Áp lực nữ quyền trên vai đàn ông Việt
Tiêu chuẩn đàn ông tốt của phụ nữ Việt hiện đại là phải lo từ kinh tế đến nhà cửa, vừa phải kiếm tiền giỏi vừa biết làm việc nhà.
Đọc nhiều bài về bình đẳng nữ quyền trong thời gian gần đây, đặc biệt là quan điểm “‘Phụ nữ hiện đại không cần vào bếp”, cũng như gặp một số trường hợp thực tế trong cuộc sống, tiếp xúc với cả những người bạn đã kết hôn lẫn hôn nhân tan vỡ, tôi có thể nói mình thà chọn một mẫu phụ nữ biết chăm lo cho gia đình, còn hơn một người suốt ngày kêu gào bình đẳng.
Trước tiên, nhiều bạn đòi hỏi bình đẳng nhưng lại không hiểu ý nghĩa của nó là gì? Số khác lại tự suy diễn ra. Đơn cử như việc đi ăn hàng quán, có bao nhiêu cô gái chủ động trả tiền cho người bạn trai của mình? Hay các bạn mặc định việc đó là của đàn ông? Các bạn có biết ở phương Tây, người ta luôn rõ ràng trước pháp luật về vấn đề bình quyền nam nữ trước khi kết hôn không? Đó là hợp đồng tiền hôn nhân. Chính tôi, đã chứng kiến một người Nhật không cho bố mẹ vợ ngủ lại qua đêm, vì đơn giản người đàn ông không thích điều đó, nhà họ là nơi riêng tư cho vợ chồng chứ không phải để bố mẹ vợ đến ngủ qua đêm.
Nhưng đàn ông Việt Nam thì sao? Phụ nữ Việt luôn quan niệm đàn ông phải lo từ kinh tế, đến nhà cửa, đưa hết lương cho vợ, nhưng chưa đủ, về nhà lại phải xắn tay vào bếp, như thế mới là một người chồng tốt. Nhưng bạn cứ thử một tháng không đưa lương cho vợ, hay kém người vợ về kinh tế xem có bị chê bai, dè bỉu không? Ngay cả với những việc nặng trong gia đình, phần lớn vẫn mặc định đó là việc của đàn ông, chứ chẳng mấy cô chịu san sẻ gánh nặng với chồng.
>> ‘Phụ nữ hiện đại không cần vào bếp là nữ quyền lệch lạc’
Liệu có cô gái nào dám đăng lên Facebook khoe chuyện mình đi kiếm tiền để về nuôi chồng con, còn chồng ở nhà nội trợ? Và trong hoàn cảnh ấy, có bao nhiêu người dám tự tin yêu thương và tôn trọng chồng? Hay hầu hết lại chọn cách né tránh, xấu hổ mỗi khi nhắc đến chồng chỉ vì anh ta không giỏi kiếm tiền?
Thực ra, những gì các bạn đang kêu gào “bình đẳng”, thực chất chỉ là “cào bằng” chứ không phải “công bằng”. Cái kiểu lý luận “muốn sinh con thì ông tự đẻ đi, sao bắt tôi đẻ” ngày nay không ít, nhất là ở những gia đình trẻ, hiện đại. Thoạt nghe thì đó có vẻ là đề cao quyền bình đẳng giới, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với mọi việc khác cũng đều phải chia đôi: từ việc leo mái nhà thay ngói, lợp tôn, đến sửa chữa điện, nước trong nhà…
Có thể nhiều người sẽ nói tôi cổ hủ, nhưng bản thân tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người nước ngoài, từng học tập và nghiên cứu nhiều năm ở nước phát triển, nên tôi dám khẳng định, đàn ông Việt phải chịu gánh nặng hơn nhiều lần so với người phương Tây. Thế nên, nếu phụ nữ muốn đòi hỏi bình đẳng cho mình, hãy học cách sạn sẻ những áp lực với người đàn ông trước đã.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.