướng phát triển đầu tiên đã cho thấy nhận thức mới của Đảng ta về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này. Đó cũng là bài học được rút ra từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. Điều này cho thấy, Đảng ta đã luôn nhìn thẳng vào sự thật và xác định phương hướng phát triển đất nước xuất phát từ các điều kiện thực tế.

Một điểm ấn tượng khác là trong định hướng thứ 12 về các mối quan hệ lớn, Văn kiện Đại hội XIII đã bổ sung mối quan hệ lớn thứ 10 (Đại hội XI xác định có 8 mối quan hệ lớn, đến Đại hội XII bổ sung mối quan hệ lớn thứ 9 – quan hệ giữa Nhà nước và thị trường). Đó là: “Quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Việc bổ sung này xuất phát từ kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn quản lý xã hội trong thời gian qua. Yêu cầu đặt ra và giải quyết mối quan hệ này chính là nhằm thực hành đầy đủ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời và không tách rời việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định pháp luật, bảo đảm một trong những điều kiện căn bản cho một xã hội hài hòa, cuộc sống hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

(Còn nữa)

                                

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn).