Ba kinh nghiệm thuyết trình hội thảo quốc tế của thủ khoa đại học Mỹ

Chọn đề tài có tính mới và thiết thực, tập dượt ở nhà như thật và tìm câu chuyện mở đầu lôi cuốn giúp bạn thành công khi thuyết trình tại các hội thảo quốc tế.

Chị Minh Nguyệt (Moon Nguyen) là thủ khoa tốt nghiệp khóa Thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Quốc gia Grand Valley, Michigan, năm 2019. Từng là diễn giả tại nhiều hội thảo giảng dạy tiếng Anh ở Mỹ, chị chia sẻ ba kinh nghiệm thuyết trình của mình.

Moon Nguyễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Moon Nguyễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chọn đề tài thiết thực

Năm 2018, khi bước sang năm thứ hai chương trình thạc sỹ Ngôn ngữ học ứng dụng tại Mỹ, giáo sư dạy tôi giới thiệu về hội thảo giảng dạy tiếng Anh vùng Michigan (MITESOL). Và thế là tôi viết bản đề xuất thuyết trình về phương pháp dạy phát âm mà mình ứng dụng tại MoonESL từ năm 2012 và nhờ giáo sư phụ trách xem giúp.

Đề xuất được chấp nhận có một lý do quan trọng là “mới” so với hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh tại Mỹ. Phát âm thường là môn học bị nhiều giáo viên tiếng Anh bỏ qua hoặc tích hợp dạy cùng giao tiếp thiếu bài bản.

Buổi thuyết trình của tôi có sự tham gia của khoảng 100 giáo viên và giáo sư ở Michigan, là một trong những “concurrent” (buổi thuyết trình diễn ra song song với các buổi thuyết trình khác) có đông người tham dự nhất tại hội nghị.

Tương tự, năm 2019, tôi gửi bản nghiên cứu khác về cách nhìn của người Việt tới giáo viên bản xứ và không phải bản xứ tới hội thảo International TESOL, hội thảo giảng dạy tiếng Anh lớn nhất thế giới, tổ chức tại Alanta, Georgia, và cũng được chấp nhận.

Năm 2022, khi đã ở Việt Nam, tôi vẫn mạnh dạn gửi bản thuyết trình về “Phương pháp dạy phát âm tiếng Anh online” tới hội thảo MITESOL 2022, vì nhận định rằng trong và sau thời kỳ Covid-19, nhiều giáo viên sẽ gặp khó khăn với việc giảng dạy trực tuyến. Bài thuyết trình của tôi gần như được chấp thuận ngay.

Theo chủ tịch MITESOL 2022, Moon và thầy Quang là diễn giả duy nhất “ở ngoài bang” (out-of-state) và là một ngoại lệ (vì những hạn chế trong giai đoạn Covid-19). Bà này đánh giá nội dung thuyết trình thiết thực và ý nghĩa, miễn phí tham dự hội thảo.

Hấp dẫn ngay từ đầu

Khi thuyết trình, tôi thường mở đầu bằng những câu chuyện liên quan tới chủ đề, có thể lôi cuốn khán giả. Ví dụ, khi nói về phương pháp giảng dạy phát âm, tôi đã kể lại câu chuyện của mình với tư cách một người học tiếng Anh tới Mỹ, đã từng thất bại trong công việc, và phát âm đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào.

Ngoài phần mở đầu, chúng ta nên hiểu đối tượng khán giả để có điều chỉnh phù hợp. Tại sao họ nghe phần thuyết trình của bạn? họ muốn thu hoạch điều gì?

Với tôi, khán giả là giáo viên dạy ESL (tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai) ở Mỹ. Họ mong tìm được những phương pháp giúp những học sinh nhập cư. Tôi cho thấy phương pháp của mình có thể áp dụng với các học sinh của họ ra sao. Khi thấy được lợi ích hoặc yếu tố liên quan trực tiếp, khán giả sẽ dễ bị cuốn vào bài thuyết trình của bạn hơn.

Phần hỏi đáp (Q&A) thường khiến người lần đầu thuyết trình ngại nhất. Giáo sư dạy tôi một mẹo khá thú vị. Nếu ai đó hỏi câu khó, bạn hãy cầm lấy giấy và bút, ghi lại ý tưởng của họ. Hãy gật gù, nói với họ rằng ý tưởng, câu hỏi của họ rất hay và mình sẽ ghi lại để tham khảo, tìm hiểu.

Nếu thuyết trình ở hội thảo quốc tế, hãy đảm bảo bạn hiểu câu hỏi của khán giả. Nếu không hiểu, hãy nhớ hỏi lại.

Tôi cho rằng phần Q&A là phần hay nhất của bài thuyết trình. Phần này giúp khán giả và diễn giả giao lưu, trao đổi, làm rõ vấn đề. Vì thế, chúng ta có thể để lại email hoặc xin thông tin liên hệ của ai đó để giữ kết nối.

Moon Nguyễn thuyết trình tại MITESOL, Mỹ, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Moon Nguyễn thuyết trình tại MITESOL, Mỹ, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuẩn bị trước mọi tình huống

Thứ nhất, bạn phải căn thời gian thật chuẩn bởi có thể cùng một phòng hội thảo, có nhiều phiên thuyết trình gối đầu nhau. Người tổ chức hội thảo thường căn cứ vào phần thuyết trình bạn đăng ký và sắp xếp thời gian cho phù hợp.

Ví dụ, bạn thuyết trình 60 phút xong là đến phần của người khác.Vì vậy, tôi thường thu xếp thật nhanh để người tiếp theo vào chuẩn bị tài liệu và kết nối máy tính. Nếu phần thuyết trình được bố trí khoảng 60 phút, tôi sẽ dành 45 phút để trình bày, 15 phút sau dành cho phần hỏi và trả lời.

Thứ hai, về slide thuyết trình, trước kia tác giả phải in slide cho khán giả thì hiện giờ mình chỉ cần dính mã QR vào phần trình chiếu, khán giả “quét QR” là ra cả slide thuyết trình, rất tiện.

Slide cần dễ nhìn kết hợp sử dụng các hình ảnh hấp dẫn về mặt thị giác. Tôi cho rằng nên sử dụng ít chữ, nhiều hình ảnh, và video minh họa. Nhiều người cố ghi cả câu vào bản trình chiếu để tiện đọc nhưng việc này dễ khiến buổi thuyết trình kém thành công. Khán giả có thể mải đọc chữ mà quên lắng nghe ta nói gì, trong khi người thuyết trình dễ thành cái máy đọc, không tạo được hứng thú với khán giả.

Ngoài ra, khi đưa ra các luận điểm, tôi luôn trích dẫn tài liệu nghiên cứu để thuyết phục khán giả, nhất là tại các hội thảo có tính chuyên môn cao.

Thứ ba, tập dượt cẩn thận khiến bạn tự tin hơn khi đứng trước khán giả. Tôi luyện thuyết trình trong khung thời gian cho phép, đi đứng như thể mình đang ở trong khán phòng. Thậm chí, theo tôi, người thuyết trình nên mặc luôn bộ quần áo mình định mặc khi luyện tập. Cách này giúp chúng ta biết bộ quần áo có thoải mái và phù hợp không.

Khi nói, hãy đảm bảo là phát âm tiếng Anh của bạn dễ hiểu với người nghe. Phát âm không rõ ràng sẽ khiến khán giả phải tập trung nhiều hơn vào việc hiểu bạn đang nói gì thay vì nội dung mà bạn muốn truyền đạt.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần lường trước và chuẩn bị cho một số tình huống khác nữa, tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện của mỗi người.

Moon Nguyen