Áp lực về tài nguyên, môi trường khi dân số thế giới đạt 8 tỷ người
TMO – Dấu mốc 8 tỷ người đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, nhất là đối với vấn đề tài nguyên và môi trường.
Theo Quỹ Dân số thế giới (UNFPA) của Liên Hợp Quốc, dân số 8 tỷ là nguồn lực to lớn để cùng thực hiện những mục tiêu đã đề ra về phát triển con người, bởi đây là nguồn lao động dồi dào và quý báu. Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với quy mô nguồn nhân lực lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội, tạo ra lực lượng lao động đông đảo, đủ mạnh để thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội phát triển, để mỗi quốc gia thực hiện các mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.
Một khu chợ ở Kolkata (Ấn Độ), Liên Hiệp Quốc dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều người hơn trên trái đất gây ra nhiều áp lực hơn đối với thiên nhiên. Dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu cũng có khả năng gây ra tình trạng di cư hàng loạt và xung đột trong những thập kỷ tới. Trên bình diện quốc tế, dân số 8 tỷ người tạo áp lực đáng kể đối với môi trường, hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… Những cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu…vừa qua đang đe dọa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Những tác động mà chúng gây ra có thể sẽ còn trầm trọng hơn một khi quy mô dân số thế giới không ngừng gia tăng.
Vấn đề khi dân số đạt mốc 8 tỷ người sẽ tiêu thụ bao nhiêu tài nguyên, năng lượng cũng rất quan trọng, buộc các nhà hoạch định chính sách phải tạo ra sự khác biệt lớn bằng cách thay đổi mô hình tiêu dùng mà ở đó người dân các nước giàu cần tiết kiệm hơn trong việc sử dụng và khai thác tài nguyên. Các chuyên gia cho biết áp lực về tài nguyên đặc biệt khó khăn ở các quốc gia châu Phi, nơi dân số dự kiến sẽ bùng nổ. Đây cũng là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của khí hậu và cần nhiều tài chính hơn để chống biến đổi khí hậu. Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, các nguồn tài nguyên dù là thực phẩm, nước, pin, năng lượng… sẽ khan hiếm hơn nữa khi dân số toàn cầu tăng thêm 2,4 tỷ người và đạt đỉnh 10,4 tỷ vào những năm 2080.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, 8 quốc gia có tốc độ gia tăng dân số lớn nhất thế giới từ nay đến năm 2025 gồm: Ấn Độ, Congo, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Tại Nigeria, trong 3 thập kỷ tới, dân số quốc gia Tây Phi này dự kiến sẽ tăng từ 216 triệu lên 375 triệu người, biến nước này thành quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ.
Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030; 9,7 tỷ vào năm 2050; 10,4 tỷ vào năm 2080 và duy trì con số này cho đến năm 2100. Tình trạng mất an ninh lương thực thậm chí còn trở thành một vấn đề cấp bách hơn. Dân số tăng nhanh đồng nghĩa với việc nhiều người phải tranh giành nguồn nước khan hiếm, nhiều gia đình phải đối mặt với nạn đói khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến sản xuất cây trồng ở nhiều nơi trên thế giới.
Minh Vân