Ấn tượng từ mùi cỏ cháy – vhnt.org.vn
1. Khắc nghiệt và khốc liệt
Xem xong phim, một trong những cái đọng lại là sự khắc nghiệt và khốc liệt của đời lính và chiến trận. Phim được cấu trúc từ 2 phần: phần một là thời tân binh và quá trình huấn luyện, sau đó là hành quân vào chiến trường. Phần hai là cuộc chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nếu phần 1, các nhà làm phim đã mô tả khá kỹ, khá đầy đủ đời bộ đội trong thời kỳ huấn luyện: thường là 3 tháng, 6 tháng ở hậu phương với những gian khổ vất vả, thậm chí có lúc nghiệt ngã theo khẩu hiệu: thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, quân lệnh như sơn; thì ở phần 2: sự khốc liệt, bi tráng đã được phản ánh tối đa, không né tránh. Hai tính chất này đã được hiện lên ở mức dồi dào trong mỗi cảnh phim và khán giả hoàn toàn bị thuyết phục, tuy rằng có lúc cũng hơi bội thực. Những người lính trẻ mới rời giảng đường khoa văn nhập ngũ rất trong sáng hồn nhiên, có chút sách vở mơ mộng, lần đầu tiên được rèn tập trong kỷ luật sắt của quân đội, đôi lúc cảm thấy mình bị quá tải và quá sức chịu đựng, nhưng rồi họ vẫn hăng hái nhẫn nại vượt qua thời kỳ tân binh khổ ải và vui vẻ lên đường đi chiến đấu. Tác giả kịch bản là người trong cuộc cho nên đã mô tả rất chân thực các chi tiết có thực của đời tân binh: được B trưởng luôn theo sát uốn nắn từng ly từng tý, bị quở phạt khi làm sai động tác khoa mục, luôn bị bất ngờ báo động tập hợp chuyển quân,… mặt khác những người lính trẻ cũng tinh nghịch ranh ma hết cỡ: đi chơi công viên, đùa với tượng cô gái; có lúc tụ tập ngầm chơi bài…, có lúc lỉnh một mình đi yêu… Mỗi người lính mỗi hoàn cảnh, nhưng họ có nét chung là thường nhớ mẹ, ít nhớ bố (do còn trẻ quá), đều ném các lá thư nhờ người dân nhặt và gửi hộ về nhà trên đường hành quân, và trên hết đều ý thức về nhiệm vụ đi chiến đấu thống nhất tổ quốc… Họ đều được người dân ở mỗi nơi đóng quân yêu thương như con cháu. Ai đã từng đi bộ đội đều đồng cảm với những cảnh phim đượm đà tính chất thực tế như vậy. Tuy nhiên, giai đoạn huấn luyện và hành quân, dù vất vả hành xác, dẫu sao cũng còn khá yên bình dịu ngọt trong đời lính trận vì vẫn có những phút uống chè xanh ăn khoai và đi yêu đi chơi, đánh bài véo tai, đấu láo, làm thơ, viết thư…
Sau đó, những cảnh phim về chiến trận ở thành cổ Quảng Trị vụt lên với giọng điệu quyết liệt mất còn đã khai thác tối đa sự khốc liệt mất mát hy sinh. Qua số phận 4 người lính: Hoàng, Thành, Thăng, Long, duy nhất chỉ còn Long may mắn sống sót, các nhà làm phim đã làm bật lên sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong mùa hè đỏ lửa. Mỗi chiến sĩ thương vong một cách riêng: Long hy sinh từ đầu do pháo kích, cây đàn ghi ta của anh bị cháy và dập nát, Thành trúng đạn vào ngực khi lao lên đâm lê, Thăng bị bắn từ phía sau khi đang nối dây điện thoại, Hoàng bị thương nặng do mảnh pháo. Và cả đại đội hơn 150 người khi vượt sông Thạch Hãn chỉ còn lại 49 người sống sót…
Chiến trận khốc liệt được thấy rõ qua bối cảnh chiến trường tả tơi bởi các loại hỏa lực. Mặc dù bị hạn chế về kinh phí (chỉ có 5 tỷ), nhưng nhờ sự giúp đỡ chí tình của các đơn vị quân đội và các công ty tài trợ thêm, cho nên phần bối cảnh chiến trận đã đạt mức hoành tráng, làm bớt đi nhiều cảm giác kém xa so với thực tế. Nhiều cảnh quay ban đêm, cuộc vượt sông, chiến đấu… là những cảnh khó đã hiện lên chân thực và có không khí. Đặc biệt, không như nhiều phim truyền thống cùng đề tài, sự mất mát hy sinh to lớn cũng như lòng quả cảm… của cả hai phía đều