ASEAN thống nhất về những vấn đề quan trọng

Chiều 24-4, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN (Jakarta, Indonesia), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các lãnh đạo ASEAN dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN. Đây là hội nghị trực tiếp lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong năm 2021 và sau gần 18 tháng các hội nghị ASEAN phải họp trực tuyến do tình hình dịch Covid-19.

Giữ vững vai trò trung tâm và vị thế

Ngay sau khi đảm nhận cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị lần này thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với khu vực và ASEAN.

Là nước Chủ tịch ASEAN 2020 và hiện là nước ASEAN duy nhất tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4-2021, các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung vào thúc đẩy triển khai các định hướng hợp tác mà ASEAN đã thống nhất trong năm 2020, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của ASEAN trong giai đoạn hiện nay, nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống người dân, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, kể cả trên các vùng biển, để phục hồi và phát triển kinh tế.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung trao đổi về 3 nội dung chính: Hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm.

ASEAN thống nhất về những vấn đề quan trọng - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nước ASEAN, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN chiều 24-4 tại Jakarta, Indonesia Ảnh: REUTERS

Về hợp tác xây dựng cộng đồng, lãnh đạo các nước ASEAN đều nhận định ASEAN đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đe dọa hòa bình, ổn định, phát triển của các quốc gia và cuộc sống của người dân. Do đó, ASEAN cần hơn lúc nào hết, đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau để cùng vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách hiện nay, giữ vững vai trò trung tâm, uy tín và vị thế của ASEAN.

Một trong những ưu tiên cao của ASEAN lúc này là đẩy mạnh ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện. Các nước thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó Covid-19 đã được thông qua trong năm 2020; trước mắt, sớm hoàn tất và thực hiện kế hoạch sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 mua vắc-xin hỗ trợ người dân cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các nước bày tỏ ủng hộ cao đối với sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (Sáng kiến ASEAN SHIELD) do nước Chủ tịch Brunei đề xuất.

Nhìn nhận về tầm quan trọng của quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ ủng hộ tích cực những đề xuất tăng cường quan hệ với ASEAN của các đối tác Trung Quốc, Úc, Mỹ và Anh.

Cử đại diện tới Myanmar

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo chủ yếu tập trung trao đổi về tình hình Myanmar. Đại diện Myanmar đã trình bày với hội nghị về diễn biến tình hình Myanmar thời gian qua. Lãnh đạo các nước ASEAN đều bày tỏ quan ngại cho rằng tình hình đang tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh mạng của người dân, yêu cầu các bên kiềm chế, chấm dứt sử dụng vũ lực, tạo điều kiện thuận lợi tìm giải pháp cho tương lai của Myanmar.

Các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần phát huy vai trò và tận dụng những cơ chế sẵn có để hỗ trợ Myanmar, trên tinh thần đoàn kết ASEAN và không can thiệp vào công việc nội bộ, cụ thể là cử đại diện của ASEAN tới Myanmar tìm hiểu tình hình, tiếp xúc với các bên liên quan, đề xuất cách thức, biện pháp thúc đẩy đối thoại, hòa giải. ASEAN cũng thống nhất tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ nhân đạo giúp người dân Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).

Chia sẻ ý kiến của lãnh đạo các nước ASEAN về tình hình Myanmar và vai trò của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trên cương vị Ủy viên không thường trực và đang là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4-2021, Việt Nam đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm ra giải pháp phù hợp đối với tình hình Myanmar. Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn của Liên Hiệp Quốc cùng Việt Nam vận động các đối tác ủng hộ, hỗ trợ nỗ lực của ASEAN trong tiếp cận và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho Myanmar.

Cùng ngày 24-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Campuchia, Singapore, Malaysia; hội kiến Quốc vương Brunei và tiếp Tổng Thư ký ASEAN. 

Nỗ lực thúc đẩy hòa bình tại Myanmar

Lãnh đạo các nước ASEAN đã gặp Thống tướng Min Aung Hlaing của Myanmar trong hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia hôm 24-4 nhằm thúc đẩy chấm dứt tình trạng bạo lực tại nước này, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các nhà hoạt động chính trị đang bị giam giữ.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết hội nghị hôm 24-4 phản ánh mối quan tâm sâu sắc về tình hình ở Myanmar và quyết tâm của ASEAN trong việc giúp quốc gia thành viên này thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Quyết định tham dự sự kiện của Tướng Min Aung Hlaing được xem là cơ hội hiếm hoi để các nước thành viên ASEAN trực tiếp đối thoại về tình hình của Myanmar.

Một trong những đề xuất được đưa ra tại hội nghị là cho phép Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, chủ tịch ASEAN, đến Myanmar để gặp lãnh đạo chính quyền quân sự và phong trào ủng hộ bà Suu Kyi nhằm khuyến khích đối thoại. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói với hãng tin AP rằng Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi sẽ đi cùng với quốc vương Brunei nếu chính quyền quân sự Myanmar đồng ý.

X.Mai