Ba bản thu hoạch bằng tiếng Anh trong khóa thực tập nghiên cứu tại Trung Quốc | meddom.org

Ba bản thu hoạch bằng tiếng Anh trong khóa thực tập nghiên cứu tại Trung Quốc

11:29 – Thứ Sáu, 10/01/2014

tin từ MEDDOM Đây là minh chứng cho quá trình cố gắng, nỗ lực học tập, nghiên cứu thực tập tại Học viện Thủy lợi Hoa Đông của GS.TS Nguyễn Công Mẫn.

Năm 1965 theo yêu cầu giảng dạy và phục vụ sản xuất, Nguyễn Công Mẫn và hai đồng nghiệp Hồ Ngọc Phú (cán bộ giảng dạy Bộ môn Thủy điện); Phạm Phò (cán bộ giảng dạy về Kinh tế Thủy lợi) thuộc Học viện Thủy lợi Điện lực được Bộ Thủy lợi quyết định cử đi thực tập nghiên cứu ở Học viện Thủy lợi Hoa Đông, Nam Kinh, Trung Quốc (nay là trường Đại học Hồ Hải) trong 13 tháng (1965-1966). Mục đích thực tập nghiên cứu được Bộ Thủy lợi quy định rất rõ ràng trong văn bản gửi Học viện gồm ba nội dung: Tính chất xây dựng của loại đất bùn và xử lý nền đất mềm yếu; Phân loại đất yếu cho xây dựng thủy lợi; Công tác quản lý Bộ môn và biên soạn bài giảng, công tác kết hợp giảng dạy – nghiên cứu và phục vụ sản xuất.

Sáu tháng học Trung văn ở trong nước dường như quá ngắn nên Nguyễn Công Mẫn chỉ có thể sử dụng tiếng Trung Quốc trong việc giao tiếp. Khi sang Trung Quốc, Học viện đã cử hai Giáo sư giúp đỡ về chuyên môn cho Nguyễn Công Mẫn, đó là: GS Tiền Gia Hoan (được đào tạo tại Hoa Kỳ) và GS.TS Xiang Ta Duân (đào tạo tại Liên Xô). Để khắc phục những khó khăn do ngôn ngữ hạn chế và có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Nguyễn Công Mẫn đã xin phép GS Tiền được sử dụng tiếng Anh trong quá trình làm việc và được hai Giáo sư đồng ý với đề xuất này.

Nhằm giúp đỡ học viên thực hiện theo ba nội dung được giao, Giáo sư Tiền Gia Hoan lập kế hoạch học tập nghiên cứu cho Nguyễn Công Mẫn bao gồm: Nghiên cứu lý thuyết và thực hành về các thí nghiệm xác định tính chất địa kỹ thuật của đất yếu; Nghiên cứu thiết bị dùng cho đất yếu gồm: Thí nghiệm nén ba trục, Cố kết ba hướng, Phương pháp xác định áp lực nước lỗ rỗng trong phòng thí nghiệm và ở hiện trường, Thí nghiệm cắt cánh hiện trường; Nghiên cứu tính chất xây dựng của loại đất sét đỏ của vùng Tây Nam Trung – đây là đề tài nhằm phục vụ cho một cơ quan sản xuất của bạn nên Nguyễn Công Mẫn đã lựa chọn để đi sâu nghiên cứu với ý nghĩ đề tài này sẽ giúp mình có thể bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ đào tạo và sản xuất.

Được sự giúp đỡ tận tình của GS Tiền, Nguyễn Công Mẫn đã khai thác triệt để được vốn tiếng Anh của mình. Trong thư viện Học viện Thủy lợi Hoa Đông có một phòng đọc đặc biệt, có nhiều tài liệu chuyên ngành và cơ bản về lĩnh vực nghiên cứu của Nguyễn Công Mẫn bằng tiếng Anh, song không được mượn về, lại không có máy chụp, nên ông phải chép tay tài liệu và kiến thức thu nạp được vào 10 cuốn vở học sinh. Bên cạnh đó, ngoài tài liệu tiếng Anh, Nguyễn Công Mẫn cũng khai thác được nhiều tài liệu bằng tiếng Nga. “Trong số lưu học sinh Việt Nam lúc đó, tôi là người duy nhất khai thác được các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh”, GS.TS Nguyễn Công Mẫn chia sẻ.