ở mức gần như tương đương, cho nên cũng làm giảm bớt cảm giác tự đề cao hoặc một chiều. Khi thấy người lính cộng hòa chết phơi thây không ai chôn cất, một người lính Bắc Việt đã thương xót và khuyên đồng đội: ta nên chôn cất cho anh ta, anh ta cũng có cha mẹ có người thân… Nét nhân văn đó tuy trong chiến trận là hiếm hoi, nhưng hoàn toàn không cường điệu bởi bản chất của người Việt là biết thương người như thể thương thân. Mưa bùn lầy lõng bõng chiến hào, cánh tay một chiến sĩ bị phi pháo cắt đứt ép bắn tung lên nằm chỏng chơ, mật độ đày đặc của bom đạn… Súng AK đều bắn hết cơ số đạn, đến nỗi chiến sĩ Thành phút lâm nguy không tìm thấy khẩu súng nào còn đạn và anh phải dùng tới lưỡi lê… Cuộc tử chiến một mất một còn, ngang tài ngang sức hiếm có trong các phim chiến tranh của nước ta đã hiện lên trong phim này một cách ác liệt máu lửa, nhưng không lên gân hay cố tình bi thảm hóa mà gần với thực tế. Thành công này trước hết là ở tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, người trong cuộc như anh bộc bạch: anh chính là nhân vật Hoàng, may mắn bị thương sớm nên còn sống và chứng kiến kể lại cuộc đối đầu lịch sử trên cơ sở kết hợp với nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc… Từ sự hiểu biết trực tiếp và có tâm huyết trăn trở cộng với tài năng sáng tác, tác giả kịch bản đã làm nên một bản tráng ca khá hùng hồn chân thực và nhân bản. Trao giải kịch bản xuất sắc cho Hoàng Nhuận Cầm là công bằng! Đạo diễn Hữu Mười với vai trò đạo diễn chính đã làm khá tốt công tác thể hiện. Hầu như khó thấy những lỗi thường thấy trong nhiều phim chiến tranh, như: lời nói chưa phải của thời đó, của lính trận…, phục trang hay hóa trang sai, bối cảnh sơ sài hoặc quá ước lệ. Duy nhất một vấn đề khó khắc phục, như tình trạng chung hiện nay, là hầu hết các nhân vật đều quá béo và trắng trẻo đẹp đẽ hơn nhiều so với người Việt Nam nói chung vốn xanh, gầy và khắc khổ ở thập kỷ 70 TK XX. Mặt khác, phía đối phương, hầu như kịch bản và đạo diễn mới chỉ phản ánh bề mặt lướt qua mà chưa đi vào nội tình, nội tâm… cho nên có phần giảm sức nặng cần có của phim.
2. Tính hài hước vui vẻ hồn nhiên của đời lính:
Đây là một nét thực tế của người lính, nhất là bộ đội tân binh mà nếu bỏ qua, phim này sẽ mất đi sự chân thực. Các nhà làm phim đã đưa lên khá nhiều hoạt cảnh như vậy. Như: cảnh bộ đội chơi bài, đàn hát vui tếu hát xuyên tạc lời hát Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn. Sau đó họ bị B trưởng phạt. Cảnh một chiến sĩ làm sai động tác khoa mục cận chiến 2 lần, lần 1 – lệnh: đả hạ lại thành đả thượng vào hình nhân, lần 2 vẫn thế và vô tình va phải hạ bộ B trưởng khiến anh này khi vợ lên thăm dở khóc dở cười. Thậm chí các nhà làm phim còn không ngần ngại đưa cả cảnh giả trang nữ của chiến sĩ Thành và cho anh nhiều lần hát chèo, có lần ngay giữa hai trận đánh. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi thì những cảnh này gây cảm giác ước lệ không đắc địa và chiếm thời gian màn ảnh hơi nhiều; dù rằng việc này trong hoàn cảnh bộ đội chiến đấu không phải không có. Những cảnh về 4 chiến sĩ trẻ đi chơi công viên và chụp ảnh bên bức tượng cô gái cũng gây được không khí tươi trẻ hồn nhiên. Cái hài hước này được đưa thành đỉnh điểm khá đắt gây cười chua chát cho khán giả khi mô tả ông chụp ảnh công viên vội vã tới đưa ảnh cho các chiến sĩ khi họ lên đường. Sau đó ông tranh thủ chớp lấy hình ô tô chở bộ đội lăn bánh. Bất đồ, ông bị dân quân tóm và giải đi với giải thích: không được làm lộ bí mật quân sự!
