Bác Hồ với công tác Giáo dục mầm non

Sinh thời, Bác Hồ là người hết lòng thương yêu con trẻ. Tình cảm của Bác là tình cảm Cách mạng, tình cảm của thế hệ đi trước dìu dắt thế hệ đi sau để họ kế tục sự nghiệp cha anh xây dựng Tổ quốc sau này. Và bao trùm lên cả là tình cảm đối với nhân loại, tình cảm của lòng nhân ái, của người lớn, người tốt, người mạn đối với trẻ thơ, vì các cháu còn rất bé bỏng, khờ dại, vô tội, non nớt, chưa biết gì, đang cần sự che chở, bảo vệ, chăm sóc, thương yêu. Vì vậy, khi nước nhà vừa được độc lập, ngày 10 tháng 8 năm 1946, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra sắc lệnh số 146/SL trong đó quy định: “Bậc ấu trĩ nhận trẻ dưới 7 tuổi và sẽ tổ chức tùy theo điều kiện thuận lợi do Bộ quốc gia ấn định sau”. Ngày đó được coi là ngày thành lập ngành Giáo dục mầm non và được UBBVBMTE quản lý về mặt tổ chức. Trong cuộc đời làm cách mạng, Bác Hồ kính yêu đã hết lòng chăm sóc và dạy dỗ lớp mầm non cho Tổ quốc. Những lời dạy của Bác với các cô giáo hay với các cháu nhỏ cũng đều ngắn gọn, dễ nhớ, giản dị, gần gũi nhưng hết sức sâu sắc. Bác nói: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt. Anh chị em giáo viên mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo…”. “Đối với trẻ em phải dạy thế nào cho các cháu biết đoàn kết, ham học, ham làm nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các cháu có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đấy”. Bác ví các cháu “như búp trên cành”, đang tuổi ăn tuổi ngủ nên Bác căn dặn: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Bác khẳng định: “Nhờ sự chăm sóc như thế, trẻ lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân”. Lòng yêu trẻ sâu sắc và tha thiết mong muốn trẻ được sống hạnh phúc là một nét đặc trưng mang tính nhân văn sâu sắc, tạo nên nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tấm lòng yêu trẻ thơ, chăm lo cho trẻ thơ, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta có thể tìm thấy ở Người một tấm lòng sáng ngời về tình yêu con trẻ. Chúng ta biết rằng: đi đến đâu Bác cũng luôn có kẹo hoặc bánh để chia cho các cháu. Chúng ta có thể đọc được biết bao lời âu yếm của Bác viết cho các cháu bé thơ, Bác viết “Các cháu vui cười hớn hở, Bác cũng vui cười hớn hở với các cháu vì Bác rất yêu mến các cháu.”. “Bác chỉ muốn các cháu được học hành, vui chơi, lớn lên xây dựng và bảo vệ đất nước”. Trong mỗi bức thư gửi cho các cháu, Bác đều gửi cho các cháu nhiều cái hôn. Và chính Bác cũng đã viết:

” Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh.

Tính các cháu ngoan ngoãn.

Mặt các cháu xinh xinh.

Mong các cháu cố gắng.

Thi đua học và hành”

Kháng chiến chống Thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lực lượng lao động nữ ở các ngành tăng nhanh, tỷ lệ sinh đẻ cũng tăng nhanh kéo theo nhu cầu tổ chức các nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo. Nhằm giải phóng sức lao động cho phụ nữ, phong trào các nhà trẻ, lớp mẫu giáo phát triển thu hút số cháu đến nhà trẻ, mẫu giáo tăng nhanh. Đội ngũ những người làm công tác nuôi dạy trẻ được quan tâm bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và chế độ tiền lương, công điểm. Những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt, Đảng và Bác Hồ kính yêu đã có những quyết sách đúng đắn và sáng suốt: Các cháu nhỏ được sơ tán về vùng nông thôn và tổ chức hoạt động phù hợp với điều kiện thời chiến, vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ vừa chăm sóc giáo dục trẻ theo Chương trình của UBBVBMTE. Sự chăm lo cho trẻ thơ của Bác được thể hiện không chỉ qua lời dạy bảo ân cần của Người, mà còn thể hiện bằng những việc làm, những cử chỉ thân thương, trìu mến qua các bức ảnh quý báu còn lưu giữ như:

Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch

Bác Hồ bón cơm cho trẻ

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu

Hôm nay, được lao động và học tập trong môi trường hòa bình, ổn định lớp lớp thế hệ các thầy cô Trường Mầm non Đa Mai luôn ghi nhớ công lao của Bác. Chúng tôi luôn thấm nhuần tư tưởng đạo đức lòng yêu trẻ và lời dạy của Bác : “Trẻ em như tờ giấy trắng, ta vẽ lên như thế nào thì nó sẽ phát triển như thế …”. Vì vậy, Người luôn đề cao vai trò giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Xác định vai trò, vị trí và nhiệm vụ hết sức vinh quang nhưng cũng không ít khó khăn vất vả, đội ngũ cán bộ giáo viên Trường Mầm non Đa Mai thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để trở thành những cô giáo mẫu mực, tu dưỡng theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. 

Cô giáo Giáp Thị Lương vẽ hoa trang trí ghế đá

Các cô giáo Đào Thị Nga, Lê Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Thuận vẽ hoa và con vật trang trí ghế đá

Tác phẩm do các cô giáo thể hiện đã hoàn thành

Các cô giáo  vệ sinh trường, lớp đảm bảo sạch sẽ

Các cô giáo vệ sinh đồ chơi ngoài trời

Công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong kỳ nghị phòng dịch Covid-19

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, thời gian ở trường chiếm 11-12 giờ/ngày, đồng lương còn hạn chế nhưng mỗi đồng chí luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được các cháu yêu quý, phụ huynh tín nhiệm, chất lượng giáo dục luôn ở tốp đầu thành phố Bắc Giang. Trong thời gian tiếp theo tập thể cán bộ giáo viên nhân viên tiêp tục phấn đấu xây dựng Trường mầm non Đa Mai trở thành điểm sáng trên quê hương Bắc Giang.

Phạm Thị Bắc – Hiệu trưởng.