An toàn vệ sinh thực phẩm – vấn đề nhức nhối hiện nay | Tạp chí Quản lý nhà nước
(Quanlynhanuoc.vn) – Khi xã hội phát triển thì mức sống của người dân ngày càng tăng cao, kèm theo đó là những yêu cầu khắt khe về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhu cầu ăn uống hằng ngày. Vì vậy, trong những năm gần đây, hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn và thực phẩm hữu cơ, thực phẩm nhập khẩu ra đời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự ra đời hàng loạt các cơ sở này đã tạo nên sự hỗn loạn trong thị trường thực phẩm, như: thực phẩm bẩn – thực phẩm sạch, hàng giả – hàng thật, thực phẩm “ngậm” hóa chất… Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân phải trở thành người tiêu dùng thông thái; các nhà lãnh đạo, quản lý cần nâng cao công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khái niệm về an toàn vệ sinh thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) hay ATTP hiểu theo nghĩa hẹp là dùng để mô tả việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra. Vệ sinh ATTP cũng bao gồm một số thói quen, thao tác trong khâu chế biến cần được thực hiện để tránh các nguy cơ sức khỏe tiềm năng nghiêm trọng. Hiểu theo nghĩa rộng, vệ sinh ATTP là toàn bộ những vấn đề cần xử lý liên quan đến việc bảo đảm vệ sinh đối với thực phẩm nhằm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là một vấn đề và nguy cơ rất lớn mà các nước đang phát triển đã và đang phải đối mặt, như: Việt Nam, Trung Quốc….1.
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiểu một cách đơn giản chính là giữ cho thực phẩm luôn sạch và bảo đảm vệ sinh cho người sử dụng. Những thực phẩm bảo đảm vệ sinh cần được kiểm nghiệm và trải qua quá trình công bố sản phẩm nghiêm ngặt, có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền2.
Hiện nay, vấn đề giữ ATVSTP không chỉ dành riêng cho một cá nhân nào đó mà vấn đề này trở thành vấn đề chung của toàn xã hội. Vì vậy, giữ vệ sinh thực phẩm chính là bảo đảm lợi ích chung của tất cả mọi người. Hậu quả mà chúng ta thấy rõ được trước mắt khi không giữ gìn ATVSTP đó chính là lượng người ngộ độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca ngộ độc, nặng hơn nữa là các căn bệnh ung thư ruột, dạ dày, đại tràng… mà nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm bẩn gây ra.
Các quy định về an toàn thực phẩm
Quản lý chất lượng ATVSTP là việc bảo đảm chất lượng thực phẩm được cung ứng ra thị trường tiêu thụ. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP, đặc biệt chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP, như: Luật ATTP năm 2010; Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; Quyết định số 963/QĐ-ATTP ngày 16/11/2017 của Cục An toàn thực phẩm về việc chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP; Công văn số 3244/BYT-ATTP ngày 11/6/2018 về việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về ATTP, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới…
Ngoài ra, một số hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm đã được ban hành, như: tiêu chuẩn ISO 9001; tiêu chuẩn GMP; tiêu chuẩn HACCP; tiêu chuẩn ISO 22000; theo nguyên tắc 5S; tiêu chuẩn GAP; tiêu chuẩn BAP; tiêu chuẩn BRC; tiêu chuẩn SSOP…
Như vậy, mỗi văn bản đều có những đặc điểm nổi bật riêng biệt về việc bảo đảm chất lượng ATTP. Đồng thời, những văn bản này vừa bảo đảm về quản lý nhà nước vừa bảo đảm về chất lượng ATTP cho người tiêu dùng.
Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm
Hiện nay, thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường từ các chợ dân sinh cho đến các cửa hàng trực tuyến; tình trạng mất ATVSTP ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nhức nhối, chưa có cách giải quyết triệt để. Hầu hết các thực phẩm này không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng khó để lựa chọn được các sản phẩm bảo đảm cho sức khỏe.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã sử dụng các hóa chất kích thích tăng trưởng, cám tăng trưởng trong chăn nuôi, trong chế biến nông, thủy sản; sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa, hóa chất tạo màu, tạo mùi cùng vô vàn những loại hóa chất độc hại khác. Tất cả những thành phần hóa chất độc hại này đều ngấm vào thực phẩm và chúng ta lại dùng để làm thức ăn hằng ngày.
Mặt khác, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm bị nhiễm độc từ môi trường, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, tưới tiêu trong nông nghiệp làm tăng nguy cơ rau, quả nhiễm hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh. Các cơ sở chế biến không bảo đảm đúng quy trình chế biến, không có giấy phép đủ tiêu chuẩn ATVSTP, môi trường làm việc không bảo đảm vệ sinh… Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ATVSTP gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Việc không bảo đảm ATVSTP đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe giống nòi và môi trường sống. Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng gây tử vong vì sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn. Trong những năm gần đây, một vài trường mầm non, tiểu học đã sử dụng thực phẩm bẩn gây ngộ độc tập thể cho các em học sinh, các cháu mầm non, như: “Trưa ngày 09/9/2020, Trường Tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) có tổ chức bữa ăn cho các em học sinh bán trú. Đến 15 giờ cùng ngày, nhà trường có thêm bữa phụ là sữa học đường. Đến 21h ngày 09/9, một học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cứu”3… làm bức xúc và gây mất lòng tin của các bậc phụ huynh.
