Bà bầu đi xe máy nhiều có sao không?

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, bà bầu đi xe máy đường dài và xóc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì trong thời gian mang thai, mẹ bầu không nên hoặc hạn chế di chuyển bằng xe máy đường dài.

Xe máy là phương tiện giao thông được sử dụng nhiều bởi tính tiện lợi, dễ di chuyển. Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai nên hạn chế di chuyển nhiều bằng xe máy, bởi khi thai nhi lớn dần và bụng mẹ bầu cũng to nên làm cho việc giữ thăng bằng trở nên khó khăn, dễ bị ngã và xảy ra các tai nạn liên quan.

Di chuyển bằng xe máy trong thời gian mang thai có thể gặp phải các nguy cơ như sau:

  • Sự thay đổi các hormone nội tiết tố trong thai kỳ làm cho các mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ốm nghén… và dẫn đến tình trạng khó chịu khi lái xe. Đa số các trường hợp mẹ bầu trong giai đoạn thai nghén đều cần hạn chế lái xe để tránh ảnh hưởng đến thai nhi;
  • Mẹ bầu đi xe máy dễ bị mất thăng bằng và ngã do bụng to và phản ứng chậm hơn so với bình thường;
  • Nhiều đoạn đường nhỏ, lồi lõm làm cho bà bầu đi xe máy bị xóc và gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi;
  • Đa số xe máy đều rất nặng nên việc di chuyển, dắt xe và đỗ xe sẽ rất khó khăn cho phụ nữ đang mang thai.

Thông thường, phụ nữ có thai đang trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt đầu tiên) có nguy cơ gặp rủi ro khi đi xe máy ít hơn so với giai đoạn sau của thai kỳ. Bởi vì ở giai đoạn cuối, thai nhi lớn dần lên, bụng mẹ bầu to hơn và cơ thể cũng trở nên nặng nề, kém linh hoạt và dễ xảy ra va chạm. Những va chạm dù nhẹ nhưng cũng làm tâm lý mẹ bị kích động và có thể dẫn đến sinh non. Đối với những phụ nữ mang thai có tiền sử động thai, sảy thai hay các biến chứng như nhau tiền đạo, bong non… thì cần hạn chế di chuyển bằng xe máy.