Ba bản thu hoạch kết quả học tập tại Trung Quốc bằng tiếng Anh

Theo kế hoạch do giáo sư Tiền đưa ra, học viên Nguyễn Công Mẫn đã tự học tập, nghiên cứu và thu hoạch được những kiến thức cơ bản cần thiết về đề tài do mình lựa chọn. Nguyễn Công Mẫn đã đưa ra phương pháp mới tính toán nền giếng cát theo phương pháp “Cố kết thấm tương đương và áp dụng để giải bài toán lún cố kết nền giếng cát có xét tới tính từ biến của đất” và được chấp nhận. Mặt khác ông cũng đã phát hiện một số tính chất xây dựng đặc thù của loại đất đỏ vùng Vân Nam Trung Quốc được phong hóa trong điều kiện nhiệt đới ẩm.

Từ những kiến thức đã tham khảo, học tập được, Nguyễn Công Mẫn đã nghiên cứu và viết ba báo cáo kết quả học tập bằng tiếng Anh:

1. Một số tính chất địa kỹ thuật của đất mềm yếu. Với bản báo cáo này Giáo sư Tiền Gia Hoan đã nhận xét “Báo cáo tổng kết này có nội dung phong phú, toàn diện. Trong một số phần có ý kiến sáng tạo của riêng mình…”

2. Một số tính chất xây dựng của loại đất sét đỏ vùng Tây Nam Trung Quốc. Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, một cơ quan về thủy lợi đã gửi trên một tạ đất đến phòng thí nghiệm để thực tập sinh Nguyễn Công Mẫn làm thí nghiệm và viết báo cáo dưới sự trợ giúp của một cán bộ thí nghiệm Trung Quốc, ông Xu Zhi-Ying. Bản báo cáo sau đó được GS Tiền Gia Hoan dịch sang tiếng Trung và gửi cơ quan sản xuất tham khảo vì đây là loại đất đặc thù vùng nhiệt đới ẩm.

3. Một số ghi chép và thu hoạch khi tham quan công trình thủy lợi

 

Nguyễn Công Mẫn (trái) và đồng nghiệplàm thí nghiệm trong thời gian thực tập tại Trung Quốc, 1965-1966

Trong điều kiện thực tập ngắn hạn, nên giáo sư hướng dẫn là người đánh giá kết quả nghiên cứu. Và sau khi ông về nước công tác thì những kết quả này cũng đã được công bố trong Tuyển tập Hội nghị Địa chất công trình Cơ học đất – Nền móng toàn miền Bắc Việt Nam lần thứ hai năm 1968.

Ba bản thu hoạch được Nguyễn Công Mẫn viết trên 4 quyển vở kẻ ngang đã giúp ích rất nhiều cho ông khi về nước công tác. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Nguyễn Công Mẫn được giao làm Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Đóng góp nghiên cứu tính chất xây dựng của đất đỏ badan Tây nguyên – một loại đất đặc thù phong hóa trong điều kiện nhiệt đới ẩm” (được nghiệm thu vào năm 1984), những kinh nghiệm thu hoạch được khi nghiên cứu đề tài về tính chất xây dựng của loại đất sét đỏ của vùng Tây Nam Trung Quốc đã giúp ông rất nhiều trong quá trình thực hiện đề tài này.
Đặc biệt năm 2011, phương pháp cố kết thấm tương đương được GS Nguyễn Công Mẫn được công bố và đưa vào tuyển tập của Hội nghị Quốc tế về “Geotechnics for sustainable Development” (Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững) tại Hà Nội, do FECON tổ chức.

Năm 2013, Giáo sư Nguyễn Công Mẫn tham gia Hội nghị Quốc tế về “Foundation & Soft Ground Engineering Challenges in Mekong Delta” (Nền móng và các giải pháp địa kỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long) tại Thủ Dầu Một, do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức với bài báo cáo “Sử dụng phương pháp cố kết thấm tương đương để phân tích độ lún ảnh hưởng từ biến của đất mềm yếu khi xử lý bằng giếng cát”. Giáo Nguyễn Công Mẫn tâm sự: Chuyến thực tập tuy ngắn nhưng đã giúp tôi tự tin hơn trong nghiên cứu khoa học, tìm ra được phương pháp tiếp cận các vấn đề mới để tự đào tạo và phát triển chuyên ngành, phục vụ sản xuất và giảng dạy.

Nguyễn Thị Phương Thúy