Ngoài ra, tỉ lệ ung thư ngày càng tăng, như: ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng… có nguyên nhân không nhỏ từ chính tình trạng thực phẩm bẩn.“Năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015 lên đến 150.000 ca/năm. Các nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000. Theo các chuyên gia, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá chiếm 30%, yếu tố di truyền chỉ 5-10%, còn lại là các nguyên nhân khác”4.
Vấn nạn vi phạm tiêu chuẩn ATTP xảy ra ở một số nơi gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Chỉ riêng Hà Nội “Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập 828 đoàn kiểm tra ATTP, trong đó 719 đoàn liên ngành. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 18.064 lượt cơ sở; trong đó tuyến thành phố kiểm tra 4.197 lượt cơ sở; tuyến quận, huyện kiểm tra 13.867 lượt cơ sở. Số cơ sở vi phạm là 4.568 cơ sở (phạt tiền 3.137 cơ sở, nhắc nhở 1.431 cơ sở)”5.
Thực tế trên cho thấy, thực trạng vi phạm ATVSTP đang ở mức “báo động đỏ” vô cùng nguy cấp do vấn nạn “thực phẩm bẩn” tràn lan khắp thị trường. Thực phẩm không bảo đảm về chất lượng có mặt ở khắp mọi nơi, được bày bán công khai rộng rãi và người tiêu dùng hàng ngày vẫn phải sử dụng mà có thể không biết hoặc đành phải chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau. Thực phẩm quá hạn được “phù phép” và tiếp tục cung cấp cho người tiêu dùng, gạo làm từ nhựa, trứng giả… cùng rất nhiều vấn đề liên quan đến ATVSTP đang diễn ra hằng ngày trong đời sống.
Bên cạnh đó, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân thực hiện cách ly xã hội nên việc sử dụng các loại thực phẩm cũng tăng theo nhu cầu và số lượng người mua hàng trên các kênh trực tuyến ngày càng gia tăng. Lợi dụng điều này, một số cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả, hàng kém chất lượng được “phù phép” trở thành hàng nhập khẩu nhằm kiếm lời đang làm mưa làm gió trên các kênh trực tuyến đã khiến công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình trạng đó, ngày 08/4/2021, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021. Theo đó, Chiến dịch tuyên truyền về kế hoạch diễn ra từ 15/4-15/5/2021. Với mục tiêu nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Đồng thời, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP6.
Có thể nói, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, việc triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm.
Một số giải pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm
Một là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ATVSTP; phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tăng cường hoạt động quản lý, chỉ đạo về ATVSTP tại các địa phương; nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chế độ kiểm tra 3 bước tại các cơ sở kinh doanh ăn uống: nguồn thực phẩm nhập vào; quá trình chế biến thực phẩm; kiểm tra mẫu thức ăn lưu… Có chế tài xử lý mang tính quyết liệt, xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm ATVSTP. Đồng thời, lập và phổ biến rộng rãi trong Nhân dân về đường dây nóng chuyên phản hồi các sai phạm liên quan đến ATVSTP trên từng địa bàn.
Hai là, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chế biến thực phẩm; thực hiện đăng ký đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Bố trí khu vực chế biến thực phẩm hợp lý, bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, cách biệt với nguồn ô nhiễm. Thực phẩm chế biến có nguồn gốc rõ ràng, an toàn; không sử dụng những chất cấm trong quá trình sản xuất, như: chất phụ gia, hóa chất độc hại, chất tẩy rửa… Sản phẩm cần ghi rõ tên thực phẩm, thành phần, ngày sản xuất, ngày hết hạn, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm để người tiêu dùng nắm rõ được những thông tin liên quan đến thực phẩm.
Ba là, người tiêu dùng hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái, tự trang bị những hiểu biết về chất lượng thực phẩm, ATVSTP. Luôn lựa chọn thực phẩm sạch, thịt cá, rau củ tươi sống. Với những thực phẩm nhập khẩu cần xem rõ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, không sử dụng sản phẩm quá hạn, tránh xa những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Bảo quản và chế biến thực phẩm kỹ lưỡng, ăn chín, uống sôi bảo đảm đúng ATVSTP. Những thực phẩm đã bảo quản quá lâu, đã hết hạn không nên sử dụng mà nên loại bỏ để tránh trường hợp ngộ độc thực phẩm. Khi phát hiện các vi phạm liên quan đến ATVSTP của cơ sở là nhà hàng, cửa hàng ăn uống… cần sớm trình báo với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Chú thích:
1. An toàn vệ sinh thực phẩm là gì? https://atvstp.org.vn, ngày 09/11/2021.
2. Nơm nớp những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học. https://baophapluat.vn, ngày 18/11/2021.
3. Thực phẩm bẩn – nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam. https://ancan.com.vn, ngày 19/11/2021.
4. Hà Nội: Hơn 4.560 cơ sở bị xử lý vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. https://thanglong.chinhphu.vn, ngày 17/11/2021.
5. Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 08/4/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội về Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021. https://thuvienphapluat.vn, ngày 17/11/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
2. Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thức phẩm trong tình hình mới.
ThS. Hoàng Thị Hậu
Học viện Hành chính Quốc gia