Áp lực lạm phát đè nặng doanh nghiệp, giải pháp nào? | DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH
>> Xuất khẩu gỗ bất ngờ “giảm tốc” do bão lạm phát
Vòng xoáy lạm phát
Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ 2021; lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý 2 và 6 tháng qua cũng đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã lý giải, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6/2022 và 6 tháng đầu năm đều gia tăng.
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét: “Ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã có tính toán nếu giá xăng dầu ở Việt Nam tăng lên khoảng 50% thì sẽ tác động vào chỉ số CPI thêm 1,2%. Tất cả các mặt hàng khác như nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài vào cũng tăng với tốc độ khoảng 20 – 30 % sẽ làm cho CPI của Việt Nam tăng thêm khoảng 0,8%. Như vậy, tổng cộng CPI của năm nay sẽ cao hơn năm ngoái đâu đó khoảng 2- 2,2%, nhưng vào nửa đầu năm, tác động chưa mạnh lắm cho đến 6 tháng cuối, sự ảnh hưởng sẽ rõ rệt hơn”.
Vị chuyên gia giải thích thêm, tác động mạnh nhất của cơn bão giá lần này là từ bên ngoài vào thông qua hàng hóa nhập khẩu, trong đó có cả nguyên vật liệu, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu và thức ăn gia súc,… Vì vậy nó len lỏi vào trong tất cả các hàng hóa nội địa của Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, tác động của vòng xoáy lạm phát sẽ mạnh hơn và chúng ta bắt đầu cảm nhận được trong vòng 1-2 tháng gần đây.
Trước áp lực lạm phát dâng cao, nhiều người lo ngại về nhu cầu tiêu dùng co hẹp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, nhất là khi cả nước vừa trải qua hai năm đại dịch. Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện nay, đại đa số người dân đã mệt mỏi, cạn kiệt tài chính sau 2 năm COVID-19. Khi giá cả tăng cao rơi vào các mặt hàng thiết yếu sẽ càng làm cho đời sống thêm khó khăn. Với doanh nghiệp, chi phí tăng lên nếu phải chi thêm để trả lãi vay, đầu vào tăng, lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, khiến họ khó có thể mở rộng sản xuất để tạo việc làm.
“Biến động giá đang góp phần làm chậm giải ngân đầu tư công. Nếu chậm nữa thì càng thêm khó khăn do phải điều chỉnh dự toán. Cần gióng lên hồi chuông về nguy cơ lạm phát cao để Chính phủ, Quốc hội có biện pháp xử lý hiệu quả. Sớm có giải pháp, lạm phát trong tầm kiểm soát, đời sống người dân và doanh nghiệp sẽ bớt vất vả”, vị Đại biểu nhấn mạnh.
>> Thận trọng chính sách tiền tệ, đề phòng lạm phát
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Phân tích ở góc nhìn rộng hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nhìn về phía cầu, GDP Việt Nam bao gồm tiêu dùng nội địa, đầu tư, cộng với thặng dư thương mại. Trong khi thặng dư thương mại 6 tháng đầu năm rất thấp, chỉ có 0,7 tỷ USD mà dự đoán từ nay đến cuối năm con số này có thể còn thấp hơn.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái, đạt mức 17%, chỉ có tổng đầu tư tăng 9,6% chủ yếu là do đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài, còn đầu tư công vẫn ì ạch. Ngoài đóng góp một chút của đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, phần đóng góp lớn nhất là tiêu dùng trong khu vực dịch vụ, nhất là du lịch bùng lên mạnh mẽ giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm.
Lo ngại suy giảm trong 6 tháng cuối năm nếu lạm phát tiếp tục tăng cao là rất rõ nét, đặc biệt lương thực thực phẩm, tiêu dùng của dân cư sẽ chững lại. Đáng chú ý là lĩnh vực du lịch trong thời gian mùa hè này mới vào giữa hè đã có dấu hiệu chậm lại, chứ không sôi động như cách đây 1-2 tháng. Giá lương thực thực phẩm, lưu trú, vé máy bay tăng cao khiến người dân giảm thiểu đi du lịch, trong khi đây lại là thứ tạo ra tiêu dùng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Do đó, việc ngăn chặn lạm phát từ bên ngoài vào như thế nào để tránh tác động đến tiêu dùng trong nước là cả vấn đề lớn. Hiện nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lớn nhất là giá đầu vào tăng mà giá đầu ra không tăng nữa. Từ đó lợi nhuận của họ sẽ giảm và các doanh nghiệp đang chiếm dụng vốn lẫn nhau. Nguyên nhân xuất phát từ vốn tín dụng ngân hàng khan hiếm, các doanh nghiệp mua hàng của nhau và ghi nợ lên đến khối lượng rất lớn, nhất là trong khu vực xây dựng.
