Ðăng Hà với triển vọng trồng dâu nuôi tằm
“…nuôi tằm ăn cơm đứng”
Người xưa có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ngụ ý muốn nói, nuôi lợn thì nhàn nhã, có nhiều thời gian nghỉ ngơi, còn nuôi tằm vất vả, bận rộn cả ngày. Thế nhưng, nhiều hộ dân tại xã Đăng Hà vẫn chọn nghề “ăn cơm đứng” để cải thiện thu nhập gia đình.
Là một trong những hộ tiên phong trồng dâu nuôi tằm, gia đình anh Mai Xuân Doanh ở thôn 3, xã Đăng Hà đang sở hữu hơn 1 ha rẫy trồng dâu và 300m2 nhà xưởng đủ để nuôi 2 hộp tằm/lứa. Đến thăm nhà anh Doanh trong thời kỳ tằm ăn rỗi, chúng tôi phần nào hiểu hết ý nghĩa của câu “ăn như tằm ăn rỗi”. Anh Doanh chia sẻ: Đây là thời kỳ vất vả nhất, mỗi ngày hết gần 4 tạ dâu. Gặp hôm mưa gió, chỉ riêng việc cắt dâu cho tằm ăn, vệ sinh cho tằm cũng mất tới 3 công. Gia đình tôi phải trang bị thêm máy băm dâu. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp nuôi tằm trên nền đất để tiết kiệm thời gian và công lao động.
Anh Mai Xuân Doanh (trái) giới thiệu mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình
Anh Mai Xuân Doanh (trái) giới thiệu mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình
Nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm có nhiều triển vọng khi chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư không cao, cây dâu sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, gia đình anh Mai Kỳ Khánh ở thôn 4 cũng đã đầu tư trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, sau 2 năm gầy dựng, anh Khánh có 5 sào dâu và khu nhà nuôi tằm rộng gần 100m2.
Hiệu quả gấp 4 lần trồng điều
Với kinh nghiệm hơn 3 năm theo nghề trồng dâu nuôi tằm, anh Doanh cho biết, ưu điểm của nghề này là chi phí sản xuất thấp, thức ăn được lấy từ cây dâu trồng sẵn trong vườn, việc chăm sóc tằm tận dụng được lao động nhàn rỗi ở mọi lứa tuổi, trình độ cũng như sức khỏe khác nhau. Kỹ thuật chăm sóc tằm cũng khá đơn giản. Người nuôi ngoài cho tằm ăn đầy đủ, khu vực nuôi cần phải quây kín để hạn chế các loại côn trùng xâm nhập gây bệnh cho tằm. Ngoài ra, người nuôi chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ và phòng trừ bệnh tốt là con tằm cho kén đều, tơ đẹp.
“Trồng dâu nuôi tằm tuy cực hơn so với trồng điều, lúa nhưng thu nhập cao gấp nhiều lần. Với 1 ha dâu, mỗi năm tôi thu khoảng 1,6 tấn kén. Thời điểm giá kén 120 ngàn đồng/kg, mỗi năm thu gần 200 triệu đồng, năng suất gấp 4 lần so với 1 ha điều. Ngoài ra, phân tằm là loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, hằng năm còn tiết kiệm cho gia đình một khoản chi phí phân bón cây trồng khác” – anh Doanh khẳng định.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên giá kén trên thị trường giảm sâu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu. Tuy nhiên, nếu lấy công làm lời, người nuôi vẫn sống khỏe với nghề trồng dâu nuôi tằm.
Anh Mai Kỳ Khánh ở thôn 4, xã Ðăng Hà
Cũng chỉ với 5 sào trồng dâu, thời điểm giá kén ổn định, mỗi tháng gia đình anh Khánh thu hơn 10 triệu đồng. Anh Khánh chia sẻ, ưu điểm ở nghề trồng dâu nuôi tằm là con giống được công ty cung cấp, giá mỗi hộp chỉ 500 ngàn đồng, sau 15 ngày nuôi cho thu hoạch khoảng 45kg kén. Với giá bán 100 ngàn đồng/kg cũng đã mang về cho người nuôi 4,5 triệu đồng/lứa. Để tiết kiệm công chăm sóc, anh Khánh còn thay đổi phương pháp từ truyền thống trên nong tre sang nuôi trực tiếp dưới sàn xi măng. Với phương pháp này, khi tằm đến độ tuổi chín, người nuôi chỉ cần đưa kén vào khu vực nuôi, theo phản xạ tự nhiên, tằm sẽ tự bò vào làm tổ. Điều này tiết kiệm được rất nhiều công chăm sóc khi người nuôi không còn phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn. Ngoài ra, nuôi tằm trên nền xi măng còn tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm ít bị bệnh, phát triển tốt.
Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà cho biết: Đăng Hà là xã thuần nông với hơn 70% số hộ dân tộc thiểu số sinh sống. Thời gian gần đây, cây điều mất mùa, mất giá nên nhiều hộ đã chuyển đổi trồng dâu nuôi tằm và bước đầu cho nguồn thu ổn định. Nhận thấy triển vọng từ mô hình kinh tế này, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, hội đã tạo điều kiện cho 3 hội viên vay, với số tiền 150 triệu đồng để thực hiện. Trồng dâu nuôi tằm là mô hình kinh tế còn mới ở xã. Do đó, người dân phải hết sức cẩn trọng khi triển khai thực hiện, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tạo điều kiện để hội viên nông dân tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm mô hình này. Nếu chủ động được đầu ra, chúng tôi sẽ xem xét nhân rộng ra toàn xã.