3. Tình cảm gia đình, hậu phương, tình quân dân, tình yêu
Như một tất yếu, phim về người lính không hoặc ít khi tách rời cái nền quan hệ với những người ở hậu phương. Mùi cỏ cháy cũng đã làm bật lên được một cách khá dày dặn mảng tình cảm này. Trước hết là gia đình người lính: Long có cha mẹ vừa ra tòa ly dị khi anh mới nhập ngũ, anh đã nén nỗi buồn để ra trận. Cảnh bà con nơi đóng quân chăm lo thương mến bộ đội trẻ như con em mình. Cảnh đồng loạt các chiến sĩ trên đường hành quân bằng ô tô ném vội thư xuống vệ đường và các bà các chị nông dân nhặt lên gửi hộ. Một chiến sĩ yêu cô thôn nữ và họ hẹn mai sau đính ước nhưng anh đã hy sinh ngay khi tới chiến trường, các đồng đội tìm kỷ vật của anh để gửi về cho cô gái, song kỷ vật là chiếc khăn thêu đẫm máu cho nên họ sợ cô gái đau lòng, đành chôn kỷ vật theo liệt sĩ. Những người thân và những người lính luôn kết nối nhau như thần giao cách cảm mỗi lúc nguy nan tử sinh. Hình ảnh chiếc chổi lông gà rơi khỏi tay người mẹ, bóng người trắng hiện về nhà… như báo điềm xấu, đã nói lên tâm linh truyền thống của người Việt; dù họ là ai và ở đâu cũng thường quan tâm về nhau.
4. Chất thơ và ẩn dụ
Phim hầu hết mang thực tế khắc nghiệt khốc liệt song điểm xuyết chất thơ và ẩn dụ tạo những sâu lắng. Đó là cảnh cây đàn ghi ta của 4 chiến sĩ Hoàng, Thành, Thăng, Long bị trúng bom cháy sém và lụi tàn dần. Cảnh thả hoa tưởng niệm những người hy sinh năm xưa trên dòng Thạch Hãn, những phút giây đọc thơ hoặc viết thư cho người yêu của Hoàng với mơ ước dự báo hòa bình, cảnh hồi niệm rưng rưng bên cổ thành của cựu chiến binh Hoàng… Tất cả đều góp phần nói lên khát vọng tình yêu hạnh phúc, lên án chiến tranh đã vùi dập tuổi trẻ, ca ngợi những người lính trẻ đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước. Những người lính đó không bao giờ muốn tìm kiếm vinh quang trong chiến đấu mà chỉ muốn hòa bình để được về nhà, thậm chí là về chỉ để được mẹ quất rát mông khi bị phạt lỗi – như lời tâm sự của một chiến sĩ lúc còn sống trong nhóm 4 người. Ai đã qua tuổi 20 đời lính đều hoàn toàn đồng cảm với tâm lý của người lính trẻ đã tử trận đó. Khác chăng là may mắn hơn, có người còn sống để mà nhớ và kể lại.
Vì vậy, chúng ta hoan nghênh các nhà làm phim, đặc biệt là tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Hữu Mười đã tái hiện lại một quá khứ bi tráng khốc liệt, đượm chất thơ sâu lắng, đa diện…; tránh được sự sơ lược về một đề tài không bao giờ cũ. Tuy chưa đạt tầm cao như mong muốn để được chọn trao giải vàng tại LHPVN lần thứ 17, nhưng Mùi cỏ cháy thực sự là một đóng góp mới, hay, vào dòng phim chiến tranh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 335, tháng 5-2012
Tác giả : Đặng Minh Liên
Đánh giá post