ASEAN ứng phó với những thách thức chưa từng có
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng
Phóng viên: Xin Thứ trưởng chia sẻ về những hoạt động nổi bật của ASEAN trong 2021 và ý nghĩa của các hoạt động này đối với sự phát triển và vị thế của ASEAN?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Năm qua, ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn chưa từng gặp phải. Dịch bệnh COVID-19 phức tạp, cạnh tranh nước lớn gay gắt, bất ổn nội bộ ở Myanmar và hậu quả là những thách thức to lớn khiến ASEAN phải “căng mình” chống đỡ. Bên cạnh đó, cùng với cộng đồng quốc tế, ASEAN còn phải ứng phó với những vấn đề cố hữu như thách thức an ninh phi truyền thống, suy giảm kinh tế do dịch bệnh, khoảng cách giàu nghèo mở rộng, suy thoái môi trường gia tăng…
Trên nền bức tranh khu vực và quốc tế bất thường và đầy biến động này, ASEAN đã có nhiều nỗ lực để ứng phó với tình hình.
Trong ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi khu vực, các nước ASEAN cùng bình tĩnh, phối hợp với nhau về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, bảo hộ công dân của nhau. Các nước ASEAN cố gắng cùng nhau và cùng các đối tác bên ngoài không để đứt mạch chuỗi cung ứng hàng hóa, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu. ASEAN cũng đã thu hút được sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài, nhất là trong việc cung cấp vaccine, vật tư y tế.
Song song với đó, ASEAN vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng Cộng đồng. Nổi lên là hơn 90% các Kế hoạch tổng thể đã và đang được triển khai trên tất cả các trụ cột cộng đồng, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân các nước thành viên.
Vị thế trung tâm của ASEAN trong khu vực được khẳng định thông qua các mối quan hệ của Hiệp hội với các đối tác. Điều này thể hiện qua việc ASEAN nâng cấp và mở rộng quan hệ với một loạt đối tác, trong đó có cả những nước lớn. Cụ thể, Vương quốc Anh trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN; Quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN – Trung Quốc và ASEAN – Australia được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện.
Biển Đông vẫn là mối quan tâm của các nước với mục tiêu gìn giữ hòa bình, ổn định tại khu vực. Trong năm, trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, gây nguy cơ mất ổn định, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực, ASEAN vẫn kiên trì lập trường, nguyên tắc của mình, thể hiện quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác thông qua kiềm chế, thượng tôn pháp luật, xây dựng lòng tin và bảo vệ môi trường; khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đối với tình hình Myannar, ASEAN kiên định nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các nước, đồng thời xác định, với tư cách là một cộng đồng, ASEAN phải giữ vai trò trung tâm, các thành viên ASEAN phải cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm, hỗ trợ Myanmar giải quyết khó khăn, sớm khôi phục lại tình trạng bình thường. Trên tinh thần đó, trong năm qua, bất chấp đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo của ASEAN đã họp trực tiếp và thống nhất được Đồng thuận năm điểm của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Myanmar; hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho người dân Myanmar ứng phó đại dịch COVID-19. Tuy nhiên việc triển khai nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Myanmar còn nhiều phức tạp, cho nên tiến triển còn chậm và sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho ASEAN trong năm 2022.
Phóng viên: Tiếp nối những thành công của năm ASEAN 2020, đâu là dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN trong năm qua, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Năm 2020, COVID-19 bùng nổ, gây ra nhiều xáo trộn và thách thức rất lớn đối với khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam vẫn “chèo lái con thuyền” ASEAN vững vàng, duy trì được các hoạt động của ASEAN thông qua hình thức trực tuyến và thúc đẩy bình thường tiến trình xây dựng cộng đồng. Nền tảng của năm ASEAN 2020 đã tạo tiền đề cho nhiều hoạt động của ASEAN trong 2021.
Bước sang năm 2021, những kết quả của năm ASEAN 2020 được duy trì, những sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong năm làm Chủ tịch liên quan đến cộng đồng cũng như phòng, chống đại dịch COVID-19 tiếp tục được đẩy lên và triển khai. Như đã đề cập, có những sáng kiến đưa ra từ năm 2020 như Xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, đánh giá triển khai Hiến chương, Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 đều ghi nhận những tiến triển đáng chú ý.
Ngoài ra, một nội dung khác cũng được Việt Nam đưa vào trao đổi trong ASEAN là việc thúc đẩy phát triển tiểu vùng trong khu vực. Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Cấp cao ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì Phát triển bền vững và Tăng trưởng bao trùm cuối tháng 11/2021, góp phần vào những nỗ lực của ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, làm vững chắc hơn vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực.
Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN tham gia hỗ trợ tìm giải pháp, kêu gọi kiềm chế, đối thoại và hòa giải; nêu những sáng kiến và đóng góp vào việc hình thành Đồng thuận năm điểm của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, xác định đặc phái viên của ASEAN nhằm đưa tình hình trở lại bình thường vì lợi ích của nhân dân Myanmar cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Việt Nam cũng phối hợp lập trường với các nước ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng để đảm bảo giữ vững lập trường độc lập của ASEAN, phát huy vai trò và các quan điểm của ASEAN trước các xu thế mới trong khu vực.
Có thể khẳng định, nỗ lực của Việt Nam vẫn được các nước thành viên trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN tôn trọng và đánh giá tốt.
Phóng viên: Nhiều người cho rằng, ASEAN đang đứng trước những khó khăn mang tính “lịch sử”, theo Thứ trưởng, đâu là những giá trị cốt lõi, “chìa khóa” thành công để ASEAN vững tin vượt qua những khó khăn hiện tại và tương lai?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Trước tiên, tại sao ASEAN ra đời và lớn mạnh trong mấy chục năm qua? Đó chính là bởi giá trị của cộng đồng ASEAN. Có nhiều việc, nếu đứng riêng rẽ, các nước ASEAN không thể làm được mà chỉ có thể gắn kết với nhau mới có thể hiện thực hóa. Gắn kết với nhau trong cộng đồng, các nước mới có được vị thế và tiếng nói quan trọng, hiệu quả, mới đóng góp vào tạo dựng hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đây chính là giá trị của ASEAN và lợi ích của các nước khi là thành viên của Hiệp hội.
Để xây dựng được một cộng đồng ASEAN vững mạnh, yếu tố cần thiết nhất chính là đoàn kết, nhất trí và tôn trọng những nguyên tắc của ASEAN như nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Những nguyên tắc này cũng chính là nền tảng để các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất lập trường với nhau.
Bên cạnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế và khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt cũng là một giá trị rất quan trọng của Hiệp hội. Các cơ chế và khuôn khổ này có ý nghĩa không chỉ đối với ASEAN mà với cả khu vực và thế giới, vì vậy, thu hút được sự tham gia của nhiều đối tác, trong đó có cả các nước lớn. Các nước đều tôn trọng các cơ chế, khuôn khổ của ASEAN, tức là tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Khi những giá trị này được nhân lên sẽ đảm bảo cho tương lai của Hiệp hội.
Để vượt qua những khó khăn hiện tại và tương lai, ASEAN sẽ phải cố gắng để giữ vững được sự độc lập, tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế; gắn sự phát triển của mình phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0; xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu. Có những giá trị ASEAN đã có, có những giá trị đang có và cần phải tiếp tục gìn giữ, củng cố và phát huy.
Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có trách nhiệm gìn giữ, phát huy và nhân lên những giá trị của Hiệp hội; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội, hướng tới môi trường khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài cho nhân dân các nước.
Phóng viên: Xin Cảm ơn Thứ trưởng./.