ATK Định Hóa: Ngày ấy – bây giờ
(TN&MT) – Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, khu di tích lịch sử ATK Định Hóa (Thái Nguyên) vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống bình dị, gần gũi trong văn hóa Việt Nam.
Người dân nơi đây đã nỗ lực để giữ gìn, tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
“Vui sao một sáng tháng năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng Thủ đô Gió Ngàn”.
Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đưa tôi về với Thủ đô kháng chiến giàu truyền thống, nơi có 128 địa điểm di tích lịch sử, danh thắng trải dài trên 520 km2, thuộc 24 xã, thị trấn của huyện Định Hóa. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho An toàn khu (ATK) Định Hóa, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Về với “Thủ đô gió ngàn – ATK Định Hóa”, tôi được tận mắt thấy đèo De, núi Hồng – các địa danh đã đi vào thơ ca, lịch sử, đắm mình với thiên nhiên rừng cọ, đồi chè, chinh phục thác Khuôn Tát 7 tầng hùng vĩ…, được tham quan, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Khắc Thọ
Điểm đến đầu tiên khi tham quan ATK là Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De, một công trình trang nghiêm với lối kiến trúc truyền thống cổ kính. Nhà tưởng niệm Bác được xây dựng và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2005.
Trong thời gian ở Định Hóa, Khuôn Tát là nơi Bác ở và làm việc nhiều lần nhất. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Người với các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội. Đây cũng là nơi Bác viết nhiều tài liệu quan trọng về củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, nơi Bác rèn luyện sức khỏe, tập võ, đánh bóng chuyền cùng các chiến sĩ vệ binh. Cũng chính tại nơi đây, Bác Hồ và Quốc hội đã tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Không chỉ có Khuôn Tát mà gần như mọi địa danh ở ATK Định Hóa đều in dấu hình ảnh của Bác. Tại lán Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa hội nghị Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Khau Tý, Bác đã viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, một tác phẩm có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây cũng là nơi Người viết bài thơ “Cảnh khuya” in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ.
Trong giai đoạn năm 1947 – 1954, ATK Định Hóa không chỉ là nơi làm việc của Bác và các cơ quan Trung ương Đảng, các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng,… mà còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như: Phát động phong trào thi đua ái quốc năm 1949, ký sắc lệnh thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao Chiến dịch Biên giới (1950), ra lệnh mở cửa chiến dịch Trung Du (1950 – 1951). Đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến cuộc chiến Đông Xuân (1953 – 1954) quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ có những quyết sách quan trọng, kịp thời đó, chúng ta mới có một chiến thắng hào hùng, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, lập lại hòa bình tại Đông Dương.
ATK Định Hóa là nơi có nhiều địa điểm di tích ghi dấu những sự kiện quan trọng của đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của các di tích lịch sử, trong những năm qua, Ban quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa và cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị lịch sử của các di tích.
Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa cho biết: Ban quản lý cũng thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm quảng bá sâu rộng hình ảnh của Khu di tích tới du khách trong và ngoài nước. Việc phát huy giá trị, tôn tạo, tu bổ, chống xuống cấp các di tích lịch sử luôn được chú trọng để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.