Ảnh hưởng của môi trường đến chất lượng dân số – Sở tài nguyên và môi trường phú thọ

Thứ ba – 07/09/2010 12:15

Bất kỳ một người nào sinh ra và lớn lên đều chịu những tác động của môi trường, được gọi là môi trường sống. Sự tác động của môi trường đến cuộc sống con người là rất lớn, nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ, giống nòi,… cũng như đến trí tuệ và tinh thần của con người – đây là những chỉ tiêu của chất lượng dân số.

Chất lượng môi trường và chất lượng dân số có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Như chúng ta đã biết  nơi nào có điều kiện môi trường tự nhiên thuận lợi như khí hậu ấm áp, địa hình bằng phẳng, không khí trong lành… sẽ có ảnh hưởng tích cực đến khả năng và chất lượng sinh sản, đến tuổi thọ của con người, con người mắc ít bệnh tật hơn, giảm mức chết xuống thấp. Bên cạnh đó, con người được sống trong môi trường xã hội tích cực, lành mạnh cũng sẽ góp phần làm tăng nhận thức, tăng trí tuệ và đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao. Khi con người có nhận thức cao, đời sống được đảm bảo thì ý thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng tốt hơn. Do đó, chất lượng môi trường cũng được cải thiện.

Như vậy, sự tác động của môi trường đến chất lượng dân số là rất quan trọng. Nhưng sự tác động này không chỉ giới hạn một chiều mà còn có sự tác động ngược lại, tác động hai chiều giữa hai yếu tố trên. Chất lượng môi trường đảm bảo sẽ làm tăng chất lượng dân số, ngược lại, chất lượng dân số cao sẽ là điều kiện để chất lượng môi trường được phát triển.

Đất có vai trò rất lớn đối với con người nhưng trong tình hình hiện nay, đất đang bị ô nhiễm trầm trọng, tác động xấu đến con người cả về mặt thể lực, trí lực và tinh thần. Ô nhiễm môi trường đất là hậu quả của các hoạt động của con người làm thay đổi các nhân tố sinh thái, vượt qua những giới hạn sinh thái của các quần xã sinh vật sống trong đất. Sự ô nhiễm là do nhiều yếu tố khác nhau: do các chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nông nghiệp; các tác nhân hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu…; các tác nhân sinh học như trực khuẩn lỵ, thương hàn, ký sinh trùng…; tác nhân vật lý như nhiệt độ, chất phóng xạ… Các chất thải trên chưa qua xử lý đã được đổ trực tiếp xuống đất, gây ô nhiễm nguồn đất.

Một yếu tố quan trọng có tác động đến chất lượng dân số là diện tích đất sản xuất nông nghiệp (SXNN) hiện nay: diện tích đất SXNN của nước ta trải qua nhiều giai đoạn và biến động, hiện nay một thực trạng đang diễn ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nói riêng và chất lượng dân số nói chung là việc thu hồi đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp (KCN). Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2005, cả nước có 130 KCN và khu chế xuất với tổng diện tích 26.520 ha do Chính phủ quyết định thành lập. Ngoài ra còn có trên 200 cụm công nghiệp do UBND các tỉnh thành lập với tổng diện tích 13.991 ha và trên 10.000 ha đất các khu kinh doanh tập trung khác. Điều đáng nói, một số KCN được thành lập trên nền đất “bờ xôi, ruộng mật” của người nông dân, và sau khi bị thu hồi lại bị bỏ hoang. Trong khi đó, bị mất đất nông nghiệp, một bộ phận không nhỏ nông dân đã bị đẩy vào tình trạng nghèo đói và rơi vào các tệ nạn xã hội. Đây chính là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số hiện nay.

Nước cũng là một thành phần không thể thiếu cho hoạt động sống của con người. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ở mức báo động nghiêm trọng. Sự phát triển nhanh chóng các hoạt động công nghiệp, dịch vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với quá trình đô thị hóa và gia tăng dân số đòi hỏi nhu cầu dùng nước ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, tạo ra một sức ép lớn với nguồn nước này. Bên cạnh đó công tác quản lý còn nhiều bất cập trong việc thăm dò, khai thác không có sự quy hoạch, kế hoạch gây tổn hại đến nguồn nước. Ô nhiễm nước ảnh hưởng rấtlớn đến sức khỏe cũng như kinh tế của con người. Mà nguyên nhân chính lại từ con người gây ra do sự thiếu ý thức, trách nhiệm, lợi ích trước mắt của bản thân mà quên đi ảnh hưởng lâu dài của nó.