“Vì thế, càng doanh nghiệp nhỏ thì càng chịu áp lực về lạm phát, nợ nần… trong khi cách trực tiếp để hỗ trợ mà chúng ta đang làm vẫn có tính chất nhỏ giọt. Ví dụ gói hỗ trợ 2% lãi suất, trong khi lãi suất đang có khuynh hướng tăng lên khoảng 1- 1,5% thì việc tài trợ 2% lãi suất cũng không thấm vào đâu, cùng với thủ tục phiền hà, còn những khoản tài trợ khác thì chưa có.
Một vấn đề nữa là lạm phát ở các nước đối tác thương mại của Việt Nam sẽ tác động mạnh vào Việt Nam chỉ ngay trong một chuyến hàng đầu tiên. Đơn cử như ở Mỹ – một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, điều đó chúng ta đã nhận ra rất rõ không chỉ có giá xăng dầu, mà giá các nguyên vật liệu cơ bản nhập khẩu đều tăng cả.
Trong khi giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào thì không tăng, như hoa quả, bánh kẹo hàng chế biến của nước ngoài vào thậm chí còn rẻ hơn, nghĩa là nó đang chèn ép đầu ra của chúng ta, tạo xung lực khiến cho nhiều doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp chế biến thực phẩm dần dần bị thôn tính bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng có thể coi là một vấn đề mang tính chiến lược.
Chúng tôi tính toán có khoảng 8-9 ngành kinh doanh của Việt Nam rơi vào nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể như ngành nhựa Việt Nam chỉ còn khoảng 7% tổng doanh thu, ngành bia chỉ còn đâu đó khoảng 7%, nước ngọt còn khoảng 10%, bánh kẹo còn khoảng 5- 6% và đáng buồn nhất là toàn bộ hệ thống bán lẻ của Việt Nam, kể cả bán lẻ ngoài siêu thị và bán lẻ trên mạng cuối cùng đều bị nước ngoài thôn tính.
Đã đến lúc chúng ta cần phải có một chính sách chiến lược tổng thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực này. Tác động lần này của lạm phát vào Việt Nam làm sâu sắc thêm câu chuyện M&A, mua bán sáp nhập trong thời gian tới tăng lên, chủ yếu là buộc các doanh nghiệp phải bán tháo doanh nghiệp của mình cho nước ngoài”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Để các doanh nghiệp có thể ứng phó với lạm phát, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, lạm phát hay chỉ số giá tiêu dùng là điều mà các doanh nghiệp ít can thiệp được, vì điều này không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Cách duy nhất doanh nghiệp có thể làm là thích nghi, do đó, doanh nghiệp cần phải rà soát lại quy trình sản xuất, tìm thị trường mới và nguồn nguyên liệu mới để có giá đầu vào thấp hơn.
Trong một số trường hợp, họ phải hy sinh lợi nhuận để giữ giá ở mức ổn định. Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm soát lạm phát và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của Chính phủ, đó có thể là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, hoặc các chính sách điều tiết thị trường một cách thông suốt.
“Hiện nay, chúng ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, như phân bón, thép hoặc nguyên liệu đầu vào cho dệt may, những nguyên liệu này đều được nhập từ các thị trường có mức lạm phát đang gia tăng. Còn những mặt hàng được kỳ vọng sẽ kiểm soát được giá cả là các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam như là sản phẩm nông nghiệp, nhu yếu phẩm. Điều này rất quan trọng vì lương thực chiếm khoảng 27% tổng tỷ trọng trong rổ tính CPI. Chúng ta sẽ phải bù đắp cho sự tăng giá của các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là nhiên liệu xăng và các sản phẩm khác, cho nên cần cân bằng giữa các mặt hàng ổn định về giá cả và những nguyên liệu nhập khẩu không thể kiểm soát về giá”, TS. Lê Duy Bình nói.
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.