Bạch linh: Đặc điểm, tác dụng và cách dùng Bạch linh trị bệnh

Tìm hiểu về bạch linh

Bạch linh là một loại nấm sống ký sinh quanh rễ cây thông, thuộc họ Nấm lỗ (Polyporaceae) với tên khoa học là Poria cocos Wolf. Dược liệu bạch linh còn có nhiều tên gọi khác như nấm lỗ, bạch phục linh, phục linh. Cây bắt nguồn và phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Năm 1977, nấm phục linh được tìm thấy ở Đà Lạt của nước ta, tuy nhiên số lượng chưa nhiều.

bạch linh

Bạch linh là một loại nấm sống ký sinh quanh rễ cây thông

Đặc điểm sinh thái

Nấm phục linh có thân hình thoi, hình khối không đều hình thoi hoặc hình cầu. Trọng lượng từ 3 – 5kg, một số cây nấm có kích thước chỉ nhỏ bằng nắm tay. Mặt ngoài của nấm có màu nâu hoặc đen, bề mặt nhiều vết nhăn và lồi lõm. Nấm bạch phục linh có vị nhạt, không mùi, cắn dính răng, một số loại còn có rễ thông bên trong (Phục thần).

Bộ phận dùng của bạch linh

Toàn bộ cây nấm bạch phục linh đều có giá trị dược liệu cao và dùng làm thuốc. Mỗi vị thuốc làm từ một bộ phận khác nhau của nấm lại có tên gọi khác nhau:

  • Phục linh bì: Lớp vỏ ngoài cùng của phục linh, thường có một mặt màu nâu đen và một mặt màu nâu nhạt/trắng
  • Phục linh khối: Là phần nấm còn lại sau khi đã được loại bỏ vỏ ngoài. Phục linh khối có màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.
  • Xích phục linh: Là phần màu nâu nhạt hoặc màu đỏ của nấm phục linh.
  • Bạch phục linh: Là phần nấm bạch linh màu trắng nằm bên trong.
  • Phục thần: Là phần nấm phục linh mọc ôm lấy rễ cây thông.

Thu hái, sơ chế và bảo quản

Thời gian thu hái nấm phục linh lý tưởng là vào tháng 7 – 9 hàng năm. Sau khi thu hoạch, nấm được rửa sạch, chất thành đống để ra hết mồ hôi. Tiếp đó người ta rải nấm ở nơi thoáng mát để bề mặt nám se lại. Lặp lại công đoạn chất đống và phơi thêm vài lần đến khi thấy bề mặt nấm nhăn nheo. Cuối cùng phơi âm can để phục linh khô hoàn toàn.

Ngoài ra có thể lấy phục linh tươi cắt thành từng miếng, phơi chỗ thoáng gió. Nấm sau khi chế biến cần được bảo quản ở khu vực thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và tránh nhiệt độ cao.

thu hái bạch linh

Thu hái, sơ chế và bảo quản nấm bạch linh

Thành phần hóa học

Trong nấm bạch linh, người ta tìm thấy nhiều thành phần hóa học như lipase, adenine, các hợp chất triterpenoid, chất khoáng, beta-pachyman, protein, mỡ, histamine, gum, beta-pachymanase…

Tác dụng của bạch linh

Theo y học cổ truyền

  • Tính vị: Nấm phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình
  • Quy kinh: Tỳ, Tâm, Thận và Phế
  • Công dụng: Trừ thấp, hòa vị, lợi thủy, kiện tỳ, an thần
  • Chủ trị: Chứng thấp nhiệt (chướng bụng, viêm bàng quang), phù nề, tiêu chảy, nhịp tim nhanh, đàm ẩm, mất ngủ, tiểu tiện khó, tỳ khí hư nhược, yếu tim.