Như chúng ta đều biết, không khí vô cùng cần thiết trong duy trì sự sống của con người. Chúng ta có thể nhịn ăn, nhịn uống, trong thời gian dài (nhiều ngày) nhưng không thể nhịn thở dù chỉ trong vài phút. Một bầu không khí trong sạch luôn là điều kiện tốt cho sức khỏe, cho cuộc sống của con người. Nhưng hiện nay, bầu không khí đang dần bị biến đổi thành phần, tăng nhiều hơn những chất độc hại và khói bụi – ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề nóng bỏng không chỉ của riêng một quốc gia mà là vấn đề chung của thế giới. Sự tác động tiêu cực đó làm cho sức khỏe con người, tuổi thọ trung bình giảm, bệnh tật gia tăng, suy thoái giống nòi… làm cho chất lượng con người không đảm bảo, chất lượng dân số suy giảm.

Rừng là một tài nguyên tự nhiên vô cùng quý giá đối với con người. Chưa kể đến tính kinh tế cao, trên hết, rừng có tác dụng về mặt tự nhiên rất lớn, có tác dụng điều hòa không khí, thanh lọc không khí, mang lại bầu khí trong lành cho cuộc sống. Rừng được ví như là “lá phổi xanh” của Trái Đất. Ngoài ra, rừng còn có tác dụng giữ đất, chống xói mòn đất, điều hòa lượng mưa và ngăn chặn lũ lụt xảy ra. Nhưng hiện nay, do chỉ tính đến lợi ích kinh tế mà diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp lại. Những hành động phá hoại rừng như chặt phá, khi thác rừng bừa bãi, đốt rừng làm nương rẫy… chưa được kiểm soát chặt chẽ. Diện tích đất rừng che phủ cũng là một chỉ báo biểu hiện chất lượng dân số như thế nào. Có thể, đây là một yếu tố gián tiếp tác động đến chất lượng dân số, vì lợi ích vô tận của rừng không biểu hiện ra ngay trước mắt chúng ta, nó thể hiện lâu dài trong cả cuộc sống mới thấy được hết lợi ích to lớn đó. Và ngược lại, công tác bảo vệ, phát triển rừng để nâng cao diện tích che phủ là một biểu hiện của nâng cao chất lượng dân số, ý thức của người dân, nhận thức của người dân về tác dụng to lớn mà rừng mang lại được nâng cao và trở thành hành động.

Nền kinh tế càng phát triển, các nhà máy, xí nghiệp càng được mở rộng và không ngừng thải các chất hóa học ra ngoài môi trường. Thêm vào đó là rác thải sinh hoạt của dân cư càng làm cho môi trường tự nhiên của con người bị ô nhiễm một cách mạnh mẽ ảnh hưởng lớn tới thể trạng sức khỏe của con người. Mỗi năm chúng ta thải ra hàng trăm nghìn tấn rác thải bao gồm cả chất thải tự nhiên và chất thải hóa học làm cho môi trường sống của chúng ta bị ô nhiễm vô cùng nặng nề gây ảnh hưởng  lớn tới tình trạng sức khỏe. Rất nhiều bệnh tật mới xuất hiện như: ung thư, H5N1, các loại dịch bệnh tả, khuẩn mà virut luôn biến đổi gen kháng thuốc…..

Trước đây, nhà vệ sinh chưa trở thành vấn đề quan tâm của đại bộ phận người dân, nhất là người dân ở nông thôn và vùng núi. Nhưng gần đây, do ý thức được tác hại của việc xây dựng nhà vệ sinh không đúng quy cách, thậm chí không có nhà vệ sinh là nguy cơ của nhiều bệnh dịch (đặc biệt là dịch tả) nên người dân đã có ý thức hơn về tầm quan trọng và sự cần thiết phải có một nhà vệ sinh an toàn, hợp lý. Tỷ lệ gia đình có hố xí tự hoại và bán tự hoại tăng nhanh đột biến, không chỉ ở thành thị mà đặc biệt ở nông thôn ý thức người dân được nâng lên – một biểu hiện quan trọng của chất lượng dân số. Đồng thời, nó ngăn chặn được sự phát sinh của nhiều dịch bệnh cho con người, trong đó đặc biệt là dịch tả, đảm bảo sức khỏe an toàn cho con người.

Từ những thực trạng môi trường và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống người dân chúng ta thấy rằng, môi trường có tác động rất lớn và trực tiếp đến chất lượng dân số. Chất lượng môi trường và chất lượng dân số có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chất lượng môi trường là cơ sở cho chất lượng dân số, còn chất lượng dân số là tiền đề cho chất lượng môi trường.

Vì thế, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường để nâng cao chất lượng dân số. Con người vẫn là nguyên nhân chủ quan chính yếu của mọi vấn đề nảy sinh trong xã hội. Vì thế, trong bất cứ giải quyết vấn đề nào thì việc tác động đến ý thức người dân là điều đầu tiên cần phải thực hiện. chất lượng môi trường có tác động trực tiếp đến tác động dân số, chất lượng dân số ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội.