Ba thách thức lớn của kinh tế vĩ mô: cơ hội hay rủi ro? – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Ba thách thức lớn của kinh tế vĩ mô: cơ hội hay rủi ro?
Đăng Linh
(TBKTSG) – Ba thách thức đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam dần bộc lộ về cuối năm 2019, bao gồm: sự tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và lạm phát có xu hướng bật tăng mạnh trở lại.
Thách thức cho duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,8%
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đi ngược đà giảm của khu vực
Xuất khẩu thủy sản vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Ảnh minh họa Lê Hoàng Vũ.
Việt Nam đã có năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP ở mức trên 7% (7,02%).
Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%.
Trên góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng năm 2019 tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, đưa bình quân giai đoạn 2016-2019 lên mức 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Hiệu quả đầu tư cũng đang trong xu hướng cải thiện khi bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với mức 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Tốc độ tăng xuất khẩu đột biến vào thị trường Mỹ làm gia tăng lo ngại về khả năng Việt Nam sẽ bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào “tầm ngắm” với cáo buộc thao túng tiền tệ.
Đây được coi là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2020.
Về tổng thể, động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ như ngành vận tải, kho bãi (tăng 9,12%); bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 8,62%).
Mặc dù vậy, điểm đáng lo ngại là càng về cuối năm, những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế càng bộc lộ rõ. Đầu tiên là sự chậm lại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kéo theo sự giảm tốc của khu vực công nghiệp và xây dựng.
Cụ thể, kết thúc quí 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,35% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đến ba tháng cuối năm, tốc độ tăng chỉ còn xấp xỉ 10%. Tính chung cả năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,29%, mức tăng thấp nhất trong ba năm gần đây. Hệ quả là khu vực công nghiệp và xây dựng trong quí 4 chỉ còn tăng trưởng dưới 8%, thấp nhất trong các quí của năm 2019.
Thách thức thứ hai là về hoạt động xuất khẩu. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu đạt trên 500 tỉ đô la Mỹ, thặng dư 9,9 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên hoạt động này cũng bộc lộ một số hạn chế. Giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản tiếp tục xu hướng giảm so với những năm trước, cộng thêm sản lượng một số mặt hàng giảm mạnh khiến nông sản trở thành “điểm mờ” trong bức tranh xuất khẩu năm 2019.
Trong khi đó, phần lớn kim ngạch xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong nhóm sáu mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ đô la Mỹ, tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu vẫn thuộc về khu vực FDI. Riêng trong nhóm điện thoại và linh kiện (chiếm một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu), các doanh nghiệp FDI chiếm 95%; nhóm điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 82,3%; nhóm giày dép chiếm 76,5%; nhóm hàng dệt may chiếm 58,9%.
Về cơ cấu thị trường, trong năm 2019, chỉ duy nhất xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt mức tăng hai con số (28%), còn các thị trường lớn khác như EU, Trung Quốc, ASEAN gần như không tăng trưởng, trong khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ tăng quanh ngưỡng 8%.
Không phải vấn đề mới, song tốc độ tăng xuất khẩu đột biến vào thị trường Mỹ cũng làm gia tăng lo ngại về khả năng Việt Nam sẽ bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào “tầm ngắm” với cáo buộc thao túng tiền tệ. Đây được coi là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2020.
Thách thức thứ ba đến từ vấn đề điều hành giá. Những biến động bất lợi đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt về cuối năm, đã khiến lạm phát tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2019 tăng 1,4% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong chín năm qua. Diễn biến này mặc dù chỉ khiến lạm phát trung bình năm 2019 tăng 2,79% so với năm 2018 nhưng nếu sử dụng thước đo lạm phát so với cùng kỳ năm năm trước thì mức tăng đã vọt lên 5,23%.
Nguyên nhân lớn nhất khiến chỉ số CPI tăng mạnh trong quí 4-2019 xuất phát từ giá nhóm hàng thịt heo. Trong ba tháng cuối năm, giá thịt heo trên thị trường đã tăng xấp xỉ 50%. Biến động mạnh này được dự báo sẽ còn tiếp tục trong quí 1-2020 do dịp Tết Nguyên đán sắp tới gần.
Cùng với lộ trình tăng giá các dịch vụ công, mục tiêu kiểm soát mức lạm phát trung bình dưới 4% của Chính phủ trong năm 2020 chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thách thức. CPI tăng sẽ ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt của người dân, tác động đến tổng cầu của nền kinh tế – vốn được xem là điểm sáng của Việt Nam trong bối cảnh các biến động địa chính trị thế giới leo thang, dòng chảy thương mại toàn cầu thay đổi.