Anh hùng Lao động Thân Đức Nam: ‘Làm giàu chân chính là yêu nước’
Ông Thân Đức Nam:
Những người làm kinh doanh thường hay nói đến thời cơ. Hơn thua nhau ở chỗ nhìn ra cơ hội trước người khác và biến cơ hội đó thành của mình.
Năm 2000, tôi được biết lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất trăn trở việc mở rộng không gian đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Sau những chuyến tham quan, nghiên cứu việc mở rộng đô thị ở các quốc gia có diện tích đất nhỏ hẹp, tỉnh Quảng Ninh quyết định lấn biển để để phát triển thành phố Hạ Long.
Do kinh phí từ ngân sách còn hạn chế, tỉnh đề ra chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Đây là mô hình đầu tư khá mới mẻ nên hầu hết các doanh nghiệp đều e ngại, không dám “nhảy” vào. Có người lập dự án rồi nhưng… bỏ đi vì thấy mạo hiểm.
Anh hùng Lao động Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Bản thân tôi lúc đó thì nhận ra đây là cơ hội lớn cho những đơn vị kinh doanh địa ốc. Bởi thành phố Hạ Long nhỏ hẹp, phần lớn đất đai là đồi núi. Mật độ dân cư trong đô thị lúc đó rất cao, nhiều hộ dân có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Vì vậy, nếu tạo ra sản phẩm thì không lo bị ế. Vì vậy, tôi bàn với lãnh đạo Cienco 5 trình bày ý tưởng đầu tư vào dự án đô thị tại Hạ Long.
Sau khi ra Hạ Long tìm hiểu, đánh giá kỹ lưỡng, lãnh đạo Tổng Công ty giao tôi xúc tiến thực hiện các thủ tục. Với uy tín của Cienco 5 cùng nỗ lực của bản thân và sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, của TP Hạ Long, năm 2001, dự án lấn biển quy mô 30 ha tại khu vực Vựng Đâng – TP hạ Long đã khởi công.
Một vùng nước tù hoang vắng đã biến thành một công trường rầm rập đêm ngày. Người dân tranh nhau đăng ký mua hết đất khi mặt bằng dự án còn chưa san lấp xong. Phát huy thành quả đó, Chi nhánh tiếp tục thực hiện dự án Cao Xanh rộng 70 ha. Thắng lợi từ 2 dự án này đã khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào các dự án đô thị, góp phần làm thay đổi diện mạo ở vùng đất Di sản Thế giới.
Ông Thân Đức Nam trao quà cho trẻ em
Năm 2002- 2003, Cienco 5 đang gặp khó khăn, nhiều đơn vị trực thuộc cũng nằm trong thực trạng “sống dở chết dở” do quản lý lỏng lẻo và đầu tư kém hiệu quả.
Ban lãnh đạo Cienco 5 đặt vấn đề “cứu” Công ty 507- đơn vị thành viên của Cienco 5 (đóng tại Đăk Lăk) đang làm ăn thua lỗ. Chúng tôi phải sáp nhập, dùng nguồn lợi nhuận từ hai dự án thành công ở Quảng Ninh để tái cơ cấu bộ máy Cty 507 gồm 35 xí nghiệp với hơn 500 công nhân cùng số tiền thua lỗ gần 90 tỷ đồng. Sau khi được sắp xếp, giải thể các xí nghiệp làm ăn kém hiệu quả, Công ty 507 tiếp tục đứng vững, làm ăn có lãi.
Tháng 7-2004, tôi được Bộ GTVT điều về làm quyền Tổng giám đốc Cienco 5 khi Tổng Công ty bên bờ vực phá sản. Bấy giờ, với số nợ quá lớn lên đến 2.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ hơn 100 tỷ nhưng đã thua lỗ hơn 600 tỷ.
Sau khi đánh giá tình hình, xem xét phương án khắc phục do Ban lãnh đạo mới của Cienco 5 đưa ra, Chính Phủ và Bộ GTVT đã quyết định giữ lại một doanh nghiệp Nhà nước vốn xuất thân từ Ban Xây dựng 67 Anh hùng có đóng góp nhiều công lao, xương máu trong kháng chiến, gắn liền với việc xây dựng, bảo vệ con đường Trường Sơn huyền thoại, nay là đường Hồ Chí Minh.
Nhờ đó, một số khoản nợ đến hạn được khoanh lại, những công trình mà đơn vị đã hoàn thành được đẩy mạnh nghiệm thu, thanh toán. Cùng với hiệu quả từ hàng loạt các công trình, dự án được quản lý theo tiêu chuẩn mới, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên lao động, Cienco 5 từng bước cân đối về tài chính và thặng dư vốn. Từ chỗ thua lỗ âm vốn với số tiền lớn, đến thời điểm cổ phần hóa (năm 2014) vốn chủ sở hữu của Cienco 5 là 435 tỷ đồng.
Tháng 1-2011, tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Danh hiệu này có sư chung sức, đồng long và là thành quả chung của những cán bộ công nhân viên đã dốc tâm, dồn lực với ban lãnh đạo Cienco 5.