Theo y học hiện đại

Y học hiện đại đã chứng minh nhiều công dụng hữu ích của nấm phục linh như sau:

  • Trong nấm có chứa polysaccharide, axit béo và triterpenoids với khả năng an thần, lợi tiểu, phòng ngừa và ức chế các tế bào ung thư, tăng cường sức đề kháng của cơ thể….
  • Nước sắc của dược liệu có công dụng kìm hãm sự phát triển của tụ cầu vàng, xoắn khuẩn, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn biến dạng.
  • Kem nấm phục linh giúp chống viêm đối với người bị viêm da tiếp xúc.
  • Khi thí nghiệm trên chuột bị tiểu đường, phục linh có hiệu quả làm giảm đáng kể lượng đường huyết.
  • Dịch chiết phục linh có công dụng cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ.

tác dụng của bạch linh

Vị thuốc phục linh cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ

Một số vị thuốc từ bạch linh

Trị mất ngủ, khó ngủ: Chuẩn bị lượng bằng nhau các vị thuốc gồm phục linh, đảng sâm, viễn chí, phục thần, xương bồ, long nhãn nhục. Nghiền bột mịn và hoàn thành viên, luyện mật, áo làm bằng chu sa. Dùng 2 lần/ngày, 10 – 20g/lần (chiều và tối trước lúc đi ngủ)

Trị tiêu chảy: Bạch truật, bạch phục linh, đảng sâm mỗi loại 10g, 3g chích cam thảo, bán hạ, trần bì, gừng chế, mỗi loại 5g, mộc hương và sa nhân mỗi loại 4g. Nghiền bột, trộn nước gừng táo hoàn thành viên nhỏ cỡ hạt đậu xanh. Dùng 4 – 8g/lần tùy độ tuổi.

Trị chứng tiểu ít, phù nề: 12g trạch tả, trư linh, bạch linh, bạch truật mỗi loại 10g, nhục quế 4g. Nghiền bột minh, sắc uống 10g/lần, dùng từ 2 – 3 lần mỗi ngày đến khi tình trạng bệnh được cải thiện.

Trị chứng phù do suy nhược cơ thể hoặc mang thai: 250g bạch linh, 60g cám gạo mịn, tán bột mịn. Dùng 2 lần/ngày, 10g/lần.

Trị vàng da tiêu chảy: 20g bột phục linh, 50g xích tiểu đậu, 100g ý dĩ, nấu thành cháo. Gia giảm với đường trắng tùy khẩu vị.

Trị chứng ho suyễn, thở gấp: 30g phục linh, 60g gạo nếp, nấu thành cháo. Chia làm 2 phần dùng hết trong ngày.

Làm trắng da, trị mụn nhọt, tàn nhang, thâm nám:

  • Bài 1: Hấp cách thủy phục linh trong 40 – 60 phút, nấu cùng mật ong tạo thành hỗn hợp dạng cô đặc. Dùng 1 bát/ngày đều đặn từ 1 – 2 tháng. 
  • Bài 2: Bạch phục linh tán mịn, trộn với mật ong và đắp trực tiếp lên da. Rửa lại vùng da với nước sau khoảng 15 – 20 phút. Thực hiện 2 – 3 ngày 1 lần. 

Lưu ý khi sử dụng bạch linh

  • Liều dùng nấm phục linh tham khảo là từ 6 – 12g mỗi ngày
  • Dược liệu có thể dùng ở dạng nước sắc, tán bột hoặc viên hoàn
  • Có thể dùng riêng hoặc kết hợp cùng các dược liệu khác tùy tình trạng bệnh và bài thuốc
  • Không nên dùng liều lượng lớn cho người bị thoát vị, di hoạt tinh do hư hàn, tỳ hư hạ hãm (sa trực tràng/dạ dày)
  • Không kết hợp với giấm khi chế biến các món ăn và bài thuốc có thành phần phục linh

bạch linh

Một số bài thuốc và lưu ý cần biết khi điều trị bệnh bằng phục linh

Bạch linh chủ yếu được nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc. Đây là vị thuốc quý với mức giá đắt đỏ, vì vậy Medigo khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ càng và lựa chọn các địa chỉ uy tín để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngoài ra nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên môn khi điều trị bệnh bằng phục linh.