Áp dụng công nghệ sau thu hoạch: “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Ảnh minh họa

Chỉ những sản phẩm xuất khẩu ra những thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Úc… mới quan tâm đúng mức đến kỹ thuật từ nuôi trồng đến bảo quản sau thu hoạch, sao cho sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

Còn lại, rất nhiều sản phẩm nông sản, từ gạo, trái cây, rau quả, thủy hải sản tiêu thụ nội địa thường không được bảo quản sau thu hoạch bằng kỹ thuật hiện đại, nên việc thất thoát là rất lớn. Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước cũng chịu thiệt thòi hơn vì chất lượng sản phẩm mà họ tiêu thụ không cao như hàng xuất khẩu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị, Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp, trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, tổn thất sau thu hoạch nông sản ở Việt Nam rất cao. Cụ thể, tổn thất sau thu hoạch ở cây có hạt là 10%, cây có củ từ 10% – 20%, rau quả là 15% – 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách.

Từ việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch rất yếu, dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người sản xuất nông nghiệp không thể chuyển sang chế biến, bảo quản. Chỉ riêng ngành hàng rau quả Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 đã xuất khẩu trên 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, có đến 65% giá trị xuất khẩu rau quả nằm ở thị trường Trung Quốc, do vị trí địa lý khá thuận lợi, vận chuyển qua đường biên giới chỉ cần ba đến năm ngày giao hàng, nên các DN ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Chỉ có những DN chuyên kinh doanh xuất khẩu nông sản mới chú trọng đầu tư công nghệ sau thu hoạch để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các thị trường khó tính, mặc dù sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực này ngày càng nhiều.

Hiện nay, có nhiều công trình nghiên cứu bảo quản nông sản sau thu hoạch (cả trong và ngoài nước) tạo được kết quả khả quan. Như Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công màng bao gói biến đổi khí quyển (GreenMAP) giúp rau quả tươi lâu gấp ba lần bình thường mà không bị tác động của hóa chất.

Công nghệ này sử dụng đơn giản, chi phí thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đã giảm xuống chỉ còn 5%, nhưng đặc biệt phù hợp cho mục đích chiếu xạ rau quả theo yêu cầu của một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Thụy Sĩ… Màng bao gói GreenMAP hiện được sử dụng cho vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nho (Ninh Thuận)….

Hay sản phẩm máy sấy nông sản cũng được ứng dụng rộng rãi, như máy sấy năng lượng mặt trời (của Công ty cổ phần Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam), công nghệ sấy đảo chiều đa năng trong sấy nông sản của Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp (Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh)… đang được kỳ vọng là giải pháp quan trọng cho một nền nông nghiệp xanh. Thiết bị bảo quản nông sản Airocide của Công ty cổ phần Công nghệ và Thiết bị Airocide (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) sử dụng công nghệ hiện đại của Châu Âu bảo quản các loại trái cây khác nhau như xoài, bơ, thanh long, nhãn, vải, măng cụt, dứa, chuối…

Với khả năng loại bỏ tới 99,9% vi khuẩn, vi rút, nấm mốc và đặc biệt là khí etylen… gây hư hỏng trái cây, kéo dài thời gian bảo quản trái cây, không hóa chất, giữ được độ tươi, ngon, hương vị và màu sắc ban đầu của trái cây trong quá trình bảo quản, vận chuyển.

Trong lĩnh vực thủy sản, có hệ thống làm lạnh thấm, bể hạ nhiệt nhanh, thiết bị làm chết nhanh và sơ chế cá ngừ, hầm bảo quản sản phẩm, hệ thống bảo quản bằng nước biển lạnh… giữ cho đá không bị tan chảy trong suốt quá trình tàu khai thác thủy, hải sản, giúp hải sản bảo quản tốt hơn, cá không bị vỡ ruột, mực không bị đỏ và tróc da, giảm cân, không bị mất giá thành sản phẩm. Đặc biệt là tiết kiệm được nước đá, nhiên liệu trên tàu đánh bắt thủy hải sản.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2 nhận định, tuy không thiếu công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, để giảm thiểu thất thoát sản phẩm hay tăng chế biến nông sản khi nông dân được mùa mà không làm mất giá.

Nhưng thực tế đến nay vẫn chưa giải quyết được là bởi sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ và tự phát. Nhà nông chỉ trồng, mua đứt bán đoạn với thương nhân tại vườn, ruộng. Không đặt nặng (hoặc không có vốn) để đầu tư máy móc thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, nên sản phẩm thô nếu thừa cung thì chịu hạ giá hoặc đổ bỏ mà không có công nghệ để chế biến tinh, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt.